U nang buồng trứng là một bệnh lý phụ khoa khá phổ biến ở phụ nữ, đặc biệt trong độ tuổi sinh sản. Một số trường hợp u nang buồng trứng có thể phát triển thành u nang lớn, bền vững hoặc có biến chứng. Những trường hợp này cần được điều trị y tế để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản và sức khỏe tổng thể của phụ nữ. Hãy cùng Pharmacity tìm hiểu các thông tin liên quan đến u nang buồng trứng và u nang kích thước bao nhiêu thì nên phẫu thuật qua bài viết sau.
U nang buồng trứng là bệnh gì?
U nang buồng trứng là một khối chứa dịch hoặc chất rắn có dạng như bã đậu, phát triển bất thường trên hoặc bên trong buồng trứng. Khối u này có thể là các mô mới khác thường hay là sự tích tụ dịch tạo thành một nang trên buồng trứng. U nang buồng trứng có thể phát triển từ các mô của buồng trứng, chiếm khoảng 3.6% các bệnh phụ khoa.
- U nang buồng trứng thường được chia làm 2 loại: U nang cơ năng và u nang thực thể.
- U nang buồng trứng cơ năng thường là u lành tính, có thể tự biến mất và không gây nguy hiểm. Ngược lại, u nang buồng trứng thực thể thường tiến triển chậm, âm thầm qua nhiều năm. Khi triệu chứng rõ rệt tức là u đã to và chèn ép vào các tạng xung quanh gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí ảnh hưởng tới tính mạng.
Chẩn đoán u nang buồng trứng
Để chẩn đoán xác định u nang buồng trứng, cần làm thêm một số xét nghiệm như là:
- Siêu âm: Đây là phương pháp chẩn đoán hình ảnh không xâm lấn, giá thành rẻ nhưng lại có thể cho biết vị trí, hình dạng, kích thước, tính chất dịch bên trong của khối u nang buồng trứng. Đây là chính là tiêu chuẩn để chẩn đoán u nang buồng trứng.
- Ngoài ra, bác sĩ có thể tìm các “dấu ấn” bướu để có gợi ý về tính ác tính của khối u.
- Trong trường hợp cần thiết, bệnh nhân có thể được cho chụp cộng hưởng từ (MRI) hoặc chụp cắt lớp điện toán (CT scan).
Khi nào cần mổ u nang buồng trứng
Đối với những u nang cơ năng thì không cần điều trị, chỉ cần theo dõi 2 – 3 chu kỳ kinh sẽ tự biến mất.
Đối với những trường hợp u nang thực thể lành tính và kích thước nhỏ thì bác sĩ có thể kê đơn thuốc và bên cạnh đó, người bệnh cần phải tái khám để theo dõi sự phát triển của khối u theo đúng lịch hẹn của bác sĩ.
Đối với những khối u to, có kích thước lớn và đã hoặc có nguy cơ chèn ép đến các cơ quan lân cận gây hại cho sức khỏe người bệnh, hay những khối u có nguy cơ biến chứng thành ung thư thì cần được phẫu thuật loại bỏ sớm.
Kích thước u nang bao nhiêu thì cần mổ?
Phương pháp mổ u nang buồng trứng có thể được chỉ định cho các trường hợp sau:
- Kích thước u nang khoảng 40mm trở lên.
- U nang phát triển quá nhanh trong khoảng 2 đến 3 tháng đầu theo dõi.
- U nang chèn ép vào những bộ phận lân cận.
- U nang buồng trứng xoắn hoặc vỡ nang.
- Trường hợp phụ nữ đã qua giai đoạn mãn kinh, tuy nhiên u nang vẫn ngày càng lớn về kích thước.
- Trường hợp bệnh nhân có u nang nghi ngờ có khả năng ung thư hóa.
Đối với phụ nữ có thai kèm u nang buồng trứng cần được thăm khám, chẩn đoán, theo dõi và điều trị theo phác đồ bác sĩ đưa ra.
Có hai loại chính mổ u nang buồng trứng:
- Mổ nội soi: Đây là loại phẫu thuật phổ biến nhất được sử dụng để loại bỏ u nang buồng trứng. Trong mổ nội soi,bác sĩ sẽ tạo ra một vết rạch nhỏ gần rốn và đưa một ống mỏng có camera vào bụng. Sau đó, họ sử dụng các công cụ nhỏ để nhìn thấy và loại bỏ u nang.
- Mổ hở: Loại phẫu thuật này được sử dụng nếu u nang lớn hoặc nằm sâu trong bụng. Trong mổ hở, bác sĩ sẽ tạo ra một vết rạch lớn hơn ở bụng và loại bỏ u nang.
Mổ u nang buồng trứng thường là một thủ thuật an toàn và hiệu quả. Hầu hết phụ nữ hồi phục hoàn toàn trong vòng một vài tuần. Tuy nhiên, luôn có một số rủi ro liên quan đến bất kỳ phẫu thuật nào, chẳng hạn như chảy máu, nhiễm trùng và phản ứng dị ứng với thuốc gây mê.
Nếu bạn đang cân nhắc phẫu thuật u nang buồng trứng, điều quan trọng là phải thảo luận với bác sĩ về những rủi ro và lợi ích của thủ thuật.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc Chuyên viên y tế để được tư vấn cho từng trường hợp Bệnh cụ thể, không tự ý làm theo hướng dẫn của bài viết.