Sơ cứu cầm máu là một trong những thủ thuật hết sức cần thiết và quan trọng trong cuộc sống hàng ngày. Bởi trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày, việc va chạm, chấn thương gây chảy máu là điều khó có thể tránh khỏi. Dù vết thương nặng hay nhẹ thì việc cầm máu cũng cần thực hiện nhanh chóng để tránh những rủi ro.
Cách nhận biết vết thương chảy máu ngoài
Cách nhận biết vết thương chảy máu ngoài: Khi bị cắt vào da, mạch máu bị vỡ, máu sẽ chảy, mức độ của vết thương được quyết định bởi loại mạch máu và độ sâu của vết cắt.
Để phân biệt được mức độ của vết thương, đầu tiên cần biết được các loại mạch máu:
- Mao mạch: Là những mao mạch rất nhỏ. Trong cơ thể có hàng nghìn các mao mạch.
- Tĩnh mạch: Là những mạch máu gần bề mặt da vận chuyển máu trở về tim.
- Động mạch: Là những mạch máu lớn, có nhiệm vụ đưa máu từ tim đến tất cả các cơ quan trong cơ thể. Nếu bị rách hoặc vỡ động mạch, cơ thể sẽ bị mất lượng máu lớn trong một thời gian rất ngắn.
Mức độ vết thương chảy máu phụ thuộc vào loại mạch máu:
- Chảy máu mao mạch: Thường dễ kiểm soát, chỉ cần ấn vào vết thương để dừng chảy máu mao mạch.
- Chảy máu tĩnh mạch: Cũng có thể kiểm soát bằng cách ấn vào vết thương để dừng chảy máu tĩnh mạch.
- Chảy máu động mạch: Có thể gây nguy hiểm. Cần nhanh chóng ấn mạnh trực tiếp vào vết thương và gọi 115 để được xử trí kịp thời.
Lưu ý: Một số bộ phận của cơ thể có nhiều mạch máu hơn các bộ phận khác như ở đầu và mặt có nhiều mạch máu hơn so với ngón tay, do đó vết cắt ở đầu hoặc ở mặt, máu thường chảy nhiều hơn vết cắt ở ngón tay.
Sơ cứu cầm máu vết thương chảy máu ngoài (trường hợp nhẹ/khẩn cấp)
Sơ cứu vết thương chảy máu ngoài đúng cách và kịp thời sẽ góp phần hạn chế thương tổn, tăng cơ hội sống cho nạn nhân. Ngược lại, không được sơ cứu hoặc thực hiện thao tác sai có thể khiến người bệnh mất máu quá nhiều và làm tình trạng thêm trầm trọng.
Đối với các vết thương nhẹ, bạn có thể áp dụng các cách cầm máu tại nhà như sau:
- Giữ chặt vết thương
- Đây được đánh giá là một trong những cách cầm máu nhanh và mang lại hiệu quả cao. Người thực hiện cầm máu cần giữ chặt vết thương trong vài phút. Cách sơ cứu này phù hợp đối với những trường hợp vết cắt nhỏ như đứt tay, trầy xước,…
- Hãy sử dụng một miếng gạc hay băng y tế khô và sạch đặt lên vết thương. Thực hiện dùng ngón tay ấn mạnh và giữ chặt cho đến khi máu ngừng chảy thì cố định miếng băng lại. Bạn cần đảm bảo vết thương đã ngừng chảy máu hoàn toàn trước khi thả tay. Việc gỡ miếng gạc ra kiểm tra quá sớm có thể làm máu chảy lại, ảnh hưởng đến kết quả sơ cứu.
- Nâng cao vùng bị thương: Việc nâng cao khu vực cơ thể đang bị chảy máu có tác dụng làm giảm lưu lượng máu tại vết thương, là cách cầm máu nhanh tại chỗ mà bạn nên thử. Trường hợp chấn thương xảy ra ở vùng tay hoặc cánh tay, bạn hãy nâng cao nó lên phía đầu. Nếu chấn thương ở phần chi dưới, hãy nằm xuống và thực hiện nâng vùng ảnh hưởng lên đến trên mức tim của bạn.
- Sử dụng đá lạnh để cầm máu
- Việc sử dụng đá lạnh chườm vào vết thương có tác dụng giúp cho mạch máu được co lại. Do đó, sẽ thúc đẩy quá trình hình thành cục máu đông một cách nhanh chóng hơn bình thường. Sử dụng đá lạnh được đánh giá là một trong những cách cầm máu nhanh chóng được nhiều người tin tưởng và áp dụng.
- Một điều cần lưu ý khi sử dụng cách sơ cứu này, thay vì việc sử dụng đá lạnh chườm trực tiếp lên bề mặt vết thương, bạn hãy bọc viên đá trong một chiếc khăn vải mềm, sạch rồi mới chườm lên vết thương.
