Ngủ là một hoạt động không thể thiếu đối với tất cả mọi người hàng ngày. Thông thường, con người sẽ dành ra 6-8 tiếng để ngủ. Rối loạn giấc ngủ là tình trạng thay đổi chất lượng và thời gian giấc ngủ bất thường. Áp lực từ công việc, cuộc sống cùng nhiều vấn đề sức khỏe khác có thể dẫn đến tình trạng mất ngủ ở người trẻ và gây ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất, tinh thần, giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh. Hãy cùng tìm hiểu về chứng rối loạn giấc ngủ ở thanh thiếu niên và các biện pháp điều trị qua bài biết này.
Triệu chứng rối loạn giấc ngủ
Rối loạn giấc ngủ ở thanh thiếu niên là tình trạng những người trẻ tuổi khó hoặc không thể đi vào giấc ngủ, khó duy trì giấc ngủ sâu, dễ bị thức giấc nửa chừng hoặc thức dậy quá sớm và không thể ngủ trở lại. Mất ngủ không chỉ diễn ra trong một vài đêm mà có thể kéo dài, gây ra sự mệt mỏi, giảm tập trung, giảm hiệu suất làm việc, dẫn đến nhiều hậu quả khác về mặt tinh thần và khiến sức khỏe bị ảnh hưởng.
Đối với độ tuổi thanh niên, mất ngủ là vấn đề thường gặp nhất. Vì vậy, các triệu chứng than phiền chính chủ yếu xoay quanh lý do mất ngủ. Nhìn chung, khi xảy ra rối loạn giấc ngủ, người bệnh có thể có một trong những triệu chứng sau:
- Khó đi vào giấc ngủ.
- Thường xuyên tỉnh giấc vào ban đêm.
- Thường xuyên mệt mỏi vào ban ngày và muốn có những giấc ngủ ngắn giữa ngày.
- Thay đổi bất thường thói quen hoặc lịch trình ngủ – thức.
- Thiếu tập trung, hay nổi giận và lo lắng bất thường.
- Giảm năng suất làm việc.
- Tăng cân.
- Trầm cảm.
- Có hành vi bất thường khi ngủ.
Tuy nhiên, các triệu chứng này phải được suy xét cẩn thận sao cho phù hợp với điều kiện hiện tại của người bệnh, để đưa ra chẩn đoán chính xác. Một số người bận rộn thường xảy ra những đợt rối loạn giấc ngủ thoáng qua một vài ngày, sau đó sẽ trở lại bình thường nếu không tiếp tục duy trì các yếu tố ảnh hưởng. Việc này là hết sức bình thường và không ảnh hưởng đến sức khỏe nếu chỉ xảy ra trong một thời gian ngắn.
Nguyên nhân thanh thiếu niên mắc chứng rối loạn giấc ngủ
Rối loạn giấc ngủ là hệ quả của việc hệ thần kinh bị tác động và kích thích quá đà. Đối với lứa tuổi trẻ thì các áp lực về học tập – việc và các thói quen về sinh hoạt cũng có thể dẫn tới rối loạn giấc ngủ. Những nguyên nhân cụ thể có thể kể tới như:
Thói quen sinh hoạt không lành mạnh
Các thói quen và tật xấu như: hút thuốc; uống rượu bia, cafe; sử dụng thiết bị điện tử quá nhiều gần giờ đi ngủ; thường xuyên thức khuya;… Những điều này làm cho não bộ hay bị kích thích và căng thẳng. Ngoài ra nó còn khiến cho thời gian và chất lượng giấc ngủ bị giảm.
Khi duy trì liên tục các thói quen không tốt kể trên khiến cho quá trình sản sinh hormone melatonin (hormone tạo cảm giác buồn ngủ) bị gián đoạn và dần gây ra mất ngủ mãn tính.
Thói quen ăn uống không hợp lý
Ăn uống là một phần quan trọng giúp cân bằng sức khỏe và tinh thần, hỗ trợ bạn có giấc ngủ ngon hơn. Người trẻ thường có thói quen ăn uống chưa khoa học và dẫn đến mất ngủ. Đi học, đi làm về trễ khiến người trẻ dễ ăn muộn hơn. Việc ăn nhiều trước giờ đi ngủ có thể gây khó khăn cho việc tiêu hóa và tạo ra cảm giác khó chịu khi nằm nghỉ, dẫn đến mất ngủ.
