Căn nguyên gây viêm phế quản cấp thường là do virus, vi khuẩn gây ra. Bệnh khi khỏi thường không để lại di chứng. Vậy triệu chứng là gì, biện pháp phòng ngừa là gì? Chúng ta cùng tham khảo bài viết dưới đây nhé.
Tổng quan chung
Niêm mạc phế quản là bộ phận đảm nhận vai trò giữ lại các hạt bụi, chất độc hại và vận chuyển chúng ra ngoài, giữ sạch đường thở. Bệnh viêm phế quản cấp xảy ra khi niêm mạc phế quản từ thanh quản đến nhu mô phổi bị viêm nhiễm có thể dẫn tới viêm mũi, họng, thanh quản,…
Viêm phế quản cấp là bệnh lý nhiễm trùng đường hô hấp thường gặp nhất trong cuộc sống hàng ngày. Hầu như bất kỳ ai cũng đề bị một vài lần trong đời. Bệnh có thể tự khỏi sau 1-2 tuần và không để lại di chứng gì.
Người bệnh cũng cần lưu ý, có nhiều trường hợp viêm phế quản cấp có triệu chứng không điển hình, đôi khi gây chẩn đoán nhầm với những bệnh nhiễm trùng khác của phổi như viêm phổi, ổ mủ trong phổi, hoặc bệnh tích mủ trong khoang màng phổi.
Tuy nhiên, với một số người bệnh viêm phế quản cấp dễ bị bội nhiễm khiến bệnh kéo dài, có thể dẫn đến tình trạng viêm phế quản mãn tính. Bên cạnh đó, bệnh còn gây ra các biến chứng nguy hiểm như viêm phổi, suy hô hấp…vì vậy người bệnh không nên chủ quan.
Triệu chứng
Biểu hiện của viêm phế quản cấp thường không khó nhận biết, tuy nhiên ở giai đoạn đầu nhiều người thường chủ quan không điều trị sớm. Một số biểu hiện người bệnh cần lưu ý như sau:
- Ho: Dấu hiệu ho thường xảy ra liên tục và kéo dài, ho khan, ho thành tiếng, ho có đờm. Khi ho kèm theo triệu chứng tức ngực, chảy nước mũi. Biểu hiện ho cho thấy ở đâu đó trên khu vực từ mũi, họng xuống phổi có thể bị viêm.
- Đau họng: Cổ họng có thể bị sưng to, ngứa rát, đau khi nuốt.
- Sốt: Sốt theo cơn hoặc sốt liên tục, sốt cao hoặc nhẹ. Cũng có khi người bệnh không bị sốt.
- Tiết đờm: Phản ứng viêm sẽ gây nên hiện tượng tiết dịch đờm. Màu sắc của đờm có thể là màu xanh, màu trắng hoặc vàng, tiết lộ nguyên nhân khiến viêm nhiễm phế quản là do vi khuẩn hay virus gây nên.
- Thở khò khè: Thành phế quản khi viêm sẽ bị sưng, phù nề gây hẹp lòng phế quản, nên khi thở không khí đi qua đi lại khe hẹp sẽ gây phát ra tiếng khò khè.
- Mệt mỏi: Người bệnh chán ăn, xanh xao, uể oải do các triệu chứng trên càng khiến cho hệ miễn dịch suy yếu.
- Một số biểu hiện khác: khó thở, thở nhanh. Cần đi kiểm tra bác sĩ nếu các triệu chứng trên kéo dài quá 5 ngày để phân biệt viêm phế quản cấp với các bệnh đường hô hấp khác và có phác đồ điều trị hợp lý, kịp thời.
Nguyên nhân
Phế quản là đường ống dẫn khí từ bên ngoài đi vào phổi được chia thành nhiều nhánh từ lớn đến nhỏ. Trong đó có 2 nhánh lớn được gọi là phế quản gốc ở bên trái và phải. Viêm phế quản cấp xảy ra khi các tế bào ở lớp niêm mạc của ống phế quản bị tổn thương gây sưng phù tổ chức mô dưới niêm mạc, cơ trơn co thắt, lòng ống tăng tiết dịch. Những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này có thể kể đến là:
- Virus: Các loại virus như Herpes, cúm A, cúm B, Sar-CoV-2,… là tác nhân phổ biến gây ra tình trạng viêm cấp tính ở phế quản.
- Vi khuẩn: Các loại vi khuẩn như tụ cầu, liên cầu, E.coli, H.Influenzae,… có thể xâm nhập và gây ra tình trạng nhiễm trùng đường hô hấp trên, bao gồm cả tình trạng viêm nhiễm phế quản cấp tính.
- Bệnh lý: Acid trong dạ dày trào ngược lên thực quản, tràn vào phế quản hoặc bệnh nhân bị dị ứng đường hô hấp trên cũng có thể khiến phế quản bị viêm.
- Thời tiết thay đổi: Lý do khiến phế quản bị viêm, sưng không thể bỏ qua là do sự thay đổi đột ngột của thời tiết làm cho niêm mạc đường hô hấp bị kích ứng.
- Khói thuốc lá: Khi phế quản tiếp xúc với khói thuốc lá, thành phần Nicotin có thể gây kích ứng và tổn thương niêm mạc dẫn đến viêm, sưng.
- Sức đề kháng yếu: Cơ thể có sức đề kháng yếu như trẻ em, người cao tuổi, người có bệnh lý mạn tính hoặc bị cảm lạnh là đối tượng có nguy cơ cao bị nhiễm trùng đường hô hấp trên.
- Hóa chất: Cơ thể khi tiếp xúc với các loại hóa chất độc hại như Amoniac, Clo,… sẽ gây ra phản ứng kích ứng đường hô hấp dẫn đến viêm nhiễm.
