Bệnh mạch vành là dạng bệnh tim mạch phổ biến nhất ở người lớn, là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới. Tại Việt Nam, tỷ lệ bệnh nhân tử vong do suy mạch vành khá cao, chiếm từ 11% – 36% và đang có dấu hiệu tăng dần mỗi năm.
Tổng quan chung
Bệnh mạch vành xuất hiện khi có một hay nhiều các nhánh của động mạch vành bị hẹp lại và bị cản trở do những mảng bám hình thành và tích tụ bên trong mạch máu.
Khi đó các động mạch trong cơ thể vốn dĩ rất mềm mại và có tính đàn hồi sẽ trở nên hẹp hơn và cứng hơn bởi sự xuất hiện của Cholesterol và một số chất khác là chất bám trên thành mạch, gây ra xơ vữa động mạch.
Khi bệnh mạch vành trở nên nặng, máu sẽ lưu thông kém và khó khăn hơn. Hậu quả là tim không thể nhận được đủ lượng máu và oxy cần thiết để duy trì sự sống và dẫn đến những cơn đau thắt ngực và tình trạng nhồi máu cơ tim.
Triệu chứng
Các triệu chứng mạch vành thường gặp nhất bao gồm đau thắt ngực hay đau vùng tim. Tình trạng này có thể được mô tả với các dấu hiệu sau:
- Cảm giác nặng vùng ngực
- Cảm giác nén hoặc ép tim
- Đau ran vùng ngực
- Nóng rát
- Tê vùng ngực
- Đầy bụng
- Cảm giác tim bị bóp chặt lại
- Đau ngực âm ỉ
Triệu chứng bệnh mạch vành ở phụ nữ thường thể hiện nhẹ hơn so với nam giới. Các biểu hiện thường đi kèm với đau ngực bao gồm buồn nôn, đổ mồ hôi, mệt mỏi, và khó thở. Ngoài ra, bệnh có thể thể hiện thông qua đánh trống ngực, cảm giác khó thở, tăng nhịp tim, cảm giác chóng mặt, nôn mửa và tiết nhiều mồ hôi.
Nguyên nhân
Trong các hoạt động thường ngày của mỗi người, có rất nhiều yếu tố đã được xác định là nguyên nhân làm tăng nguy cơ xơ vữa mạch vành và gây ra những triệu chứng mạch vành đầu tiên. Các nghiên cứu hiện nay cho thấy rõ có 2 loại yếu tố và nguyên nhân của bệnh mạch vành bao gồm:
Yếu tố và nguyên nhân không thể thay đổi được
- Tuổi tác (50 tuổi trở lên đối với nam và 55 tuổi trở lên đối với nữ): Càng lớn tuổi, nguy cơ mắc bệnh tim mạch vành càng cao.
- Giới tính: Nam giới thường có nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao hơn nữ giới. Tuy nhiên, phụ nữ sau mãn kinh có nguy cơ mắc bệnh tim mạch vành cao hơn.
- Tiền sử gia đình: Những người dưới 55 tuổi (nam) và 65 tuổi (nữ) có nguy cơ mắc bệnh tim mạch vành cao hơn nếu cha mẹ, ông bà hoặc anh chị em ruột của họ từng bị biến chứng về tim.
- Các bệnh liên quan: Bệnh mạch vành có nhiều khả năng xảy ra hơn nếu bạn mắc các bệnh lý kèm theo như tăng huyết áp, tiểu đường, rối loạn lipid máu hoặc béo phì.
Yếu tố và nguyên nhân có thể thay đổi được
- Lối sống ít vận động: Những người thường xuyên ngồi một chỗ, không vận động thường xuyên, ít vận động có nguy cơ mắc bệnh tim mạch và các bệnh liên quan cao hơn.
- Hút thuốc: Thói quen hút thuốc không chỉ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch mà còn làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nguy hiểm khác như ung thư phổi, ung thư vòm họng.
- Nghiện rượu: Uống quá nhiều rượu và thức uống có cồn cũng là nguyên nhân quan trọng gây thiếu máu cơ tim và đau thắt ngực.
Đối tượng nguy cơ
- Người hút thuốc, ít hoạt động thể chất, thừa cân, thể trạng béo.
