Ung thư tuyến nước bọt là một căn bệnh khá hiếm, thế nhưng hậu quả mà bệnh có thể gây ra là rất lớn nếu như bạn vô tình là đối tượng bị mắc bệnh. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về các triệu chứng, nguyên nhân hay các cách chữa trị căn bệnh này.
Tổng quan chung
Ung thư tuyến nước bọt là gì?
Tuyến nước bọt nằm rải rác ở nhiều vị trí tại khoang miệng, trong đó các tuyến chính gồm tuyến mang tai, dưới lưỡi và dưới hàm. Một số tuyến phụ nằm dọc mũi, xoang, khoang miệng và vòm miệng.
Tuyến nước bọt có nhiệm vụ quan trọng trong hoạt động tiêu hóa thức ăn của con người. Thông qua ống dẫn, tuyến tiết nước bọt giúp thức ăn mềm, ẩm và dễ tiêu hóa hơn. Hoạt động này còn giúp làm sạch miệng và tiêu diệt vi khuẩn bằng cách tạo ra kháng thể.
Ung thư tuyến nước bọt là sự xuất hiện các tế bào ác tính ở các vị trí như: Dưới hàm, lưỡi, mang tai… Ngoài ra, bệnh có thể làm tổn thương niêm mạc đường hô hấp, gây ra những ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe người bệnh.
Triệu chứng
Các tuyến nước bọt chính nằm ở mỗi bên của khuôn mặt và bên dưới lưỡi. Một số dây thần kinh quan trọng và các cấu trúc khác chạy qua hoặc gần tuyến nước bọt và có thể bị ảnh hưởng bởi các khối u của tuyến nước bọt.
Các dấu hiệu và triệu chứng ung thư tuyến nước bọt bao gồm:
- Có cục hoặc sưng trong miệng, má, hàm hoặc cổ
- Đau ở miệng, má, hàm, tai hoặc cổ mà không đỡ
- Có khác biệt giữa kích thước, hình dạng của bên trái và bên phải của khuôn mặt hoặc cổ trước khi có khối u
- Tê ở một phần khuôn mặt
- Có yếu các cơ ở một bên mặt
- Khó mở miệng rộng hơn
- Có dịch bất thường chảy ra từ tai
- Khó nuốt
Một số các dấu hiệu và triệu chứng trên cũng có thể được gây ra bởi các khối u tuyến nước bọt lành tính (không phải ung thư) hoặc do các nguyên nhân khác. Tuy nhiên, nếu có bất kỳ vấn đề nào trong số này, điều quan trọng người bệnh phải gặp bác sĩ sớm nhất có thể để tìm và điều trị nguyên nhân nếu có.
Nguyên nhân
Các khối u tuyến nước bọt rất hiếm. Bác sĩ không rõ nguyên nhân gây bệnh ung thư tuyến nước bọt là gì. Họ chỉ biết rằng bệnh ung thư tuyến nước bọt xảy ra khi có đột biến ADN ở các tế bào tuyến nước bọt. Các đột biến này làm cho tế bào tăng trưởng và phân chia nhanh chóng. Các tế bào đột biến tiếp tục sống trong khi các tế bào khác sẽ chết, sau đó chúng tích tụ và hình thành khối u có thể xâm lấn các mô xung quanh. Các tế bào ung thư có thể tách rời ra và di căn xa đến các nơi khác trong cơ thể.
Đối tượng nguy cơ
Yếu tố rủi ro là bất cứ điều gì ảnh hưởng đến khả năng mắc bệnh như ung thư. Bệnh ung thư khác nhau thì có các nguy cơ khác nhau. Nếu một người có một yếu tố rủi ro hoặc thậm chí nhiều yếu tố rủi ro thì không có nghĩa là người đó chắc chắn sẽ mắc bệnh. Và nhiều người mắc bệnh có thể có ít hoặc không có yếu tố nguy cơ được biết đến từ trước. Một vài yếu tố nguy cơ đã được minh chứng là làm tăng nguy cơ phát triển ung thư tuyến nước bọt gồm:
- Nguy cơ của tuyến nước bọt tăng lên khi tuổi càng tăng.
- Ung thư tuyến nước bọt phổ biến ở nam giới hơn nữ giới.
- Tiếp xúc với bức xạ: Điều trị bức xạ ở vùng đầu và cổ vì những lý do bệnh khác làm tăng nguy cơ ung thư tuyến nước bọt. Tiếp xúc tại nơi làm việc hoặc môi trường có một số chất phóng xạ cũng có thể làm tăng nguy cơ ung thư tuyến nước bọt.
- Một số nghiên cứu cho thấy rằng những người làm việc với một số kim loại (bụi hợp kim niken) hoặc khoáng chất (bụi silic) và những người làm việc trong khai thác amiăng, hệ thống ống nước, sản xuất sản phẩm cao su và một số loại chế biến gỗ có thể tăng nguy cơ mắc bệnh tuyến nước bọt ung thư, nhưng những mối liên quan này chưa chắc chắn.