Đối tượng nguy cơ
Những đối tượng có hệ miễn dịch suy yếu rất dễ mắc viêm phế quản cấp. Bên cạnh đó, những người thường xuyên phải tiếp xúc với các chất độc hại do đặc thù công việc như thợ mỏ than, công nhân xây dựng, thợ hàn,… hoặc đối tượng nghiện thuốc lá cũng sẽ có nguy cơ cao bị mắc căn bệnh này.
Ngoài ra, hiện nay ô nhiễm không khí, đặc biệt là tại các thành phố lớn của Việt Nam đang ở mức đáng báo động. Chất lượng không khí kém khiến cho ngày càng nhiều người mắc các bệnh về đường hô hấp. Đối tượng bị viêm phế quản cấp cũng ngày một đa dạng hơn.
Chẩn đoán
Viêm phế quản cấp có thể được chẩn đoán thông qua các triệu chứng lâm sàng. Tuy nhiên, cũng có một vài triệu chứng dễ nhầm lẫn với các bệnh viêm đường hô hấp khác nên để chẩn đoán chính xác nhất, người bệnh nên thực hiện một số kỹ thuật như:
- Chụp X-quang phổi
Dựa vào hình ảnh trên phim X-quang, bác sĩ có thể phân biệt bệnh nhân bị viêm phế quản cấp hay mắc các bệnh về đường hô hấp khác như viêm phổi, áp xe phổi.
- Xét nghiệm
Mục đích của việc xét nghiệm là giúp tìm ra chính xác căn nguyên gây bệnh là do vi khuẩn, virus hay tác nhân khác. Một số xét nghiệm có thể chẩn đoán viêm phế quản cấp là nuôi cấy đờm, xét nghiệm pcr 26 tác nhân, xét nghiệm panel…
Phòng ngừa bệnh
Ngoài việc áp dụng các phương pháp điều trị, bệnh nhân cũng cần ghi nhớ các biện pháp phòng ngừa viêm phế quản cấp để tránh bị nhiễm bệnh, cũng như ngăn ngừa các biến chứng viêm phế quản cấp nếu không may bị mắc phải:
- Tránh xa các chất kích thích: không hút thuốc hoặc không ngồi gần nguồn khói thuốc, hạn chế tiếp xúc với hóa chất độc hại, tránh khói bụi cả bên trong lẫn bên ngoài nhà, giữ ấm cơ thể vào mùa lạnh.
- Tạo thói quen đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà, đặc biệt là khi ở trong môi trường, không khí bị ô nhiễm, hoặc khi phải tiếp xúc với hóa chất, chất tẩy rửa mạnh.
- Tăng cường hệ miễn dịch nhờ chế độ ăn uống lành mạnh, đủ chất dinh dưỡng.
- Chăm chỉ tập thể dục thể thao điều độ, tăng sức đề kháng.
- Vệ sinh răng miệng đúng cách.
- Nếu bị các bệnh như nhiễm trùng tai – mũi – họng, răng hàm mặt, suy giảm miễn dịch cần tích cực điều trị.
- Có thể tiêm vacxin phòng bệnh cúm, phế cầu, đặc biệt những bệnh nhân bị suy tim, viêm phổi mạn tính, tuổi trên 65 càng cần phải tiêm.
Điều trị như thế nào?
Đối với viêm phế quản thể cấp tính nhẹ, hầu hết các trường hợp sẽ được kê thuốc điều trị và chăm sóc tại nhà.
Sử dụng thuốc
- Các loại thuốc có thể bao gồm thuốc chống viêm như ibuprofen (Advil) và naproxen (Aleve, Naprosyn), có thể làm dịu cơn đau họng của bạn.
- Những người bệnh bị khó thở hoặc thở khò khè, bác sĩ có thể kê thêm thuốc dạng hít để mở rộng đường thở.
- Thuốc kháng sinh không được khuyến cáo cho những người bị viêm phế quản thể cấp tính. Hầu hết các trường hợp viêm phế quản là do vi rút gây ra và thuốc kháng sinh không có tác dụng với vi rút.
- Tuy nhiên, những người bị viêm phế quản cấp tính và có nguy cơ cao phát triển thành viêm phổi, bác sĩ có thể kê đơn thuốc kháng sinh. Nguyên nhân là do viêm phế quản dạng cấp tính có thể phát triển thành viêm phổi, do đó thuốc kháng sinh có thể giúp ngăn chặn điều này xảy ra.
Các phương pháp chăm sóc tại nhà giúp thuyên giảm bệnh
- Sử dụng máy tạo độ ẩm để tạo độ ẩm trong nhà, giúp làm lỏng chất nhầy trong mũi và ngực, giúp người bệnh thở dễ dàng hơn.
- Uống nhiều chất lỏng, chẳng hạn như nước lọc hoặc trà, để làm loãng chất nhầy. Nhờ đó, bạn dễ dàng đẩy chất nhầy bằng cách ho hoặc hắt xì.
- Dùng gừng. Gừng là một chất chống viêm tự nhiên có thể làm dịu các ống phế quản bị kích thích và bị viêm. Do đó, khi bị viêm phế quản, chúng ta có thể bỏ thêm vài lát gừng vào trà hoặc nước ấm để uống, điều này sẽ giúp tình trạng bệnh được cải thiện.
- Thêm mật ong. Mật ong có đặc tính kháng vi rút và kháng khuẩn, nên có tác dụng rất tốt với người bị viêm phế quản. Do vậy, hãy sử dụng mật ong để làm dịu cơn ho của bạn.
Hi vọng với những chia sẻ ở bài viết trên giúp các bạn hiểu hơn về viêm phế quản cấp tính, nguyên nhân và cách điều trị.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.