Suy tuyến yên là một rối loạn ít gặp, khi đó tuyến yên không sản xuất hoặc sản xuất không đủ hormone. Điều này cũng gây ảnh hưởng khá lớn tới đời sống thường ngày của người bệnh.
Suy tuyến yên là gì?
Tuyến yên nằm ở vị trí vùng dưới đồi là cơ quan nội tiết rất quan trọng chỉ đạo hoạt động các tuyến nội tiết khác như tuyến giáp và tuyến thượng thận cũng như các cơ quan sinh dục sản xuất hormone.
Suy tuyến yên là tình trạng tuyến yên không hoạt động kém mức bình thường làm suy giảm lượng hormone tuyến yên được sản xuất và không đáp ứng nhu cầu của cơ thể.
Tuyến yên có chức năng quan trọng là điều chỉnh các quá trình trao đổi chất trong cơ thể duy trì như là huyết áp, nước, chức năng tình dục, stress. Khi bị suy tuyến yên hậu quả suy các tuyến nội tiết khác như tuyến giáp, tuyến thượng thận và tuyến sinh dục không hoạt động bình thường gây một loạt rối loạn các hoạt động trong cơ thể.
Triệu chứng
Phần lớn bệnh nhân không có triệu chứng suy tuyến yên cho đến khi bệnh trở nên nghiêm trọng. Cũng có một số người biểu hiện bệnh rất đột ngột.
Các triệu chứng điển hình của bệnh suy tuyến yên thường phụ thuộc vào hệ thống cơ quan bị ảnh hưởng.
- Tuyến giáp bị ảnh hưởng có thể làm cho bạn cảm thấy yếu và mệt mỏi, da khô, táo bón, cảm thấy đầy hơi và tăng cân.
- Buồng trứng bị ảnh hưởng có thể gây ra những thay đổi trong chu kì kinh nguyệt, bốc hỏa, rụng lông mu, ít hoặc không có sữa sau sinh.
- Tinh hoàn bị ảnh hưởng có thể gây ra các vấn đề về khả năng cương dương.
- Tuyến thượng thận bị ảnh hưởng có thể gây mệt mỏi nghiêm trọng, huyết áp thấp (có thể dẫn tới ngất xỉu), nhiễm trùng thường xuyên và kéo dài, buồn nôn, nôn mửa hoặc đau bụng, tâm trạng hoang mang.
Bệnh suy tuyến yên ở trẻ em gây ra các triệu chứng:
- Bé sơ sinh trai: dương vật nhỏ, đường huyết thấp gây chậm chạp, bồn chồn hoặc co giật, tiểu nhiều, vàng da.
- Trẻ lớn hơn: chậm phát triển, thấp người, chậm hoặc không dậy thì, nhẹ cân, chậm mọc răng, khát nước nhiều, đi tiểu nhiều, mệt mỏi.
Nguyên nhân
Suy tuyến yên được chia thành 2 nhóm dựa vào nguyên nhân là suy tuyến yên nguyên phát do tại tuyến yên và suy tuyến yên thứ phát do các rối loạn vùng dưới đồi gây ra.
Nguyên nhân gây suy tuyến yên nguyên phát:
- Khối u: Các tổn thương khối u làm choán chỗ như adenoma tuyến yên, nang tuyến yên, ung thư di căn chèn ép làm giảm kích thước, dẫn đến giảm áp lực và suy giảm chức năng của tuyến yên.
- Nhồi máu tuyến yên: Nhồi máu tuyến yên do hội chứng Sheehan xuất hiện sau sinh làm suy tuyến yên hoặc do suy mạch máu. Xuất huyết tuyến yên gây sốc dẫn đến trụy tuyến yên.
- Các quá trình viêm, nhiễm trùng, áp xe: Viêm màng não do vi khuẩn, lao, nấm, sốt rét, áp xe tuyến yên, Sarcoidosis, … gây suy tuyến yên toàn bộ.
- Gen: Liên quan đến các yếu tố dịch mã và biệt hóa tế bào. Suy tuyến yên bẩm sinh kèm theo hội chứng gián đoạn cuống tuyến yên do đột biến gen.
- Các rối loạn thâm nhiễm: Bệnh nhiễm sắt, Bệnh mô bào Langerhans.
- Điều trị: Thuốc điều trị miễn dịch gây suy tuyến yên, phẫu thuật thường ảnh hưởng đến chức năng tuyến yên và xạ trị sau phẫu thuật.
- Rối loạn chức năng tự miễn dịch: Viêm tuyến yên lymphocytic thường gặp ở giai đoạn hậu sản gây phì đại và phá hủy tuyến yên.
Nguyên nhân gây suy tuyến yên thứ phát:
- Khối u: U lành vùng hạ đồi, u xương sọ, u ác tính di căn từ phổi, ngực.
