Vô sinh nữ là là tình trạng người phụ nữ không có thai tự nhiên được sau 1 năm quan hệ vợ chồng thường xuyên mà không dùng các biện pháp tránh thai nào. Vậy nguyên nhân, đối tượng nguy cơ mắc vô sinh ở nữ giới là gì? Cách chẩn đoán và biện pháp phòng tránh như thế nào? Cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Nguyên nhân gây vô sinh nữ
Có rất nhiều nguyên nhân gây vô sinh ở nữ giới, tuy nhiên có 3 nguyên nhân thường gặp nhất bao gồm: buồng tử cung, buồng trứng và hai vòi trứng.
- Buồng tử cung: một số nguyên nhân gây vô sinh do buồng tử cung là: viêm buồng tử cung do nạo, hút thai. Đây là nguyên nhân khó khăn nhất khi điều trị vô sinh hiếm muộn ở nữ giới.
- Buồng trứng: nguyên nhân vô sinh do buồng trứng thường gặp là suy buồng trứng (trứng quá ít) và buồng trứng đa nang.
- Buồng trứng đa nang là tình trạng buồng trứng có quá nhiều nang trứng dẫn tới rối loạn rụng trứng. Khi có nhiều nang trứng phát triển cùng lúc, cơ thể không có đủ dưỡng chất để nuôi dưỡng trứng, từ đó gây ra tình trạng có nhiều trứng non nhưng không có trứng trưởng thành và trứng chín.
- Suy buồng trứng là tình trạng buồng trứng suy giảm cả về chất lượng lẫn số lượng. Đây là tình trạng thường gặp ở phụ nữ trong độ tuổi 35-40 tuổi. Tuy nhiên, có những trường hợp suy buồng trứng sớm gặp ở các bạn nữ chỉ mới hơn 20 tuổi.
- Tắc hai vòi trứng: nhiều chị em quan hệ tình dục, vệ sinh và chăm sóc âm đạo không đúng cách dẫn tới tắc hai vòi trứng. Thường gặp nhất là thói quen thụt rửa âm đạo, bệnh viêm nhiễm phụ khoa dẫn tới vi khuẩn ngược dòng lên hai vòi trứng, tử cung gây ra các biến chứng.
Những đối tượng nguy cơ vô sinh ở nữ giới
Tỷ lệ vô sinh ở nữ giới tăng cao ở những đối tượng nguy cơ sau:
- Phụ nữ sau 35 tuổi: ở độ tuổi này, tốc độ rụng nang trứng tăng nhanh, dẫn đến số lượng trứng ít hơn và chất lượng kém hơn. Tình trạng này khiến cho việc thụ thai khó khăn, đặc biệt nguy cơ thai bất thường tăng ở những người phụ nữ lớn tuổi và nguy cơ sảy thai cũng cao hơn.
- Người có tiền sử bệnh lý: Những phụ nữ có tiền sử mắc các bệnh nhiễm trùng vùng chậu, lạc nội mạc tử cung, u xơ tử cung, hoặc các bệnh lý nội tiết có nguy cơ cao mắc phải vô sinh.
- Người có thói quen sinh hoạt không lành mạnh: Hút thuốc lá, uống rượu bia, sử dụng ma túy, và lối sống ít vận động có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe sinh sản và tăng nguy cơ vô sinh.
Các yếu tố tăng nguy cơ vô sinh nữ
Một số yếu tố sau đây đã làm gia tăng nguy cơ hiếm muộn ở phụ nữ:
- Tuổi tác: khả năng sinh sản ở nữ giới giảm dần theo tuổi tác, cụ thể từ sau 30 trở đi và giảm nhanh từ tuổi 37. Phụ nữ lớn tuổi có thể gặp tình trạng chất lượng và số lượng trứng giảm và tình trạng sức khỏe tác động đến chức năng sinh sản.
- Thuốc lá: nếu phụ nữ hút thuốc hoặc dùng chất gây nghiện như cần sa sẽ khiến chức năng sinh sản bị ảnh hưởng xấu. Ngoài ra, hút thuốc cũng khiến việc điều trị vấn đề về sinh sản không đạt như ý muốn. Thực tế có rất nhiều trường hợp ghi nhận phụ nữ bị sảy thai do hút thuốc lá.
