Hẹp lỗ liên hợp đốt sống cổ là tình trạng xảy ra khi lỗ liên hợp (nơi các dây thần kinh cột sống đi ra) bị hẹp. Hầu hết các trường hợp hẹp lỗ liên hợp đốt sống cổ không gây ra triệu chứng, ngay cả khi hẹp nghiêm trọng. Tuy nhiên, trong trường hợp có triệu chứng, chẳng hạn như đau hay tê yếu, việc điều trị có thể áp dụng từ nghỉ ngơi, vật lý trị liệu cho đến phẫu thuật.
Tổng quan chung hẹp lỗ liên hợp đốt sống
Lược qua về cấu trúc của vùng cột sống cổ, chúng sẽ bao gồm các đốt sống, ở giữa đốt sống là các đĩa đệm (hoạt động như một bộ phận giảm xóc cho cột sống). Lỗ liên hợp đốt sống cổ (ở mặt bên của cột sống, là khe nằm giữa 2 đốt sống với nhau) là nơi đi ra của các dây thần kinh ngoại biên vùng đốt sống cổ.
Hẹp lỗ liên hợp đốt sống cổ xảy ra khi một hoặc nhiều các lỗ liên hợp bị thu hẹp. Hẹp lỗ liên hợp đốt sống cổ có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau, thường xảy ra do quá trình lão hoá ở những người trên 50 tuổi, hoặc sớm hơn do chấn thương hoặc các yếu tố bẩm sinh.
Hầu hết các trường hợp hẹp lỗ liên hợp đốt sống cổ không gây ra triệu chứng cho người bệnh. Tuy nhiên, việc thu hẹp có thể dẫn đến chèn ép hoặc thậm chí tổn thương các dây thần kinh. Trong trường có triệu chứng, các triệu chứng có thể gặp từ nhẹ cho đến nặng như đau, tê hoặc yếu.
Việc điều trị hẹp lỗ liên hợp đốt sống cổ có triệu chứng bao gồm điều trị nội khoa như các thuốc giảm đau, tập vật lý trị liệu cho đến các biện pháp phẫu thuật.
Triệu chứng hẹp lỗ liên hợp đốt sống
Hẹp lỗ liên hợp đốt sống cổ không phải lúc nào cũng gây ra triệu chứng. Hẹp có thể phát hiện trên các hình ảnh học nhưng hoàn toàn không gây ra bất cứ triệu chứng nào ở người bệnh. Trong trường hợp có triệu chứng, các triệu chứng có thể bao gồm:
- Đau cổ: Người bệnh có thể đau tại vùng cổ, cấp hoặc mạn tính, cảm giác đau âm ỉ hoặc đau nhói. Có thể kèm với sưng và cứng khớp vùng cổ.
- Đau cánh tay: Cảm giác đau lan dọc từ vùng cổ đến cánh tay hoặc bàn tay.
- Tê yếu: Tê hoặc ngứa ran ở cánh tay hoặc bàn tay, có thể kèm yếu tay
Nguyên nhân hẹp lỗ liên hợp đốt sống
Có nhiều nguyên nhân khác nhau có thể dẫn đến hẹp lỗ liên hợp đốt sống cổ, bao gồm:
- Chấn thương: Chấn thương ở vùng cổ trước đó có thể làm thay đổi cấu trúc, góp phần gây ra hẹp lỗ liên hợp, chẳng hạn như thoát vị đĩa đệm hoặc gãy xương đốt sống.
- Lão hóa: Xương và các cấu trúc xung quanh sẽ bị bào mòn theo thời gian, điều này có thể dẫn đến phát triển chứng hẹp lỗ liên hợp đốt sống cổ.
- Bệnh cơ xương hoặc tình trạng viêm: Các bệnh lý ảnh hưởng đến cơ, xương hoặc các cấu trúc xung quanh giúp giữ vững phần cột sống cổ có thể dẫn đến hẹp lỗ liên hợp. Ví dụ như bệnh viêm cột sống dính khớp hay bệnh Paget xương.
- Phẫu thuật cột sống: Phẫu thuật cột sống trước đó có thể dẫn đến hẹp lỗ liên hợp đốt sống.
- Khối u: Các u nang hoặc khối u (bao gồm cả u lành tính hay ác tính) có thể chèn ép cột sống và các dây thần kinh. Điều này có thể dẫn đến hẹp các lỗ liên hợp, tình trạng gai xương cũng có thể dẫn đến hẹp lỗ liên hợp.
- Giải phẫu cột sống: Một số người có thể có cấu trúc cột sống khiến họ dễ bị hẹp lỗ liên hợp hơn, ví dụ như vẹo cột sống.
Đối tượng nguy cơ mắc bệnh hẹp lỗ liên hợp đốt sống
Ai cũng có thể phát triển tình trạng hẹp lỗ liên hợp đốt sống cổ. Trong đó, theo một số nghiên cứu dịch tễ học có thể thấy, hẹp lỗ liên hợp đốt sống cổ liên quan nhiều đến tình trạng thoái hoá cột sống, và tỷ lệ bệnh cao nhất ở nhóm đối tượng lớn tuổi.
Một số yếu tố nguy cơ đã được xác định liên quan đến tình trạng hẹp lỗ liên hợp đốt sống cổ:
- Tuổi tác là một yếu tố quan trọng, vì những thay đổi thoái hoá ở cột sống có nhiều khả năng xảy ra hơn khi chúng ta lớn tuổi.
