Bệnh thoái hóa tiểu não là một bệnh lý thường gặp ở người trung niên và người cao tuổi. Bài viết cung cấp thông tin chi tiết và cập nhật về nguyên nhân, triệu chứng, và cách điều trị bệnh thoái hóa tiểu não.
Tổng quan chung
Tiểu não là bộ phận nằm ở phía dưới của đại não, phía sau thân não và bên dưới thùy thái dương. Nếu nhìn từ bên ngoài thì tiểu não trông rất giống một bộ não thu nhỏ, chiếm khoảng 10% khối lượng của bộ não và nằm tách biệt với đại não nhưng phải đến hơn nửa số tế bào thần kinh của não hội tụ tại tiểu não. Bộ phận này được cấu tạo từ vỏ não với chất trắng bao phủ bên ngoài, não thất bên trong chứa nhiều chất lỏng gọi là dịch não tủy.
Thoái hóa tiểu não là một quá trình trong đó các tế bào thần kinh trong tiểu não bị suy giảm và chết. Các bệnh gây ra thoái hóa tiểu não cũng có thể liên quan đến các khu vực khác của hệ thần kinh trung ương, bao gồm tủy sống, vỏ não và thân não. Thoái hóa tiểu não có thể là kết quả của đột biến gen di truyền làm thay đổi quá trình sản xuất bình thường của các protein cụ thể cần thiết cho sự tồn tại của tế bào thần kinh.
Triệu chứng
Triệu chứng điển hình nhất của thoái hóa tiểu não là đi đứng loạng choạng, mất thăng bằng, thường kèm theo biểu hiện run lên ở thân người. Bên cạnh đó, người bệnh cũng sẽ cảm thấy:
- Cử động chậm: Người bị thoái hóa tiểu não thường có cử động chậm, khó khăn trong việc đi lại và thực hiện các hoạt động hàng ngày.
- Mất thăng bằng: Người bị thoái hóa tiểu não thường đi lại khó khăn, hay bị mất thăng bằng và dễ ngã.
- Run cánh tay hoặc chân: Điều này là do tổn thương đến các tế bào thần kinh liên quan đến các cử động.
- Ảnh hưởng khả năng ngôn ngữ: Do tổn thương đến các tế bào thần kinh liên quan đến ngôn ngữ khiến người bị thoái hóa tiểu não bị nói chậm, nói lắp.
- Rung giật nhãn cầu, mắt chuyển động nhanh: Người bị thoái hóa tiểu não có thể gặp vấn đề về đôi mắt, bao gồm rung giật nhãn cầu.
Các triệu chứng trên có thể xuất hiện và tăng dần theo thời gian.
Nguyên nhân
Nguyên nhân của thoái hóa tiểu não thường bắt nguồn từ đột biến gen di truyền. Điều này gây ra sự suy giảm trong quá trình trao đổi chất protein của các tế bào thần kinh, dẫn đến sự yếu đuối và chết dần của chúng. Ngoài ra, một số yếu tố khác có thể góp phần vào bệnh lý này:
- Hội chứng cận ung thư – rối loạn paraneoplastic: Khi có sự xuất hiện của khối u ác tính trong cơ thể, nó có thể gây ra các chất kích thích mà hệ miễn dịch sẽ tấn công các tế bào thần kinh ở tiểu não.
- Tổn thương cấp tính: Các bệnh nhiễm trùng hoặc tổn thương vùng đầu cổ, tai biến có thể dẫn đến thoái hóa tiểu não.
- Các bệnh mạn tính: Bệnh huyết áp cao, tiểu đường, xơ vữa động mạch, béo phì, viêm não, động kinh, tai biến mạch máu não cũng có thể gây ra biến chứng này.
- Mất điều hòa tiểu cầu: Một bệnh lý di truyền có thể làm triệt tiêu liên tục các tế bào thần kinh ở tủy sống, thân não và tiểu não.
- Nghiện rượu lâu năm: Nghiện rượu có thể là một nguyên nhân phổ biến gây thoái hóa tiểu não.
- Tác động từ môi trường bên ngoài: Sự tiếp xúc thường xuyên với các hóa chất độc hại, thuốc lá, rượu bia, ô nhiễm không khí và nước cũng có thể góp phần vào tình trạng này.
