Bệnh lý thần kinh tiểu đường là tổn thương thần kinh xảy ra do glucose tăng cao trong máu ở những người mắc tiểu đường. Theo thời gian, lượng đường trong máu cao có thể tổn thương các dây thần kinh trên khắp cơ thể. Điều này gây ra một loạt các triệu chứng và biến chứng lâu dài. Cùng tìm hiểu bệnh lý thần kinh là gì? Dấu hiệu nhận biết? Cách phòng ngừa bệnh lý thần kinh do tiểu đường ở bài viết dưới đây.
Tổng quan chung
Bệnh lý thần kinh đái tháo đường được đặc trưng bởi sự tổn thương của dây thần kinh, xảy ra do glucose tăng cao trong máu. Khi đường huyết tăng cao, có thể làm tổn thương các dây thần kinh ở toàn thân, tuy nhiên dây thần kinh chi trên và chi dưới bị ảnh hưởng rõ rệt nhất.
Bệnh thần kinh đái tháo đường được chia thành hai nhóm chính:
- Bệnh lý thần kinh ngoại biên: Ảnh hưởng đến dây thần kinh cảm giác như nóng, lạnh và đau. Dây thần kinh vận động kích thích cơ bắp cử động.
- Bệnh lý thần kinh tự chủ: Dây thần kinh tự chủ kiểm soát các hoạt động tự động như nhịp đập của tim, các hoạt động của dạ dày, ruột, hệ tiết niệu,… do đó ảnh hưởng đến nhịp tim, huyết áp, nhịp thở và hoạt động nuốt, sự cương cứng ở nam giới.
Thần kinh đái tháo đường là biến chứng phổ biến ở các bệnh đái tháo đường tuýp 1 và đái tháo đường tuýp 2. Đa số người trên 60 tuổi bị bệnh tiểu đường tuýp 2 mắc thần kinh ngoại biên.
Triệu chứng bệnh thần kinh đái tháo đường
Biến chứng thần kinh của bệnh tiểu đường có thể gặp ở các nhóm tổ chức thần kinh khác nhau với các triệu chứng khác nhau.
Dấu hiệu bệnh thần kinh ngoại vi
Biến chứng thần kinh ngoại vi của bệnh tiểu đường là các tổn thương ở dây thần kinh ngoại vi, phổ biến nhất là dây thần kinh bàn chân và chân.
Các triệu chứng thường gặp bao gồm:
- Tê hoặc ngứa ran ở bàn chân và cẳng chân
- Đau hoặc cảm giác nóng rát
- Mất cảm giác ở bàn chân hoặc cẳng chân
Đôi khi, các triệu chứng này có thể xảy ra ở bàn tay hoặc cánh tay.
Dấu hiệu bệnh thần kinh khu trú
Biến chứng này ảnh hưởng đến một dây thần kinh hoặc một khu vực cụ thể tại bất kỳ vị trí nào trên cơ thể. Các triệu chứng có thể xuất hiện một cách đột ngột. Bệnh thường không gây ra các vấn đề lâu dài và các triệu chứng thường cải thiện trong vài tuần đến vài tháng. Một số triệu chứng thường gặp bao gồm:
- Tức ngực
- Đau mắt, thay đổi về tầm nhìn
- Liệt một bên mặt
- Đau ở một vùng cục bộ trên cơ thể
Dấu hiệu bệnh thần kinh tự chủ
Bệnh tiểu đường cũng có thể ảnh hưởng đến hệ thống thần kinh tự chủ – hệ thống kiểm soát các hoạt động vô thức và các chức năng của cơ thể như nhịp tim, tiêu hóa, hô hấp, phản ứng con ngươi, tiểu tiện và kích thích tình dục.
Vì thế, người bệnh bị biến chứng thần kinh tự chủ sẽ có các dấu hiệu như:
- Tiểu không kiểm soát, không có khả năng làm rỗng bàng quang hoàn toàn
- Tiêu chảy, táo bón, nôn, buồn nôn, khó nuốt
- Rối loạn chức năng tình dục
- Chóng mặt, ngất xỉu
- Giảm lượng dịch nhờn âm đạo
- Ra nhiều mồ hôi, có thể ra mồ hôi ban đêm
- Hạ huyết áp tư thế, nhịp tim nhanh
Dấu hiệu bệnh thần kinh gần
Biến chứng này sẽ ảnh hưởng đến các dây thần kinh ở đùi, hông hoặc mông, thường gặp ở các bệnh nhân trung niên trở lên. Các triệu chứng có thể không đối xứng giữa 2 chân. Một số biểu hiện thường gặp:
- Đau dữ dội ở vùng đùi và bụng
- Loạn cảm ở chân
- Cơ đùi yếu và teo cơ.
