Viêm khớp vảy nến là một bệnh lý viêm khớp – cột sống và viêm khớp mạn tính xảy ra ở người bị bệnh vẩy nến da hoặc móng tay. Vậy triệu chứng và nguyên nhân là gì? Chúng ta cùng tham khảo bài viết dưới đây nhé.
Tổng quan chung
Viêm khớp vảy nến (tiếng Anh là Psoriatic Arthritis – PsA) là một bệnh lý viêm khớp xảy ra ở một số bệnh nhân mắc bệnh vảy nến. Các triệu chứng ban đầu của bệnh vảy nến thường bắt đầu từ tổn thương da như hiện tượng phát ban đỏ, có vảy, thường xuất hiện nhiều ở khuỷu tay, đầu gối, mắt cá chân, bàn tay và bàn chân người bệnh.
Đau khớp, cứng khớp và sưng ở các khớp chính là những triệu chứng điển hình của bệnh. Bệnh có thể ảnh hưởng đến bất kỳ cơ quan nào trong cơ thể, từ ngón tay, cột sống đến hệ tiêu hóa, mức độ ảnh hưởng từ nhẹ đến nặng.
Hiện chưa có phương pháp điều trị dứt điểm bệnh viêm khớp vảy nến, các biện pháp can thiệp chủ yếu nhằm kiểm soát các triệu chứng, ngăn ngừa tổn thương cấu trúc, ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm đến hệ cơ xương khớp. Trong trường hợp bệnh phát hiện muộn, không được can thiệp điều trị đúng cách có thể gây “vô hiệu hóa” toàn bộ hệ khớp của bệnh nhân.
Triệu chứng
Các triệu chứng của bệnh vảy nến và viêm khớp mạn tính thường phát triển riêng biệt trên bệnh nhân viêm khớp vảy nến như sau:
- Biểu hiện tại khớp có thể nhẹ hoặc rất nặng, hay gặp là sưng, đau, cứng khớp, không đối xứng một vài khớp, điển hình là ở khớp ngón tay;
- Một số ít có viêm nhiều khớp đối xứng hoặc chủ yếu là đau, hạn chế vận động ở cột sống và khớp cùng chậu tùy theo thể lâm sàng. Ngón tay, ngón chân bị sưng toàn bộ một hoặc vài ngón tay hoặc ngón chân (chân hay gặp hơn tay), gặp ở 1/3, thậm chí 1/2 bệnh nhân.
- Tổn thương da điển hình bao gồm những chấm, vết hoặc mảng trên nền viêm đỏ, phủ nhiều lớp dễ bong, thậm chí có những mảng tróc vảy, màu trắng đục như nến. Thương tổn nhỏ đường kính vài mm hoặc lan rộng thành mảng. Vị trí có thể gặp ở trên mặt trước của chân, tay, da đầu, ngoài ra còn tìm thấy tổn thương da ở dưới vú, kẽ mông hoặc trong rốn.
- Loạn dưỡng móng xảy ra trong khoảng 80% các trường hợp. Những thay đổi trên móng hay gặp là mất màu móng, dày móng, rỗ như kim châm hoặc bong móng.
- Các biểu hiện ngoài khớp ít gặp khác như viêm kết mạc, viêm mống mắt, hở van động mạch chủ, loét miệng, loét niệu đạo…
Nguyên nhân
Cơ chế bệnh sinh của viêm khớp vảy nến liên quan đến nhiều yếu tố khác nhau, bao gồm yếu tố di truyền, miễn dịch học và môi trường.
Nhân tố môi trường
Nhân tố môi trường rất đa dạng trong viêm khớp vảy nến. Nó là yếu tố khởi phát viêm khớp ở những bệnh nhân vảy nến. Các nhân tố này bao gốm: nhiễm trùng đường hô hấp trên, loét miệng họng, tiêm phòng Rubella, chấn thương, nghề nghiệp vận động nặng, béo phì, … Tuy nhiên, chưa có nghiên cứu nào chỉ ra mỗi liên hệ thực sự mạnh mẽ ở các yếu tố này với bệnh viêm khớp vảy nến.
