Viêm họng là một trong những bệnh lý phổ biến mà ai cũng có thể gặp phải. Tuy nhiên, nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách, viêm họng có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của bạn. Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về những biến chứng tiềm ẩn của bệnh viêm họng và cách phòng ngừa hiệu quả.
Triệu chứng viêm họng
Ngoài các triệu chứng đau cổ họng, khó nuốt, vướng đàm, cảm giác ngứa họng, ho, sốt, chán ăn thường thấy, viêm họng còn có các biểu hiệu khác tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra bệnh bao gồm:
Triệu chứng viêm họng cấp
Các triệu chứng thường gặp ở người bị viêm họng cấp tính bao gồm: sốt cao khoảng 38 – 39 °C, có lúc lên đến 40°C, mệt mỏi, ớn lạnh nhức đầu, kém ăn, đau mỏi toàn thân, nổi hạch góc hàm…
Ngoài ra, người bị viêm họng cấp có thể bị đau họng nhiều, nhất là khi nuốt dù là nuốt chất lỏng, đôi khi có cảm giác nhói ở tai nghe nuốt hoặc nói chuyện, ho theo từng cơn, chảy nước mũi, ngạt mũi, khàn tiếng, mất tiếng….
Triệu chứng viêm họng mạn tính
Hầu hết các triệu chứng viêm họng mạn tính thường kéo dài, bao gồm:
- Đau họng kéo dài kèm theo các biểu hiện như ngứa cổ, khô cổ, nóng rát, nuốt vướng, dễ gặp nhất là vào sáng sớm.
- Khó nuốt, đau cổ họng khi nuốt
- Ho có đờm hoặc ho khan
- Giọng nói thay đổi
- Vùng ngực phía sau xương ức bị nóng rát, ợ hơi, ợ chua (đối với người bị trào ngược dạ dày thực quản)
Các biến chứng của bệnh viêm họng
- Biến chứng tại họng: Viêm họng có thể gây áp-xe, viêm tấy quanh họng, viêm tấy amidan, áp-xe thành sau họng…
- Biến chứng các cơ quan lân cận: Viêm họng có thể dẫn đến viêm mũi, viêm xoang, viêm tai giữa. Viêm tai giữa là biến chứng thường gặp xuất hiện sau viêm họng, nếu không được điều trị đúng cách có thể dẫn đến viêm tai xương chũm với triệu chứng sốt cao, hốc hác, đau tai, nghe kém, chảy mủ. Biến chứng nặng có thể gây tử vong.
- Biến chứng phế quản và phổi: Viêm họng có thể lan xuống thanh quản gây viêm thanh quản, viêm khí quản hoặc viêm phế quản. Nhiều trường hợp người bệnh bị nhiễm lạnh, vi trùng có thể từ đường hô hấp trên nhanh chóng tiến vào phổi gây viêm phổi. Viêm phổi có thể gây ra tình trạng thiếu oxy, khó thở và nguy cơ tử vong cao.
- Biến chứng tim, thận, khớp: Trong các tác nhân gây bệnh viêm họng thì liên cầu khuẩn tan huyết nhóm A (Streptococcus nhóm A) khi xâm nhập vào họng có thể gây viêm cầu thận, viêm khớp và thấp tim. Nguyên nhân vì vỏ của liên cầu khuẩn có cấu tạo giống cơ tim, thận và khớp. Cơ thể tạo ra kháng thể tấn công vi khuẩn, cũng đồng thời có thể phá hủy mô nội mạc tim. Điều này xảy ra tương tự ở thận và khớp. Thấp tim có thể dẫn đến viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim, gây rối loạn nhịp tim, suy tim, đột quỵ và thậm chí là tử vong.
- Ngoài ra, tình trạng viêm họng mạn tính có thể gây suy nhược cơ thể, suy nhược thần kinh do tình trạng ho nhiều, nhất là vào ban đêm. Nó thậm chí có thể diễn tiến thành ung thư vòm họng.
Cách phòng ngừa
Để phòng ngừa biến chứng của viêm họng nói chung, bạn cần lưu ý những vấn đề sau.
Không chủ quan
Tâm lý chủ quan chính là nguyên nhân khiến người bệnh gặp phải biến chứng của viêm họng. Vì rất nhiều người cho rằng viêm họng khá phổ biến và có thể tự hết hoặc hết sau khi uống thuốc mà không cần đi khám và điều trị. Kết quả là bệnh không thuyên giảm mà còn nặng hơn, chuyển biến sang viêm họng mạn tính kèm nhiều biến chứng khác.
Đi khám và điều trị
Thay vì để bệnh tự khỏi hoặc tự ý dùng thuốc, bạn cần phải đi khám khi có dấu hiệu của viêm họng. Đi khám sẽ giúp bác sĩ xác định nguyên nhân viêm họng do đâu, là do vi khuẩn hay virus để có hướng điều trị phù hợp và hiệu quả.
Chăm sóc hỗ trợ
Các biện pháp chăm sóc hỗ trợ này sẽ giúp tình trạng viêm họng mau khỏi và phòng tránh được biến chứng.
- Uống nhiều nước, ngoài nước lọc có thể uống thêm nước ép trái cây, trà gừng mật ong, trà gừng cam thảo,…
- Tăng cường bổ sung thực phẩm giàu kẽm, vitamin C để tăng sức đề kháng. Đồng thời, ăn thực phẩm chứa nhiều chất chống oxy hóa và chất kháng viêm để cải thiện triệu chứng khó chịu của viêm họng.
- Giữ ấm cơ thể, đặc biệt là vùng cổ họng. Luôn mặc áo khoác, choàng khăn cổ, đeo khẩu trang khi ra ngoài trong điều kiện thời tiết lạnh, nhiệt độ thấp.
- Súc miệng và sát khuẩn vùng họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý, nước muối pha loãng.
- Rửa tay thường xuyên và hạn chế đưa tay lên mắt, mũi, miệng để phòng ngừa viêm họng cùng các bệnh về đường hô hấp khác.
- Cân bằng độ ẩm không khí bằng máy phun sương hoặc các thiết bị tạo độ ẩm để tránh không khí trong nhà bị khô.
- Tránh xa rượu bia, thuốc là và các chất kích thích.
Phần lớn các trường hợp viêm họng có thể thuyên giảm sau vài ngày mà không cần điều trị. Tuy nhiên, nếu chứng viêm họng của bạn không thuyên giảm hoặc có các triệu chứng nghiêm trọng hơn, như khó thở, khó nuốt, sốt cao hoặc cứng cổ thì hãy đến bệnh viện để thăm khám, nhằm phòng tránh các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.
Nguồn tham khảo: Tổng hợp
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.