Viêm phổi do virus là một tình trạng bệnh lý thường gặp do nhiễm virus gây ra, các tổ chức tại phổi bị viêm, từ đó ảnh hưởng tới hoạt động chức năng của phổi. Viêm phổi do virus có thể xảy ra từ mức độ nhẹ cho tới mức độ nghiêm trọng đe dọa tính mạng.
Nguyên nhân gây bệnh viêm phổi do virus ở trẻ
Viêm phổi do virus ở trẻ em gặp nhiều nhất là do virus RSV, Adenovirus, Rhinovirus. Mùa hay gặp nhất là mùa đông (lạnh và ẩm), ở những cộng đồng dân cư đông. Hình thái và mức độ nặng của viêm phổi do virus thay đổi theo một số yếu tố như tuổi, trạng thái miễn dịch chẳng hạn như trẻ sinh non, nhẹ cân, trẻ em bị khuyết tật tim phổi là những đối tượng đặc biệt dễ bị viêm phổi do virus.
Bệnh khó phòng tránh, dễ lây nhiễm giữa người với người thông qua các giọt bắn khi người bị bệnh ho hoặc hắt hơi. Các giọt bắn mang theo virus xâm nhập vào người không bị bệnh qua mũi hoặc miệng. Bên cạnh đường giọt bắn, virus cũng dễ dàng lây nhiễm thông qua việc tiếp xúc các vật dụng nguy cơ cao chứa virus (nắm cửa, tay vịnh cầu thang, nút bấm thang máy,…), bàn tay trẻ rất dễ đưa virus vào cơ thể khi chạm vào miệng hoặc mũi. Viêm phổi do virus có thể dẫn đến các biến chứng như: Suy hô hấp, tràn dịch màng phổi, bội nhiễm vi khuẩn…
Viêm phổi thường kéo dài bao lâu
Thời gian hồi phục của viêm phổi do virus ở trẻ em phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm:
- Mức độ bệnh: Viêm phổi nhẹ thường khỏi trong vòng 1-2 tuần. Viêm phổi nặng có thể kéo dài 3-4 tuần hoặc lâu hơn.
- Sức khỏe của trẻ: Trẻ em khỏe mạnh thường hồi phục nhanh hơn trẻ em có hệ miễn dịch yếu hoặc mắc bệnh nền.
- Loại virus gây bệnh: Một số loại virus có thể gây ra bệnh nặng hơn và kéo dài hơn các loại virus khác.
- Cách điều trị: Trẻ em được điều trị đúng cách có thể hồi phục nhanh hơn trẻ em không được điều trị.
Thông thường, viêm phổi xảy ra sau khi đường hô hấp trên bị nhiễm trùng. Các triệu chứng của bệnh bắt đầu xuất hiện 2 hoặc 3 ngày sau khi bạn bị cảm lạnh hoặc đau họng. Sau đó, chúng tấn công đến phổi. Chất dịch nhầy, bạch cầu… tập hợp trong các phế nang của phổi khiến cơ thể khó hấp thu được oxy. Điều này vô tình khiến bé phải thở nhanh hơn để phổi có thể cung cấp đủ lượng oxy cần thiết cho cơ thể.
Trẻ bị bệnh viêm phổi thường diễn biến khá nhanh. Tùy vào độ tuổi của trẻ và nguyên nhân gây bệnh mà sẽ có các triệu chứng của bệnh viêm phổi khác nhau. Các triệu chứng chung của bệnh có thể bao gồm:
- Trẻ thở khò khè hoặc nghe như tiếng rít. Đây có thể được xem là dấu hiệu phổ biến nhất.
- Sốt cao đột ngột và thở nhanh, thở gấp bất thường, cố gắng hết sức để thở.
- Đau họng, đau đầu và phát ban.
- Nếu trẻ bị viêm phổi do mắc ho gà, bé sẽ có những cơn ho kéo dài, mặt tái nhợt vì thiếu oxy hoặc khi hít thở nghe như tiếng rít.
- Nghẹt mũi, ớn lạnh, nôn ói
- Tức ngực, đau bụng (vì trẻ bị ho và khó thở)
- Mệt mỏi, ít vận động
- Mất cảm giác thèm ăn (ở trẻ lớn hơn) hoặc không muốn bú (ở trẻ sơ sinh), có thể dẫn đến mất nước
- Môi, đầu móng tay xanh hoặc xám.
- Nếu tình trạng viêm xảy ra ở phần dưới của phổi (vị trí gần bụng), trẻ có thể bị sốt, đau bụng hoặc nôn mửa nhưng không có các biểu hiện của bệnh hô hấp.
Ảnh hưởng đối với sức khỏe
- Suy hô hấp: Viêm phổi có thể khiến phổi của trẻ bị tổn thương, làm giảm khả năng trao đổi oxy. Điều này có thể dẫn đến suy hô hấp, một tình trạng nguy hiểm có thể đe dọa tính mạng.
- Tràn dịch màng phổi: Viêm phổi có thể khiến chất lỏng tích tụ trong màng phổi, lớp mô mỏng bao quanh phổi. Tràn dịch màng phổi có thể gây khó thở và đau ngực.
- Áp xe phổi: Áp xe phổi là tình trạng hình thành mủ trong phổi. Áp xe phổi có thể gây ho ra mủ, sốt và đau ngực.
Nếu điều trị viêm phổi ở trẻ em chậm trễ thì có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ sau này như: Viêm màng não, nhiễm trùng máu, tràn mủ màng phổi, tràn dịch màng tim, trụy tim, kháng kháng sinh, còi xương kém phát triển. Do vậy, cha mẹ cần phát hiện sớm các triệu chứng của bệnh để chăm sóc trẻ đúng cách.
Cách chăm sóc trẻ bị bệnh viêm phổi
Nếu trẻ bị viêm phổi, cha mẹ cần đưa trẻ đi khám bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Bác sĩ sẽ kê đơn thuốc cho trẻ tùy theo nguyên nhân gây bệnh. Cha mẹ cũng cần chăm sóc trẻ tại nhà theo hướng dẫn của bác sĩ, bao gồm:
Đảm bảo thân nhiệt
- Nới rộng quần áo, tã lót duy trì thân nhiệt ổn định.
- Theo dõi nhiệt độ nếu trẻ sốt cao:
- Dùng khăn mềm thấm nước ấm để lau cho trẻ hoặc đắp chườm tại các vị trí trán, nách, bẹn. Chườm ấm tích cực (nhiệt độ nước chườm được xác định bằng cách nhúng cùi chỏ của người lớn vào chậu nước, nếu thấy ấm là được).
- Dùng thuốc hạ nhiệt khi trẻ có sốt từ 38,5 độ C trở lên hoặc theo chỉ định của bác sĩ.
- Theo dõi sát thân nhiệt, đề phòng biến chứng sốt cao co giật.
Đảm bảo dinh dưỡng
- Trẻ được cung cấp đủ năng lượng theo cân nặng, lứa tuổi.
- Nếu trẻ bú kém cần cho trẻ ăn bằng thìa để đảm bảo số lượng.
- Trẻ ăn dặm hoặc trẻ lớn cần cung cấp thức ăn dễ tiêu và đảm bảo lượng calo cần thiết
- Tăng cường rau xanh trong khẩu phần ăn để bổ sung chất xơ cho trẻ. Trẻ nên ăn nhiều trái cây tươi, có thể là nước ép trái cây, để bổ sung vitamin giúp tăng đề kháng. Đặc biệt, nên khuyến khích trẻ uống nhiều nước, uống đủ nước mỗi ngày hoặc tăng cường ở trẻ bú mẹ
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.