U nguyên bào thần kinh đệm ít nhánh là một trong những bệnh thuộc nhóm u nguyên bào thần kinh. Các dấu hiệu và triệu chứng có thể bao gồm co giật và đau đầu. Yếu hoặc liệt có thể xảy ra ở phần cơ thể được chi phối bởi các tế bào thần kinh bị ảnh hưởng bởi khối u. Hãy cùng Pharmacity tìm hiểu về những điều cần biết về u tế bào thần kinh đệm ít nhánh qua bài viết dưới đây.
Tổng quan chung
Tế bào thần kinh đệm giữ vai trò nâng đỡ, gồm nhiều loại tế bào khác nhau như:
- Hệ thần kinh ngoại vi với tế bào Schwann và tế bào vỏ bao.
- Hệ thần kinh trung ương với tế bào biểu mô nội tủy, vi bào đệm, ít nhánh và tế bào sao.
U tế bào thần kinh đệm ít nhánh (oligodendroglioma) là khối u phát triển từ các tế bào thần kinh đệm (oligodendrocytes). Những tế bào này tạo ra chất béo màu trắng (myelin) bao phủ các dây thần kinh. Myelin giúp các tín hiệu (xung động) truyền dọc theo dây thần kinh hiệu quả hơn. U tế bào thần kinh đệm ít nhánh chủ yếu được tìm thấy ở thùy trán của não, có thể bắt đầu tại tủy sống nhưng rất hiếm.
Triệu chứng u tế bào thần kinh đệm ít nhánh
Các triệu chứng có thể bao gồm:
- Đau đầu
- Cảm giác tê
- Gặp vấn đề với chuyển động và giữ thăng bằng
- Gặp khó khăn khi suy nghĩ
- Khó nhớ
- Co giật.
Nguyên nhân
Nguyên nhân gây ra bệnh u tế bào thần kinh đệm ít nhánh vẫn chưa được xác định rõ cụ thể. Tuy nhiên, một số trường hợp bị u thần kinh đệm ít nhánh có những bất thường về nhiễm sắc thể (nhận biết được). Và dường như bất thường về nhiễm sắc thể có liên quan đến sự tiến triển của bệnh.
Nhiễm sắc thể 1 và 19 đã được phát hiện là có liên quan đến phản ứng của u tế bào thần kinh đệm ít nhánh với việc điều trị. Oligodendrogliomas cũng có thể có đột biến gen IDH1, trong trường hợp đó bệnh có tiên lượng thuận lợi hơn. Nhìn chung, so với các u thần kinh đệm thâm nhiễm khác, u thần kinh đệm ít nhánh có tiên lượng tốt hơn và đáp ứng tốt hơn với những liệu pháp điều trị.
Đối tượng nguy cơ
U tế bào thần kinh đệm ít nhánh (oligodendroglioma) có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng thường gặp nhất ở nam giới trung niên và hiếm khi xảy ra ở trẻ em. Yếu tố nguy cơ mắc bệnh u tế bào thần kinh đệm bao gồm:
- Tuổi: Nguy cơ u não tăng theo tuổi. U tế bào thần kinh đệm thường gặp ở người lớn, độ tuổi từ 60 đến 80 tuổi. Mặc dù vậy, u não xảy ra ở mọi lứa tuổi. Một số loại u não, như u màng não thất hay u sao bào lông (pilocytic astrocytoma) thường gặp ở trẻ em và người trẻ.
- Phơi nhiễm bức xạ: Người phơi nhiễm các loại bức xạ gọi là bức xạ ion hóa sẽ tăng nguy cơ u não. Ví dụ của loại bức xạ ion hóa này là bức xạ trong điều trị trị ung thư và phơi nhiễm bức xạ của bom nguyên tử.
- Những dạng bức xạ thường gặp hơn như trường điện từ của dây điện và bức xạ vô tuyến từ điện thoại di động, lò vi sóng chưa cho thấy rằng sẽ tăng nguy cơ u thần kinh đệm.
- Tiền sử gia đình: Hiếm khi u thần kinh đệm di truyền theo gia đình. Nhưng có một tiền sử gia đình có u tế bào thần kinh đệm sẽ tăng nguy cơ có bệnh lên gấp đôi. Một số gen có liên hệ ít đến u tế bào thần kinh đệm, cần nhiều nghiên cứu hơn để chứng minh sự liên kết các biến đổi gen này và các u não.
Chẩn đoán
Trong khi khám thần kinh, bác sĩ sẽ hỏi bạn về các dấu hiệu và triệu chứng bạn gặp phải. Họ có thể kiểm tra thị lực, thính giác, sự thăng bằng, khả năng phối hợp, sức cơ và phản xạ của bạn.
Các rối loạn ở một hay nhiều chức năng này có thể cung cấp manh mối về khu vực não có thể bị ảnh hưởng bởi khối u não.
Các xét nghiệm và thủ thuật được sử dụng để chẩn đoán u nguyên bào thần kinh ít nhánh bao gồm:
- Chẩn đoán hình ảnh: Các xét nghiệm hình ảnh có thể giúp bác sĩ xác định vị trí và kích thước khối u não của bạn. MRI thường được sử dụng để chẩn đoán khối u não. Các xét nghiệm hình ảnh khác có thể bao gồm CT và chụp cắt lớp phát xạ positron (PET).