Yếu tố di truyền
Khoảng 33 đến 50% bệnh nhân viêm khớp vẩy nến có ít nhất một người thân mức độ một (bố mẹ, anh chị em ruột, con cái) cũng mắc bệnh vẩy nến hoặc viêm khớp vẩy nến. Bệnh vảy nến nói chung và viêm khớp vảy nến có liên quan đến các gen phức hợp hòa hợp mô chủ yếu I (MHC lớp I) như HLA-C06, HLA-B27, HLA-B38, HLA-B39, HLA-B08. Ngoài ra còn có sự tham gia của các gen KIR, gen tín hiệu tế bào làm tăng tính nhạy cảm của gen MHC lớp 1.
Yếu tố miễn dịch học
Các hoạt động bệnh lý trong viêm khớp vảy nến chủ yếu thông qua tế bào lympho T. Việc kích hoạt tế bào T CD8, Th17, Th1, tế bào giết tự nhiên (NK), gây giải phóng các yếu tố gây viêm tấn công các thành phần của khớp, da.
Đối tượng nguy cơ
Một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ viêm khớp do vảy nến gồm:
- Bệnh vảy nến: Đây được xem là yếu tố nguy cơ lớn nhất tiến triển thành bệnh. Bệnh nhân vảy nến bị tổn thương trên móng tay có khả năng tiến triển thành bệnh rất cao.
- Tiền sử gia đình: Thăm hỏi bệnh sử bản thân và gia đình người bệnh cho thấy rằng, nhiều bệnh nhân có cha mẹ, anh, chị và em ruột mắc căn bệnh này.
- Tuổi tác: Bệnh có thể xảy ra ở mọi đối tượng và độ tuổi nhưng phổ biến nhất trong khoảng từ 30 – 50 tuổi.
Chẩn đoán
Bệnh nhân có thể làm xét nghiệm và kiểm tra hình ảnh để xác định có mắc bệnh hay không bằng cách loại trừ các dạng viêm khớp khác như bệnh gout, viêm khớp dạng thấp.
Phương pháp xét nghiệm
- Kết quả xét nghiệm máu phát hiện có sự tồn tại kháng thể RF trong máu hay không sẽ giúp phân biệt bệnh viêm khớp dạng thấp và viêm khớp vảy nến, vì kháng thể RF chỉ có trong máu người bị viêm khớp dạng thấp.
- Kiểm tra dịch từ vị trí khớp bị ảnh hưởng để xác định tinh thể acid uric có thể xác định bệnh nhân mắc bệnh gout hay viêm khớp vảy nến.
Chẩn đoán hình ảnh
- Những thay đổi của xương khớp khi bệnh nhân mắc bệnh này sẽ được biểu hiện trên các hình ảnh chụp X – quang, vốn là những đặc điểm không xuất hiện trong các dạng viêm khớp khác.
- Chụp MRI: Kết quả chụp cộng hưởng từ bằng sóng radio giúp biểu hiện rõ các đặc điểm của các mô trong cơ thể, vì vậy phương pháp này thường được sử dụng kiểm tra những vấn đề ở gân và dây chằng. Vị trí thường được chụp là lưng dưới và chân.
Phòng ngừa bệnh
Bệnh viêm khớp vảy nến chưa có phương pháp điều trị dứt điểm nên chỉ có thể kiểm soát triệu chứng và ngăn ngừa các biến chứng cho các khớp xương. Để phòng ngừa bệnh nhân cần:
- Dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, không được tự ý dùng thuốc.
- Nếu gặp các tác dụng phụ khi dùng thuốc hãy liên hệ với bác sĩ chuyên khoa ngay.
- Ăn nhiều rau xanh, chất xơ, uống nhiều nước để giúp tăng cường hệ miễn dịch và giúp khớp hoạt động tốt hơn.
- Tập yoga, bơi lội để khớp được vận động dẻo dai, linh hoạt và tránh tình trạng cứng khớp, tê khớp.
Viêm khớp vảy nến có thể tiến triển nặng hơn nếu không được phát hiện điều trị kịp thời. Vì vậy khi phát hiện bất cứ dấu hiệu nào liên quan đến bệnh, bạn hãy đến thăm khám ngay tại các cơ sở y tế uy tín nhé.
Điều trị như thế nào?
Nguyên tắc điều trị là điều trị đồng thời tình trạng vảy nến và viêm khớp, giảm bớt cơn đau và ngăn ngừa tổn thương khớp và tàn tật.
