Đau đầu chóng mặt có thể biểu hiện cho nhiều vấn đề sức khỏe, bao gồm tình trạng nhẹ như lo lắng quá mức hoặc nghiêm trọng như mất nước, nhiễm trùng hay thậm chí là đột quỵ. Hãy cùng Pharmacity tìm hiểu về nhức đầu chóng mặt qua bài viết dưới đây.
Tổng quan chung
Đau đầu là một cảm giác không thoải mái hoặc cảm thấy nặng đầu, đau ở vùng đầu. Chóng mặt là hiện tượng cơ thể cảm thấy mất thăng bằng, cảm thấy chuyển động liên tục dù đang đứng yên. Bệnh thường gặp ở người lao động trí óc, dân văn phòng, những đối tượng từng gặp chấn thương tâm lý,…
Chóng mặt thường đi kèm với biểu hiện đau đầu và ngược lại, gây ra cảm giác đau nhức và mất kiểm soát thăng bằng cho cơ thể, ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm lý và sinh hoạt hàng ngày của người bệnh.
Có hơn 150 loại đau đầu nhưng đau đầu kèm theo chóng mặt thường là các trường hợp đau đầu có nguyên nhân từ não bộ. Có thể là những bệnh không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng cũng có thể là những bệnh nếu chẩn đoán chậm trễ sẽ dẫn đến tử vong hay để lại di chứng nặng nề.
Triệu chứng
- Người bị đau đầu chóng mặt nôn mửa thường có cảm giác đau hoặc áp lực ở 1, hoặc 2 bên đầu, trán, gáy, vùng sau mắt.
- Cơn đau thường diễn ra trong vài phút rồi tự biến mất, một số trường hợp có thể kéo dài từ vài giờ đến vài ngày.
- Đi kèm với tình trạng đau đầu là hoa mắt, chóng mặt, người bệnh cảm thấy mất thăng bằng, như đang xoay tròn, mất định hướng. Vì xuất hiện cảm giác lơ lửng, mặt đất di chuyển nên bạn có thể sẽ cảm thấy buồn nôn, nôn mửa, khó chịu ở dạ dày.
- Ngoài ra, người bệnh dễ cảm thấy mệt mỏi, kiệt sức, nhạy cảm với ánh sáng và tiếng ồn xung quanh. Nặng hơn có thể ngất xỉu, hôn mê, cần lập tức sơ cứu và nhập viện điều trị trong thời gian sớm nhất có thể.
Nguyên nhân
Các nguyên nhân gây đau đầu kèm theo chóng mặt quen thuộc bao gồm:
- Căng thẳng
- Mắc bệnh đau nửa đầu
- Chấn thương não
- Đột quỵ
Ngoài ra, bệnh cũng có thể do nhiều nguyên nhân không ngờ đến như dưới đây:
- Lượng đường trong máu thấp: Khi mức đường huyết giảm xuống dưới mức bình thường, cơ thể không có đủ glucose và năng lượng để hoạt động có thể khiến bạn bị đau đầu, chóng mặt. Tình trạng này thường xảy ra ở những người bệnh tiểu đường bị hạ đường huyết do thuốc hoặc muốn giảm cân mà nhịn đói trong một khoảng thời gian quá lâu.
- Nhiễm trùng do vi khuẩn và virus: Nếu bạn đau đầu kèm theo chóng mặt kèm theo sốt cao có thể là dấu hiệu cơ thể đang kiệt sức vì chống lại virus hoặc vi khuẩn xâm nhập. Khi nhiễm trùng, bạn dễ cảm thấy đau đầu, kiệt sức, mệt mỏi uể oải, không có năng lượng để làm bất cứ điều gì… Người bệnh cần đến khám bác sĩ nếu như có thêm các triệu chứng cảnh báo của viêm màng não như cứng gáy, nôn ói, sợ ánh sáng, li bì, nhìn mờ, nhìn đôi…
- Mất nước: Tình trạng mất nước xảy ra khi cơ thể mất nhiều chất lỏng hơn lượng nước nạp vào. Thời tiết nóng bức, nôn mửa, tiêu chảy, sốt và dùng một số loại thuốc đều có thể dẫn đến mất nước. Người bệnh gặp hiện tượng đau đầu, chóng mặt, luôn trong tình trạng khát nước, nước tiểu sẫm màu, người mệt mỏi… Nếu không kịp thời bổ sung nước, bạn có thể mệt lả và rơi vào hôn mê, mất ý thức, phải truyền dịch qua đường tĩnh mạch.
- Viêm mê đạo tai (Labyrinthitis): Viêm mê đạo tai là một dạng rối loạn tai trong, với hai dạng chính là viêm mê đạo tai do virus và viêm mê đạo tai do vi khuẩn. Các nguyên nhân dẫn đến viêm mê đạo tai thường là do bệnh đường hô hấp, nhiễm virus ở tai trong hoặc ở dạ dày… Đau đầu, chóng mặt là triệu chứng phổ biến ở người viêm mê đạo tai. Ngoài ra còn có một số triệu chứng khác như mờ mắt, hoa mắt, mất thính giác nhẹ, ù tai…
- Thiếu máu: Đây là tình trạng cơ thể không có đủ tế bào hồng cầu để vận chuyển oxy đến các cơ quan khác trong cơ hiệu quả. Nếu không có đủ oxy, cơ thể nhanh chóng trở nên yếu ớt và mệt mỏi, nhịp tim không đều, tức ngực, khó thở, chóng mặt, đau đầu…
- Suy giảm thị lực: Những người cận thị hoặc viễn thị, loạn thị nhưng không đeo kính hoặc đeo kính sai độ rất dễ gặp tình trạng nhức đầu chóng mặt. Nếu bạn phớt lờ các dấu hiệu trên và liên tục không đeo kính thì rất dễ dẫn đến suy giảm thị lực nghiêm trọng, mất thị lực.
