Bệnh cườm nước là một bệnh rất nguy hiểm, có thể gây mù mắt. Cườm nước không chỉ xảy ra ở người lớn mà còn có ở trẻ sơ sinh. Nếu không kịp thời phát hiện và điều trị thì trẻ sẽ có nguy cơ bị mù vĩnh viễn. Vậy cườm nước là gì? Chúng ta cùng tham khảo bài viết dưới này nhé.
Tổng quan chung
Bệnh Glaucoma còn gọi là cườm nước, thiên đầu thống hay chứng tăng nhãn áp. Áp lực trong mắt (nhãn áp) tăng cao làm dây thần kinh thị giác kết nối mắt với não bị tổn thương. Bệnh có thể dẫn đến mất thị lực (mù lòa) nếu không được phát hiện và điều trị sớm.
Mắt bình thường có dạng một quả cầu, đường kính khoảng 2 cm, có chứa một loại nước, gọi là thủy dịch, lưu thông thường xuyên để nuôi dưỡng nhiều bộ phận trong mắt. Sự lưu thông của thủy dịch bao giờ cũng ở trạng thái cân bằng. Dịch này phải thoát ra khỏi mắt, qua những lỗ nhỏ ở phía trước để trở vào cơ thể. Nếu những lỗ này bị hẹp hay bị bít thì dịch sẽ bị ứ lại, gây tăng áp lực trong mắt (tăng nhãn áp), làm tổn thương thần kinh thị giác, dẫn đến mù mắt.
Bệnh cườm nước khá phổ biến và không có triệu chứng trong giai đoạn đầu, vì thế rất khó nhận ra. Tuy nhiên, nếu được phát hiện sớm và điều trị đúng có thể ngăn chặn sự tiến triển của bệnh, bệnh nhân có thể tránh khỏi mất thị lực và thị trường nghiêm trọng.
Triệu chứng
Cườm nước thường không có triệu chứng rõ ràng ở giai đoạn đầu, nhưng khi bệnh tiến triển, các triệu chứng có thể bao gồm:
- Mờ mắt hoặc mất thị lực đột ngột.
- Đau mắt, nhức đầu.
- Nhìn thấy quầng sáng xung quanh nguồn sáng.
- Mắt đỏ và cảm giác khó chịu.
- Giảm tầm nhìn, nhất là ở vùng ngoại vi.
Nguyên nhân
Bệnh cườm nước (Glaucoma) không có nguyên nhân gây bệnh rõ ràng nhưng bệnh có liên quan đến sự tăng áp lực trong mắt hoặc giảm lưu lượng máu nuôi dưỡng dây thần kinh thị giác. Tăng áp suất thủy dịch có thể dẫn tới bệnh cườm nước, tuy nhiên không phải ai cũng bị bệnh cườm nước khi mắc chứng tăng áp suất thủy dịch.
Nguyên nhân chính gây ra tình trạng này bao gồm:
- Glaucoma góc mở: Hệ thống thoát nước của mắt bị tắc nghẽn dần dần.
- Glaucoma góc đóng: Mống mắt bị đẩy về phía trước, làm hẹp hoặc chặn đường thoát nước.
- Glaucoma thứ phát: Do một bệnh lý khác hoặc chấn thương mắt gây ra.
- Glaucoma bẩm sinh: Do dị tật bẩm sinh trong hệ thống thoát nước của mắt.
Đối tượng nguy cơ
Thống kê cho thấy, những đối tượng sau đây đối diện với nguy cơ mắc bệnh cườm nước, bao gồm:
- Người trên 40 tuổi.
- Các thành viên trong gia đình mắc (hoặc đã) mắc bệnh.
- Người gốc Phi, châu Á và gốc Tây Ban Nha có nguy cơ cao hơn.
- Cận thị (trong bệnh Glaucoma góc mở) hoặc viễn thị (trong bệnh Glaucoma góc đóng).
- Người mắc bệnh tiểu đường.
- Người bị huyết áp cao.
- Người sử dụng corticosteroid lâu dài.
- Chấn thương mắt trước đây hoặc phẫu thuật.
Chẩn đoán
- Chẩn đoán cườm nước thường bao gồm các bước sau:
- Đo áp lực trong mắt: Kiểm tra mức áp lực trong mắt bằng cách sử dụng thiết bị chuyên dụng.
- Kiểm tra dây thần kinh thị giác: Quan sát và chụp ảnh để phát hiện bất kỳ tổn thương nào.
- Đo độ dày giác mạc: Sử dụng siêu âm để đo độ dày giác mạc.