- Cấu trúc giải phẫu cột sống cũng có ảnh hưởng nhất định.
- Các đối tượng tham gia hoạt động hoặc công việc gây căng thẳng quá mức cho cột sống cổ cũng dễ phát triển hẹp lỗ liên hợp đốt sống cổ hơn.
- Các yếu tố khác như béo phì hoặc tư chế xấu cũng có thể góp phần.
Chẩn đoán hẹp lỗ liên hợp đốt sống cổ
Để xác định chẩn đoán hẹp lỗ tiếp hợp đốt sống cổ, người bệnh sẽ được thực hiện một loạt các phương pháp kiểm tra và xét nghiệm. Đầu tiên, bác sĩ sẽ thu thập thông tin bệnh sử, các triệu chứng lâm sàng và tình trạng hiện tại của bệnh nhân, bao gồm cảm giác đau nhức, tê và châm chích ở cổ lan rộng.
Sau đó, bệnh nhân sẽ được yêu cầu thực hiện các bài tập thăng bằng, chuyển động cổ, nâng vật và kiểm tra sức mạnh, tính linh hoạt và khả năng giữ thăng bằng để đánh giá các triệu chứng ở cổ và xác định tổn thương thần kinh hoặc/ và tủy sống.
Ngoài ra, bệnh nhân cũng được chỉ định một số xét nghiệm để đánh giá tổn thương. Các xét nghiệm thông thường bao gồm:
- Chụp X-quang: Được sử dụng để kiểm tra tình trạng hao mòn của xương đốt sống và gai xương, cũng như tình trạng phì đại khớp Luschka và các diện khớp của đốt sống.
- Chụp CT: Được sử dụng để phát hiện các bệnh lý tiềm ẩn mà chụp X-quang không thể chẩn đoán và đánh giá mức độ nghiêm trọng của hẹp lỗ liên hợp cột sống cổ và hẹp ống sống.
- Chụp MRI: Được sử dụng để kiểm tra tổn thương của mô mềm, không gian trong ống sống và lỗ liên hợp, giúp xác định chính xác bệnh lý.
Phòng ngừa hẹp lỗ liên hợp đốt sống cổ
Các biện pháp phòng ngừa hẹp lỗ liên hợp đốt sống cổ bao gồm:
- Thận trọng và vận động đúng kỹ thuật để tránh chấn thương cổ.
- Hạn chế mang vác vật nặng trên vai và cổ.
- Tránh vặn/bẻ khớp cổ, không cúi hoặc ngửa cổ quá mức.
- Tránh đột ngột thực hiện các động tác mạnh ở cổ.
- Điều trị tích cực chấn thương hoặc bệnh lý ở cổ, đặc biệt là thoái hóa cột sống, để giảm nguy cơ hẹp lỗ liên hợp cột sống cổ.
- Thay đổi tư thế thường xuyên để tránh tư thế cố định trong thời gian dài.
- Thực hiện các bài tập cổ nhẹ nhàng, kéo căng cơ cổ đúng cách để tăng cường sự dẻo dai và sức mạnh, giảm nguy cơ thoái hóa cột sống.
- Bổ sung chất chống oxy hóa, vitamin D và canxi qua chế độ ăn uống lành mạnh và đầy đủ dinh dưỡng. Nên ăn nhiều rau xanh, ngũ cốc, thịt, trứng, cá, sữa, các loại hạt, đậu, đậu nành, trái cây, củ quả… để cải thiện chất lượng xương, tăng độ dẻo dai cho khớp, và hạn chế chấn thương và các bệnh xương khớp.
Hẹp lỗ liên hợp cột sống cổ là một trong những bệnh lý phổ biến, thường xảy ra do quá trình thoái hóa. Bệnh lý này gây ra cơn đau nghiêm trọng bởi sự chèn ép thần kinh và đồng thời tăng nguy cơ bị tê liệt và các biến chứng nghiêm trọng khác. Vì vậy, khi cảm thấy đau nhức thường xuyên hoặc có bất kỳ dấu hiệu nào không bình thường, người bệnh nên tìm kiếm sự giúp đỡ từ bác sĩ chuyên khoa để khám và điều trị.
Điều trị hẹp lỗ liên hợp đốt sống như thế nào?
Nội khoa
Điều trị hẹp lỗ liên hợp đốt sống cổ sẽ phụ thuộc vào mức độ tổn thương thần kinh cũng như độ nặng triệu chứng của bạn. Các lựa chọn điều trị nội khoa có thể bao gồm:
- Thuốc: Các thuốc được sử dụng để điều trị triệu chứng như thuốc giảm đau không steroid (NSAIDs), thuốc giãn cơ, steroid.
- Thay đổi tư thế: Bao gồm việc thay đổi tư thế cũng như tập luyện vật lý trị liệu và phục hồi chức năng.
- Dụng cụ hỗ trợ: Bác sĩ có thể tư vấn bạn sử dụng các thiết bị hỗ trợ để điều chỉnh tư thế.
Ngoại khoa
Trong trường hợp hẹp lỗ liên hợp đốt sống cổ dẫn đến các cơn đau nghiêm trọng, gây ảnh hưởng đến hoạt động hằng ngày của bạn và không đáp ứng với các điều trị nội khoa. Bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật để điều trị tình trạng hẹp lỗ liên hợp đốt sống cổ. Các thủ tục phẫu thuật có thể xâm lấn ít hay nhiều tùy thuộc vào mức độ tổn thương của bạn.