Ù tai khiến người bệnh gặp không ít khó chịu trong sinh hoạt cũng như ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe nếu bệnh kéo dài và không được điều trị tốt. Vậy chúng ta cùng tham khảo bài viết dưới đây để hiểu hơn về ù tai nhé.
Tổng quan chung
Ù tai là tình trạng trong tai xuất hiện những tiếng kêu không có thực ở môi trường, nguồn gốc đến từ hệ thống thính giác hoặc những cơ quan lân cận. Chỉ riêng người bệnh nghe thấy âm thanh của tiếng ù tai, đa phần là đơn âm không phức tạp song nhiều trường hợp xuất hiện âm phức như: tiếng sóng biển, tiếng dế kêu, tiếng chuông reo, tiếng nước chảy,…
Ù tai có thể chỉ là triệu chứng bệnh lý hoặc do chấn thương tai, mất thính lực hoặc tổn thương thần kinh tai tạm thời, song nếu là bệnh lý sẽ cần điều trị. Ù tai gây ra nhiều khó chịu cho người bệnh song hầu hết không quá nghiêm trọng với sức khỏe, cần tìm được nguyên nhân và điều trị thì triệu chứng này sẽ nhanh chóng được giải quyết.
Triệu chứng
Ù tai liên quan đến việc nghe thấy âm thanh trong tai nhưng khi đó lại không có âm thanh bên ngoài.
Âm thanh ù tai có thể là những âm phức như tiếng sóng biển, tiếng dế kêu, tiếng chuông reo, tiếng hơi nước thoát qua chỗ hẹp. Trong một số trường hợp, âm thanh có thể lớn đến mức có thể cản trở khả năng tập trung hoặc nghe âm thanh bên ngoài. Ù tai có thể xảy ra mọi lúc, tại mọi thời điểm và địa điểm.
Có hai loại ù tai:
- Ù tai chủ quan – loại ù tai phổ biến nhất, là ù tai chỉ duy nhất bạn có thể nghe. Ù tai có thể được gây ra bởi các vấn đề về tai ở tai ngoài, tai giữa hoặc tai bên trong hoặc có thể được gây ra bởi các vấn đề với dây thần kinh thính giác ảnh hưởng đến tín hiệu thần kinh là âm thanh.
- Ù tai khách quan là ù tai bác sĩ có thể nghe thấy khi khám. Ù tai khách quan rất hiếm gặp, chủ yếu do vấn đề về mạch máu, tình trạng xương tai giữa hoặc co thắt cơ bắp.
Nguyên nhân
Ù tai là dấu hiệu cho thấy có tổn thương trong hệ thống thính giác bao gồm tai, dây thần kinh thính giác và các phần của não xử lý âm thanh. Ù tai cũng có thể cảnh báo một số tình trạng sức khỏe như:
- Mất thính lực: Ù tai đôi khi là dấu hiệu đầu tiên của mất thính giác ở người lớn tuổi.
- Tắc, nhiễm trùng tai và xoang.
- Bệnh tim hoặc mạch máu (bất thường động tĩnh mạch, phình mạch, hở xương vịnh cảnh, viêm và các tổn thương mạch máu, tiếng rung tĩnh mạch, cao huyết áp…).
- Rối loạn chức năng khớp thái dương hàm.
- Bệnh Ménière.
- Các khối u ở đầu, cổ hoặc não.
- Thay đổi nội tiết tố ở phụ nữ.
- Thiếu máu.
- Bất thường tuyến giáp.
- Bệnh tự miễn.
Một số nguyên nhân gây ù tai thường gặp:
- Do tác dụng phụ của thuốc: Hiện nay, có hơn 200 loại thuốc được cho là có tác dụng phụ tiềm ẩn gây ù tai. Đáng chú ý là aspirin, một số loại kháng sinh, kháng viêm, thuốc lợi tiểu, thuốc chống trầm cảm hay thuốc trị ung thư.