- Người có các bệnh lý: đái tháo đường, tăng huyết áp, bệnh thận mạn tính, tăng mỡ máu.
- Tiền sử gia đình mắc bệnh lý tim mạch.
- Những người có các yếu tố nguy cơ bên trên cần khám và kiểm tra định kỳ để điều trị và quản lý bệnh tốt nhất giúp hạn chế mắc bệnh, làm chậm tiến triển của bệnh và ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm của bệnh mạch vành.
Chẩn đoán
Bệnh nhân được chỉ định thực hiện một số thăm dò bổ sung để xem có đúng bị bệnh mạch vành không. Các xét nghiệm gồm có: xâm nhập và không xâm nhập.
Xét nghiệm không xâm nhập:
- Điện tâm đồ: điện tâm đồ lúc nghỉ, điện tâm đồ gắng sức, điện tâm đồ ghi liên tục 24 giờ.
- Siêu âm: siêu âm tim gắng sức và doppler tim.
- Xạ hình tưới máu cho cơ tim.
- Chụp CT động mạch vành tốc độ cao.
Xét nghiệm xâm nhập: Chụp động mạch vành để có cơ sở đánh giá chính xác hình ảnh động mạch vành; phát hiện kích thước, vị trí và mức độ tổn thương (nếu có). Đây chính là cơ sở để đưa ra chẩn đoán và điều trị bệnh động mạch vành phù hợp với từng bệnh nhân.
Phòng ngừa bệnh
Thay đổi những thói quen xấu và thiết lập lối sống phù hợp có thể giúp ngăn ngừa và làm chậm sự tiến triển của bệnh tim mạch vành.
- Bỏ hút thuốc và tránh khói thuốc từ người khác;
- Ngừng uống rượu;
- Ăn uống khoa học: Tránh thức ăn nhanh và thực phẩm chế biến sẵn nhiều chất béo, đồng thời thực hiện chế độ ăn ít muối và đường với những “thực phẩm cầu vồng” có lợi cho tim như ngũ cốc thô, rau xanh, trái cây, đậu và các loại hạt;
- Tập thể dục thường xuyên: Bệnh nhân, đặc biệt là những người mắc bệnh tim mạch, nên trao đổi với bác sĩ về hình thức và cường độ tập luyện phù hợp với tình trạng sức khỏe của mình;
- Cải thiện các bệnh lý đi kèm: Người bệnh cần được xét nghiệm thường xuyên để phát hiện và điều trị kịp thời các bệnh lý liên quan đến bệnh tim mạch như tiểu đường, béo phì, thừa cân, rối loạn mỡ máu, tăng huyết áp;
- Xây dựng lối sống tích cực, bình yên và vui vẻ, tránh căng thẳng quá mức, thực hiện lối sống khôn ngoan, làm việc điều độ và quản lý thời gian hiệu quả.
Điều trị bệnh mạch vành như thế nào?
- Điều trị bằng thuốc: dùng thuốc theo hướng dẫn và chỉ định của bác sĩ, khám lại theo đúng hẹn, tuân thủ đúng điều trị, thay đổi hành vi và lối sống, không tự ý bỏ thuốc. Đây là những biện pháp đặc biệt quan trọng để có được kết quả tốt và lâu dài.
- Điều trị tái thông lại dòng máu: Phục hồi dòng chảy trong động mạch vành bị hẹp để tăng lượng máu đến vùng cơ tim bị thiếu máu góp phần tăng hiệu quả điều trị.
- Can thiệp mạch vành qua da (đặt stent): Nong và đặt khung giá đỡ trong lòng mạch làm thông vị trí bị hẹp tắc.
- Phẫu thuật bắc cầu chủ vành: Dùng một đoạn mạch máu, nối từ trước chỗ hẹp đến mạch vành phía sau chỗ hẹp.
- Điều trị hỗ trợ bằng sóng xung kích (Shockwave): Đây là phương pháp mới, sử dụng sóng xung kích bắn vào vùng cơ tim thiếu máu gây dãn mạch, nhằm giảm đau thắt ngực và tăng sự cung cấp máu cho vùng cơ tim thiếu máu.