Tổng quan chung
Ung thư vú là tình trạng bệnh lý do tế bào tuyến vú phát triển không kiểm soát được, tạo ra các khối u ác tính, có khả năng xâm lấn xung quanh và di căn xa. Bình thường, các tế bào tuyến vú được sinh ra và mất đi theo một chu trình đã được lập từ trước. Cơ chế này giúp số lượng tế bào tuyến vú được sinh ra với số lượng vừa đủ, cân bằng giữa số lượng tế bào sinh ra và tế bào chết đi. Khi có các đột biến gen xảy ra, hội tụ đủ các điều kiện đặc biệt để vượt qua được hệ thống kiểm soát miễn dịch của cơ thể, tế bào tuyến vú sẽ được sinh ra liên tục, mất kiểm soát và tạo thành các khối u bao gồm rất nhiều tế bào không bình thường. Đó là các khối u ác tính tại vú, hay còn gọi là ung thư vú. Những tế bào này có khả năng xâm lấn vào mạch máu, mạch bạch huyết xung quanh và di chuyển đến những vùng xa vị trí khối u ban đầu, tạo ra các khối di căn.
Triệu chứng ung thư vú
Ung thư vú là một bệnh lý có quá trình hình thành bệnh kéo dài, do đó có một khoảng thời gian mặc dù khối u đã hình thành nhưng có thể vẫn không có triệu chứng. Chị em phụ nữ được khuyến cáo nên tự khám vú của mình thường xuyên, để biết được trạng thái bình thường của vú và kịp thời phát hiện những thay đổi tại vú khi nó mới xuất hiện. Các triệu chứng, dấu hiệu thường gặp ở bệnh nhân ung thư vú, bao gồm:
- Đau: Đau có thể không liên quan đến kỳ kinh, hoặc đau ở một bên vú, hoặc đau kéo dài.
- Thay đổi ở da vú và núm vú: Các thay đổi này có thể là da vú dày lên và trở lên sần sùi, hoặc da vú trở lên căng mọng, kèm theo đỏ và có thể đau, hoặc núm vú bị kéo tụt vào trong.
- Chảy dịch-máu ở đầu vú: Đầu vú tự nhiên chảy dịch hoặc chảy máu, có thể kèm theo đau hoặc không, đặc biệt là khi các bất thường này chỉ xuất hiện ở một bên vú.
- Sờ thấy khối bất thường ở vú hoặc ở nách: Các khối này có thể cố định hoặc di động, kích thước khác nhau và ranh giới có thể khó xác định có thể đau hoặc không đau.
Nguyên nhân gây ung thư vú
Nguyên nhân gây ung thư vú hiện chưa được xác định.
- Theo thống kê, 5 – 10% các ca ung thư vú có liên quan đến đột biến gen BRCA và mang tính di truyền. BRCA1 và BRCA2 được biết đến là những gen ức chế khối u ở người và cả hai đều nhạy cảm với ung thư vú. Các gen này giúp sửa chữa ADN bị hư hỏng hoặc phá hủy các ADN không thể được sửa chữa. Nếu BRCA1 và BRCA2 bị phá hủy do đột biến BRCA thì ADN bị hư hỏng không được sửa chữa đúng cách và điều này làm tăng nguy cơ ung thư vú. Các đột biến BRCA thường có liên hệ tới yếu tố di truyền.
- Ung thư vú cũng có thể xảy ra ở những phụ nữ bắt đầu hành kinh từ khi còn nhỏ tuổi (nguyên nhân nội tiết tố). Các hormone nữ bình thường kiểm soát sự phân chia tế bào trong vú và có thể kích thích gây ung thư vú.
- Phụ nữ trên 40 tuổi có nguy cơ mắc ung thư vú cao hơn.
Đối tượng nguy cơ mắc ung thư vú
- Tuổi
- Chủng tộc.
- Tiền sử gia đình
- Các đột biến gen ung thư vú
- Tiền sử cá nhân bị bệnh ung thư vú
- Ung thư biểu mô tiểu thuỳ tế bào tại chỗ
- Tiền sử các bệnh phụ khoa
- Bệnh vú lành tính
- Mô vú dày đặc
- Sử dụng thuốc ngừa thai uống
- Liệu pháp hormone
- Liệu pháp bức xạ
- Chế độ ăn
- Béo phì
- Hút thuốc và uống rượu
Chẩn đoán ung thư vú
Chẩn đoán ung thư tuyến vú cần dựa vào kết quả xét nghiệm mô bệnh học, bao gồm chọc hút kim nhỏ tuyến vú và sinh thiết kim tuyến vú.
Phòng ngừa bệnh ung thư vú
Việc thay đổi các thói quen sinh hoạt hàng ngày có thể giúp giảm nguy cơ ung thư vú:
- Hạn chế dùng bia rượu
- Tập thể dục thường xuyên
- Hạn chế sử dụng hormon thay thế
- Duy trì cân nặng hợp lý
- Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh
- Tự kiểm tra vú thường xuyên
- Hỏi ý kiến bác sĩ khi nào cần khám sàng lọc.
Ở phụ nữ có nguy cơ cao và rất cao có thể cân nhắc phương pháp phẫu thuật dự phòng, phẫu thuật cắt bỏ vú khỏe mạnh hoặc dùng thuốc dự phòng (hóa trị dự phòng) như thuốc chặn estrogen để giảm nguy cơ mắc bệnh sau khi tham vấn bác sĩ chuyên khoa về các lợi ích và nguy cơ của mỗi biện pháp ngăn ngừa.
Điều trị ung thư vú
- Phẫu thuật
- Liệu pháp xạ trị
- Liệu pháp hoá trị
- Điều trị đích
- Điều trị nội tiết
- Điều trị miễn dịch