Nấm tai là một bệnh lý tai mũi họng rất dễ mắc phải ở mọi lứa tuổi với triệu chứng ngứa ngáy, đau ù tai, giảm khả năng nghe… Tuy đây không phải là bệnh lý đe dọa đến tính mạng nhưng chúng ta cũng không nên chủ quan với bệnh, khi có những biểu hiện bất thường cần đi khám sớm để được chẩn đoán đúng và điều trị nấm tai kịp thời. Vậy chúng ta cùng tham khảo bài viết dưới đây nhé.
Tổng quan chung
Nấm tai là tình trạng nhiễm vi nấm ở vị trí của ống tai ngoài. Đây là một bệnh lý tai mũi họng dễ mắc phải ở vùng khí hậu nhiệt đới nóng ẩm như Việt Nam.
Thực tế, điều kiện thời tiết nóng ẩm ở nước ta là một điều kiện vô cùng thuận lợi cho các loại nấm ký sinh trên cơ thể phát triển mạnh mẽ, trong đó có các loại nấm ký sinh ở tai.
Triệu chứng
Khi mắc bệnh nấm tai, người bệnh sẽ có những triệu chứng rõ, có khi rất âm thầm và được phát hiện ngẫu nhiên.
Tùy theo phân loại bệnh nấm tai sẽ có những triệu chứng khác nhau:
Nấm ống tai thông thường
Diễn biến bệnh có 3 giai đoạn:
- Giai đoạn sơ khởi: Bệnh nhân cảm thấy ngứa vừa phải ống tai ngoài, khám tai với đèn soi tai thấy da ống tai bị đỏ
- Giai đoạn xâm nhập: Nhìn kỹ thấy được sợi nấm
- Giai đoạn phát triển: Bệnh nhân có triệu chứng ù tai, nhức tai kèm theo chảy tai. Ống tai ngoài hẹp hơn vì bị chiếm bởi những mảng trắng trên nền nhớt khỏi mủ. Bóc tách khối nấm, thành da ở dưới đỏ và có thể ngứa.
Ở thời kỳ sau cùng, nếu không điều trị đúng cách, ống tai bị nhiễm nấm, nhiễm vi khuẩn, hạch trước tai to và đau, màng nhĩ có thể bị thủng.
Viêm nấm tai cấp
- Người bệnh bị nhức tai dữ dội kèm theo chảy tai nhiều, ngứa tai nhiều kèm theo nghe kém và có cảm giác như bị bịt ống tai. Ép bình tai vào ống tai, bệnh nhân bị đau điếng
- Khi khám tai với loa soi tai mà không cẩn thận, bệnh nhân sẽ bị đau dữ dội. Bệnh cảnh này giống như một viêm tai ngoài cấp do vi khuẩn, nhưng ở mức độ nhẹ hơn
- Khám tai bằng ống soi tai có thể phát hiện ống tai ngoài chứa một khối ẩm ướt màu trắng, vàng hoặc màu đen. Sau khi lấy nhẹ nhàng khối này ra, phần da ống tai ở dưới bị xung huyết rất đau, chạm nhẹ dễ chảy máu.
- Trong trường hợp bệnh nhẹ, màng nhĩ chỉ xung huyết rất đau, chạm nhẹ dễ chảy máu
- Trong trường hợp nhẹ, màng nhĩ chỉ xung huyết, trong trường hợp bệnh nặng, màng nhĩ bị viêm hạt, một hình ảnh điển hình trong nhiễm nấm.
- Viêm nấm tai cấp không được điều trị kịp thời sẽ khiến màng nhĩ bị thủng và bệnh nhân nghe kém hơn.
Viêm ống tai nấm không triệu chứng
- Khi khám tổng quát sẽ phát hiện bệnh, khi soi đèn sẽ thấy một khối ráy tai và nấm tai, chiếm cả ống tai, tình trạng này có thể kèm theo nút ráy tai (đây là ráy tai lâu ngày không lấy ra và trở thành một khối chiếm cả ống tai)
- Bệnh nhân chỉ có cảm giác bịt tai đơn thuần, không đau, không ngứa
- Có trường hợp thấy có sợi nấm màu trắng đục, màu vàng lợt hoặc màu đen. Nấm màu đen là nấm kinh điển của Aspergillus niger.
