Bệnh viêm giác mạc chấm nông còn được gọi là viêm giác mạc đốm. Đây là căn bệnh khá phổ biến ở mắt và có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Chúng ta cùng tìm hiểu về viêm giác mạc chấm nông qua bài viết dưới đây nhé.
Tổng quan chung
Viêm giác mạc chấm nông được biết đến là bệnh lý ở mắt do tổn thương không đặc hiệu gặp ở giai đoạn sớm của bệnh giác mạc biểu hiện bằng những chấm nhỏ li ti màu trắng xám trên bề mặt giác mạc. Căn bệnh này bắt màu thuốc nhuộm Fluorescein khá rõ nhưng không bắt màu Rose Bengal.
Viêm giác mạc chấm nông là loại viêm nông và chỉ tổn thương ở lớp biểu bì.
Triệu chứng
Căn bệnh này có triệu chứng rất đa dạng. Không phải tất cả các trường hợp bị bệnh đều có triệu chứng giống nhau. Thực tế là tùy thuộc vào những nguyên nhân gây bệnh, bệnh nhân sẽ có dấu hiệu bệnh khác nhau và khả năng tái phát bệnh cũng sẽ khác nhau. Nhiều trường hợp bệnh nhân, triệu chứng bệnh xảy ra rồi sau đó thuyên giảm nhưng sau một thời gian lại có thể tái phát và cứ thế bệnh có thể kéo dài đến 10 năm, 20 năm hoặc thậm chí lâu hơn.
Dưới đây là một số triệu chứng phổ biến của bệnh:
- Mắt bệnh nhân bị đỏ, có nhiều chấm li ti trên bề mặt giác mạc.
- Người bệnh có cảm giác khô mắt và thường xuyên bị chảy nước mắt.
- Có biểu hiện nhìn mờ hơn.
- Nhạy cảm hơn với ánh sáng.
- Đau mắt hoặc có cảm giác bỏng rát hay khó chịu giống như đang có dị vật trong mắt.
- Bệnh nhân có thể xuất hiện tình trạng sưng hạch bạch huyết ở trước tai.
Nguyên nhân
Viêm giác mạc chấm nông do rất nhiều nguyên nhân gây ra nhưng phần lớn là do phần giác mạc của người bệnh bị tổn thương hoặc bị kích ứng. Dưới đây là những nguyên nhân gây ra tình trạng viêm giác mạc đốm.
- Do virus
Bệnh do Virus Adenovirus gây ra hay còn gọi là viêm kết mạc cấp xuất hiện tình trạng đau mắt đỏ. Trường hợp bệnh này không quá nguy hiểm và bệnh nhân có thể tự khỏi mà không cần phải điều trị. Nếu như bệnh do virus Adenovirus gây ra sẽ không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của mắt về sau.
Viêm giác mạc chấm nông cũng có thể do Virus Herpes gây ra. Nếu bệnh do loại virus này gây ra thường hay tái phát nếu không được điều trị triệt để. Bệnh tái phát một lần nữa tình trạng sẽ nghiêm trọng hơn rất nhiều kèm theo những biến chứng vô cùng nguy hiểm ở mắt.
- Do sử dụng kính áp tròng trong một khoảng thời gian khá dài.
- Mắt bị hở mi hoặc gặp tình trạng khô.
- Bệnh nhân thường xuyên phải tiếp xúc với môi trường độc hại và ô nhiễm.
- Mắt không được che chắn khi đi ra ngoài và tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời gây ảnh hưởng nghiêm trọng từ tia cực tím.
- Người bị dị ứng mắt khi sử dụng mỹ phẩm hoặc thuốc nhỏ mắt.
- Bệnh nhân có dị vật xâm nhập vào mắt.
- Bệnh do giác mạc gặp phải những chấn thương vật lý gây ra.
- Viêm giác mạc chấm nông cũng thường gặp do tác dụng phụ của các loại thuốc sử dụng tại chỗ hoặc toàn thân.
- Bệnh nhân mắc một số bệnh về gen đáp ứng miễn dịch hoặc tình trạng rối loạn tự miễn do hội chứng Addison và bệnh lupus ban đỏ hệ thống.
- Bệnh do tình trạng liệt dây thần kinh ngoại biên ở mặt.
