Ung thư tai rất hiếm gặp. Căn bệnh này có thể tiến triển nhanh chóng, dễ dàng di căn vào xương và gây ra nhiều hậu quả sức khỏe nghiêm trọng. Hãy cùng Pharmacity tìm hiểu về những điều cần biết về ung thư tai qua bài viết dưới đây.
Tổng quan chung
Tai gồm 3 phần là tai trong, tai giữa và tai ngoài. Tai có chức năng dẫn truyền âm thanh và giữ cho cơ thể cân bằng. Ung thư tai có thể ảnh hưởng đến cả phần bên trong và bên ngoài của tai. Khởi đầu của bệnh là một loại ung thư da ở phần tai ngoài, sau đó lan ra khắp các cấu trúc khác, bao gồm cả ống tai và màng nhĩ.
Các loại ung thư tai thường gặp
- Ung thư biểu mô tế bào đáy (BCC): Ung thư biểu mô tế bào đáy gây ảnh hưởng đến các tế bào ở lớp biểu bì – lớp ngoài cùng của da.
- Ung thư biểu mô tế bào vảy: Ung thư biểu mô tế bào vảy là sự tăng trưởng mất kiểm soát của các tế bào vảy trên lớp biểu bì. Đây là loại ung thư tai phổ biến nhất. Tốc độ di căn đến những mô khác xung quanh của các tế bào ung thư này hoàn toàn hơn hẳn so với ung thư biểu mô tế bào đáy. Theo một báo cáo nghiên cứu vào năm 2016, ung thư biểu mô tế bào vảy ảnh hưởng đến sụn ngoài tai có khả năng di căn khoảng 15%.
- Ung thư tế bào hắc tố: Ung thư tế bào hắc tố – hay còn gọi là u tế bào hắc tố ác tính – là những khối u bắt nguồn từ các tế bào melanocyte sản sinh sắc tố ở lớp đáy biểu bì. Tế bào melanocyte cung cấp sắc tố sẫm màu (đen hoặc nâu) khi làn da tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời. Mặc dù ung thư hắc tố kém phổ biến hơn so với hai loại ung thư biểu mô tế bào đáy và vảy, các chuyên gia vẫn xếp nó vào loại ung thư da nguy hiểm nhất bởi khả năng lây lan trên diện rộng. Ung thư hắc tố ở tai chiếm đến 1% trên tổng số trường hợp ung thư hắc tố.
- Ung thư biểu mô bọc dạng tuyến: Loại ung thư hiếm gặp này thường ảnh hưởng đến tuyến nước bọt và kéo dài đến mang tai. Theo báo cáo thống kê vào năm 2013, các khối u ác tính này chỉ chiếm 5% trong số những ca ung thư ở ống thính bên ngoài – lối vào màng nhĩ.
- Ung thư tuyến mang tai: Sự phát triển của khối u ác tính ở tuyến mang tai có thể lan đến ống tai. Đây là tuyến nước bọt lớn nhất trong cơ thể con người
Triệu chứng
Về dấu hiệu nhận biết ung thư tai sẽ tùy thuộc vào việc khối u phát triển ở khu vực nào, từ đó người bệnh sẽ gặp nhiều triệu chứng khác nhau. Các triệu chứng phổ biến ở từng khu vực mà ung thư tai phát triển gồm:
- Ung thư tai ngoài: Tai ngoài bao gồm dái tai, vành tai và lối vào ống tai. Các dấu hiệu nhận biết ung thư ở tai ngoài như sau khi dưỡng ẩm, người bệnh vẫn thấy xuất hiện những miếng da bong vảy ở trên tai và thấy có khối u màu trắng ngà dưới da. Đồng thời da sẽ bị lở loét và chảy máu. Đây là những dấu hiệu ung thư tai ngoài mà người bệnh nên quan tâm để đi khám kịp thời;
- Ung thư ống tai: Khi bị ung thư trong ống tai, người bệnh sẽ thấy xuất hiện một khối u ở bên trong hoặc gần lối vào ống tai. Ngoài ra, người bệnh còn bị mất thính lực và thấy dịch chảy ra từ tai. Do vậy nếu xuất hiện các triệu chứng này, có thể người bệnh bị ung thư tai, việc khám để chẩn đoán là cần thiết;
- Ung thư tai giữa: Trường hợp bị ung thư ở tai giữa, người bệnh sẽ thấy có dịch chảy ra từ tai, dịch này thường là máu. Bên cạnh đó, người bệnh cũng bị mất thính lực, đau nhức ở tai và cảm thấy tê buốt ở đầu.
