Viêm mô tế bào là bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn gây ra ở các lớp sâu của da, thường khởi phát đột ngột và đe dọa đến tính mạng nếu không được điều trị kịp thời. Trong bệnh cảnh viêm mô tế bào, hàng rào bảo vệ da thường bị tổn thương gây ra sự nhiễm khuẩn nhanh chóng và lan tỏa.
Tổng quan chung
Viêm mô tế bào là dạng bệnh nhiễm trùng sâu dưới da do vi khuẩn gây nên. Bệnh có thể khởi phát đột ngột và cần được điều trị ngay để tránh biến chứng đe dọa sự sống. Có rất nhiều dạng viêm mô tế bào trong đó thường gặp nhất ở các vị trí quanh mắt, hai bên má, mũi, vú, hậu môn,…
Triệu chứng
Triệu chứng của viêm mô tế bào bao gồm:
- Đau và cảm giác ngứa, rát trên vùng da bị tổn thương
- Da mềm sưng, nóng, đỏ, căng bóng
- Vùng da đỏ hoặc vết loét trên da lan nhanh
- Tạo mủ và áp xe
- Sốt
Trong trường hợp nặng người bệnh có thể xuất hiện những triệu chứng nguy hiểm như:
- Ớn lạnh.
- Mệt mỏi, hoa mắt chóng mặt, mê sảng.
- Đau cơ, da ấm nóng, vã mồ hôi.
- Các triệu chứng cho thấy bệnh viêm mô tế bào đang lan tỏa
- Buồn ngủ.
- Hôn mê.
- Chảy dịch hoặc rỉ dịch màu vàng trong hoặc mủ ra từ bên trong da.
- Có nhiều phồng rộp da.
Nguyên nhân
Tác nhân chính gây ra viêm mô tế bào là vi khuẩn (thường gặp nhất là Staphylococcus và Streptococcus). Chúng thâm nhập vào da qua vết rách hoặc vết nứt. Có một số loại côn trùng hay khi bị nhện cắn cũng có thể là tác nhân truyền vi khuẩn và dẫn đến nhiễm trùng. Ngoài ra, các vùng da sưng hoặc khô cũng có thể bị vi khuẩn xâm nhập.
Đối tượng nguy cơ
Các đối tượng có các yếu tố nguy cơ dẫn đến viêm mô tế bào bao gồm:
- Tuổi tác: Viêm mô tế bào dễ xảy ra trong hoặc sau tuổi trung niên.
- Béo phì: Viêm mô tế bào phổ biến hơn ở những người thừa cân hoặc béo phì.
- Các vấn đề về chân: Sưng (phù nề) và loét có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng.
- Viêm mô tế bào trước đây: Bất kỳ ai đã từng bị viêm mô tế bào trước đây đều có 8–20% khả năng tái phát, nghiên cứu chỉ ra và nhiễm trùng có thể tái phát nhiều lần trong vòng một năm.
- Tiếp xúc với các yếu tố môi trường: Bao gồm nước ô nhiễm và một số động vật.
- Các vấn đề về da khác: Thủy đậu, chàm, nấm da chân, áp-xe và các tình trạng da khác có thể làm tăng nguy cơ vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể.
- Phù bạch huyết: Tình trạng này có thể dẫn đến da bị sưng, gây nứt da và tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập.
- Các tình trạng khác: Những người bị bệnh gan hoặc thận có nguy cơ cao bị viêm mô tế bào.
- Bệnh tiểu đường: Nếu một người không thể kiểm soát bệnh tiểu đường hiệu quả, các vấn đề với hệ thống miễn dịch, tuần hoàn hoặc cả hai có thể dẫn đến loét da.
- Hệ thống miễn dịch suy yếu: Mọi người có thể mắc chứng này nếu họ lớn tuổi, nhiễm HIV hoặc AIDS hay đang hóa trị hoặc xạ trị.
- Các vấn đề về tuần hoàn: Những người có tuần hoàn máu kém có nguy cơ cao bị nhiễm trùng lây lan đến các lớp sâu hơn của da.
- Phẫu thuật hoặc chấn thương gần đây: Điều này làm tăng nguy cơ nhiễm trùng.
- Sử dụng thuốc qua đường tĩnh mạch: Tiêm thuốc, đặc biệt là với kim tiêm đã qua sử dụng, có thể dẫn đến áp xe và nhiễm trùng dưới da, làm tăng nguy cơ viêm mô tế bào.
Chẩn đoán
Để chẩn đoán bệnh viêm mô tế bào cho bệnh nhân, bên cạnh việc thăm khám các triệu chứng lâm sàng, bác sĩ sẽ đề nghị thực hiện xét nghiệm hoặc chẩn đoán hình ảnh:
- Xét nghiệm máu: dành cho trường hợp nghi ngờ có nhiễm trùng máu.
- Chụp X-quang: khi bệnh nhân có dấu hiệu lạ ở xương hoặc da.
- Sinh thiết: dùng kim lấy chất dịch ở khu vực bị ảnh hưởng để đưa đến phòng thí nghiệm.
Phòng ngừa bệnh
Phòng bệnh đóng vai trò quan trọng, giúp hạn chế nguy cơ nhiễm khuẩn da. Những việc nên làm để chăm sóc cơ thể, giảm thiểu tối đa nguy cơ mắc bệnh:
- Vệ sinh da thường xuyên sạch sẽ, vệ sinh thật cẩn thận các vết trầy xước ngoài da ngay khi phát hiện. Các bước chăm sóc khá đơn giản: chỉ cần lau rửa vết thương thường xuyên bằng nước sát khuẩn hoặc nước sạch, nước muối sinh lý; sử dụng thuốc bôi để vùng da tổn thương nhanh lành hơn (theo đơn hướng dẫn của bác sĩ). Đối với vết thương nghiêm trọng, vết mổ thì nên băng lại để hạn chế bụi bẩn, vi khuẩn xâm nhập. Các bước vệ sinh, thay băng y tế là vô cùng quan trọng, cần thực hiện hàng ngày và đúng nguyên tắc.
- Nếu như phát hiện vết thương hở, vết trầy xước bị nhiễm trùng, bạn nên đi khám để được điều trị đúng cách.
Điều trị như thế nào?
Dùng thuốc
Đơn thuốc kháng sinh đường uống thường được bác sĩ áp dụng với các trường hợp bị viêm mô tế bào mức độ nhẹ. Với những trường hợp nặng được bác sĩ nghi ngờ có nhiễm trùng máu, viêm gân cơ, viêm khớp sẽ cần nhập viện để điều trị kháng sinh bằng đường tĩnh mạch. Nếu bị viêm tắc tĩnh mạch bác sĩ sẽ cân nhắc về việc dùng thuốc chống đông. Thời gian dùng thuốc điều trị viêm mô tế bào có thể trong 1 tuần hoặc hơn tùy theo mức độ bệnh của mỗi bệnh nhân. Trong thời gian điều trị theo đơn của bác sĩ người bệnh không được tự ý đắp hay bôi bất cứ loại thuốc nào khác. Mọi hướng dẫn chăm sóc vết thương từ bác sĩ cần được thực hiện đúng.
Phẫu thuật
Với những bệnh nhân bị viêm mô tế bào nặng, đã điều trị bằng thuốc kháng sinh nhưng không có tác dụng, bác sĩ sẽ phẫu thuật để loại bỏ hoàn toàn phần mô hoại tử.
Bài viết trên đã cho bạn những thông tin bổ ích về viêm mô tế bào. Hi vọng, sẽ có ích cho việc chăm sóc sức khỏe gia đình bạn.