- Sử dụng trà xanh, rau má cầm máu:
- Từ xa xưa khi y học chưa phát triển, ông bà ta đã quen sử dụng những loại cây thảo dược làm mẹo điều trị bệnh, cầm máu cũng không phải trường hợp ngoại lệ. Trà xanh, rau má,… là những cái tên có đặc tính sát khuẩn, cầm máu tốt. Tùy vào vết thương lớn hay nhỏ mà bạn sử dụng lượng vừa đủ, tiến hành rửa sạch, vò nát và đắp trực tiếp lên vết thương. Sử dụng tấm gạc để cố định lại. Việc sử dụng trà xanh, rau má không chỉ giúp cầm máu nhanh chóng mà còn giúp vết thương nhanh chóng lành lại.
- Kể cả khi vết thương đã ngừng chảy máu, điều quan trọng bạn cần phải làm là luôn giữ gìn vết thương sạch sẽ, thực hiện vệ sinh khu vực bị tổn thương bằng nước ấm và dung dịch sát khuẩn. Trường hợp trong vết thương có tồn tại dị vật hay mảnh vụn, hãy thực hiện lấy chúng ra bằng cách sử dụng nhíp đã được vệ sinh sạch sẽ bằng cồn y tế. Đảm bảo không gây nhiễm trùng cho vết thương.
Ngoài ra, Pharmacity chia sẻ cách sơ cứu vết thương chi tiết như sau:
- Rửa tay: luôn rửa tay trước khi áp dụng các phương pháp sơ cứu, thao tác này nhằm giữ cho vết thương sạch sẽ và ngăn nhiễm trùng.
- Đeo găng tay dùng 1 lần (nếu có).
- Cầm máu: có thể dùng khăn sạch, băng hoặc gạc vô trùng ép nhẹ lên vết thương, giúp đẩy nhanh quá trình đông máu. Đồng thời, nâng cao vết thương cho đến khi máu ngừng chảy.
- Làm sạch vết thương: dùng nước sạch hoặc nước muối sinh lý rửa vết thương sau khi máu ngừng chảy. Rửa xung quanh vết thương bằng xà phòng. Không sử dụng hydro peroxide hoặc iốt vì có thể gây kích ứng. Loại bỏ bụi bẩn hoặc dùng nhíp đã làm sạch bằng cồn để gắp dị vật. Trường hợp dị vật quá lớn hoặc vết thương rộng, sâu nên đưa nạn nhân đến cơ sở y tế để được xử lý kịp thời, không tự ý can thiệp vì có thể khiến vết thương nghiêm trọng.
- Xử lý vết thương bằng thuốc kháng sinh: thoa một lớp mỏng thuốc mỡ kháng sinh để ngăn ngừa nhiễm trùng.
- Băng vết thương: che vết thương bằng vải sạch, băng hoặc gạc vô trùng, sau đó cố định bằng băng dính. Vết thương hở sâu có thể phải khâu hoặc ghim.
- Thay băng: thay băng cũ và kiểm tra dấu hiệu nhiễm trùng ít nhất 1 lần/ngày. Khử trùng vết thương trước khi dán lại bằng băng dính hoặc gạc vô trùng.
- Đưa nạn nhân đến bệnh viện sau khi đã thực hiện các bước sơ cứu. Trường hợp vết thương sâu, chảy nhiều máu, nên đưa nạn nhân đến ngay cơ sở y tế để kịp thời cứu chữa.
- Theo dõi các dấu hiệu nhiễm trùng: nếu thấy các triệu chứng đỏ, đau dữ dội, vết thương tiết dịch, sưng nên đến ngay bệnh viện để được bác sĩ kiểm tra, xử lý nhằm hạn chế biến chứng.
Hầu như tình trạng chảy máu từ các vết thương nhỏ hay nhẹ đều sẽ ngừng lại khi bạn biết cách sơ cứu đúng cách. Tuy nhiên, trong một số trường hợp đặc biệt sự chảy máu lại là lời cảnh báo, đe dọa trực tiếp đến tính mạng con người. Do đó, khi gặp phải những sự cố sau đây, hãy đưa nạn nhân đến bệnh viện ngay lập tức để được chẩn đoán và xử lý kịp thời.
- Máu không ngừng chảy tại vị trí của vết thương dù bạn đã áp dụng rất nhiều cách cầm máu nhanh để hạn chế tối đa lượng máu chảy ra.
- Lượng máu chảy ra nhiều, đã sử dụng cách cầm máu nhưng lượng máu chảy ra từ vị trí chấn thương vẫn làm ướt đẫm quần áo hoặc băng gạc.
- Chấn thương làm mất toàn bộ hay một bộ phận nào đó trên cơ thể.
- Người bị chấn thương có biểu hiện không bình thường, có thể ngất xỉu hay bối rối, không còn tỉnh táo và nhận thức được.
- Vết thương sâu và dài cần được khâu lại.
- Xuất hiện bụi bẩn, mảnh vụn hoặc dị vật ở vết thương không thể tự loại bỏ.
- Vết thương có dấu hiệu của sự nhiễm trùng.