Chàm đồng tiền là thể chàm tương đối phổ biến và khởi phát chủ yếu ở nam giới tuổi trung niên. Bệnh gây ra tổn thương có hình tròn hoặc hình oval ở mu bàn tay, các chi và những vùng da tỳ đè. Mặc dù có tính chất mạn tính, dễ tái phát, gây ngứa ngáy dai dẳng nhưng thể chàm này tương đối lành tính và có thể kiểm soát thông qua việc sử dụng thuốc và thay đổi lối sống.
Hãy cùng Pharmacity tìm hiểu về chàm đồng tiền qua bài viết dưới đây.
Tổng quan chung
Chàm đồng tiền (chàm hình xu) còn gọi là viêm da thể đồng tiền hoặc chàm dạng đĩa. Đây là một bệnh mạn tính tạo ra những nốt sần hình đồng xu trên da. Những đốm này sẽ gây ra tình trạng ngứa ngáy, sưng tấy và nứt nẻ thành các mảng hình tròn hoặc hình bầu dục.
Nếu không điều trị, bệnh chàm đồng tiền có thể kéo dài hàng tuần, hàng tháng hoặc thậm chí hàng năm và có thể tái lại đúng vị trí đã bị trước đó.
Triệu chứng
Chàm đồng tiền có thể xuất hiện ở nhiều vị trí da trên cơ thể, ít gặp ở da đầu và da mặt. Ở giai đoạn đầu, vùng da bị bệnh thường xuất hiện những nốt sần đỏ và sưng tấy, giống như vừa bị côn trùng cắn. Những nốt này có biểu hiện phồng rộp và bao phủ bằng nhiều mụn nước nhỏ và gây ngứa ngáy khó chịu. Sau một thời gian những nốt sần trên da liên kết lại tạo ra những vùng tổn thương trên da với kích thước từ vài mm đến vài cm.
Vào ban đêm, những cơn ngứa càng dữ dội khiến người bệnh rất khó chịu. Sau một thời gian, những mảng khô đóng vảy rồi bong tróc và sần sùi, gây đau. Những vùng da giữa các mảng da tổn thương này thường có hiện tượng ửng đỏ, nhăn và khô. Nếu không điều trị sớm, bệnh có thể kéo dài và dễ dàng tái phát nhiều lần.
Nguyên nhân
Hiện nay các nhà khoa học vẫn chưa thể tìm ra nguyên nhân chính xác gây ra bệnh chàm đồng tiền.
Đối tượng nguy cơ
Những người có nguy cơ cao bị bệnh chàm đồng tiền bao gồm:
- Ăn nhiều thực phẩm có nhiều chất béo bão hòa như: mỡ động vật, thịt đỏ, da của gia cầm, phô mai, bơ, trứng, sữa, dầu ăn, các đồ chiên giòn, thức ăn nhanh…
- Thực phẩm có nhiều đường bao gồm bánh kẹo ngọt, thực phẩm chế biến.
- Người ở lâu trong môi trường khô và lạnh.
- Da thường xuyên khô nứt nẻ.
- Da tổn thương do côn trùng cắn, hoặc bị dị ứng, bỏng.
- Người từng bị thể chàm khác hoặc viêm da.
- Người thiếu máu hoặc phù chân.
- Người thường xuyên sử dụng thuốc interferon, ribavirin, statin.
Chẩn đoán
Thông thường, bác sĩ sẽ dùng kính lúp, đèn soi để kiểm tra các triệu chứng lâm sàng của người bệnh. Bên cạnh đó, người bệnh cũng được thực hiện soi tươi tìm nấm để xác định nguyên nhân gây tổn thương da là do nấm hay vi khuẩn.
Phòng ngừa bệnh
Các biện pháp chăm sóc và phòng ngừa chàm đồng tiền, bao gồm:
- Cách ly và hạn chế tiếp xúc với các yếu tố có khả năng khởi phát bệnh như hóa mỹ phẩm, xà phòng, côn trùng, thực vật, vải len, dạ, thức ăn dễ dị ứng, thuốc,…
- Kiểm soát căng thẳng hoặc có thể tìm gặp bác sĩ tâm lý nếu bị stress, trầm cảm, rối loạn lo âu,…
- Cơ địa nhạy cảm có liên quan đến hệ miễn dịch và thể trạng kém. Vì vậy nên ăn uống điều độ, cân bằng thời gian làm việc – nghỉ ngơi và luyện tập thường xuyên nhằm cải thiện sức khỏe và giảm nguy cơ tái phát các bệnh da liễu mãn tính.
- Uống nhiều nước, chăm sóc da đúng cách và sử dụng máy tạo độ ẩm trong trường hợp cần thiết.
- Tránh các tác động cơ học và vật lý lên vùng da bị ảnh hưởng.
- Có thể thăm khám định kỳ 3 tháng/ lần để bác sĩ đánh giá tình trạng da và đề xuất các biện pháp phòng ngừa cụ thể.
Chàm đồng tiền có tiến triển dai dẳng, khó điều trị và tái phát thường xuyên. Tuy nhiên hầu hết các trường hợp chăm sóc và xử lý đúng cách đều có đáp ứng tốt – thương tổn da giảm đáng kể, ít ngứa và tần suất tái phát thấp. Vì vậy bạn cần chủ động thăm khám và tích cực trong điều trị – phòng ngừa bệnh
Điều trị như thế nào?
Chàm đồng tiền là bệnh mạn tính, do đó mục đích điều trị nhằm giảm bớt sự khó chịu và các biến chứng. Để hỗ trợ điều trị chàm đồng tiền, người bệnh có thể áp dụng các biện pháp sau:
- Dưỡng ẩm cho da: da khô là một trong những nguyên nhân gây ra chàm đồng tiền, do đó người bệnh cần làm ẩm da thường xuyên bằng kem dưỡng ẩm. Bác sĩ da liễu sẽ đề xuất một số loại thuốc mỡ hoặc kem dưỡng ẩm dịu nhẹ không gây kích ứng, không có mùi thơm.
- Vệ sinh cá nhân sạch sẽ.
- Sử dụng xà bông tắm dịu nhẹ theo chỉ định của bác sĩ.
- Sử dụng máy tạo độ ẩm trong phòng ngủ giữ cho thoáng mát và ẩm.
- Mặc quần áo rộng thoải mái, vải mềm.
- Tránh ngồi cạnh lò sưởi, hay các nguồn nhiệt cao.
- Điều trị các nốt sần và mảng chàm trên da bác sĩ sẽ kê đơn thuốc như thuốc mỡ corticosteroid, tacrolimus, hoặc các phương pháp điều trị bằng ánh sáng. Tất cả loại thuốc này có thể làm giảm viêm và ngứa. Để đạt hiệu quả tốt nhất nên thoa thuốc ngay sau khi tắm.
- Đối với các nốt sần to và các mảng chàm lan rộng gây ngứa nhiều, da dày sừng có thể cần tiêm corticosteroid, áp lạnh.
- Trong trường hợp người bệnh bị ngứa nhiều gây khó ngủ, bác sĩ sẽ chỉ định dùng thuốc kháng histamin có tác dụng buồn ngủ. Việc mất ngủ nhiều làm tình trạng da trở nên nặng hơn.
Bài viết trên đã cho bạn những thông tin về chàm đồng tiền. Hi vọng, sẽ có ích cho việc chăm sóc sức khỏe gia đình bạn.