Insulin là một hormone có mối liên hệ mật thiết đối với bệnh tiểu đường. Mối liên hệ là gì? Tìm hiểu ngay trong bài viết sau đây.
Mối quan hệ giữa insulin với bệnh tiểu đường
Insulin là gì? Vai trò của insulin
Insulin là một loại hormone được tiết ra bởi các tế bào Beta (β) từ tuyến tụy có vai trò điều chỉnh lượng đường (glucose) trong máu và vận chuyển glucose đi nuôi dưỡng các tế bào trong cơ thể. Mức glucose trong máu càng cao, càng có nhiều insulin được sản xuất để cân bằng lại.
Sau khi chúng ta nạp năng lượng cho cơ thể (sau bữa ăn hoặc tiêu thụ thực phẩm nhiều tinh bột, đường) thì một lượng khá lớn glucose sẽ đi vào cơ thể và làm tăng sự kích thích đến tế bào beta ở tuyến tụy để tiết ra Insulin, sau đó insulin giúp vận chuyển glucose vào các tế bào cơ, mỡ và gan của bạn.
Khi nồng độ glucose trong máu của bạn cao thì glucose sẽ được dự trữ dưới dạng glycogen và được dự trữ trong gan. Khi bạn đói, lượng glucose trong máu giảm, glycogen sẽ được biến đổi trở lại thành glucose để tiếp tục đi vào máu, đảm bảo lượng đường trong máu để cơ thể không bị hạ đường huyết.
Sự cân bằng của insulin giữ vai trò điều chỉnh đường huyết. Nếu mức insulin quá thấp hoặc cao, mức đường huyết quá cao hoặc quá thấp có thể gây ra những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.
Bệnh tiểu đường và phân loại bệnh
Bệnh tiểu đường (còn gọi là đái tháo đường) là một bệnh mạn tính xảy khi tuyến tụy của cơ thể không sản xuất đủ insulin hoặc không thể sản xuất bất kỳ loại insulin nào hoặc khi cơ thể không thể sử dụng hiệu quả insulin dẫn đến lượng đường trong máu tăng cao.
Phân loại tiểu đường
Tiểu đường có thể chia thành 3 loại thường gặp bao gồm tiểu đường type 1, tiểu đường type 2 và tiểu đường thai kỳ.
- Tiểu đường type 1: Hay còn gọi là tiểu đường phụ thuộc insulin, người mắc bệnh bị thiếu insulin do tế bào beta của tuyến tụy bị phá hủy gây giảm tiết insulin hoặc không tiết ra insulin. Tiểu đường type 1 hiếm gặp hơn type 2 và thường xảy ra ở người trẻ.
- Tiểu đường type 2: Hay còn gọi là tiểu đường không phụ thuộc insulin, cơ thể người mắc bệnh vẫn có khả năng sản xuất insulin nhưng insulin không thể chuyển hóa được lượng đường trong máu, do tình trạng đề kháng insulin, insulin hoạt động không hiệu quả hoăc trên nền những bệnh nhân bị rối loạn chuyển hoá. Hầu hết những người bị tiểu đường thuộc type 2, chiếm khoảng 90% đến 95%.
- Tiểu đường thai kỳ: Do tình trạng kháng insulin xảy ra trong quá trình mang thai, thường xuất hiện ở phụ nữ mang thai tuần thứ 24 trở lên và không có ghi nhận tình trạng tiểu đường type 1 hoặc type 2 trước đó.
Mối quan hệ giữa insulin với bệnh tiểu đường
Người mắc bệnh tiểu đường là khi cơ thể không sử dụng insulin một cách hiệu quả hoặc không sản xuất đủ liều lượng cần thiết. Insulin là hormon duy nhất của cơ thể có tác dụng làm hạ lượng đường trong máu.
Insulin với tiểu đường type 1
Trong tiểu đường type 1, cơ thể không sản xuất hoặc sản xuất không đủ insulin để điều chỉnh mức đường glucose trong máu. Insulin cần thiết để kiểm soát lượng đường trong máu và cung cấp năng lượng cho cơ thể, do đó người bệnh tiểu đường tuýp 1 sẽ cần tiêm insulin mỗi ngày.
Việc sử dụng loại và liều lượng insulin hiệu quả nhất đối với từng người bệnh phải tuân theo chỉ định của bác sĩ.
Insulin với tiểu đường type 2
Bệnh tiểu đường tuýp 2 đặc trưng bởi cơ thể không đáp ứng hiệu quả với insulin, hay còn được gọi là kháng insulin. Trong giai đoạn đầu của bệnh tiểu đường type 2, cơ thể phản ứng bằng cách sản xuất nhiều insulin hơn bình thường, tình trạng này kéo dài khiến tuyến tụy không thể sản xuất đủ lượng đáp ứng nhu cầu dẫn đến khả năng hấp thụ glucose từ máu cho cơ thể giảm. Lượng đường trong máu cao gây hại cho cơ thể và có thể gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khác như bệnh tim, giảm thị lực và bệnh thận.
