Ung thư xoang mũi là một bệnh lý ung thư đứng thứ 3 trong ung thư đầu mặt cổ. Triệu chứng lâm sàng của bệnh thường kín đáo và dễ nhầm lẫn với bệnh viêm mũi xoang. Vì thế, chẩn đoán hình ảnh ung thư mũi xoang là cách phát hiện bệnh chính xác nhất. Trên hình ảnh nội soi, chụp CT và MRI, bác sĩ xác định được vị trí của khối u ác tính và đánh giá giai đoạn bệnh. Hãy cùng Pharmacity tìm hiểu về Ung thư mũi là gì? Những điều cần biết về ung thư mũi qua bài viết dưới đây.
Tổng quan chung
Ung thư mũi xoang hay ung thư xoang mũi là một bệnh lý ung thư không thường gặp. Bệnh đứng thứ 3 trong ung thư đầu mặt cổ, sau ung thư vòm và ung thư hạ họng thanh quản.
Ung thư mũi là tình trạng khối u ác tính xuất hiện và phát triển ở khu vực các xoang mũi. Theo số liệu thống kê, người mắc bệnh này đa phần là nam giới ở độ tuổi ngoài 40.
Căn bệnh này phát triển dưới nhiều dạng khác nhau, trong đó có thể kể đến như: khối u ác tính phát triển ở xoang hàm trên, ở khoang mũi hoặc xoang sàng. Dù khối u ác tính phát triển ở vị trí nào thì cũng cần theo dõi và tích cực điều trị để ngăn ngừa biến chứng xảy.
Triệu chứng
Mọi người có thể tham khảo một số triệu chứng dưới đây để nhận biết sự phát triển của khối u ác tính tại xoang mũi.
Khi mắc bệnh, người bệnh sẽ có một số dấu hiệu:
- Thường xuyên bị nghẹt mũi, dịch chảy từ cửa mũi đến họng.
- Đau ở một phía ở mũi, trán, má, thậm chí, trong nhiều trường hợp bệnh phát triển nặng, cơn đau có thể lan tới mắt và tai.
- Có thể gây mất vị giác và thị lực của bệnh nhân kém đi.
- Ngoài ra, người bệnh còn có thêm các triệu chứng như: sưng mặt, phù nề nghiêm trọng, bị đau ở mặt, răng và cảm thấy khó khăn mỗi khi mở miệng…
Tình trạng này gây ảnh hưởng trực tiếp đến sinh hoạt hàng ngày và sức khỏe của người bệnh.
Nguyên nhân
Nguyên nhân gây ung thư mũi hiện nay vẫn chưa được xác định rõ.
- Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, thói quen hút thuốc lá có thể là một trong những yếu tố làm gia tăng sự phát triển của khối u ác tính tại khu vực xoang mũi. Bên cạnh đó, những người thường xuyên tiếp xúc và hít phải khói thuốc lá thụ động hay chủ động cũng có yếu tố nguy cơ cao mắc bệnh.
- Những người thường xuyên phải làm việc, tiếp xúc với bụi vải, bụi gỗ hoặc các chất hóa học như: niken, radium… cũng làm gia tăng nguy cơ hình thành và phát triển của khối u ác tính ở xoang mũi.
- Một số nghiên cứu cho thấy, virus HPV gây u nhú ở người và virus Epstein Barr (EBV) cũng có vai trò trong một số trường hợp.
Để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh xoang và ung thư xoang mũi thì mọi người cần có biện pháp chăm sóc sức khỏe đường hô hấp và hạn chế tiếp xúc với các tác nhân gây bệnh.
Đối tượng nguy cơ
- Giới tính: Ung thư biểu mô mũi phổ biến ở nam giới hơn ở nữ giới.
- Chủng tộc: Loại ung thư này phổ biến ở người Trung Quốc, Đông Nam Á và Bắc Phi. Tại Hoa Kỳ, những người nhập cư châu Á có nguy cơ mắc ung thư này cao hơn so với những người châu Á sinh ra ở Mỹ.
- Tuổi tác: Ung thư mũi có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng bệnh thường được chẩn đoán ở người trong độ tuổi từ 30 và 50.
- Thực phẩm ướp muối để bảo quản: Các hóa chất giải phóng vào hơi nước khi nấu thức ăn ướp muối như cá và rau, có thể thâm nhập vào khoang mũi, làm tăng nguy cơ ung thư. Tiếp xúc với các hóa chất này từ khi còn nhỏ có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh nhiều hơn.
