Tắc động mạch phổi (Thuyên tắc phổi) là một bệnh tim mạch phổ biến chỉ sau đột quỵ và nhồi máu cơ tim. Tắc động mạch phổi (Thuyên tắc phổi) là một tình trạng cấp cứu y tế, có thể dẫn đến tổn thương vĩnh viễn hoặc tử vong nếu không điều trị ngay lập tức. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu hơn về tắc động mạch phổi (thuyên tắc phổi) là gì, nguyên nhân, triệu chứng ra sao nhé.
Tổng quan chung
Thuyên tắc phổi hay tắc động mạch phổi (Pulmonary Embolism – PE) xảy ra khi cục máu đông ở một vị trí khác trong cơ thể bị vỡ, trôi nổi tự do trong hệ tuần hoàn đến động mạch phổi và gây tắc nghẽn đột ngột dòng máu lưu thông trong vùng đó.
Máu lưu thông từ buồng tim phải qua phổi để lấy oxy và loại bỏ carbon dioxin, sau đó từ phổi trở về buồng tim trái để bơm đến các phần còn lại của cơ thể. Do đó, thuyên tắc phổi không chỉ gây tổn thương phổi mà còn làm giảm lượng oxy trong máu cần thiết để nuôi dưỡng cơ thể, có thể gây tổn thưởng tất cả các cơ quan trong cơ thể, bao gồm não, thận và tim.
Ngoài ra, thuyên tắc phổi còn làm tăng áp lực lên tim và gây hạ huyết áp do tim không bơm đủ máu. Tất cả những tác động này có thể gây tử vong đột ngột hoặc trong thời gian ngắn.
Thuyên tắc phổi nguy hiểm hơn nếu cục máu đông lớn hoặc có nhiều cục máu đông.
Triệu chứng
Các triệu chứng của tắc động mạch phổi (thuyên tắc phổi) bao gồm:
- Khó thở: thường là khởi phát đột ngột.
- Choáng váng.
- Đau ngực: có thể kéo dài từ vài phút đến vài giờ.
- Nhịp tim nhanh.
- Mất ý thức.
- Ho ra máu.
- Nôn ói.
- Huyết áp thấp.
- Vã mồ hôi.
- Khò khè.
- Da tái xanh.
Nguyên nhân
Hầu hết các trường hợp tắc động mạch phổi (thuyên tắc động mạch phổi) có nguyên nhân từ cục máu đông hình thành từ huyết khối tĩnh mạch sâu (tĩnh mạch ở chân). Các cục máu đông từ tĩnh mạch lớn ở chân không chi chuyển, sau khi vỡ ra, huyết khối đi theo tĩnh mạch lớn đến tim phải, tiến vào động mạch phổi gây thuyên tắc.
Trong một số trường hợp hiếm gặp, cục máu đông xuất phát từ tĩnh mạch vùng tay, chậu, thận hay buồng tim phải.
Đôi khi, bệnh cũng có thể gây ra bởi các chất khác ngoài cục máu đông như: bong bóng khí, một phần của khối u, mỡ từ tủy xương gãy…
Đối tượng nguy cơ
Một số đối tượng có nguy cơ cao bị tắc động mạch phổi như:
- Người cao tuổi > 70 tuổi.
- Người nằm liệt giường dài ngày do tai biến, chấn thương, phẫu thuật.
- Người đang mắc bệnh lý ác tính (ung thư), hóa trị liệu.
- Phụ nữ mang thai.
- Người có tiền sử giãn tĩnh mạch, suy van tĩnh mạch, tắc tĩnh mạch.
- Người mắc các bệnh rối loạn đông máu di truyền.