- Sau khi lấy hết khối ráy tai có nấm, da ống tai phía dưới ở trong trạng thái bình thường, màng nhĩ không bị ảnh hưởng
Viêm nấm ống tai sau phẫu thuật
- Chủ yếu xảy ra ở những nước nhiệt đới
- Ống tai ngoài ít nhiều bị sây xát và lúc nào cũng ẩm, có ít nhớt sau phẫu thuật, đây là môi trường thuận lợi cho nấm mọc
- Nấm thường mọc trong các vẩy nấm, nấm không hẳn khu trú ở ống tai ngoài mà còn lan vào hố mổ khiến tai có mùi hôi
- Nấm mọc trên đám ráy tai nhão, ở dưới là nước nhầy hoặc mủ. Để tránh nấm mọc phải vệ sinh tai sau mổ cho tốt, không để hố mổ bị ẩm
Nấm ống tai ngoài ác tính
- Đây là loại viêm nấm kèm theo nhiễm trùng hoại tử, rất hiếm xảy ra
- Bệnh lan dần vào xương chũm và đến sàn sọ
- Nấm gây bệnh là loại Aspergillus và có phối hợp với trực trùng mủ xanh
- Bệnh này thường gặp ở những người suy giảm hệ miễn dịch, bệnh nhân thường bị nhức tai rất sớm, kèm theo liệt dây VII ngoại biên, nghiêm trọng hơn là hoại tử sàn sọ.
Nguyên nhân
Nấm tai là dạng nhiễm trùng gây nên bởi các vi nấm ở trong tai, đôi khi có trường hợp nấm ở vành và ngoài tai còn gọi là nấm vành tai và nấm tai ngoài. Có đến 60 loại nấm có thể gây nấm tai nhưng phổ biến hơn cả là Candida và Aspergillus.
Các loại nấm này cần có nhiệt độ và độ ẩm phù hợp để phát triển nên thường xuất hiện nhiều vào mùa hè, ở vùng khí hậu ấm áp. Có một số trường hợp nấm kết hợp vi khuẩn khiến cho tình trạng nhiễm trùng trở nên nghiêm trọng.
Đối tượng nguy cơ
Những đối tượng sau được xem là có nguy cơ bị nấm tai cao hơn:
- Thường xuyên bơi trong môi trường nước bẩn.
- Hệ miễn dịch yếu.
- Tai đã từng bị chấn thương.
- Bị bệnh chàm hoặc các bệnh lý mạn tính về da.
- Mắc bệnh đái tháo đường.
- Hay đến hiệu cắt tóc để lấy ráy tai.
Chẩn đoán
Bị nấm tai sẽ gây nên những triệu chứng rất rõ ràng như đã nói ở trên, đặc biệt là tình trạng ngứa tai tăng dần về mức độ và sự suy giảm khả năng nghe. Khi bệnh tiến triển nặng, người bệnh dễ thấy căng và đau nhức tai, kể cả lúc nhai nuốt. Đến lúc có dịch mủ chảy ra từ tai thì bệnh đã thực sự trở nên nghiêm trọng.
Để chẩn đoán nấm tai bác sĩ thường căn cứ dựa trên bệnh sử và một số kiểm tra cần thiết. Khi thăm khám, bác sĩ sẽ dùng ống soi tai để kiểm tra ống tai và màng nhĩ để tìm kiếm dấu hiệu bất thường. Ngoài ra, bác sĩ còn có thể lấy dịch tụ ở trong tai để xét nghiệm dưới kính hiển vi nhằm có căn cứ đưa ra chẩn đoán chính xác về tình trạng của bệnh nhân.
Phòng ngừa bệnh
Muốn phòng tránh bệnh nấm tai cần:
- Chú ý vệ sinh tai đúng cách và không dùng dụng cụ thiếu sạch sẽ để ngoáy tai.
- Không sử dụng chung dụng cụ vệ sinh tai với người khác.
- Giữ cho ống tai thường xuyên được khô ráo và sạch sẽ.
- Không tự ý dùng thuốc điều trị các bệnh lý về tai.
Điều trị như thế nào?
Các thuốc sử dụng để điều trị chủ yếu là thuốc kháng sinh chống nấm dạng uống và bôi tại chỗ, tùy theo từng loại nấm. Tuy nhiên người bệnh có tiền sử viêm tai giữa có thủng màng nhĩ hoặc vừa viêm tai vừa bị nấm thì phải hết sức thận trọng khi dùng thuốc chống nấm dạng bôi.
Sau khi đã được chẩn đoán là nấm ống tai, bệnh nhân cần được lấy bỏ tổ chức nấm và lau sạch ống tai và màng tai. Tốt nhất là nên đến bệnh viện, phòng khám Tai Mũi Họng uy tín để thực hiện.
- Thực hiện bằng cách phải làm ẩm nó và dùng que bông thấm cồn salycilic, tím gentian hoặc dung dịch betadin 1%, làm liên tục vài ngày, mỗi ngày 1 – 2 lần (tại cơ sở điều trị chuyên khoa).
- Có thể bôi vào niêm mạc ống tai một trong những thuốc như xanh-methylen 2%, cồn acid salicylic 3%… mỡ kháng nấm hoặc thổi bột acid boric vào tai để diệt vi nấm.
Hi vọng với những chia sẻ trên giúp các bạn hiểu hơn về nấm tai.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.