Bệnh trào ngược bàng quang niệu quản thường được chẩn đoán ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Bệnh làm tăng nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu, có thể dẫn đến tổn thương thận nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.
Tổng quan chung: Trào ngược bàng quang niệu quản là gì?
Trào ngược bàng quang niệu quản là tình trạng mà nước tiểu chảy ngược từ bàng quang đến một hoặc cả hai niệu quản, đôi khi có thể lên đến thận. Bình thường, nước tiểu chảy xuôi dòng theo đường tiết niệu, từ thận qua niệu quản rồi đến bàng quang.
Bệnh lý này làm tăng nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI) và nếu không được điều trị, thận có thể bị tổn thương.
Triệu chứng bệnh trào ngược bàng quang niệu quản
- Cảm giác buồn tiểu nhiều và kéo dài;
- Tiểu buốt, hay nhịn tiểu do tiểu buốt;
- Tiểu nhiều lần, mỗi lần tiểu được lượng ít;
- Tiểu ra máu hoặc tiểu ra nước tiểu đục, nặng mùi;
- Sốt;
- Đau vùng hông lưng hoặc vùng bụng;
- Ở trẻ sơ sinh, biểu hiện bệnh là sốt, tiêu chảy, ăn kém, hay quấy khóc;
- Ở trẻ lớn hơn, bệnh có thể khiến trẻ hay tè dầm, táo bón, suy thận.
Nguyên nhân gây bệnh trào ngược bàng quang niệu quản
Theo nghiên cứu y khoa đã công bố, căn bệnh trào ngược bàng quang niệu quản khởi phát do các nguyên nhân:
Nguyên nhân nguyên phát
Bệnh nhân ngay từ khi sinh ra đã có dị tật bẩm sinh tại đường tiết niệu: Thiếu van ngăn nước chảy ngược từ bàng quang vào tới niệu quản. Khi trẻ lớn dần lên, niệu quản dài và thẳng có thể giải quyết được vấn đề trào ngược nước tiểu từ bàng quang lên tới niệu quản.
Ngoài ra, có thể do một số những dị tật bẩm sinh khác như: Nhược cơ tam giác niệu, hay dị dạng niệu quản (niệu quản lạc chỗ, lỗ niệu quản rộng, trào ngược niệu quản do túi phình niệu quản phía đối diện,…).
Nguyên nhân thứ phát
Bàng quang không đào thải được nước tiểu, có tắc nghẽn, tổn thương cơ hay tổn thương thần kinh điều khiển quá trình tiểu tiện. Nước tiểu bị lại tại bàng quang gây tăng tình trạng áp lực dẫn tới trào ngược. Nguyên nhân chính trào ngược bàng quang niệu quản là do người bệnh mắc các bệnh lý như: Viêm đường tiết niệu, bàng quang thần kinh, hay tắc đường tiết niệu dưới (van niệu đạo sau hay hẹp niệu đạo).
Yếu tố nguy cơ
Ngoài những nguyên nhân kể trên, còn có một số các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc chứng bệnh trào ngược bàng quang như:
- Thói quen: Nhịn tiểu, nhịn đi ngoài nhiều lần.
- Giới tính: Xét về giới tính, trẻ nam thường có tỷ lệ mắc trào ngược bàng quang nhiều hơn so với trẻ nữ. Tuy nhiên, về tỷ lệ mắc bệnh thì nữ giới thường cao hơn so với nam giới.
- Độ tuổi: Trẻ sơ sinh và trẻ dưới 2 tuổi có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
- Tiền sử gia đình: Bệnh có xu hướng di truyền nên nếu người bệnh có bố, mẹ, anh, chị mắc trào ngược bàng quang thì nguy cơ mắc bệnh cao.
- Rối loạn chức năng bàng quang và ruột: Trẻ mắc rối loạn bàng quang, ruột thường bị giữ nước tiểu và phân. Từ đó, làm tăng yếu tố nguy cơ mắc nhiễm trùng đường tiết niệu tái phát. Đây cũng là yếu tố có thể góp phần phát triển chứng trào ngược niệu quản.
Bệnh trào ngược bàng quang niệu quản được chẩn đoán như thế nào?
Chẩn đoán dựa trên triệu chứng lâm sàng
Một số biểu hiện thường gặp ở bệnh nhân trào ngược bàng quang – niệu quản là:
- Cảm giác buồn tiểu nhiều và kéo dài;
- Tiểu buốt, thường nhịn tiểu do do tiểu buốt;
- Tiểu nhiều lần, lượng nước tiểu mỗi lần ít;
- Tiểu ra máu hoặc nước tiểu có màu đục, nặng mùi;
- Sốt;
- Đau vùng hông lưng hoặc bụng;
- Trẻ sơ sinh mắc bệnh có biểu hiện sốt, tiêu chảy, kém ăn và hay quấy khóc;
- Trẻ lớn hơn mắc bệnh có biểu hiện hay tè dầm, táo bón và suy thận,…
Chẩn đoán dựa trên các xét nghiệm cận lâm sàng
- Siêu âm thận và bàng quang: Xem niệu quản và thận có giãn hay không, nếu niệu quản giãn và thận ứ nước thì nghi ngờ trào ngược.