- Điều trị: Xạ trị khối u làm ảnh hưởng đến vùng hạ đồi do bức xạ dẫn đến rối loạn hormone tuyến yên hoặc thiếu hụt tuyến yên thứ phát.
- Tổn thương xâm nhập: Các quá trình viêm như viêm mô tế bào Sarcoidosis, Langerhan gây thiếu hụt, giảm hormone tuyến yên.
- Nhiễm trùng: Viêm màng não do lao, virus, nấm candida, suy giảm miễn dịch như HIV, …
- Chấn thương não: Chấn thương sọ não làm tổn thương nền sọ gây thiếu hụt hormone tuyến yên.
Đối tượng nguy cơ
Những người có các yếu tố dưới đây có nguy cơ suy tuyến yên:
- Có u tại tuyến yên hoặc các khối u chèn ép vùng dưới đồi.
- Dị dạng bẩm sinh.
- Tiền sử phẫu thuật bóc u ở tuyến yên.
- Tiền sử xạ trị vào tuyến yên hoặc vùng dưới đồi.
- Chấn thương, xuất huyết tuyến yên.
- Tiền sử chấn thương sọ não, đặc biệt là ở nền sọ.
- Nhiễm trùng não – màng não, úng não.
- Đột quỵ não.
- Tiền sử mất máu hậu sản.
Chẩn đoán
Nếu bác sĩ nghi ngờ suy tuyến yên, bệnh nhân có thể sẽ phải làm một số xét nghiệm để kiểm tra mức độ của kích thích tố khác nhau trong cơ thể.
Các xét nghiệm của bác sĩ có thể kể đến:
- Xét nghiệm máu: Những xét nghiệm này đo lường mức độ hormone được tạo ra trong tuyến yên và những hormone được tạo ra trong các tuyến mà tuyến yên kiểm soát, chẳng hạn như tuyến giáp, tuyến thượng thận. Từ đó, có thể giúp phát hiện thiếu hụt hormone của suy tuyến yên.
- Kích thích hoặc thử nghiệm động: Bác sĩ có thể đề nghị đến phòng khám chuyên về tình trạng nội tiết, để thực hiện các xét nghiệm đo nồng độ hormone. Những xét nghiệm này kiểm tra nồng độ hormone của cơ thể trước và sau khi dùng thuốc khiến cơ thể sản xuất hormone.
- Chụp hình ảnh não: Chụp cắt lớp vi tính (CT) hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI) não có thể phát hiện khối u tuyến yên hoặc bất thường cấu trúc khác.
- Thử nghiệm tầm nhìn: Thử nghiệm này sẽ giúp xác định sự phát triển của khối u tuyến yên và ảnh hưởng của chúng đến suy giảm thị lực hoặc các lĩnh vực thị giác.
- Chụp X quang: Ở trẻ em, hình ảnh X quang vị trí bàn tay và cổ tay có thể hỗ trợ đo lường các xương có phát triển bình thường.
Phòng ngừa bệnh
Không có cách nào ngăn ngừa suy tuyến yên, nhưng bạn có thể chú ý hơn tới các triệu chứng của bệnh. Bởi vì tiên lượng cho bệnh suy tuyến yên khác nhau và phụ thuộc vào những yếu tố sau:
- Độ tuổi của người bệnh khi bắt đầu có chứng suy tuyến yên
- Nguyên nhân gây nên suy tuyến yên của người bệnh
- Cơ thể người bệnh đang thiếu hormone như thế nào
- Cơ thể người bệnh phản ứng thế nào với việc điều trị
Trong hầu hết các trường hợp, những người bị suy tuyến yên cần phải theo dõi các hormone và triệu chứng của họ một cách chặt chẽ và trong khoảng thời gian suốt đời.
Điều trị như thế nào?
Điều trị suy tuyến yên chủ yếu dựa vào nguyên nhân gây bệnh, gồm các phương pháp:
- Uống thuốc thay thế hormone.
- Phẫu thuật được chỉ định trong trường hợp mô gần não ảnh hưởng đến tuyến yên hoặc tuyến yên phát triển không bình thường.
Tóm lại, suy tuyến yên là một bệnh lý ít gặp, nhưng rất phức tạp và nguy hiểm nếu không được chẩn đoán và điều trị. Chẩn đoán suy tuyến yên cần những thăm khám của bác sĩ chuyên khoa Nội Tiết và cần một vài xét nghiệm cũng như nghiệm pháp động để xác lập chẩn đoán xác định. Do đó, bạn cần liên hệ bác sĩ chuyên khoa khi có yếu tố hoặc triệu chứng nghi ngờ.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc Chuyên viên y tế để được tư vấn cho từng trường hợp Bệnh cụ thể, không tự ý làm theo hướng dẫn của bài viết.