Thói quen dùng các loại thức uống chứa chất kích thích như cà phê, trà hay nước ngọt vào buổi chiều hoặc tối có thể tác động tiêu cực đến chất lượng giấc ngủ, làm gián đoạn giấc ngủ.
Căng thẳng áp lực gây ra bệnh khó ngủ
Tình trạng căng thẳng, áp lực từ học tập – công việc được biết tới là nguyên nhân phổ biến làm tăng nguy cơ mất ngủ ở người trẻ. Làm việc và học tập thường xuyên quá 8 tiếng/ngày sẽ khiến não bộ phải hoạt động hết công suất liên tục. Từ đó dẫn tới trạng thái hưng phấn, căng thẳng và khó có cảm giác muốn ngủ.
Không những vậy căng thẳng thần kinh sẽ kích thích quá trình sản sinh ra các gốc tự do của cơ thể. Khi được sản sinh ra, những gốc tự do này sẽ tấn công vào các cơ quan trên cơ thể và mạch máu. Từ đó làm giảm đi đáng kể lưu lượng máu đi lên não gây ra choáng váng, khó ngủ, đau đầu, suy giảm trí nhớ.
Ảnh hưởng từ các bệnh lý
Ngoài những nguyên nhân trên, mất ngủ ở thanh niên cũng có thể xuất hiện do sự tác động của các bệnh lý như:
- Bệnh dị ứng cơ thể.
- Trầm cảm.
- Rối loạn về nội tiết tố (hay gặp ở phụ nữ).
- Các bệnh lý về tiêu hóa: ruột kích thích, viêm loét dạ dày, trào ngược dạ dày thực quản,…
Những ảnh hưởng từ tác động bên ngoài
- Thay đổi múi giờ thường xuyên.
- Ngủ quá nhiều vào giờ ngủ trưa hay ban ngày.
- Phụ nữ đang ở trong thời kỳ nuôi con nhỏ.
- Phòng ngủ bị tác động bởi tiếng ồn, ánh sáng quá mạnh.
Cách điều trị chứng rối loạn giấc ngủ
Điều trị rối loạn giấc ngủ có thể áp dụng nhiều phương pháp khác nhau, tùy thuộc vào nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng của tình trạng. Dưới đây là một số phương pháp được khuyến nghị bởi các chuyên gia quốc tế:
- Thay đổi lối sống: Hạn chế caffeine và rượu, đặc biệt là trước khi đi ngủ. Tạo một môi trường ngủ thoải mái, tránh ánh sáng mạnh và tiếng ồn.
- Thực hiện thói quen ngủ đều đặn: Đi ngủ và thức dậy vào cùng một giờ mỗi ngày, kể cả vào cuối tuần.
- Thực hành các kỹ thuật thư giãn: Thiền định, hít thở sâu, hoặc yoga có thể giúp thư giãn cơ thể và tâm trí trước khi đi ngủ.
- Sử dụng liệu pháp nhận thức hành vi (CBT): Đây là một phương pháp hiệu quả để điều chỉnh những suy nghĩ và hành vi gây rối loạn giấc ngủ.
- Sử dụng thuốc: Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể kê đơn thuốc giúp cải thiện chất lượng giấc ngủ. Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc cần được giám sát chặt chẽ để tránh tác dụng phụ và tình trạng phụ thuộc vào thuốc.
Kết luận
Rối loạn giấc ngủ không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất mà còn gây ra nhiều vấn đề tâm lý nghiêm trọng. Việc nhận biết sớm các dấu hiệu và tìm kiếm sự hỗ trợ từ chuyên gia là rất quan trọng. Áp dụng các phương pháp điều trị phù hợp như thay đổi lối sống, thực hiện thói quen ngủ lành mạnh, và thực hành các kỹ thuật thư giãn có thể giúp cải thiện chất lượng giấc ngủ. Ngoài ra, không nên tự ý sử dụng thuốc mà cần tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa để đảm bảo an toàn và hiệu quả. Hãy quan tâm đến giấc ngủ của mình, vì một giấc ngủ ngon là nền tảng cho một cơ thể khỏe mạnh và tinh thần minh mẫn.