- Ung thư tai trong: Một số dấu hiệu phổ biến để nhận biết ung thư tai trong gồm đau và ù tai, mất thính lực, chóng mặt kèm ù tai. Ngoài ra, người bệnh cũng gặp phải triệu chứng đau đầu.
Nguyên nhân
Ung thư tai là kết quả của sự phát triển bất thường của tế bào. Các nhà nghiên cứu chưa chắc chắn về nguyên nhân kích hoạt sự phát triển của tế bào bất thường này bởi số ca bệnh quá ít.
Đối tượng nguy cơ
Một số yếu tố nguy cơ làm tăng tỷ lệ xuất hiện các khối u ác tính ở tai, bao gồm:
- Da trắng: Theo một số thống kê, những người da trắng có tỷ lệ nguy cơ bị mắc các loại ung thư da dẫn đến ung thư tai cao hơn so với những người da màu.
- Tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời mà không dùng (hoặc dùng quá ít) kem chống nắng.
- Thường xuyên bị nhiễm trùng tai: Một số trường hợp cơ thể có phản ứng kháng viêm đối với nhiễm trùng sẽ tác động đến sự thay đổi của các tế bào xung quanh dẫn đến ung thư.
- Lớn tuổi: Một số loại ung thư lỗ tai thường xảy ra ở người lớn tuổi. Một nghiên cứu đã chỉ ra ung thư biểu mô tế bào vảy ở xương thái dương phổ biến nhất ở những người trên 70 tuổi.
Chẩn đoán
Hầu hết các loại ung thư tai sẽ ảnh hưởng đến thính giác, có thể dẫn đến mất thính lực hoàn toàn. Bác sĩ sẽ xem xét bệnh sử, khám sức khỏe và có thể yêu cầu xét nghiệm máu. Các xét nghiệm có thể bao gồm chụp MRI, CT hoặc sinh thiết (lấy một mẫu mô để kiểm tra các dấu hiệu của bệnh ung thư).
Phòng ngừa bệnh
Phòng bệnh trong bệnh ung thư tai rất khó khăn do chưa biết được nguyên nhân chính xác của bệnh này, nhưng một số nghiên cứu thấy rằng ung thư tai xuất hiện chủ yếu trên cơ sở một bệnh lý viêm nhiễm mãn tính vùng tai ngoài hoặc tai giữa, chính vì vậy điều trị sớm khi bệnh nhân bị viêm tai là vấn đề đặt ra hàng đầu.
Nếu phát hiện có những biểu hiện bất thường vùng tai, bạn cần đi khám chuyên khoa Tai Mũi Họng để có được chẩn đoán chính xác và điều trị kịp thời. Bạn nên đi kiểm tra định kỳ 6 tháng một lần nếu có nghi ngờ.
Điều trị ung thư tai như thế nào?
Ung thư tai có thể tiến triển nhanh chóng và có khả năng di căn cao. Do đó, cần phát hiện sớm mới có thể kiểm soát và điều trị bệnh hiệu quả. Tùy vào từng trường hợp người bệnh, vị trí cũng như kích thước của khối u ung thư mà bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp, nhằm mang lại hiệu quả điều trị tốt nhất cho người bệnh.
Một số phương pháp điều trị ung thư tai phổ biến hiện nay là
- Đối với ung thư tai ngoài: Phương pháp điều trị phổ biến đối với những trường hợp này là phẫu thuật cắt bỏ tai ngoài. Nếu phạm vi phẫu thuật cắt bỏ tai ngoài quá rộng, gây mất thẩm mỹ, người bệnh có thể thực hiện phẫu thuật ghép da để lấy lại vẻ ngoài tự tin sau khi điều trị ung thư.
- Ung thư ở ống tai hoặc xương thái dương: Phương pháp điều trị đối với những trường hợp này là phẫu thuật kết hợp với xạ trị. Tùy vào mức độ lan rộng của khối u, kích thước của khối u, bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật cắt một phần hoặc toàn bộ ống tai.
- Với những trường hợp bệnh nghiêm trọng, bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật phần ống tai, xương và màng nhĩ. Sau điều trị, người bệnh có thể khắc phục bằng việc phẫu thuật ghép lại tai. Trong trường hợp thính lực bị ảnh hưởng, có thể sử dụng máy trợ thính theo hướng dẫn của bác sĩ.