Ngủ ngáy là tình trạng nhiều người gặp hiện nay. Ngủ ngáy có thể ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ cho chính người bệnh và người khác. Vậy tại sao ngủ ngáy và cách khắc phục hiệu quả là gì?
Tổng quan chung
Ngủ ngáy hay còn được gọi là ngáy khi ngủ, đây là một triệu chứng xảy ra khi ngủ. Trong lúc ngủ, bạn sẽ hít vào một lượng khí. Lượng khí này sẽ đi vào mũi hoặc miệng rồi xuống phổi và thở ra một cách tự nhiên. Nếu vùng hầu họng bị hẹp sẽ khiến lượng khí hít vào đó đi qua một vùng hẹp hơn, các mô niêm mạc xung quanh vì thế bị rung lên và tạo ra âm thanh. Âm thanh này có tiếng khò khè hay khàn khàn, phát ra từ mũi hoặc miệng nên được gọi là ngáy.
Một vài nghiên cứu cho rằng, có khoảng 70% là nam giới có thói quen ngáy khi ngủ và hơn 50% là nữ cũng có thói quen này.
Triệu chứng
Những người ngủ ngáy sẽ tạo ra âm thanh rung, lạch cạch, ồn ào khi thở.
ThS.BS.CKI Nguyễn Thị Hương cho biết, ở bệnh nhân ngưng thở khi ngủ, có thể có các triệu chứng ngủ ngáy khác như:
- Hay bị ngừng thở, giật mình thức giấc khi ngủ;
- Buồn ngủ vào ban ngày;
- Nhức đầu buổi sáng;
- Tăng cân;
- Buổi sáng thức dậy mệt mỏi, uể oải;
- Bị tỉnh giấc giữa đêm;
- Không tập trung vào ban ngày.
Nguyên nhân
Người ngủ ngáy có thể có 1 hoặc kết hợp cùng lúc nhiều nguyên nhân sau:
- Tắc nghẽn đường hô hấp mũi: Người bị dị ứng mũi hoặc viêm xoang có thể chỉ ngáy trong mùa dị ứng hoặc khi xoang nhiễm trùng. Hoặc nếu người bệnh có các dị tật mũi như vách ngăn lệch, polyp mũi cũng đối diện nguy cơ gây ra tắc nghẽn đường thở và ngủ ngáy.
- Giảm trương lực cơ trong cổ họng và lưỡi: các mô liên kết nâng đỡ vùng này lỏng lẻo khiến lưỡi bị tụt lại phía sau và che lấp đường thở gây ngáy. Nguyên nhân do say xỉn, sử dụng thuốc ngủ hoặc ngủ quá sâu. Ở một người, quá trình lão hóa cũng khiến các cơ vùng này giãn ra, không được nâng đỡ cũng gây ra tiếng ngáy.
- Mô họng quá lớn: mỡ ở vùng hầu họng người thừa cân, béo phì nhiều hơn người bình thường làm hẹp khoảng không giữa vùng hầu họng và thanh quản, từ đó tạo ra tiếng ngáy. Hay trẻ viêm amidan và vòm họng lớn cũng dễ tạo ra tiếng ngáy khi ngủ.
- Vòm miệng và/hoặc lưỡi gà dài (mô treo ở phía sau miệng): cũng thu hẹp khoảng trống từ mũi đến cổ họng và va chạm với nhau khiến đường thở tắc và gây ra tiếng ngáy.
- Mất ngủ: ngủ không đủ giấc có thể dẫn đến giãn cổ họng cũng gây ngáy.
- Vị trí ngủ: nằm ngủ ngửa, ngủ gối cao gây gập cổ ngáy làm hẹp đường thở; gây ngáy.
- Ngưng thở khi ngủ: ngáy cũng có thể liên quan với tắc nghẽn ngưng thở khi ngủ. Trong trường hợp nghiêm trọng này, các mô họng ngăn chặn một phần hoặc hoàn toàn đường thở, gây ngáy. Một số dị tật bẩm sinh do hẹp cổ họng, cuống lưỡi to, cuống họng dài cũng gây ngáy.
- Uống bia rượu: hệ thần kinh trung ương bị ức chế và rối loạn làm giãn các cơ vùng cổ và đường hô hấp dễ đóng lại hơn, dẫn đến ngủ ngáy.
- Hút thuốc lá nhiều khiến người hút thuốc thường dễ bị viêm họng, trong khi các mô dễ bị rung hơn, đường hô hấp dễ bị đóng lại vào ban đêm. Tốt nhất không hút thuốc lá trước khi đi ngủ và bỏ thuốc lá.
Đối tượng nguy cơ
Những ai dễ ngủ ngáy?
- Người có cằm nhỏ, hầu họng hẹp hoặc vòm khẩu cái mềm và đáy lưỡi to.
- Người phì đại các mô trong mũi, miệng hoặc họng (amidan to là một nguyên nhân thường gây ngáy ở trẻ em).
- Người bị tắc nghẽn ở mũi (có thể do nhiễm trùng đường hô hấp trên, dị ứng, polyp mũi).
