Bệnh tả là bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn tả gây ra, có thể bùng thành dịch lớn tại một địa phương do ô nhiễm nguồn nước, điều kiện vệ sinh kém hoặc thói quen ăn uống không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Biểu hiện bệnh đặc trưng như tiêu chảy, buồn nôn, nôn mửa, đau bụng và chán ăn.Tuy nhiên, nếu bà bầu tiêu chảy nặng kèm theo đau bụng đặc biệt là trong giai đoạn 3 tháng đầu của thai kỳ thì có thể gây nguy hiểm cho cả mẹ và thai nhi.
Tổng quan về bệnh tả
Bệnh tả ở người (Cholerae) là một bệnh truyền nhiễm cấp tính ở đường tiêu hoá do vi khuẩn tả Vibrio cholerae gây ra, cả trẻ em và người lớn đều có thể mắc bệnh tả. Biểu hiện bệnh tả chủ yếu là nôn và tiêu chảy với số lượng lớn, người bệnh dễ dẫn đến mất nước và điện giải trầm trọng, gây sốc nặng. Nếu bệnh nhân không được điều trị kịp thời sẽ dẫn đến tử vong.
Đường lây truyền bệnh tả
Bệnh tả lây theo đường tiêu hóa, qua đường nước bị nhiễm bẩn bởi phân người, phân động vật và thực phẩm bị nhiễm phẩy khuẩn tả trong quá trình chế biến, bảo quản, qua bàn tay bẩn, ruồi nhặng…
Những yếu tố làm tăng nguy cơ lan truyền bệnh dịch tả trong cộng đồng
- Những nơi dân trí thấp, phong tục tập quán lạc hậu, thiếu nước sạch, không sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh.
- Dùng thức ăn bị ô nhiễm mất vệ sinh như: Thức ăn đường phố, hàng quán không đảm bảo vệ sinh.
- Những vùng bị thiên tai, lũ lụt, động đất, hạn hán kéo dài.
Triệu chứng Bệnh tả
Thời kỳ ủ bệnh: Bệnh tả ủ bệnh kéo dài từ vài giờ cho đến 5 ngày.
Thời kỳ khởi phát: Biểu hiện bệnh tả chủ yếu là sôi bụng, đầy bụng, tiêu chảy vài lần.
Thời kỳ toàn phát:
- Bệnh tả ở người gây tiêu chảy liên tục, đi ngoài rất nhiều lần với khối lượng lớn, có khi hàng chục lít phân một ngày. Đặc điểm phân trong bệnh tả điển hình chỉ toàn là nước, màu trắng lờ đục như nước vo gạo, không thấy có nhầy máu.
- Nôn mửa dễ dàng, lúc đầu nôn ra thức ăn, lúc sau nôn toàn nước.
- Bệnh nhân mắc bệnh tả thường không sốt, ít khi đau bụng.
- Tình trạng nguy hiểm nhất đối với bệnh tả là mất nước và điện giải gây mệt lả, chuột rút…
Thời kỳ hồi phục: Bệnh tả ở người thường diễn biến từ 1 – 3 ngày nếu được bù đủ nước và điều trị kháng sinh phù hợp.
Nguyên nhân gây bệnh tả trong thai kỳ
Vi khuẩn Vibrio cholerae là nguyên nhân gây ra bệnh tả ở người. Vibrio cholerae có dạng cong hình dấu phẩy, có khả năng di động nhanh nhờ có một lông, chúng phát triển tốt trong môi trường có nhiều dinh dưỡng, môi trường kiềm như trong nước, thức ăn, trong cơ thể của các động vật biển (cá, cua, sò biển…)… đặc biệt là trong nhiệt độ lạnh, phẩy khuẩn tả có thể sống được vài ngày đến 2 – 3 tuần.
Độc tố cholera do vi khuẩn tả sản sinh trong ruột non chính là nguyên nhân quan trọng nhất gây ra bệnh. Độc tố này liên kết với thành ruột, cản trở dòng chảy bình thường của natri và clorua, làm cho cơ thể tiết ra một lượng nước khổng lồ, dẫn đến tiêu chảy và nhanh chóng mất một lượng lớn nước và điện giải.
Khi bà bầu ăn hoặc uống phải thực phẩm hoặc nguồn nước bị nhiễm phẩy khuẩn tả, cộng thêm sức đề kháng yếu hơn bình thường sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn dễ dàng xâm nhập vào cơ thể gây bệnh.
Ảnh hưởng của bệnh tả tới thai phụ
Phụ nữ mang thai sức đề kháng kém hơn nên mắc bệnh tả sẽ nặng hơn các trường hợp bình thường, do đó mức độ nguy hiểm cao hơn.
Bệnh tả thường gây tiêu chảy liên tục thường có kèm theo nôn mửa. Bệnh nhân nôn nhiều kết hợp với đi ngoài phân lỏng khiến cho thai phụ mệt mỏi nhiều, mất nước và điện giải, thai phụ suy kiệt nhanh, nếu không điều trị kịp thời sẽ dẫn đến tình trạng sốc mất nước, gây nguy hiểm cho cả mẹ và thai nhi.
Ngoài triệu chứng tiêu chảy và nôn mửa đôi khi kèm đau bụng, các cơn đau bụng có thể kích thích tử cung co bóp, đe dọa sự an toàn của thai nhi.
Việc mẹ bầu mắc bệnh tả không những ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ mà còn gây tác động xấu đến sự phát triển của thai nhi trong bụng. Cụ thể, mẹ bị mệt mỏi, ăn uống kém, mất nước, suy kiệt,… khiến thai bị suy dinh dưỡng, chậm phát triển, nguy hiểm nhất là tình trạng thai chết lưu trong bụng mẹ.
Nhiều trường hợp do cấp cứu muộn, phải dùng nhiều thuốc, kháng sinh để điều trị có thể khiến mẹ bị sảy thai hoặc nguy cơ để lại dị tật cho thai nhi cũng cao hơn nhiều so với bình thường.
Vì vậy, nếu thai phụ bị bệnh tả đặc biệt là ở 3 tháng đầu thai kỳ thì nên được khám và điều trị kịp thời với thuốc và liều lượng phù hợp để tránh những hậu quả nghiêm trọng. Việc tự ý mua thuốc hoặc sử dụng thuốc không theo chỉ định có thể gây hại cho thai nhi và nên được tránh. Phòng ngừa và kiểm soát bệnh tả thông qua việc cải thiện điều kiện vệ sinh và sử dụng nguồn nước sạch là cần thiết để bảo vệ sức khỏe của cả mẹ và bé.