Tùy thuộc vào mức độ kháng insulin, những người mắc bệnh tiểu đường type 2 cũng có thể cần tiêm insulin để kiểm soát lượng đường trong máu.
Insulin với tiểu đường thai kỳ
Nếu bạn bị tiểu đường thai kỳ, tuyến tụy phải tăng cường hoạt động để sản xuất insulin. Tình trạng kháng insulin sẽ làm tăng nguy cơ dẫn đến các biến chứng sức khỏe ở cả mẹ và thai nhi.
Bệnh tiểu đường thai kỳ được theo dõi và quản lý thông qua chế độ dinh dưỡng lành mạnh trong suốt quá trình mang thai. Trong trường hợp đặc biệt, điều trị bằng insulin cho phụ nữ mắc bệnh tiểu đường thai kỳ được sử dụng để giảm lượng đường trong máu do bác sĩ chỉ định. Hầu hết người bệnh tiểu đường thai kỳ thường tự khỏi sau khi sinh em bé.
Điều trị tiểu đường với insulin
Tiêm insulin là phương pháp điều trị bắt buộc với người bị tiểu đường type 1. Khi được bổ sung lượng insulin cần thiết, người bệnh hoàn toàn có thể sống khỏe mạnh, lạc quan. Riêng với người tiểu đường type 2 và tiểu đường trong thai kỳ thì phải tiêm insulin theo chỉ định và chẩn đoán của bác sĩ.
Các loại insulin thường dùng trong điều trị tiểu đường
Insulin là liệu pháp cứu sống đối với những người mắc bệnh tiểu đường. Các loại insulin thường được chỉ định trong điều trị tiểu đường.
- Insulin tác dụng nhanh: Đây là loại insulin có tác dụng trong 15 phút sau khi tiêm, hiệu quả, đạt hiệu quả cao trong khoảng 1 giờ và tiếp tục tác động trong vài giờ nữa.
- Insulin tác dụng ngắn: Có tác dụng trong 30 phút sau khi tiêm, đạt hiệu quả cao trong khoảng 2 – 3 giờ và duy trì hiệu quả trong 3 – 6 giờ.
- Insulin tác dụng trung bình: Nhóm insulin này bao gồm insulin NPH (neutral protamine hagedorn), giúp kiểm soát glucose trong khoảng thời gian từ 10 đến 12 giờ. Protamine là một loại protein giúp làm chậm tác động của insulin này.
- Insulin tác động dài (hay còn gọi là insulin nền): Loại insulin này nhập vào tuần hoàn máu từ 1 đến 2 giờ sau tiêm và có thể có hiệu quả trong khoảng thời gian lên đến 24 giờ. Một ưu điểm của insulin tác động dài là không có đỉnh rõ rệt và hoạt động tương tự như insulin tụy thông thường.
- Insulin kết hợp/pha trộn: Insulin kết hợp hoặc pha trộn là sự kết hợp giữa insulin tác động nhanh hoặc ngắn với insulin tác động trung bình.
Hiểu đúng về insulin
Dùng insulin không có nghĩa là bệnh đã ở giai đoạn cuối: Tiểu đường là một bệnh tiến triển. Dù bệnh đang được kiểm soát, sẽ đến lúc thuốc viên không thể kiểm soát lượng đường huyết ở mức mong muốn, dùng insulin là một lựa chọn hợp lý.
Dùng insulin không có nghĩa là bệnh đã ở giai đoạn cuối: Tiểu đường là một bệnh tiến triển. Dù bệnh đang được kiểm soát, sẽ đến lúc thuốc viên không thể kiểm soát lượng đường huyết ở mức mong muốn, dùng insulin là một lựa chọn hợp lý.
Insulin không gây biến chứng và tử vong: Insulin giúp trì hoãn hoặc ngăn chặn những biến chứng của tiểu đường.
Tiêm insulin không gây đau: Tiêm insulin không gây đau vì hiện nay kiêm tiêm rất nhỏ và mảnh. Hầu hết nhiều người còn thấy tiêm insulin ít đau hơn việc lấy máu đầu ngón tay để theo dõi đường huyết.
Insulin không gây nghiện: Bạn sẽ không thể bị nghiện insulin. Đây là một chất tự nhiên mà cơ thể cần, insulin được tiêm vào rất giống với insulin tự nhiên mà tuyến tụy tiết ra.
Insulin có ý nghĩa quan trọng trong việc kiểm soát và điều trị bệnh tiểu đường. Nếu được chỉ định dùng insulin để kiểm soát lượng đường huyết ở mức an toàn, người bệnh phải tuân thủ theo cách sử dụng và liều lượng chỉ định của bác sĩ. Lưu ý, người bệnh theo dõi đường huyết thường xuyên và tái khám định kỳ.
Nguồn tham khảo: Tổng hợp
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.
Bạn có thể xem thêm:
- Viêm phế quản là gì và những điều cần biết
- Những sai lầm thường gặp khi điều trị bệnh hen suyễn tại nhà
- Phương pháp điều trị bệnh đái thường đường và cách phòng ngừa