- Rượu: việc làm dụng rượu bia sẽ khiến việc mang thai bị ảnh hưởng.
- Béo phì: những người ít vận động và thừa cân có nguy cơ bị vô sinh.
- Thiếu cân: những người bị rối loạn ăn uống như ngán ăn hoặc cuồng ăn đều gặp vấn đề về sinh sản.
- Tập thể dục: lười vận động sẽ khiến phụ nữ dễ bị béo phì và vô sinh. Ngoài ra, luyện tập cường độ cao cũng ảnh hưởng đến việc rụng trứng.
- Do môi trường sống độc hại, chất lượng cuộc sống kém,…
Chẩn đoán vô sinh nữ
Để chẩn đoán vô sinh nữ, các bác sĩ sẽ thực hiện một loạt các xét nghiệm và kiểm tra bao gồm:
- Kiểm tra thể chất và lịch sử y tế: Bác sĩ sẽ kiểm tra tổng quát sức khỏe và hỏi về lịch sử y tế, thói quen sinh hoạt, và các yếu tố có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản.
- Xét nghiệm máu: Đo lường nồng độ các hormone như FSH, LH, estradiol, và prolactin để phát hiện các rối loạn nội tiết.
- Siêu âm: Siêu âm buồng trứng và tử cung để phát hiện các bất thường về cấu trúc như u xơ tử cung hoặc nang buồng trứng.
- Chụp tử cung – ống dẫn trứng (HSG): Đây là xét nghiệm hình ảnh để kiểm tra tình trạng ống dẫn trứng và tử cung.
- Một số thăm khám chuyên sâu: phẫu thuật nội soi, sinh thiết niêm mạc, Xét nghiệm di truyền…
Phòng tránh vô sinh ở nữ giới
Dưới đây là 1 số biện pháp phòng tránh vô sinh chị em có thể áp dụng:
- Thực hiện lối sống lành mạnh, duy trì cân nặng hợp lý: Phụ nữ thừa cân và nhẹ cân đều có nguy cơ bị rối loạn rụng trứng cao hơn.
- Từ bỏ hút thuốc, không uống rượu: Nếu có thói quen hút thuốc, uống rượu, chị em hãy từ bỏ điều đó ngay từ bây giờ, vì thuốc lá và rượu có nhiều tác động tiêu cực đến khả năng sinh sản, cũng như sức khỏe chung của mẹ bầu và thai nhi.
- Giảm căng thẳng: Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc căng thẳng, mệt mỏi có thể khiến việc điều trị vô sinh của các cặp vợ chồng có kết quả kém hơn. Nó cũng có thể gây sảy thai hoặc sinh non. Sau sinh nổi bật là tình trạng trầm cảm, ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống và đôi khi dẫn tới hậu quả đáng tiếc. Chị em nên cố gắng giảm bớt căng thẳng trong cuộc sống trước, trong và sau khi khi mang thai.
- Thăm khám sức khỏe định kỳ: Nhiều chị em thường xem nhẹ việc thăm khám sức khỏe sinh sản cho đến khi cố gắng mang thai nhưng chưa có kết quả như ý. Việc thăm khám sớm trước khi có triệu chứng giúp chị em có thể được chẩn đoán sớm các bệnh lý có nguy cơ ảnh hưởng đến khả năng sinh sản và có kế hoạch điều trị phù hợp sớm hơn.
Nhận biết sớm các yếu tố nguy cơ và nguyên nhân gây vô sinh ở nữ giới là rất quan trọng để có biện pháp phòng tránh và điều trị kịp thời. Bằng cách duy trì một lối sống lành mạnh, quản lý căng thẳng, và thường xuyên kiểm tra sức khỏe, phụ nữ có thể giảm thiểu nguy cơ mắc phải vô sinh và đảm bảo sức khỏe sinh sản tốt nhất. Hãy chú ý đến cơ thể mình, đừng ngần ngại tìm kiếm sự giúp đỡ từ các chuyên gia y tế và luôn giữ tinh thần lạc quan, tin tưởng vào khả năng vượt qua khó khăn trong hành trình tìm kiếm hạnh phúc gia đình.
Hy vọng những chia sẻ trên đây giúp bạn hiểu hơn về tình trạng vô sinh ở nữ giới. Chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa, và đừng ngần ngại tới khám tại các cơ sở y tế để được chữa trị kịp thời.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.