- Tiếp xúc liên tục với tiếng ồn lớn.
- Ù tai có dạng mạch đập là loại ù tai hiếm gặp, thường do vấn đề về lưu lượng máu ở đầu hoặc cổ gây ra. Đôi khi có thể là do khối u não hoặc bất thường trong cấu trúc não.
- Một số ít trường hợp bị ù tai mà không tìm được nguyên nhân rõ ràng.
Đối tượng nguy cơ
Những yếu tố này có thể làm tăng nguy cơ:
- Những người làm việc trong môi trường ồn ào như công nhân nhà máy và xây dựng, nhạc sĩ và binh lính,..
- Tuổi cao: về già, số lượng sợi thần kinh hoạt động trong tai sẽ giảm, có thể gây ra các vấn đề về thính giác thường liên quan đến chứng ù tai, thường trên 60 tuổi.
- Hút thuốc lá: những người hút thuốc có nguy cơ mắc chứng ù tai cao hơn.
- Vấn đề tim mạch như huyết áp cao, hẹp động mạch có thể làm tăng nguy cơ ù tai.
Chẩn đoán
Khi đi khám, bác sĩ sẽ đánh giá tình trạng ù tai bằng cách hỏi bệnh sử, tính chất ù tai, các triệu chứng kèm theo, khám lâm sàng và cận lâm sàng.
Bệnh sử:
- Thời gian khởi phát ù tai.
- Tuổi tác.
- Kiểu tiến triển của ù tai.
- Tiền sử gia đình.
- Triệu chứng nghe và tiền đình kèm theo.
Tính chất ù tai:
- Vị trí ù tai: trong đầu, tai trái, tai phải.
- Cao độ âm thanh, âm đơn hay âm phức, kiểu tiếng ù.
- Mức độ khó chịu.
- Liên tục hay ngắt quãng.
Các triệu chứng kèm theo:
- Chảy tai.
- Chấn thương đầu.
- Tiếp xúc với tiếng ồn.
- Sử dụng thuốc độc với tai.
Khám lâm sàng:
- Khám lâm sàng tai – thần kinh toàn diện.
- Đánh giá chức năng tai.
Các cận lâm sàng có thể được sử dụng là:
- Kiểm tra thính lực: Thính lực lời, ABR, ASSR, phản xạ cơ bàn đạp, điện động nhãn đồ.
- Chụp CT Scan xương thái dương.
- Chụp MRI não.
- Xét nghiệm máu: Công thức máu, chức năng tuyến giáp.
- Đánh giá tình trạng dị ứng.
- Các nghiệm pháp khác.
Phòng ngừa bệnh
Ù tai do nhiều nguyên nhân, song các biện pháp bảo vệ tai và thính lực sau sẽ giúp bạn bảo vệ sức khỏe của tai, tránh ù tai và nhiều triệu chứng khác.
Làm sạch ráy tai đúng cách
Để loại bỏ ráy tai, hãy sử dụng gạc bông mềm để không làm tổn thương niêm mạc da trong tai, tránh cọ xát vào màng nhĩ dẫn đến ù tai. Các dụng cụ lấy ráy tai cứng cần dùng khéo léo, cẩn thận, tránh đưa vào quá sâu trong tai hoặc ma sát mạnh khi vệ sinh trong tai.
Dùng đồ bảo vệ tai
Khi làm việc trong môi trường có tiếng ồn quá lớn, hãy mang đồ bảo vệ tai để giảm âm lượng âm thanh đến tai. Điều này sẽ giúp bạn ngăn ngừa triệu chứng ù tai và giảm thính lực sau này.
Hạn chế dùng tai nghe âm lượng lớn trong thời gian dài
Không dùng tai nghe trong nhiều giờ với âm lượng quá lớn sẽ gây tổn thương trong tai và gây ra ù tai.