- Chụp X-quang bàng quang – niệu đạo khi tiểu: Giúp bác sĩ quan sát bàng quang, thận và niệu quản của bệnh nhân. Trong quá trình thực hiện, bác sĩ sẽ đưa một ống nhỏ vào bàng quang của bệnh nhân rồi đưa thuốc cản quang vào bàng quang qua ống. Chất lỏng này sẽ xuất hiện trên phim X-quang khi bàng quang được làm đầy và khi bệnh nhân đi tiểu;
- Chụp bàng quang niệu đạo có phóng xạ: Được sử dụng đối với những bệnh nhân bị nhiễm trùng đường tiểu. Với liệu pháp này, bác sĩ sẽ đưa một lượng nhỏ thuốc phóng xạ vào máu của bệnh nhân qua đường truyền tĩnh mạch. Sau đó, bác sĩ sẽ chụp ảnh của thận và bàng quang với các thiết bị đặc biệt. Xét nghiệm này giúp phát hiện những vết sẹo ở thận, cho phép chẩn đoán xác định trào ngược bàng quang – niệu quản;
- Chụp X-quang bể thận bằng đường tĩnh mạch: Áp dụng để quan sát thận và đường tiết niệu.
Các phương pháp xét nghiệm được thực hiện sẽ được lựa chọn phụ thuộc vào độ tuổi, giới tính, số lần bị nhiễm trùng đường tiểu và mức độ nhiễm trùng của bệnh nhân.
Cách phòng tránh bệnh trào ngược bàng quang niệu quản
Phòng tránh bệnh trào ngược bàng quang niệu quản có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh và các biến chứng liên quan. Dưới đây là một số biện pháp phòng tránh hiệu quả:
- Giữ vệ sinh cá nhân: Đảm bảo vệ sinh cá nhân, đặc biệt là vùng niệu đạo, giúp ngăn ngừa nhiễm trùng đường tiểu.
- Uống đủ nước: Uống đủ nước hàng ngày giúp duy trì sự hoạt động bình thường của thận và bàng quang.
- Đi tiểu đúng cách: Không nên giữ nước tiểu quá lâu, đi tiểu đều đặn để giảm áp lực trong bàng quang.
- Khám sức khỏe định kỳ: Kiểm tra sức khỏe định kỳ để phát hiện và điều trị kịp thời các vấn đề liên quan đến hệ niệu đạo.
Điều trị bệnh trào ngược bàng quang niệu quản như thế nào?
Các lựa chọn điều trị cho trào ngược bàng quang niệu quản phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh. Trẻ ở trường hợp trào ngược nguyên phát nhẹ có thể tự khỏi khi lớn lên, trung bình ở độ tuổi từ 5–6 tuổi. Bác sĩ có thể khuyên gia đình nên kiên nhẫn theo dõi thêm một thời gian.
Đối với trường hợp trào ngược nghiêm trọng, các lựa chọn điều trị bao gồm:
Sử dụng thuốc
Nhiễm trùng đường tiết niệu cần được điều trị kịp thời bằng kháng sinh để ngăn chặn nhiễm trùng lan đến thận. Để ngăn ngừa tình trạng này, bác sĩ có khi kê đơn thuốc kháng sinh với liều thấp hơn liều điều trị.
Bác sĩ cũng sẽ theo dõi trẻ khi đang dùng thuốc kháng sinh, bao gồm kiểm tra sức khỏe định kỳ và xét nghiệm nước tiểu để phát hiện nhiễm trùng kịp thời. Thỉnh thoảng, trẻ sẽ tiến hành chụp X-quang bàng quang và thận để xem tình trạng trào ngược còn xảy ra không.
Phẫu thuật
Phẫu thuật sẽ giúp chỉnh sửa lại các khiếm khuyết trong van giữa bàng quang và niệu quản bị ảnh hưởng. Nhờ đó, các van có thể đóng chặt lại và ngăn nước tiểu trào ngược lên.
Những hình thức phẫu thuật giúp chỉnh sửa lại các van bao gồm:
- Phẫu thuật mở. Bác sĩ sẽ gây mê toàn thân và rạch một vết mổ ở vùng bụng dưới. Qua đó, họ có thể đưa dụng cụ vào để chỉnh sửa những dị tật ở van giữa bàng quang – niệu quản. Sau khi phẫu thuật, người bệnh cần nằm viện vài ngày để theo dõi vì khi đó một ống dẫn lưu được gắn tạm thời vào bàng quang. Một số trẻ em bị trào ngược bàng quang niệu quản có thể tự khỏi mà không cần can thiệp.
- Phẫu thuật nội soi với robot hỗ trợ. Tương tự như phẫu thuật mở, kiểu phẫu thuật này cũng giúp chỉnh sửa lại van giữa bàng quang và niệu quản nhưng vết mổ được tạo ra nhỏ hơn. Nhờ đó, tình trạng co thắt bàng quang ít xảy ra hơn so với phẫu thuật mở. Tuy nhiên, tỷ lệ thành công của phương pháp này có khi không cao bằng phẫu thuật mở.
- Phẫu thuật nội soi. Bác sĩ dùng một ống nhỏ có gắn đèn đưa qua niệu đạo, đến bàng quang để quan sát bên trong cơ quan này. Sau đó, một chất độn (bulking agent) được tiêm xung quanh chỗ hở của van để giúp chúng đóng mở đúng. Phương pháp này ít xâm lấn và ít có rủi ro hơn phẫu thuật nhưng hiệu quả mang lại không cao.
Trào ngược bàng quang niệu quản là tình trạng khá phổ biến. Có nhiều nguyên nhân có thể gây ra tình trạng này. Nếu không được điều trị và cải thiện sớm, bệnh có thể dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng. Nếu như bạn có những dấu hiệu nghi ngờ tình trạng này, hãy đến khám bác sĩ để được xét nghiệm chẩn đoán và điều trị thích hợp.