- Kiểm tra tầm nhìn: Đo lường và phân tích tầm nhìn của bạn.
- Bác sĩ nhãn khoa có các dụng cụ chẩn đoán khác nhau để hỗ trợ trong việc xác định bệnh nhân có bị bệnh glaucoma hay không ngay cả khi bệnh nhân chưa có bất kỳ triệu chứng gì. Hãy tìm hiểu các dụng cụ này và chức năng của nó:
- Nhãn áp kế: đo áp suất trong mắt bệnh nhân.
- Dụng cụ kiểm tra thị trường: đánh giá thị lực của bệnh nhân, đây là dụng cụ quan trọng để đo mức độ tổn thương thần kinh thị giác của bệnh nhân do bệnh glaucoma.
- Kiểm tra mắt bằng đèn soi đáy mắt: bác sĩ nhãn khoa sử dụng một dụng cụ gọi là đèn soi đáy mắt để quan sát trực tiếp -thần kinh thị giác qua đồng tử.
Phòng ngừa bệnh
Hiện nay vẫn chưa có phương pháp cụ thể nào có thể giúp phòng ngừa bệnh cườm nước. Tuy nhiên, nếu glocom được phát hiện sớm và can thiệp điều trị kịp thời có thể giúp người bệnh bảo vệ được thị lực tốt, hạn chế sự tiến triển của bệnh gây mù lòa. Bạn có thể dự phòng được bệnh lý này bằng việc ghi nhớ các điều sau đây:
- Khám mắt định kỳ: Khuyến cáo tất cả mọi người, đặc biệt là những người có yếu tố nguy cơ, có tiền sử gia đình có người mắc bệnh glocom nên đi thăm khám mắt định định 1 năm/ lần đề kiểm tra, phát hiện sớm tình trạng bệnh glocom.
- Kiểm soát tốt bệnh lý toàn thân: Người có tiền sử bệnh lý toàn thân như tiểu đường, cao huyết áp cần phải kiểm soát tốt để không gây ra những biến chứng nguy hiểm cho mắt.
- Không được sử dụng thuốc bừa bãi: Đặc biệt là các loại thuốc có thành phần corticoid, cần có chỉ định của bác sĩ khi sử dụng.
- Không làm động tác cúi đầu quá nhiều vào buổi tối: Các động tác cúi đầu như gội đầu, tập yoga… vào buổi tối rất nguy hiểm vì về mặt sinh lý, ban đêm nhãn áp của chúng ta thường cao hơn trong ngày, tư thế cúi đầu sẽ làm cho góc tiền phòng – một cấu trúc ở trong mắt hẹp hơn nữa, dễ gây ra cơn glocom cấp.
- Không làm việc trong điều kiện thiếu ánh sáng: Không đọc sách, truyện, tư liệu trong điều kiện ánh sáng yếu vì lúc này đồng tử sẽ giãn nửa với dễ gây ra cơn glocom cấp.
- Khắc phục tình trạng stress: Khi bạn căng thẳng, lo âu quá nhiều, thức đêm, ngủ thiếu giấc khiến mắt không được nghỉ ngơi đủ dễ gây ra tăng nhãn áp.
- Hạn chế tối đa các chất kích thích: Rượu, bia, thuốc lá… là những chất kích thích dễ sản sinh những gốc tự do nguy hại, nó có thể đẩy cao nguy cơ mắc bệnh glocom ở người bình thường lên gấp 2,3 lần, vì vậy bạn không nên lạm dụng quá nhiều.
- Chú ý các dấu hiệu bất thường ở mắt: Khi thấy mắt có các dấu hiệu bất thường như nhìn mờ, lóa mắt, đau nhức mắt lan lên nửa đầu… cần đến ngay các cơ sở y tế chuyên nhãn khoa để được thăm khám, tư vấn.
Điều trị như thế nào?
Mất thị lực vì Glaucoma là vĩnh viễn. Nhưng nếu Glaucoma được phát hiện, điều trị thích hợp có thể ngăn ngừa mất thị lực thêm. Vì vậy, mục tiêu của điều trị Glaucoma là ngăn ngừa tổn thương dây thần kinh thị giác và mất thị lực bằng cách giảm nhãn áp.
Điều trị Glaucoma là suốt đời. Giảm nhãn áp bằng cách tăng thoát thủy dịch ra khỏi nhãn cầu hoặc giảm sản xuất bên trong nhãn cầu. Một số người bị nhãn áp cao không có dấu hiệu tổn thương dây thần kinh thị giác (được gọi là “Nghi ngờ Glaucoma”) có thể được theo dõi chặt chẽ mà không cần điều trị.
