Bệnh tổ đỉa là một trong những bệnh ngoài da không gây hại nghiêm trọng đến sức khỏe tổng thể nhưng lại ảnh hưởng đến thẩm mỹ, khiến nhiều người cảm thấy kém tự tin trong cuộc sống hàng ngày. Hãy cùng Pharmacity tìm hiểu về tổ đỉa qua bài viết dưới đây.
Tổng quan chung
Bệnh tổ đỉa là một loại bệnh về da, thường có các dấu hiệu dễ nhận biết như xuất hiện các nốt mụn nước trên lòng bàn tay và bàn chân. Những nốt mụn này thường chứa chất lỏng và sưng to, có thể vỡ nếu bị tác động mạnh. Ban đầu, bệnh thường xuất hiện tại các khu vực dọc theo các ngón tay và chân. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có thể lan rộng đến các vùng da khác trên cơ thể.
Tùy thuộc vào sự phát triển của bệnh, các nốt mụn ban đầu có thể nhỏ, sau đó trở nên lớn hơn, gây đau đớn và ngứa. Lúc này, tình trạng ngứa sẽ khiến người bệnh cảm thấy khó chịu và bắt đầu gãi, làm nguy cơ nhiễm trùng tăng cao.
Triệu chứng
Tổ đỉa là một trong những thể lâm sàng của bệnh chàm – eczema. Bệnh lý này chỉ gây tổn thương khu trú ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, kẽ ngón, mặt dưới ngón tay,… Một số ít trường hợp có thể xuất hiện biểu hiện ở mu bàn tay và bàn chân. Tuy nhiên tổn thương do tổ đỉa không bao giờ vượt quá cổ tay và cổ chân.
Các dấu hiệu nhận biết bệnh chàm tổ đỉa ở tay, chân:
- Da nổi các mụn nước sâu trong cấu trúc, thường chìm khảm dưới da và chỉ có một số mụn nổi cộm trên bề mặt
- Mụn nước cứng chắc, khó vỡ với đường kính khoảng 1 – 2mm, có thể mọc rải rác hoặc tập trung thành từng cụm
- Ở một số trường hợp, các mụn nước nhỏ có thể gia tăng kích thước dần theo thời gian
- Mụn nước do tổ đỉa gây ra thường không tự vỡ và có xu hướng tự tiêu sau khoảng vài tuần
- Khi mụn nước tiêu để lại vảy tiết màu vàng, sau đó bong vảy và để lộ nền da màu hồng, bóng và viền vằn vèo
- Tổn thương thực thể đi kèm với triệu chứng ngứa ngáy dai dẳng, đôi khi gây đau và nóng rát
Trong trường hợp gãi cào và ma sát mạnh vào mụn nước, da có thể xuất hiện tổn thương thứ phát:
- Nổi các mụn mủ và quầng viêm đỏ
- Bàn tay, bàn chân sưng tấy, đau rát và phù nề
- Sưng hạch lân cận kèm sốt cao
Tương tự các thể chàm khác, bệnh tổ đỉa phát triển theo từng đợt. Tổn thương da giảm nhẹ vào mùa thu đông và bùng phát mạnh vào mùa xuân hè. Ngoài ra, mức độ của triệu chứng còn phụ thuộc vào yếu tố khởi phát và tình trạng sức khỏe tổng thể.
Nguyên nhân
Nguyên nhân gây bệnh tổ đỉa hiện chưa rõ ràng, thường phối hợp của nhiều yếu tố như:
- Tiền sử bị viêm da cơ địa
- Tiếp xúc thường xuyên với hóa chất, chất tẩy rửa.
- Bệnh tăng tiết mồ hôi tay chân
- Hút thuốc
- Tiếp xúc thường xuyên với tia cực tím.
Đối tượng nguy cơ
Một số đối tượng có nguy cơ bị bệnh như:
- Di truyền: Trong gia đình có người bị viêm da cơ địa, mề đay thì nguy cơ bị tổ đỉa càng lớn hơn.