- Bệnh sử gia đình: Có một thành viên trong gia đình bị ung thư mũi làm tăng nguy cơ của bệnh.
Chẩn đoán
Ung thư mũi nếu không được phát hiện và điều trị sớm thì bệnh nhân sẽ gặp phải nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí đe dọa đến tính mạng. Vậy khi có những dấu hiệu nghi ngờ mắc ung thư xoang mũi, thì bệnh nhân nên thực hiện xét nghiệm để được chẩn đoán và điều trị bệnh sớm.
Để phát hiện khối u ở xoang mũi, các bác sĩ chuyên khoa thường chỉ định cho bệnh nhân tiến hành nội soi tai – mũi – họng. Kỹ thuật sinh thiết tế bào cũng được chỉ định để xác định khối u ác tính hay lành tính.
Trong trường hợp bệnh nhân được chẩn đoán có khối u ác tính ở xoang mũi thì bác sĩ cần phải tiến hành kiểm tra hình ảnh chụp cắt lớp (CT), hình ảnh chụp cộng hưởng từ (MRI). Dựa trên hình ảnh chụp CT, MRI, bác sĩ sẽ nắm được vị trí và kích thước của ung thư mũi xoang. Từ đó, đưa ra phác đồ điều trị phù hợp cho bệnh nhân, kiểm soát sự phát triển của khối u ác tính.
Phòng ngừa bệnh
Để ngăn ngừa bệnh, chúng ta có thể áp dụng các biện pháp để nâng cao sức khỏe, hạn chế các yếu tố nguy cơ gây ung thư mũi xoang như:
- Thường xuyên luyện tập thể dục thể thao, có chế độ làm việc sinh hoạt hợp lý để nâng cao sức khỏe.
- Không hút thuốc lá, hạn chế bia rượu chất kích thích, hạn chế ăn các thức ăn lên men như dưa muối, cà muối…
- Điều trị sớm những viêm nhiễm ở đường mũi họng.
Khi phát hiện các dấu hiệu bất thường ở vùng tai mũi họng như đau đầu kéo dài, xì máu mũi, ù tai, hạch cổ to… nên đi khám chuyên khoa Tai Mũi Họng sớm để được nội soi vòm, loại trừ bệnh.
Điều trị như thế nào?
Đối với việc điều trị ung thư mũi thì thông qua việc chẩn đoán hình ảnh ung thư mũi, các bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp cho từng trường hợp cụ thể.
- Hầu hết, các bệnh nhân bị ung thư mũi được phát hiện ở giai đoạn sớm sẽ được phẫu thuật cắt bỏ khối u hoàn toàn. Phương pháp phẫu thuật có thể là phẫu thuật nội soi giúp cắt bỏ hoàn toàn khối u và các mô xung quanh ở một số trường hợp.
- Nếu một khối u đã lan vào má, mắt, hay dây thần kinh hoặc các cấu trúc quan trọng khác thì cần phải phẫu thuật mở và xạ trị bổ sung sau mổ.
- Nếu không thể phẫu thuật cắt bỏ khối u hoặc phẫu thuật sẽ làm tình trạng bệnh nặng hơn thì có thể hóa xạ trị. Trong một số trường hợp, hóa trị nếu giúp thu nhỏ khối u thì sau đó có thể phẫu thuật, nếu không thì có thể điều trị bằng xạ trị.
Như vậy, để phòng ngừa bệnh ung thư xoang mũi, bạn cần tránh những yếu tố nguy cơ gây ra bệnh và tiến hành thăm khám sức khỏe định kỳ, tầm soát ung thư nếu có yếu tố nguy cơ cao. Đặc biệt, khi có các triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh thì cần đến các cơ sở, bệnh viện để được thăm khám, chẩn đoán hình ảnh ung thư mũi để có phương pháp điều trị hiệu quả.
Trên đây là một số chia sẻ hữu ích về Ung thư mũi là gì? Những điều cần biết về ung thư mũi. Hy vọng nó sẽ giúp ích cho bạn và gia đình của mình. Nếu bạn có bất kỳ triệu chứng nào liên quan đến mũi, hãy đi khám ngay vì khi phát hiện bệnh sớm qua những dấu hiệu đầu tiên, tỷ lệ chữa khỏi bệnh rất cao.