- Người bị lệch vách ngăn mũi
- Người bị mất trương lực các cơ trong cổ họng (có thể do lão hóa hoặc thiếu tập thể dục).
- Người béo phì, ở tư thế nằm, bụng mỡ sẽ tỳ vào cơ hoành gây trở ngại hô hấp, mỡ của vùng cổ tỳ vào các cơ hầu họng làm vùng này dễ bị hẹp hơn khi ngủ.
- Người có thói quen thở bằng miệng, uống rượu trước khi ngủ hoặc uống các thuốc gây ngủ.
- Hút thuốc lá làm cho vùng hầu họng thường xuyên bị viêm nhiễm, tạo các mô hạt, gây hẹp hầu họng.
- Ăn no trước khi đi ngủ.
- Ngủ nằm ngửa.
- Ngáy mang tính di truyền.
Chẩn đoán ngủ ngáy
- Cấp độ 1: ngáy ít, tiếng ngáy không to. Thế nhưng khi nằm nghiêng bạn sẽ ngừng ngáy.
- Cấp độ 2: ngáy vừa phải, tiếng ngáy to hơn. Khi nằm ngủ ở tư thế nghiêng, bạn cũng hết ngáy.
- Cấp độ 3: ngáy rất to dù bạn nằm ngủ ở tư thế nào và kèm theo triệu chứng nghẹt thở nhất thời, khiến người ngáy tỉnh giấc với trạng thái mệt mỏi. Mức độ này có thể nguy hiểm tới sức khỏe của bạn.
Bác sĩ sẽ khám xem âm lượng và tần suất ngáy của bạn, tư thế ngủ, các vấn đề ảnh hưởng đến giấc ngủ của bạn từ thói quen sinh hoạt, vật dụng, môi trường xung quanh…
Phòng ngừa bệnh
Phòng ngừa ngủ ngáy thường liên quan đến việc điều chỉnh lối sống và thói quen hàng ngày để giảm thiểu các yếu tố gây ra tình trạng này. Dưới đây là một số biện pháp phòng ngừa hiệu quả:
- Tránh sử dụng rượu, các thuốc giảm đau, thuốc ngủ, thuốc an thần, một số thuốc kháng histamin vào buổi tối.
- Hạn chế tăng cân, béo.
- Khi ngủ, nên nằm ngủ nghiêng và giữ cho đầu cao để dễ thở hơn. Nên nằm gối cao hơn bình thường để giúp cho luồng khí trong cổ họng đi thẳng theo luồng khí.
- Nếu bị viêm xoang, viêm mũi, hay tắc nghẽn mũi thì cần phải điều trị vì khi bị bắt buộc bạn phải thở bằng miệng, làm tăng khả năng bị ngáy ngủ.
- Tránh ăn nhiều vào bữa tối. Không nên ăn những loại thực phẩm được chế biến từ bơ sữa trước khi đi ngủ.
- Cai hút thuốc lá.
- Tập thể dục thường xuyên, tập thói quen đi ngủ theo giờ giấc đều đặn.
Điều trị như thế nào?
Cách chữa ngủ ngáy hiệu quả
- Phương pháp không dùng thuốc: giảm cân, giảm uống rượu bia, cai hút thuốc lá, thay đổi tư thế ngủ, từ nằm ngửa chuyển sang nằm nghiêng.
- Phương pháp cho ngủ ngáy nặng: nếu người bệnh kèm chứng ngưng thở khi ngủ có thể đeo mặt nạ áp lực có hỗ trợ oxy trên mũi khi ngủ. Cách này hiệu quả gần 100% nhưng người bệnh bất tiện nếu không ngủ ở nhà.
- Thiết bị dùng trong miệng: bác sĩ cho bạn dùng một khuôn nâng cao vị trí hàm, lưỡi và vòm miệng để giữ cho không khí đi qua. Bạn cần tham khảo thêm bác sĩ nha khoa.
- Phương pháp phẫu thuật cho người bệnh điều trị các biện pháp trên không hiệu quả để mở rộng đường họng, chích cuống họng, cuống lưỡi, cắt amidan, cắt ngắn những phần mô thừa trong cổ họng để tăng cường lưu thông đường hô hấp. Riêng mổ bằng phương pháp laser có thể khắc phục được những nhược điểm của phẫu thuật truyền thống vốn đau, lâu lành nhưng phải thực hiện nhiều lần mới hiệu quả.
- Cắt bỏ mô bằng tần số sóng: sử dụng sóng vô tuyến (radio) cường độ thấp để thu nhỏ mô trong vòm miệng, giúp giảm ngủ ngáy. Y học nhận thấy với phương pháp này phải nghiên cứu thêm.
Nhớ rằng, nếu bạn hoặc người thân của bạn gặp vấn đề với ngủ ngáy, thì việc thăm khám với chuyên gia y tế là vô cùng quan trọng để đưa ra đánh giá và lựa chọn biện pháp điều trị phù hợp với tình trạng bệnh của mình.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc Chuyên viên y tế để được tư vấn cho từng trường hợp Bệnh cụ thể, không tự ý làm theo hướng dẫn của bài viết.