- Người bị bị rối loạn thần kinh giao cảm: những người có chứng bệnh này thường dễ bị viêm da hơn.
- Những người phải làm việc trong điều kiện môi trường khắc nghiệt, nóng ẩm khiến da thường phải tiết nhiều mồ hôi gây viêm da. Hoặc làm việc trong môi trường có nhiều chất tẩy rửa, hóa chất.
- Dị ứng với một số loại hóa chất: những người có cơ địa dị ứng nếu bị dị ứng với đồ có mạ niken, crom, cobalt hoặc dị ứng với hóa chất trong mỹ phẩm, nước hoa,…
- Người sống trong điều kiện không khí bị ô nhiễm, khói bụi,… Sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm, nhiễm hóa chất độc hại.
- Người dị ứng với một số loại thực phẩm, nhất là dị ứng với thức ăn lạ, hải sản,…
- Người bị phản ứng với tác dụng phụ của thuốc trị bệnh khi dùng lâu dài.
Chẩn đoán
Tổ đỉa là một trong những thể chàm có triệu chứng điển hình và dễ nhận biết. Do đó, bác sĩ chủ yếu chẩn đoán bệnh thông qua biểu hiện lâm sàng và các triệu chứng cơ năng đi kèm.
Trong trường hợp đã phát sinh tổn thương thứ phát hoặc có triệu chứng không điển hình, bác sĩ có thể yêu cầu chẩn đoán phân biệt với các bệnh lý sau:
- Nấm kẽ do Trichophyton rubrum
- Các thể chàm thông thường ở tay và chân
Phòng ngừa bệnh
Một số phương pháp giúp ngăn ngừa tổ đỉa cũng như các bệnh ngoài da khác như:
- Vệ sinh cơ thể thường xuyên.
- Tránh thay đổi nhiệt độ hoặc độ ẩm đột ngột.
- Duy trì không khí mát mẻ giúp cơ thể không đổ mồ hôi hoặc quá nóng để giảm ngứa.
- Kiểm soát căng thẳng, dành thời gian thư giãn, tập thể dục thường xuyên giúp kiểm soát căng thẳng và tăng tuần hoàn.
- Tránh mặc trang phục bằng các chất liệu dễ xước như len, vải bố,…
- Không sử dụng xà phòng, chất tẩy rửa hoặc dung môi mạnh.
- Chú ý và tránh dùng các loại thực phẩm có thể gây ra các triệu chứng.
Điều trị như thế nào?
Tổ đỉa thường rất khó điều trị dứt điểm. Điều trị tại chỗ tương đối kém hiệu quả vì lớp sừng dày của da lòng bàn tay và lòng bàn chân.
Biện pháp điều trị chủ yếu là kem corticosteroid bôi lên các mụn nước, và bôi thuốc mỡ trong giai đoạn da khô lại. Tuy nhiên, sử dụng phương pháp này kéo dài có thể để lại các tác dụng phụ nghiêm trọng cho bệnh nhân.
Việc quan trọng là phải thay đổi thói quen làm việc và sinh hoạt:
- Băng ướt để làm khô vết phồng rộp, sử dụng thuốc tím loãng, nhôm axetat hoặc axit axetic
- Chườm lạnh cho da.
- Kem dưỡng ẩm cho da như vaseline.
- Nên đeo găng tay bảo hộ khi làm việc trong môi trường ẩm ướt.
- Phải tránh tiếp xúc với các chất gây kích ứng như nước, chất tẩy rửa và xà phòng càng nhiều càng tốt, đeo găng tay bảo hộ để ngăn ngừa viêm da tiếp xúc do kích ứng.
Vì tính chất bệnh là dễ tái phát, việc thăm khám các bác sĩ để được điều trị và tư vấn về bệnh là rất quan trọng để cải thiện chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.
Bài viết trên đã cho bạn những thông tin về tổ đỉa. Hi vọng, sẽ có ích cho việc chăm sóc sức khỏe gia đình bạn.