Sử dụng thuốc thường ở dạng thuốc nhỏ mắt và phẫu thuật là những phương pháp điều trị chính cho bệnh. Loại và mức độ nghiêm trọng của bệnh xác định phương pháp điều trị thích hợp.
Hầu hết những người bị Glaucoma góc mở đều đáp ứng tốt với các loại thuốc được sử dụng để điều trị.
Những loại thuốc này cũng được sử dụng cho những người bị bệnh tăng nhãn áp góc đóng, nhưng phẫu thuật là phương pháp điều trị chính.
Thuốc
- Thuốc nhỏ mắt có chứa chất chẹn beta (chẳng hạn như timolol), các hợp chất giống như prostaglandin, chất chủ vận alpha-adrenergic, hoặc chất ức chế anhydrase carbonic thường được sử dụng để điều trị bệnh tăng nhãn áp. Thuốc cholinergic (chẳng hạn như pilocarpine) đã được sử dụng trong quá khứ nhưng không còn được sử dụng phổ biến nữa.
- Thuốc nhỏ mắt thường an toàn nhưng chúng có thể gây ra nhiều tác dụng phụ. Bệnh nhân cần sử dụng chúng trong suốt đời còn lại, và cần phải đi khám định kỳ để theo dõi nhãn áp, thần kinh thị giác và thị trường.
- Glaucoma góc đóng cấp là một cấp cứu, vì vậy bác sĩ có thể sử dụng kết hợp các loại thuốc rất mạnh và tác dụng nhanh làm hạ nhãn áp nhanh chóng. Bệnh nhân nhận nhiều loại thuốc cùng một lúc, bắt đầu bằng thuốc nhỏ mắt (chẳng hạn như timolol, brimonidine và pilocarpine). Sau đó, các bác sĩ sẽ cho uống thuốc acetazolamide và thuốc lợi tiểu như glycerin hoặc isosorbide (bằng đường uống) hoặc mannitol (bằng đường tĩnh mạch) nếu nhãn áp quá cao khi đã dùng thuốc nhỏ mà không hiệu quả. Điều trị laser được thực hiện cho cả hai mắt càng sớm càng tốt. Cả hai mắt đều được điều trị vì mắt lành có khả năng bị ảnh hưởng sau này.
Phẫu thuật
- Cần phẫu thuật cho những người có nhãn áp quá cao, không được kiểm soát hiệu quả bằng thuốc nhỏ mắt, người không thể dùng thuốc nhỏ mắt, những người bị các tác dụng phụ không thể dung nạp được từ thuốc nhỏ mắt, hoặc những người đã bị tổn thương thị trường nghiêm trọng ngay khi phát hiện bệnh.
- Tạo hình vùng bè bằng laser ở bệnh nhân Glaucoma góc mở hoặc để tạo lỗ rìa mống mắt (cắt mống chu biên bằng laser) ở những người bị bệnh tăng nhãn áp góc đóng cấp tính hoặc mãn tính. Kỹ thuật laser được thực hiện tại bệnh viện hoặc phòng khám. Bệnh nhân có thể về nhà ngay sau thủ thuật.
- Biến chứng phổ biến nhất của kỹ thuật laser là làm tăng nhãn áp tạm thời, được điều trị bằng thuốc nhỏ mắt hạ nhãn áp. Hiếm khi tia laser có thể làm bỏng giác mạc, nhưng những vết bỏng này thường nhanh chóng lành lại.
- Phẫu thuật cắt bè củng mạc: thường được thực hiện trong bệnh viện, có thể về nhà ngay trong ngày.
Việc điều trị bệnh tăng nhãn áp do các rối loạn khác gây ra tùy thuộc vào nguyên nhân.
- Đối với nhiễm trùng hoặc viêm, thuốc nhỏ mắt kháng sinh, kháng vi-rút hoặc corticosteroid có thể giúp chữa khỏi.
- Cần điều trị khối u làm tắc nghẽn dẫn lưu thủy dịch. Đục thủy tinh thể quá lớn sẽ làm tăng nhãn áp, loại bỏ đục thủy tinh thể có thể giúp ngăn ngừa bệnh tăng nhãn áp thứ phát nhưng đôi khi làm tăng nhãn áp. Nhãn áp cao do phẫu thuật đục thủy tinh thể được điều trị bằng thuốc nhỏ mắt.
Hi vọng với những chia sẻ trên giúp các bạn hiểu hơn về cườm nước.