Cụ thể:
Dùng thuốc điều trị viêm khớp vảy nến
Để điều trị viêm khớp vảy nến, một số nhóm thuốc được chỉ định như:
- Thuốc khám viêm không steroid, chỉ định khi có viêm khớp: Naproxen, diclofenac, celecoxib, piroxicam…
- Thuốc corticosteroid điều trị tại chỗ như thuốc tiêm, chỉ định với các khớp hoặc điểm bán gân còn sưng đau do dùng thuốc kháng viêm không steroid không hiệu quả
- Thuốc chống thấp khớp cải thiện diễn tiến bệnh (DMARDs) như: Methotrexate, sulfasalazine, leflunomide, cyclosporine…
- Thuốc sinh học điều trị viêm khớp vảy nến là các chất kháng yếu tố hoại tử u nhóm alpha. Điều trị bằng thuốc sinh học được chỉ định khi đáp ứng kém hoặc điều trị thất bại với DMARDs.
Các thuốc sinh học trị viêm khớp vảy nến như:
- Etanercept 50mg tiêm dưới da, chia hai lần một tuần hoặc một lần mỗi tuần
- Infliximab 5mg/kg truyền TM mỗi hai tuần trong tháng đầu, liều thứ ba sau 1 tháng, sau đó một liều mỗi 8 tuần.
- Adalimumab 40mg tiêm dưới da mỗi 2 tuần
- Golimumab 50mg tiêm dưới da, mỗi tháng một lần
Lưu ý:
- Trước khi dùng thuốc sinh học, cần làm các xét nghiệm để tầm soát lao, viêm gan, kiểm tra chức năng gan – thận, đánh giá hoạt tính và mức độ tàn phế của bệnh.
- Thể viêm khớp trục tổn thương cột sống cần cân nhắc chỉ định điều trị sinh học sớm vì nhiều nghiên cứu chỉ ra, bệnh ít đáp ứng với thuốc methotrexate, sulfasalazine và leflunomide.
- Không phối hợp các tác nhân sinh học với nhau
- Không nên dùng corticoid toàn thân vì có thể gây đỏ da, tăng nặng vảy nến
Kết hợp chế độ ăn uống giảm viêm
Theo Tổ chức Bệnh vẩy nến cho biết hiện có ít bằng chứng cho thấy chế độ ăn uống tác động lớn đến tình trạng bệnh. Tuy nhiên nhiều người mắc vảy nến nhẹ khi ăn các thực phẩm lành mạnh có thể cải thiện bệnh.
Bạn có thể tham khảo các thực phẩm này:
- Bổ sung các thực phẩm chống viêm như cá thu, cá ngừ, cá hồi có chứa axit béo omega-3
- Cà rốt, khoai lang, rau cải bina, cải xoăn, việt quất chống viêm
- Tránh ăn nhiều thịt đỏ, sữa, đường tinh chế, thực phẩm chế biến sẵn
- Tránh ăn đồ có chứa gluten dễ gây dị ứng như ngũ cốc, các loại đậu, rượu, đường, dầu, phụ gia thực phẩm…
- Thay thế dầu thực vật hàng ngày bằng dầu oliu. Trong dầu oliu có chứa một lượng lớn omega-3
- Tăng cường các loại trái cây, rau củ quả nhiều màu sắc và cắt giảm đồ ăn vặt
- Tránh rượu bia, thực phẩm đã qua chế biến, thực phẩm chiên xào nhiều dầu mỡ
Điều chỉnh chế độ sinh hoạt
Song song việc điều trị bằng thuốc, người bệnh cần thay đổi chế độ sinh hoạt như:
- Tập thể dục thể thao để giảm tình trạng sưng, đau, cứng khớp. Nên tập ít nhất 30 phút mỗi ngày và tập các bộ môn phù hợp sức khỏe
- Massage các khớp để giảm tình trạng cứng khớp buổi sáng
- Sử dụng các túi chườm lạnh để giảm đau, sưng tấy
- Ngủ đủ giấc để có thể được tái tạo năng lượng
- Không hút thuốc lá và các chất kích thích
- Tránh stress, căng thẳng có thể làm tăng các đợt viêm khớp
Hi vọng với những chia sẻ trên sẽ giúp các bạn hiểu hơn về viêm khớp vảy nến.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc Chuyên viên y tế để được tư vấn cho từng trường hợp Bệnh cụ thể, không tự ý làm theo hướng dẫn của bài viết.