Đối tượng nguy cơ
Đây là căn bệnh khá phổ biến ở mắt và có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng thường gặp ở nhóm tuổi từ 20 đến 30 tuổi.
Chẩn đoán
Để chẩn đoán bệnh, các bác sĩ không chỉ quan sát kỹ các triệu chứng xảy ra ở mắt mà còn có thể yêu cầu bệnh nhân thực hiện một số xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh như phương pháp soi đáy mắt. Trước khi soi đáy mắt, bệnh nhân có thể được dùng thuốc nhỏ mắt có chứa thuốc nhuộm fluorescein để giúp bác sĩ thấy rõ những tổn thương, tình trạng bất thường của mắt,… kể cả những bất thường rất nhỏ mà chúng ta không thể quan sát được bằng mắt thường.
Bên cạnh đó, các bác sĩ có thể thực hiện thêm một số xét nghiệm khác để phân biệt rõ viêm giác mạc chấm nông với một số căn bệnh khác như viêm giác mạc do tụ cầu hay viêm giác mạc do phế cầu,…
Phòng ngừa bệnh
Để phòng bệnh viêm giác mạc chấm nông cần chú ý những thói quen sinh hoạt hàng ngày:
- Khi làm việc, tiếp xúc với môi trường có nguy cơ nhiễm khuẩn mắt, nhiều bụi bẩn cần bảo hộ cận thận bằng mắt kính chuyên dụng.
- Những bệnh về mắt như lông quặm, viêm túi lệ cần được điều trị sớm và dứt điểm để tránh nguy cơ viêm giác mạc.
- Giữ vệ sinh mắt, vệ sinh nơi ở và môi trường xung quanh tốt.
- Khi có dịch đau mắt đỏ cần hạn chế tiếp xúc với người bệnh.
- Ăn uống đủ dinh dưỡng để tăng cường sức đề kháng của cơ thể.
Điều trị như thế nào?
Tùy theo từng nguyên nhân, mức độ bệnh mà có các biện pháp điều trị khác nhau, thời gian khỏi bệnh nhanh hay lâu cũng tùy thuộc vào đáp ứng của từng người.
- Những trường hợp biểu hiện nhẹ, không do nhiễm trùng như xước nhẹ, có thể tự khỏi sau một tuần. Nếu do khô mắt hay tia cực tím, người bệnh có thể được tư vấn sử dụng thuốc nhỏ mắt nhân tạo, thuốc mỡ tra mắt để chủ động cung cấp độ ẩm cho giác mạc vừa có tác dụng điều trị vừa có thể dùng lâu dài để phòng nguy cơ mắc bệnh.
- Bệnh do virus Adenovirus thường không cần điều trị đặc hiệu, bệnh có thể hồi phục trong 3 tuần. Tuy nhiên Herpes thì thường tái phát, tiến triển nặng hơn và để lại di chứng. Việc điều trị kịp thời bằng thuốc chống virus đặc hiệu sẽ chữa khỏi 95% các trường hợp trong thời gian nhanh hơn và giảm thiểu khả năng tái phát virus.
- Viêm giác mạc chấm nông có bội nhiễm vi khuẩn thì dùng thuốc kháng sinh. Nếu sau điều trị một tuần mà tổn thương không thay đổi, dần hình thành ổ loét cần nghĩ đến khả năng vi khuẩn kháng thuốc và nên chọn loại thuốc theo kháng sinh đồ hoặc nạo bỏ ổ loét.
Cần lưu ý bất kỳ loại thuốc vào được dùng trực tiếp nhỏ lên mắt hoặc điều trị gián tiếp qua đường toàn thân đều phải được kê đơn và dùng dưới sự theo dõi của bác sĩ. Việc tự ý dùng thuốc hoặc sử dụng không đủ thời gian hoặc dùng thời gian quá dài đều ảnh hưởng đến mắt. Đặc biệt là kháng sinh và corticoid là hai loại thuốc nếu không dùng đúng chỉ định sẽ gây tác dụng phụ.
Hi vọng bài viết trên sẽ giúp các bạn hiểu hơn về viêm giác mạc chấm nông.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc Chuyên viên y tế để được tư vấn cho từng trường hợp Bệnh cụ thể, không tự ý làm theo hướng dẫn của bài viết.