- Tuổi tác: Nguy cơ mắc bệnh thoái hóa tiểu não tăng cao theo tuổi tác, là một phần của quá trình lão hóa tự nhiên của cơ thể.
Đối tượng nguy cơ
Các yếu tố nguy cơ thoái hóa tiểu não khác nhau tùy theo nguyên nhân. Ví dụ, thoái hóa tiểu não cận ung thư có xu hướng phổ biến hơn đối với phụ nữ trên 50 tuổi. Nhìn chung, nam giới có xu hướng gặp nhiều vấn đề liên quan đến khả năng giữ thăng bằng và phối hợp khi họ già đi.
Thoái hóa tiểu não liên quan đến rượu hoặc dinh dưỡng thường xảy ra ở độ tuổi trung niên và phổ biến ở những người có tiền sử rối loạn sử dụng rượu.
Thoái hóa tiểu não cũng có thể xảy ra ở trẻ em mắc một số rối loạn di truyền. Theo các số liệu tính đến nay thì ít hơn 1% số người mắc bệnh ung thư bị thoái hóa tiểu não cận ung thư. Tuy nhiên, thoái hóa tiểu não liên quan đến rượu là phổ biến hơn với khoảng 12% đến 27% số người mắc chứng rối loạn sử dụng rượu có mức độ thoái hóa tiểu não ở mức độ nào đó.
Chẩn đoán
Các phương pháp phổ biến được dùng để chẩn đoán hội chứng tiểu não là CT và MRI. Chụp MRI thường có hiệu quả hơn vì nó có độ phân giải tốt, hình ảnh 3 chiều. Tuy nhiên, một số người sẽ không chịu đụng được khi chụp MRI và những người có cấy ghép thiết bị kim loại trong người không thể thực hiện phương pháp này.
Nếu bác sĩ nghi ngờ viêm nhiễm tiểu não, họ sẽ cho làm xét nghiệm dịch não tủy. Nếu nghi ngờ các triệu chứng thoái hóa hay mất cân bằng, bác sĩ sẽ cho làm các xét nghiệm như tìm nồng độ vitamin E, alpha Fetoprotein, các kháng thể chống ung thư như Anti-Hu, Anti-Yo, Anti-Ri.
Phòng ngừa bệnh
Cách để dự phòng bệnh thoái hóa tiểu não là:
- Ngủ đủ giấc, tránh thức khuya, hạn chế hút thuốc lá, bia, rượu, nước uống có gas.
- Tránh căng thẳng.
- Lao động trí não thường xuyên, dưới những hình thức học tập như ngoại ngữ, âm nhạc…đây là những hình thức rất tốt giúp não được hoạt động thường xuyên, làm chậm quá trình teo não.
- Dinh dưỡng: Cần tránh thực phẩm quá nhiều dầu mỡ; tăng cường lượng vitamin và khoáng chất cho cơ thể và não bộ từ ngũ cốc, các loại hạt, các loại rau xanh, trứng, thịt gà…;thực phẩm giàu canxi như hải sản, đậu nành, súp lơ, cá biển, hạnh nhân…
- Tập luyện thể dục thể thao thường xuyên: Cũng giống như cơ bắp, não bộ cũng dễ teo đi khi ít “vận động”. Bạn nên chạy bộ, đi bộ, leo cầu thang, đạp xe đạp, dưỡng sinh hay yoga phù hợp để giúp lưu thông máu, các dưỡng chất tới não một cách tốt hơn, giúp mô não khỏe mạnh tăng cường khả năng chống lại bệnh tật.
Thoái hóa tiểu não điều trị như thế nào?
Hiện tại, không có cách chữa trị cho các dạng di truyền của thoái hóa tiểu não. Do vậy, đây là căn bệnh nguy hiểm cần được phát hiện sớm và điều trị kịp thời.
Điều trị vật lý trị liệu có thể tăng cường cơ bắp.
Một số biện pháp giúp hỗ trợ điều trị triệu chứng có thể kiểm soát cũng như duy trì sức khỏe ổn định cho người bệnh, hạn chế những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.Ví dụ, sử dụng thuốc có thể được kê đơn để giảm bớt các bất thường về dáng đi.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc Chuyên viên y tế để được tư vấn cho từng trường hợp Bệnh cụ thể, không tự ý làm theo hướng dẫn của bài viết.