Khi bị viêm khớp mắt cá chân, người bệnh thường rất khó chịu vì những cơn đau nhức cùng với việc khó vận động. Vậy nguyên nhân là gì? Cách phòng ngừa như thế nào? Chúng ta cùng tham khảo bài viết dưới đây nhé.
Tổng quan chung
Bệnh viêm khớp ở mắt cá chân là hiện tượng các mô mềm ở vùng mắt cá chân gặp tình trạng bị viêm và nhiễm trùng. Cùng với đó là khu vực da sẽ bị ửng đỏ, nóng và sưng lên. Người bệnh lúc này nhận thấy mắt cá chân bị đau nhức, đặc biệt là lúc đi đứng.
Căn bệnh này phần lớn là do các ảnh hưởng đến từ tuổi tác. Chính vì vậy, đối tượng mắc bệnh thường là những người cao tuổi, xương khớp không còn khỏe mạnh nữa. Bên cạnh đó, khớp mắt cá bị viêm và đau còn có thể là biểu hiện của một số bệnh về xương khớp nào đó.
Nếu không được tiến hành điều trị kịp thời thì bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Vì vậy, khi có những triệu chứng không bình thường ở vùng khớp mắt cá thì bạn nên đi thăm khám điều trị ngay để tránh để bệnh trở nặng.
Triệu chứng
Bệnh viêm khớp mắt cá chân có triệu chứng rất dễ nhận biết. Trong giai đoạn đầu của bệnh, bạn có thể nhận biết qua một vài những dấu hiệu sau:
- Xuất hiện cảm giác đau ở vùng mắt cá chân. Bạn đầu có thể là cảm giác đau nhẹ nhưng nếu không điều trị thì cơn đau sẽ càng tăng thêm.
- Cảm giác đau lan sang bàn chân, gót chân, cổ chân thậm chí là cả bàn chân.
- Vùng mắt cá chân chuyển màu đỏ, nóng rát và có thể bị sưng to.
- Buổi sáng thức dậy hoặc khi ngồi lâu không vận động khớp bị đơ cứng. Phải sau một hồi xoa bóp thì khớp mới hoạt động lại bình thường được.
- Những cơn đau nặng có thể khiến người bệnh bị nóng sốt, mệt mỏi và khó chịu.
Nguyên nhân
Bên cạnh tác động của tuổi tác, căn bệnh này có thể bắt nguồn từ một số nguyên nhân khác như sau:
Thoái hóa khớp cổ chân
Với người cao tuổi, chức năng xương khớp dần yếu đi dẫn đến nguy cơ mắc các bệnh liên quan. Một trong những bệnh phổ biến là thoái hóa khớp cổ chân, ảnh hưởng đến một hoặc nhiều khớp trong vùng này. Nếu kéo dài thoái hóa khớp cổ chân có thể gây sưng viêm ở gót chân hoặc mắt cá chân.
Bong gân
Khi các dây chằng trong vùng mắt cá chân bị kéo căng quá mức, có thể xảy ra hiện tượng bong gân. Đây là một căn bệnh phổ biến và thường dễ điều trị nhưng nếu không được chữa trị kịp thời có thể dẫn đến viêm khớp mắt cá chân.
Gãy xương
Một nguyên nhân khác dẫn tới viêm khớp mắt cá chân là tác động của chấn thương vật lý, thường là gãy xương. Trong các hoạt động hàng ngày, nếu không cẩn thận có thể làm gãy xương chung hoặc gãy trong khu vực mắt cá chân. Nếu không chăm sóc và điều trị kịp thời cũng như đúng cách có thể để lại biến chứng.
Thừa cân béo phì
Những người có cân nặng vượt quá mức bình thường sẽ tác động trực tiếp lên xương chân, bao gồm mắt cá chân. Điều này khiến cho khớp xương dễ bị quá tải, gây đau và viêm khớp mắt cá chân.
Bệnh gout
Bệnh gout là tình trạng tích tụ axit uric trong vùng mắt cá chân mà cơ thể không thể tiết hoặc loại bỏ. Khi kéo dài, tình trạng này có thể làm suy yếu hệ miễn dịch trong khớp mắt cá chân và gây viêm.
Ngoài những nguyên nhân phổ biến trên, viêm khớp mắt cá chân cũng có thể xuất phát từ nhiều yếu tố khác. Việc xác định nguyên nhân cụ thể rất quan trọng trong quá trình điều trị của người bệnh. Do đó hãy đến ngay cơ sở y tế để được bác sĩ thăm khám, chẩn đoán tìm ra nguyên nhân chính xác.
Đối tượng nguy cơ
Thừa cân, lớn tuổi, bàn chân bẹt, đi giày không phù hợp là những yếu tố có thể làm tăng nguy cơ viêm khớp mắt cá chân.
Thừa cân, béo phì
Những người béo phì có phần hông, đầu gối và mắt cá chân phải chịu nhiều trọng lượng hơn. Vì thế, người thừa cân, béo phì có khả năng bị viêm khớp mắt cá chân cao hơn người có cân nặng hợp lý.
Đi giày cao gót, giày không phù hợp
Cố gắng giữ thăng bằng khi đi giày cao gót sẽ tạo ra áp lực đè nặng lên mắt cá chân. Điều này làm giới hạn sức mạnh và sự chuyển động của các khớp tại mắt cá. Ngoài ra, đi giày cao gót, giày không phù hợp cũng khiến bạn phải thay đổi tư thế đi lại dẫn đến mất thăng bằng. Điều này có thể gây té ngã, chấn thương khớp mắt cá chân.