Hạn chế chất kích thích
Các chất kích thích như thuốc lá, rượu bia,… có thể làm giảm lưu thông máu đến tai và dẫn đến chứng ù tai, ngoài ra có thể gây ra nhiều bệnh lý về mạch máu nguy hiểm khác.
Điều trị như thế nào?
Tùy tình trạng bệnh mà có phương pháp điều trị khác nhau, điều trị bao gồm:
Điều trị nội khoa
Nhiều phương thức điều trị nội khoa đã được đề xuất để điều trị ù tai, có thể phân làm hai loại chính: các thuốc cắt đứt các cơ chế bệnh sinh tạo nên tiếng ù và các loại thuốc giúp bệnh nhân giảm đi sự khó chịu đối với tiếng ù.
- Các thuốc tăng tuần hoàn ốc tai và hệ thần kinh trung ương, các thuốc giãn cơ trơn, các vitamin,..
- Các thuốc kháng histamin và thuốc giảm phù nề trong các trường hợp nghi ngờ nguyên nhân ù tai do rối loạn chức năng vòi.
- Các thuốc an thần, magnesi sulfat, barbiturate, meprobamate được sử dụng để giảm các ức chế trên hệ lưới của hệ thần kinh trung ương.
- Các dẫn xuất của para-aminobenzoic acid (như procain) và nhóm amino acrylamide (như lidocaine, lignocaine) cũng có thể được sử dụng đường tĩnh mạch để làm giảm độ nhạy cảm của các mô dẫn truyền thần kinh.
- Thuốc chống trầm cảm ba vòng, như amitriptyline và nortriptyline , đã được sử dụng với một số thành công. Tuy nhiên, những loại thuốc này thường chỉ được sử dụng cho chứng ù tai nghiêm trọng, vì chúng có thể gây ra tác dụng phụ phiền hà, bao gồm khô miệng, mờ mắt, táo bón và các vấn đề về tim.
- Tránh các chất kích thích có thể. Giảm tiếp xúc với những thứ có thể làm cho chứng ù tai của bạn tồi tệ hơn. Ví dụ phổ biến bao gồm tiếng ồn lớn, caffeine và nicotine.
- Loại bỏ ráy tai, ngừng thuốc nếu thuốc đó có thể gây nên chứng ù tai,…
Điều trị ngoại khoa
- Phẫu thuật loại bỏ các nguyên nhân gây ù tai là các khối choán chỗ trong góc cầu tiểu não, u tân sinh của thùy thái dương hoặc các ù tai đi kèm với điếc dẫn truyền.
- Các phẫu thuật giảm áp tai túi nội dịch, dùng nhiệt để hủy ống bán khuyên ngoài, dùng muối đặt vào cửa sổ tròn, phẫu thuật cắt hạch sao để điều trị các trường hợp ù tai do Ménière.
- Phẫu thuật khoét mê nhĩ và phẫu thuật điều trị ù tai chóng mặt cắt dây thần kinh tiền đình chỉ được áp dụng để điều trị ù tai trên các bệnh nhân điếc tiếp nhận hoàn toàn tai cùng bên.
Điều trị hỗ trợ
- Tạo ra môi trường âm thanh như máy ồn trắng. Những thiết bị này, tạo ra âm thanh môi trường mô phỏng như mưa rơi hoặc sóng biển, thường là một phương pháp điều trị hiệu quả cho chứng ù tai, có thể giúp che đi tiếng ồn bên trong vào ban đêm.
- Trợ thính. Đây có thể đặc biệt hữu ích nếu bạn có vấn đề về thính giác cũng như ù tai.
- Châm cứu – Thôi miên.
- Điều trị thần kinh bằng cách sử dụng kích thích từ xuyên sọ là một liệu pháp không gây đau đớn, không xâm lấn đã thành công trong việc giảm các triệu chứng ù tai cho một số người.
Hi vọng với những chia sẻ trên giúp các bạn hiểu hơn về ù tai.