- Sinh thiết mẫu mô từ khối u: Sinh thiết có thể được thực hiện bằng kim trước khi phẫu thuật. Hoặc thực hiện trong khi phẫu thuật để lấy mẫu mô từ khối u. Tùy thuộc vào tình trạng cụ thể của bạn và vị trí của khối u. Mẫu mô sẽ được phân tích trong phòng thí nghiệm để xác định loại tế bào và mức độ ác tính của chúng.
- Xét nghiệm chuyên biệt nguyên bào thần kinh đệm ít nhánh: Các xét nghiệm chuyên biệt về tế bào từ khối u có thể cho bác sĩ biết các loại đột biến mà tế bào mắc phải.
Điều này cung cấp cho bác sĩ manh mối về tiên lượng của bạn và hướng dẫn lựa chọn phương thức điều trị cho bạn.
Phòng ngừa bệnh
Hiện nay chưa có biện pháp phòng ngừa bệnh hữu hiệu do chưa rõ nguyên nhân. Để phòng tránh bệnh u não, bạn nên thực hiện một số lưu ý như sau:
- Thường xuyên thăm khám sức khỏe, nhất là những người có nguy cơ cao mắc bệnh.
- Kiểm soát căng thẳng, không để bị căng thẳng trong thời gian dài.
- Duy trì lối sống, chế độ ăn uống khoa học lành mạnh.
- Tránh xa môi trường ô nhiễm, nhiều bức xạ.
Điều trị như thế nào?
Việc điều trị bệnh u tế bào thần kinh đệm ít nhánh phụ thuộc vào phân loại, vị trí, cấp độ của khối u và sức khỏe tổng thể của người bệnh.
U thần kinh đệm ít nhánh cấp độ thấp
U tế bào thần kinh đệm ít nhánh mức độ thấp là khối u độ 2 phát triển chậm và có thể tồn tại trong nhiều năm trước khi được chẩn đoán. Những khối u này có thể trở nên nghiêm trọng hơn theo thời gian. Dưới đây là các phương pháp điều trị bệnh u tế bào thần kinh đệm ít nhánh mức độ thấp:
- Phẫu thuật: Phẫu thuật có thể được thực hiện để loại bỏ toàn bộ khối u thần kinh đệm ít nhánh hoặc càng nhiều khối u càng tốt.
- Giám sát tích cực: Giám sát tích cực bằng việc chụp MRI định kỳ có thể được thực hiện để theo dõi sự phát triển của khối u tế bào thần kinh đệm ít nhánh nếu không thể loại bỏ hoàn toàn bằng phẫu thuật.
- Xạ trị: Xạ trị có thể được thực hiện sau phẫu thuật nếu khối u không thể cắt bỏ hoàn toàn hoặc khối u tái phát sau phẫu thuật và xạ trị chưa được thực hiện trước đó.
- Hóa trị: Hóa trị có thể được thực hiện sau phẫu thuật, thường là xạ trị, nếu khối u tế bào thần kinh đệm ít nhánh không thể cắt bỏ hoàn toàn. Phương pháp này cũng có thể được sử dụng để điều trị các khối u tái phát sau khi điều trị (được gọi là u thần kinh đệm ít nhánh mức độ thấp tái phát). Loại thuốc hóa trị phổ biến được sử dụng là temozolomide (Temodal). Sự kết hợp thuốc hóa trị phổ biến được sử dụng là PCV (Procarbazine, lomustine và Vincristine).
U thần kinh đệm ít nhánh biệt hóa (cấp độ cao)
Oligodendroglioma anaplastic là khối u tế bào thần kinh đệm ít nhánh độ cao (độ 3, 4). U thần kinh đệm ít nhánh độ cao thường phát triển nhanh chóng. Các khối u có thể phát triển ở một nơi hoặc nhiều nơi trong não. Sau đây là các phương pháp điều trị bệnh u tế bào thần kinh đệm ít nhánh biệt hóa.
- Phẫu thuật: Phẫu thuật có thể được thực hiện để loại bỏ toàn bộ khối u hoặc càng nhiều khối u càng tốt. Sau đó áp dụng phương pháp xạ trị, hóa trị (có hoặc không).
- Xạ trị: Xạ trị thường được thực hiện sau phẫu thuật u thần kinh đệm ít nhánh biệt hóa. Phương pháp này cũng có thể là cách điều trị chính nếu không thể thực hiện phẫu thuật.
- Hóa trị: Hóa trị được đưa ra sau phẫu thuật hoặc xạ trị. Hóa trị cũng có thể được sử dụng để điều trị các khối u tế bào thần kinh đệm ít nhánh đã quay trở lại sau điều trị (u thoái hóa tái phát). Loại thuốc hóa trị thường được sử dụng là temozolomide. Sự kết hợp thuốc hóa trị phổ biến được sử dụng là PCV (Procarbazine, lomustine và Vincristine).
Bài viết trên đã cho bạn những thông tin về u tế bào thần kinh đệm ít nhánh. Hi vọng, sẽ có ích cho việc chăm sóc sức khỏe gia đình bạn.