- Sử dụng thuốc lá và rượu bia: Thuốc lá và rượu bia có thể làm tăng nguy cơ mắc một số bệnh ung thư vùng đầu và cổ, nhưng chúng không liên quan chặt chẽ với ung thư tuyến nước bọt trong hầu hết các nghiên cứu.
- Chế độ ăn: Một số nghiên cứu đã phát hiện ra rằng chế độ ăn ít rau và nhiều chất béo động vật có thể làm tăng nguy cơ ung thư tuyến nước bọt.
Chẩn đoán
Để chẩn đoán bệnh ung thư tuyến nước bọt, bên cạnh việc thăm khám và khai thác tiền sử của bệnh nhân, bác sĩ có thể chỉ định một số xét nghiệm sau:
- Sinh thiết: Một mẫu mô bệnh phẩm sẽ lấy đi xét nghiệm để xác định ung thư. Sinh thiết kim được xem là lựa chọn ưu tiên. Nếu không thể thực hiện sinh thiết, bác sĩ sẽ đề nghị thực hiện xét nghiệm khác.
- Chụp X-quang: Chụp X-quang hàm và răng để tìm khối u.
- Chụp cắt lớp (CT): Có vai trò đánh giá kích thước khối u. Để có hình ảnh chi tiết hơn, nếu thấy cần thiết, bác sĩ sẽ yêu cầu bệnh nhân tiêm thuốc cản quang trước khi chụp.
- Chụp cộng hưởng từ MRI: Đây là phương pháp chẩn đoán hình ảnh cho phép nhìn một cách chi tiết nhất, nhờ đó mà bác sĩ biết được phạm vi, vị trí, kích thước khối u cũng như hạch bạch huyết phì đại, tình trạng di căn của khối u.
- Chụp PET-CT
Phòng ngừa bệnh
Để có một sức khỏe tốt và không bị mắc bệnh ung thư tuyến nước bọt bạn cần có cách phòng tránh cho bản thân mình như:
- Vệ sinh răng miệng sạch sẽ: Để đảm bảo vệ sinh bạn ít nhất vệ sinh răng miệng hai lần mỗi ngày vào buổi sáng và trước khi đi ngủ.
- Uống thật nhiều nước: Mỗi ngày cần bổ sung lượng nước đầy đủ ít nhất 2 lít nước bạn nhé!
- Không hút thuốc: Thuốc lá cực kỳ nguy hại ngay từ bây giờ bạn phải tập cai thuốc.
- Chế độ ăn uống, sinh hoạt khoa học: Phải lên kế hoạch ăn uống, tập luyện phù hợp nhất. Cần thiết bồi bổ các dưỡng chất, các loại vitamin cho cơ thể trong các bữa ăn hàng ngày bạn nhé!
Điều trị như thế nào?
Nguyên tắc chung là phẫu thuật cắt toàn bộ tuyến có u ác tính là phương pháp điều trị triệt căn có thể khỏi bệnh ở giai đoạn sớm.
Với u ác tính tuyến nước bọt, phẫu thuật, có thể kết hợp với xạ trị sau mổ là một lựa chọn để điều trị khối u còn khả năng cắt bỏ.
Khi phát hiện khối u tuyến nước bọt trong giai đoạn còn phẫu thuật được, không nên chỉ lấy u (nhân) hay lấy bỏ thùy nông đơn thuần. Cắt thùy hoặc cắt toàn bộ tuyến có bảo tồn dây thần kinh hoặc mạch máu nếu khối u nhỏ ở nông mà không xâm lấn ra ngoài nhu mô tuyến. Bảo tồn dây thần kinh mặt là một nguyên tắc phẫu thuật.
Cắt toàn bộ tuyến kèm cắt rộng cắt mô liên quan như dây thần kinh, da, cơ, xương trong trường hợp u có xâm lấn.
Phẫu thuật vét hạch cổ chọn lọc, vét hạch chức năng và vét hạch cổ triệt căn tùy thuộc đánh giá di căn hạch trước điều trị.
Xạ trị bổ trợ hậu phẫu nếu khối u độ ác tính cao, xạ trị kết hợp hóa trị với trường hợp không còn khả năng phẫu thuật. Một số thuốc ức chế miễn dịch được nghiên cứu chứng minh rằng có tác dụng trên một nhóm các bệnh nhân đã thất bại với biện pháp hóa trị liệu.
Ung thư tuyến nước bọt có tiên lượng tốt khi bệnh ở giai đoạn sớm và được phẫu thuật triệt để và được đánh giá cẩn thận đa chuyên khoa. Sau điều trị cần theo dõi 1-3 tháng/lần trong năm đầu tiên, 4-6 tháng/lần trong năm thứ hai, 8 tháng/lần trong các năm tiếp theo. Sau 5 năm có thể tái khám 1 năm/lần.
Để phòng bệnh ung thư tuyến nước bọt cần vệ sinh răng miệng sạch sẽ, uống đủ ít nhất 2 lít nước một ngày. Không hút thuốc lá, thuốc lào, hạn chế bia rượu và cần có chế độ ăn uống, sinh hoạt khoa học.