- Tác dụng phụ của thuốc: Một số loại thuốc như thuốc chống trầm cảm, thuốc an thần, thuốc huyết áp, thuốc điều trị rối loạn cương dương, thuốc kháng sinh, thuốc tránh thai hay thuốc giảm đau có thể đi kèm với các tác dụng phụ. Trong đó, triệu chứng nhức đầu, chóng mặt là phổ biến nhất. Bạn cũng có thể cảm thấy buồn nôn, luôn trong trạng thái bứt rứt, mệt mỏi…
Đối tượng nguy cơ
Đau đầu chóng mặt là hiện tượng phổ biến xảy ra ở nhiều đối tượng, độ tuổi khác nhau. Một số đối tượng có nguy cơ bị đau đầu chóng mặt là:
- Người sống trong môi trường bị ô nhiễm: tiếng ồn, ánh sáng, không khí,…
- Người có áp lực công việc căng thẳng, môi trường sống có nhiều xung đột (gia đình, xã hội…).
- Chấn thương vùng đầu (bên ngoài hay bên trong) tác động hoặc làm xáo động cấu trúc cảm nhận của thần kinh.
- Bị bệnh lý thần kinh, tiền đình, tuần hoàn máu ảnh hưởng đến chức năng vận hành của não bộ hoặc gây rối loạn hệ tiền đình.
Chẩn đoán
Để biết chính xác nguyên nhân chóng mặt đau đầu của người bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện các phương pháp chẩn đoán cụ thể như:
- Kiểm tra lâm sàng: huyết áp, thị lực, tai mũi họng…
- Xét nghiệm máu: tìm kiếm dấu hiệu liên quan đến rối loạn chức năng tuyến giáp.
- Xét nghiệm hình ảnh: chụp cắt lớp (CT – scan), chụp X-quang hoặc cộng hưởng từ (MRI) để đánh giá cấu trúc não, tai, xương chậu và cột sống.
- Kiểm tra thính lực: xác định những bất thường trong chức năng nội nhĩ.
- Kiểm tra tiền đình: áp dụng các bài kiểm tra khả năng kiểm soát thăng bằng với những trường hợp nghi ngờ rối loạn tiền đình.
- Đánh giá tâm lý: tìm kiếm dấu hiệu căng thẳng, lo âu, trầm cảm, mất ngủ gây ra đau đầu, chóng mặt.
Phòng ngừa bệnh
Để duy trì sức khỏe não bộ, phòng tránh đau đầu chóng mặt bạn có thể tham khảo một số điều sau:
- Điều chỉnh lối sống: Thay đổi lối sống là một trong những cách quan trọng để duy trì sức khỏe não bộ. Hạn chế thói quen hút thuốc và uống rượu, tăng cường hoạt động thể lực và ăn uống lành mạnh.
- Tập thể dục thường xuyên: Tập thể dục có thể giúp cải thiện tuần hoàn máu và giảm nguy cơ bị thiếu máu lên não.
- Ăn uống lành mạnh: Ăn nhiều rau xanh và trái cây, giảm thiểu đồ ăn giàu cholesterol và chất béo, uống đủ nước.
- Kiểm soát stress: Các kỹ thuật giảm stress như yoga, tập thở và massage có thể giúp giảm căng thẳng và duy trì sức khỏe não bộ.
- Kiểm tra sức khỏe thường xuyên: Thường xuyên kiểm tra sức khỏe tim mạch và các yếu tố nguy cơ có thể giúp phát hiện sớm các vấn đề liên quan đến sức khỏe não bộ.
Điều trị nhức đầu chóng mặt như thế nào?
Mỗi nguyên nhân gây bệnh cũng như tình trạng sức khỏe sẽ có phác đồ điều trị khác nhau, đó là lý do vì sao người bệnh cần được chẩn đoán y tế. Bác sĩ có thể kê đơn một số loại thuốc như giảm đau, an thần, chống trầm cảm, tăng cường tuần hoàn máu não.
Ngoài cách dùng thuốc giảm đau và điều trị, bạn cũng có thể áp dụng một số mẹo chữa đau đầu chóng mặt như ngồi thiền, dùng hương trị liệu, âm nhạc trị liệu, xoa bóp, bấm huyệt, châm cứu hoặc cấy chỉ. Với một số trường hợp bệnh tình nhẹ, bệnh nhân chỉ cần tuân thủ hướng dẫn về thay đổi chế độ sinh hoạt và dinh dưỡng khoa học.
Trường hợp nếu bị mệt mỏi, choáng váng không cải thiện thì nên khám kiểm tra tổng quát và cần phải đi cấp cứu ngay khi có biểu hiện:
- Đau đầu hoặc đau cổ dữ dội
- Không thể đi thẳng được
- Bị chóng mặt dữ dội, liên tục trong hơn 1 giờ.
- Chóng mặt quay cuồng kéo dài 20 giây
- Ngất (thậm chí chỉ trong thời gian ngắn).
Bài viết trên đã cho bạn những thông tin về nhức đầu chóng mặt. Hi vọng, sẽ có ích cho việc chăm sóc sức khỏe gia đình bạn.