Liệt dây thần kinh số VI khiến cho chức năng vận động của mắt bị ảnh hưởng vì dây thần kinh này gửi tín hiệu từ não đến cơ thẳng bên để cho mắt có thể liếc ra ngoài. Hãy cùng Pharmacity tìm hiểu về liệt dây thần kinh số VI và những điều cần biết về liệt dây thần kinh số VI qua bài viết dưới đây.
Tổng quan chung
Dây thần kinh số VI (dây thần kinh vận nhãn ngoài) là một trong 12 dây thần kinh sọ não, đảm nhận chức năng chính là gửi tín hiệu đến cơ thẳng bên để cho mắt chuyển động xa khỏi mũi và liếc ra bên ngoài.
Dây thần kinh này có nguyên ủy thật ở cầu nào, nguyên ủy hư ở rãnh hành cầu và từ rãnh hành cầu, dây thần kinh chạy ra trước qua xoang tĩnh mạch hang rồi vào ổ mắt. Chức năng chính của dây thần kinh số VI chính là gửi tín hiệu đến cơ thẳng bên, có trách nhiệm cho chuyển động mắt xa khỏi mũi.
Liệt dây thần kinh số VI tức là dây thần kinh này không còn hoạt động như bình thường được nữa nên thay vì liếc ra ngoài thì mắt sẽ bị kéo vào phía trong mũi.
Triệu chứng
Các biểu hiện liệt dây thần kinh số VI rất rõ ràng: Người bệnh khi liệt dây thần kinh số VI sẽ không thể điều khiển mắt theo chiều ngang, chỉ có thể hoạt động theo chiều dọc, lên xuống bình thường nếu như các dây thần kinh khác không bị tổn thương.
Các triệu chứng thông thường:
- Hai mắt cùng nhìn đôi về một phía.
- Khu vực xung quanh mắt đau nhức, đôi khi có hiện tượng giật giật.
- Đau đầu, có những lúc đau rất dữ dội.
Nguyên nhân
Tổn thương dây thần kinh số VI dẫn đến liệt chủ yếu là do bệnh lý vi mạch, đặc biệt là đối với những người bệnh bị đái tháo đường, là một phần của bệnh lý viêm đa dây thần kinh. Bên cạnh đó, một số nguyên nhân khác gây tổn thương dây thần kinh như:
- Nguyên nhân do thiếu máu cục bộ hoặc có thể do tăng huyết áp cũng như chèn ép dây thần kinh do khối u ở xoang hang.
- Liệt dây thần kinh số VI có thể do tăng áp lực nội sọ hoặc chấn thương sọ não. Trong một số trường hợp có thể do cả hai.
- Một số nguyên nhân khác như viêm màng não, ung thư biểu mô màng não, chứng viêm mạch, đa xơ cứng, bệnh não Wernicke, bệnh phình mạch, đột quỵ cầu não, đau nhức CSF thấp cũng có thể gây liệt dây thần kinh số VI.
- Trẻ bị nhiễm trùng đường hô hấp có thể xuất hiện liệt tái phát nhưng sẽ không xác định được nguyên nhân gây liệt dây thần kinh số VI.
Đối tượng nguy cơ
Tình trạng viêm và vi mạch là yếu tố nguy cơ gây ra liệt dây thần kinh số VI. Một số yếu tố nguy cơ bao gồm:
- Đa xơ cứng
- Viêm não
- Viêm màng não
- Huyết khối xoang hang
- Tăng huyết áp
- Tăng cholesterol máu
- Phình động mạch
- Tiểu đường
- Xơ cứng động mạch
- Chấn thương khi sinh.
Chẩn đoán
Để chẩn đoán bệnh nhân liệt dây thần kinh số VI có thể sử dụng các phương pháp sau đây:
- Khám thần kinh
- Soi đáy mắt
- Chụp vi tính cắt lớp điện toán hoặc chụp cộng hưởng từ
Phòng ngừa bệnh
Bệnh nhân cần khám sức khỏe định kỳ, phát hiện sớm điều trị bệnh toàn thân có thể gây liệt dây VI.
Liệt dây thần kinh số VI tuy không quá nguy hiểm nhưng có thể ảnh hưởng nhiều tới cuộc sống thường ngày. Để phát hiện bệnh, bệnh nhân nên đi khám mắt định kỳ 2 năm 1 lần với người dưới 40 tuổi hoặc 1 năm 1 lần với người trên 40 tuổi để phát hiện những triệu chứng bệnh.
Ngoài ra, đột quỵ cũng là nguyên nhân phổ biến gây ra liệt dây thần kinh số VI ở người lớn do đó người khỏe mạnh có thể thực hiện các biện pháp phòng ngừa để giảm nguy cơ đột quỵ. Những biện pháp bao gồm:
- Kiểm soát huyết áp
- Tăng hoạt động thể chất
- Giảm cân
- Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh
Điều trị như thế nào?
Trong một số trường hợp, điều trị thường không cần thiết vì liệt dây thần kinh số VI sẽ tự cải thiện theo thời gian như rối loạn gây ra do nhiễm virus. Với các trường hợp khác, rối loạn này chỉ cải thiện khi các nguyên nhân cơ bản được xử lý. Lúc này, điều trị phụ thuộc vào kết quả chẩn đoán. Cụ thể như sau:
- Kê toa thuốc kháng sinh nếu liệt thần kinh thứ VI là do nhiễm khuẩn.
- Kê Corticosteroid mạnh để điều trị chứng liệt dây thần kinh thứ VI do viêm.
- Nếu bạn có một khối u não, các triệu chứng bệnh có thể không cải thiện cho đến khi bạn được phẫu thuật, hóa trị liệu hoặc các phương pháp điều trị khác để loại bỏ khối u hoặc tiêu diệt tế bào ung thư.
Riêng liệt thần kinh số VI do chấn thương có thể không bao giờ phục hồi. Thông thường, bác sĩ sẽ theo dõi tình trạng này trong thời gian khoảng 6 tháng. Nếu nhìn đôi hoặc lác không được cải thiện hay xấu đi, các lựa chọn để hỗ trợ cho bệnh nhân bao gồm đeo một miếng che bên mắt bị ảnh hưởng lâu dài để giảm bớt tầm nhìn đôi; đeo lăng kính để chỉnh tầm nhìn đơn và giúp hai mắt điều chỉnh vào một hình.