- Khó khăn khi thay đổi tư thế từ ngồi sang đứng.
- Đôi khi có giảm cân đáng kể
Những biểu hiện do bệnh thần kinh gần ở người tiểu đường có thể giảm dần khi đường huyết kiểm soát tốt trở lại.
Biến chứng bệnh thần kinh tiểu đường
Bệnh thần kinh đái tháo đường gây ra một số biến chứng nghiêm trọng bao gồm:
- Hạ đường huyết không nhận biết: Người bệnh có nồng độ đường trong máu giảm thấp nhưng không nhân biết được và có thể dẫn đến hôn mê hạ đường huyết.
- Đoạn chi là biến chứng nặng nề, để lại di chứng suốt đời, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Bệnh mất cảm giác ở bàn chân, đi rớt dép không biết làm tăng nguy cơ loét chân và đoạn chi
- Bàng quang thần kinh gây tiểu không kiểm soát hoặc bí tiểu làm tăng nguy cơ nhiễm trùng tiết niệu
- Tụt huyết áp tư thế gây chóng mặt, choáng khi thay đổi tư thế có thể dẫn đến té ngã
- Các vấn đề về tiêu hóa như khó nuốt, đầy bụng, chướng hơi, buồn nôn, nôn, tiêu không tự chủ, tiêu chảy hoặc táo bón gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống
- Rối loạn chức năng tình dục ở nam giới và nữ giới ảnh hưởng đến đời sống tình dục.
Nguyên nhân gây biến chứng
Bệnh thần kinh tiểu đường do nhiều nguyên nhân, trong đó, lượng đường huyết trong cơ thể tăng cao, không được kiểm soát trong thời gian dài khiến các dây thần kinh bị tổn thương được cho là nguyên nhân chính.
Ở người mắc bệnh đái tháo đường, nồng độ glucose trong máu sẽ chuyển hóa theo con đường khác so với bình thường. Quá trình chuyển hóa này tạo ra một số chất như sorbitol, fructose làm phá vỡ cấu trúc bình thường của tế bào sợi thần kinh. Hơn nữa, đường huyết cao sẽ dẫn tới hình thành nhiều gốc tự do là tổn thương các mạch máu nhỏ, gây ra thiếu máu đến nuôi dưỡng tế bào thần kinh.
Đối tượng và yếu tố nguy cơ
- Hệ thống miễn dịch “nghi ngờ” những dây thần kinh là vật thể lạ và tự xảy ra các phản ứng để bảo vệ cơ thể. Hậu quả là gây viêm dây thần kinh.
- Sử dụng bia, rượu, thuốc lá hay các chất kích thích khác. Đây được cho là nguyên nhân gây ra nhiều bệnh nguy hiểm, không loại trừ bệnh thần kinh tiểu đường.
- Những người bị thừa cân, béo phì (chỉ số khối cơ thể BMI > 24) hoặc mắc các bệnh về thận. Bởi khi thận bị tổn thương thì các chất độc sẽ không được đào thải ra khỏi cơ thể mà nhiễm ngược vào máu, ảnh hưởng nặng nề đến các dây thần kinh.
- Các yếu tố di truyền, không liên quan đến bệnh tiểu đường.
- Thời gian bị bệnh đái tháo đường: bị bệnh càng lâu (nhất là khi glucose huyết không được ổn định tốt) càng tăng nguy cơ bị bệnh thần kinh.
- Bệnh thận mạn.
Chẩn đoán
Bác sĩ thường chẩn đoán bệnh thần kinh tiểu đường bằng cách kiểm tra thể chất và xem xét cẩn thận các triệu chứng, cũng như khai thác lịch sử y tế của bệnh nhân. Cụ thể, bạn sẽ được kiểm tra:
- Sức mạnh, sức căng và khả năng trương lực cơ bắp
- Phản xạ của gân cơ
- Cảm nhận xúc giác và độ rung của âm thoa.