Tuổi tác
Khớp mắt cá chân bị hao mòn theo thời gian, sụn mỏng đi và kém linh hoạt sẽ dễ dẫn đến viêm xương khớp. Vì vậy nguy cơ mắc bệnh viêm khớp mắt cá chân sẽ tăng theo tuổi tác, khi bạn càng già đi.
Trong một nghiên cứu lâm sàng trên 390 bệnh nhân cho thấy, độ tuổi trung bình của người bệnh viêm khớp nguyên phát là 65, lớn hơn 7 đến 8 tuổi so với người bệnh bị viêm khớp mắt cá chân sau chấn thương hoặc do các bệnh lý tiềm ẩn.
Người từng bị bong gân, trật khớp
Viêm khớp mắt cá chân có thể xuất hiện sau chấn thương. Tổn thương do chấn thương có thể lành và chức năng mắt cá chân có thể phục hồi nhưng cũng có thể dẫn đến những thay đổi ở khớp như viêm khớp mắt cá chân. Các triệu chứng có thể xuất hiện trong vòng hai năm sau chấn thương mắt cá chân hoặc thậm chí nhiều thập kỷ sau đó.
Tiền sử gia đình
Bệnh viêm xương khớp có tính di truyền, vì vậy người có cha mẹ bị viêm xương khớp, nhiều khả năng mắc bệnh hơn những người khác có cha mẹ không mắc tình trạng này. Các chuyên gia không biết chính xác mức độ của yếu tố di truyền.
Bàn chân bẹt
Bàn chân bẹt là một dị tật bẩm sinh thường gặp ở người gốc Á. Bệnh có thể gây biến chứng viêm khớp mắt cá chân hoặc viêm đau ở những vị trí khác trên cơ thể.
Chẩn đoán
Khi thăm khám tại bệnh viện, người bệnh sẽ được bác sĩ thực hiện các quy trình chẩn đoán viêm khớp mắt cá chân như sau:
Kiểm tra thể chất
Bác sĩ sẽ kiểm tra vết sưng đau và hỏi những câu hỏi sau: Cơn đau bắt đầu từ khi nào? Bạn đã từng bị chấn thương chưa? Cơn đau thoáng qua hay liên tục? Vị trí đau chính xác ở đâu? Cơn đau nhiều hơn vào buổi sáng hay tăng lên khi đi bộ?
Phân tích hành trình
Các bác sĩ yêu cầu người bệnh đi bộ để xem dáng đi có thể hiện một số ảnh hưởng của bệnh viêm xương khớp hay không. Ví dụ, cứng và đau khớp có thể gây ra dáng đi khập khiễng, bác sĩ có thể nhận biết vị trí và mức độ nghiêm trọng của bệnh.
Kiểm tra
Các chẩn đoán khác có thể bao gồm chụp X-quang để phát hiện gãy xương hoặc bất cứ biểu hiện bất thường nào khác. Ngoài ra, bác sĩ có thể yêu cầu xét nghiệm máu để loại trừ các loại viêm khớp khác. Siêu âm cơ xương cũng có thể được yêu cầu, đặc biệt đối với chấn thương gân hoặc phát hiện viêm.
Phòng ngừa bệnh
Bệnh viêm khớp thường xuất hiện do quá trình tự nhiên của việc lão hóa. Tuy nhiên người bệnh hoàn toàn có thể tự mình tăng cường sức khỏe hệ xương khớp để phòng ngừa bệnh hiệu quả bằng cách:
- Lựa chọn những đôi giày phù hợp với kích thước chân và hạn chế sử dụng giày đế cao quá lâu.
- Điều chỉnh chế độ ăn uống một cách phù hợp và bổ sung đủ dưỡng chất cần thiết cho hệ xương khớp.
- Thực hiện các bài tập giãn cơ nhằm ngăn ngừa chấn thương và đau nhức xương khớp.
- Định kỳ kiểm tra sức khỏe để phát hiện sớm bệnh và có biện pháp can thiệp kịp thời.
Có thể thấy việc bị viêm khớp mắt cá chân thực sự rất nguy hiểm và có những biến chứng trầm trọng. Do đó, khi phát hiện bất cứ dấu hiệu nào của bệnh bạn hãy đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám.
Điều trị như thế nào?
Theo các bác sĩ, hiệu quả trong điều trị viêm khớp mắt cá chân còn phụ thuộc vào triệu chứng và nguyên nhân gây bệnh. Một số phương pháp được sử dụng trong chữa trị viêm khớp mắt cá chân như:
- Sử dụng thuốc giảm đau, kháng viêm là một trong những phương pháp điều trị viêm khớp mắt cá chân phổ biến.
- Tuy nhiên, thuốc giảm đau nhìn chung chỉ có tác dụng hỗ trợ khắc phục tạm thời cơn đau chứ không có hiệu quả điều trị bệnh.
- Không chỉ vậy, lạm dụng thuốc giảm đau còn khiến người bệnh có khả năng mắc các bệnh lý khác như viêm loét dạ dày, suy gan, suy thận,…
Hi vọng với những chia sẻ trên giúp các bạn hiểu hơn về viêm khớp mắt cá chân.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc Chuyên viên y tế để được tư vấn cho từng trường hợp Bệnh cụ thể, không tự ý làm theo hướng dẫn của bài viết.