Nguyên nhân suy tim giai đoạn cuối
Suy tim có thể trở thành một bệnh mạn tính, tiến triển theo thời gian do các tình trạng bệnh lý gây tổn thương và làm giảm chức năng của tim. Ngoài ra, suy tim cũng có thể xuất hiện dưới dạng cấp tính, do các tác nhân gây tổn thương tim đột ngột như nhiễm trùng, cục máu đông trong phổi hoặc nhồi máu cơ tim.
Theo thời gian, bệnh tim ban đầu có thể tiến triển và trở nên nghiêm trọng hơn, yêu cầu sử dụng thuốc và các biện pháp can thiệp khác, thậm chí cần cấy ghép tim. Khi điều này xảy ra, nghĩa là người bệnh đã bước vào giai đoạn cuối của suy tim.
Nhiều nguyên nhân góp phần dẫn đến giai đoạn cuối của bệnh, bao gồm:
- Bệnh động mạch vành: Các động mạch vành cung cấp máu cho cơ tim. Nếu chúng bị tắc nghẽn hoặc thu hẹp, lưu lượng máu đến nuôi vùng cơ tim giảm khiến tim bị suy yếu.
- Bệnh cơ tim không do thiếu máu cục bộ: Bệnh này liên quan đến sự suy yếu của cơ tim, gây ra bởi một nguyên nhân khác không do tắc nghẽn trong động mạch vành. Các nguyên nhân có thể bao gồm tình trạng di truyền, tác dụng phụ của thuốc và nhiễm trùng.
- Bệnh van tim, bệnh tim bẩm sinh, tăng huyết áp, đái tháo đường, ngưng thở khi ngủ cũng là nguyên nhân gây suy tim.
Bên cạnh các nguyên nhân kể trên, nhiều yếu tố nguy cơ cũng khiến suy tim tiến triển đến giai đoạn cuối, bao gồm:
- Thừa cân, béo phì
- Hút thuốc
- Thiếu máu
- Rung nhĩ
- Lupus ban đỏ
- Bệnh đái tháo đường, đặc biệt là t 2
- Bệnh lý tuyến giáp như suy giáp, cường giáp…
- Viêm cơ tim: là tình trạng viêm cơ tim thường xảy ra do vi rút và có thể dẫn đến suy tim trái
- Rối loạn nhịp tim: nhịp tim nhanh hoặc nhịp tim chậm
- Hemochromatosis: tình trạng sắt tích tụ trong các mô
- Chứng amyloidosis: sự lắng đọng của các protein tích tụ trong một hoặc nhiều hệ thống cơ quan.
Triệu chứng suy tim giai đoạn cuối
Suy tim là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến các ca nhập viện ở người cao tuổi, với mức độ nghiêm trọng của bệnh gia tăng theo thời gian và biểu hiện rõ ràng nhất ở giai đoạn cuối.
- Giấc ngủ
Ở giai đoạn cuối của suy tim, bệnh nhân thường gặp khó khăn với việc thở, đặc biệt khi nằm đầu thấp. Điều này làm gián đoạn giấc ngủ, khiến họ phải thức dậy giữa đêm để thở. Để cải thiện tình trạng này, bác sĩ thường khuyên bệnh nhân thử ngủ trong tư thế tựa lên hai hoặc nhiều gối hơn.
- Khó thở
Khó thở là một triệu chứng phổ biến của suy tim. Trong giai đoạn cuối, bệnh nhân không chỉ khó thở khi đi bộ lên cầu thang mà còn gặp khó khăn khi đi một quãng đường ngắn hoặc thậm chí khi đang ngồi yên.
- Ho khan
Bệnh nhân suy tim thường xuyên ho, và đờm có thể có màu hồng nhạt do lẫn máu. Trong giai đoạn cuối, tình trạng ho có thể trở nên nghiêm trọng hơn, đặc biệt khi nằm xuống.
- Phù nề tay chân
Khi tim không bơm máu hiệu quả, máu có thể tích tụ ở các bộ phận như bàn chân, mắt cá chân, cẳng chân, hoặc bụng, dẫn đến sưng phù. Bệnh nhân có thể tăng cân do ứ đọng dịch ở những khu vực này. Ở giai đoạn cuối, tình trạng sưng phù và tăng cân do dịch trở nên rõ rệt hơn.
- Ăn ít
Suy tim tiến triển khiến bệnh nhân không cảm thấy đói và ăn ít hơn trong các bữa ăn. Mặc dù ăn ít, họ vẫn có thể tăng cân do sự tích tụ dịch trong cơ thể.
- Đi vệ sinh nhiều lần
Bệnh nhân suy tim giai đoạn cuối thường phải thức dậy nhiều lần trong đêm để đi tiểu, do cơ thể cố gắng loại bỏ lượng dịch dư thừa.
- Tim đập nhanh
Bệnh nhân cảm thấy tim đập nhanh hoặc mạnh hơn bình thường. Ở giai đoạn cuối, hiện tượng này xảy ra thường xuyên hơn và ở mức độ nghiêm trọng hơn.
- Cảm thấy lo lắng
Suy tim giai đoạn cuối khiến bệnh nhân lo lắng về sức khỏe của mình. Trầm cảm và lo lắng quá mức có thể làm suy tim nặng hơn, biểu hiện qua các dấu hiệu như đổ mồ hôi và khó thở.
- Mệt mỏi
Các hoạt động thường ngày trước đây không gây mệt mỏi nay trở nên khó khăn. Suy tim giai đoạn cuối làm bệnh nhân luôn cảm thấy mệt mỏi do sự suy giảm chức năng tim.
Cách phòng ngừa suy tim giai đoạn cuối
- Dừng việc hút thuốc: Việc ngừng hoàn toàn sử dụng thuốc lá và tránh xa khói thuốc lá thụ động là rất quan trọng. Thuốc lá là một trong những yếu tố nguy cơ hàng đầu gây tổn thương động mạch vành và dẫn đến suy tim.
- Ăn theo những chế độ dinh dưỡng tốt cho tim mạch: Bệnh nhân nên tuân thủ một chế độ ăn uống lành mạnh cho tim mạch, bao gồm:
- Ưu tiên các thực phẩm chứa ít chất béo bão hòa, chất béo chuyển hóa, đường và natri.
- Bổ sung nhiều trái cây, rau quả, sữa ít béo, protein nạc (như thịt gà) và chất béo “tốt” (như chất béo có trong dầu ô liu, cá và quả bơ).
- Tuân thủ chặt chẽ liệu trình điều trị: Người bệnh tim mạch cần thăm khám định kỳ và tuân thủ đầy đủ liệu trình điều trị theo chỉ định của bác sĩ. Nghiên cứu gần đây cho thấy liệu pháp statin có thể ngăn ngừa suy tim bằng cách ngăn ngừa các cơn đau tim và các biến cố mạch vành.
- Cố gắng giữ thái độ tích cực: Suy tim giai đoạn cuối là một tình trạng nghiêm trọng và có thể tiến triển nhanh chóng hơn nếu bệnh nhân bị lo lắng và trầm cảm. Việc kiểm soát căng thẳng và duy trì tâm lý thoải mái, vui vẻ là rất quan trọng để hạn chế sự tiến triển nhanh của bệnh.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc Chuyên viên y tế để được tư vấn cho từng trường hợp Bệnh cụ thể, không tự ý làm theo hướng dẫn của bài viết.