Song song đó, bác sĩ cũng thực hiện các xét nghiệm cụ thể để giúp chẩn đoán bệnh thần kinh tiểu đường như:
- Thử nghiệm sợi cước: Bác sĩ sẽ chải một sợi nylon mềm (sợi cước) lên các vùng da của bệnh nhân để kiểm tra độ nhạy cảm khi chạm vào;
- Thử nghiệm cảm giác: Là thử nghiệm không xâm lấn, cho biết phản ứng của dây thần kinh với độ rung và thay đổi nhiệt độ (nóng/lạnh);
- Xét nghiệm dẫn truyền thần kinh: Đo tốc độ dẫn tín hiệu điện của các dây thần kinh ở tay và chân. Thử nghiệm này cũng thường được sử dụng trong chẩn đoán hội chứng ống cổ tay;
- Điện cơ: Thử nghiệm này đo phóng điện do cơ bắp sản xuất và nghiên cứu dẫn truyền thần kinh;
- Kiểm tra tự động: Các xét nghiệm đặc biệt nhằm xác định sự thay đổi huyết áp và khả năng đổ mồ hôi khi bệnh nhân thực hiện các tư thế khác nhau.
Cách phòng ngừa
- Người bệnh tiểu đường nên làm xét nghiệm HbA1C ít nhất hai lần một năm.
- Chăm sóc chân tay kỹ lưỡng. Các vấn đề về chân, bao gồm vết loét lâu lành, rạn nứt,… trường hợp xấu phải cắt cụt chi, là những biến chứng phổ biến của bệnh thần kinh do tiểu đường. Nhưng bạn có thể ngăn ngừa nhiều vấn đề này bằng cách khám chân ít nhất mỗi năm một lần.
- Kiểm soát huyết áp.
- Ăn uống điều độ đúng theo chỉ dẫn của bác sĩ.
- Tập luyện thể dục thường xuyên.
- Duy trì cân nặng ở mức vừa phải.
- Không hút thuốc lá.
- Không uống rượu bia.
Bệnh lý thần kinh do đái tháo đường là biến chứng hay gặp ở bệnh nhân tiểu đường không kiểm soát tốt đường huyết. Vì vậy, để ngăn ngừa những biến chứng nặng, người bệnh không được chủ quan trong việc chăm sóc sức khỏe, theo dõi đường huyết hằng ngày. Nếu nhận thấy những bất thường về sức khỏe cần đến bệnh viện để được thăm khám và điều trị kịp thời.
Điều trị
Bệnh thần kinh tiểu đường không có cách chữa khỏi triệt để. Mục tiêu của điều trị biến chứng thần kinh tiểu đường là:
- Làm chậm tiến triển của bệnh;
- Giảm đau;
- Kiểm soát biến chứng và phục hồi chức năng.
Điều trị bệnh thần kinh do đái tháo đường tập trung vào các vấn đề sau đây:
- Làm chậm diễn tiến bệnh: để làm chậm diễn tiến bệnh cần kiểm soát tốt mức đường huyết, duy trì mức đường huyết ở mức trung bình có thể làm giảm nguy cơ diễn tiến bệnh khoảng 60%. Mục tiêu đường huyết cần đạt được bao gồm:
- Đường huyết khi đói hoặc trước ăn: 70 – 130 mg/dL.
- Đường huyết sau 2 giờ ăn: < 180 mg/dL.
- HbA1c nhỏ hơn 7%.
- Ngoài ra người bệnh cần chăm sóc kỹ bàn chân để tránh bị tổn thương gây loét.
- Kiểm soát huyết áp.
- Ăn uống điều độ đúng theo chỉ dẫn của bác sĩ.
- Tập luyện thể dục thường xuyên.
- Duy trì cân nặng ở mức vừa phải.
- Không hút thuốc lá.
- Không uống rượu bia.
- Dùng các thuốc giảm triệu chứng theo toa bác sĩ.
- Điều trị các biến chứng và phục hồi chức năng cho các bệnh nhân có bệnh bàng quang thần kinh, đoạn chi,…