Chẩn đoán
Bước đầu tiên để chẩn đoán thuyên tắc phổi là xác định khả năng có thuyên tắc phổi hay không sử dụng các thang điểm chuẩn hóa hoặc các ý kiến của các bác sĩ lâm sàng. Bệnh nhân có nguy cơ thuyên tắc phổi thấp hoặc trung bình được thực hiện xét nghiệm D-Dimer, đây là sản phẩm chuyển hóa của cục máu đông. Nếu D-Dimer thấp, không cần làm thêm xét nghiệm khác. Xét nghiệm hình ảnh được thực hiện ở tất cả các bệnh nhân có nguy cơ thuyên tắc phổi cao và những người có nguy cơ thấp hoặc trung bình mà có D-Dimer tăng cao. Xét nghiệm hình ảnh được ưa chuộng là chụp cắt lớp vi tính động mạch phổi có sử dụng chất cản quang đường tĩnh mạch để xác định cục máu động ở động mạch phổi.
Phòng ngừa bệnh
Một số phương pháp phòng bệnh tắc động mạch phổi là:
Dùng thuốc theo sự hướng dẫn của bác sĩ, không được tự ý uống thuốc không được chỉ định hoặc tự ý bỏ thuốc được kê toa
- Tránh nằm quá lâu hoặc lười vận động.
- Duy trì cân nặng hợp lý.
- Cố gắng giữ ngón chân cao hơn hông khi nằm hoặc ngồi.
- Không hút thuốc.
- Không mặc những bộ quần áo quá bó khiến sự lưu thông của máu bị ngăn cản.
- Điều trị huyết khối tĩnh mạch sâu sớm có ý nghĩa trong việc giảm các triệu chứng và ngăn ngừa thuyên tắc phổi.
- Phòng ngừa tái phát: dùng thuốc kháng đông đường uống hoặc aspirin (nếu không dung nạp hay có chống chỉ định với thuốc kháng đông) cho bệnh nhân bị huyết khối tĩnh mạch sâu hoặc ung thư.
Điều trị như thế nào?
Điều trị tắc động mạch phổi (thuyên tắc phổi) phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh và tình trạng của bệnh nhân.
Điều trị bằng thuốc chống đông
Trong trường hợp thuyên tắc phổi ở mức độ nhẹ hoặc trung bình (không có sốc hoặc hạ huyết áp động mạch), phương án điều trị bằng thuốc chống đông máu được đưa ra. Mục đích của điều trị chống đông máu là hạn chế sự mở rộng của cục máu đông và ngăn ngừa nguy cơ tái phát.
Điều trị chống đông máu thường là tiêm dưới da heparin trọng lượng phân tử thấp hoặc fondaparinux, dùng thuốc viên: thuốc kháng vitamin K (VKA) hoặc thuốc chống đông đường uống trực tiếp (DOA).
Điều trị bằng cách tiêu sợi huyết
Tiêu sợi huyết là tiêm vào tĩnh mạch một loại thuốc cho phép làm tan cục máu đông nằm trong động mạch phổi, giúp phục hồi tưới máu phổi nhanh hơn so với điều trị bằng thuốc chống đông máu đơn thuần.
Phương án này dành riêng cho những bệnh nhân thuyên tắc phổi nặng có sốc hoặc hạ huyết áp động mạch. Chống chỉ định trong một số trường hợp: nguy cơ xuất huyết, bệnh nhân mới đột quỵ, chấn thương nặng hoặc mới phẫu thuật, đang mang thai, loét dạ dày tá tràng chưa lành,…
Phẫu thuật loại bỏ cục máu đông
Phẫu thuật loại bỏ cục máu đông khỏi động mạch phổi được dành riêng cho bệnh nhân thuyên tắc phổi nặng trong trường hợp thất bại hoặc chống chỉ định với phương pháp tiêu sợi huyết.
Ngoài ra, kỹ thuật đặt ống thông (catheter) cho phép làm tan huyết khối trong một số trường hợp nhất định có thể là một phương pháp thay thế cho phẫu thuật.
Hi vọng với những chia sẻ trên giúp các bạn hiểu hơn về tắc động mạch phổi.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.