Khối u hốc mũi là một trong những tình trạng không quá phổ biến, có thể là lành tính, cũng có thể là ác tính song các dấu hiệu và biểu hiện của chúng lại dễ gây nhầm lẫn. Chúng ta cùng tìm hiểu về u hốc mũi bài viết dưới đây nhé.
Tổng quan chung
U hốc mũi là sự phát triển bất thường của các tế bào bên trong hoặc xung quanh khoang mũi.
- Một số khối u hốc mũi không phải là ung thư, được gọi là khối u lành tính. Các khối u này phát triển có thể chặn luồng thông khí đi qua mũi.
- Đối với các khối u hốc mũi là có bản chất ung thư, chúng được gọi là khối u ác tính. Loại khối u này có thể phát triển, xâm lấn và phá hủy các mô khỏe mạnh. Theo thời gian, các tế bào ung thư có thể di căn sang các bộ phận khác của cơ thể.
Một số loại u hốc mũi như:
- Polyp mũi
- U nhú đảo ngược mũi xoang.
- U máu.
Một số loại khối u hốc mũi ác tính (ung thư) bao gồm:
- Ung thư tế bào vảy.
- Ung thư biểu mô tuyến.
- U nguyên bào thần kinh.
- Ung thư biểu mô thể nang dạng tuyến.
- Sarcoma (loại ung thư bắt nguồn từ các mô xương hoặc mô mềm).
Triệu chứng
Một số triệu chứng như:
- Đau.
- Tắc nghẽn mũi.
- Chảy máu mũi.
- Song thị.
- Đau tai hoặc đầy tai.
- Dị cảm.
- Răng hàm trên lung lay dưới sự ảnh hưởng bởi xoang.
Nguyên nhân
Tùy vào một số loại u hốc mũi mà có nguyên nhân khác nhau như:
Polyp mũi
Một số nguyên nhân sau đây được cho là có thể dẫn tới bệnh:
- Viêm do sự tấn công của vi khuẩn, nấm tới mũi, xoang, dẫn tới việc mủ chảy ra từ xoang khiến vùng niêm mạc thoái hóa, trở thành polyp.
- Dị ứng mũi, xoang.
- Do cơ địa hoặc rối loạn nội tiết hay rối loạn vận mạch.
U xơ vòm mũi họng
Bệnh chưa có nguyên nhân gây ra cụ thể, song được xác định là có liên quan tới nội tiết, biểu hiện thường gặp:
- Ảnh hưởng và biểu hiện ở mũi, chẳng hạn: ngạt một bên, giọng mũi kín hoặc dịch nhầy ứ đọng bên trong, chảy máu mũi cũng có thể với mức độ lúc đầu ít, sau tăng dần về cả số lần lẫn lượng máu. Nếu kéo dài, khiến cơ thể yếu ớt, xanh xao.
- Có thể khiến giảm khả năng nghe.
U nhầy mũi xoang
- Nguyên nhân cụ thể cũng chưa được khẳng định song một số yếu tố cẩn trọng gồm: viêm, chấn thương do sang chấn hoặc sau phẫu thuật xoang, cơ địa.
Bệnh liên quan tới khối u hốc mũi ác tính
- Một điểm chung của u ác ở hốc mũi với các loại u ác ở các cơ quan thuộc đường hô hấp khác là mối liên quan của chúng với những đối tượng: nghiện bia, rượu, thuốc lá, tiếp xúc nhiều với khói bụi công nghiệp hoặc hóa chất.
Đối tượng nguy cơ
U hốc mũi có thể gặp ở cả người lớn và trẻ em, thường không phổ biến, chiếm 3% khối u đường hô hấp trên.
Chẩn đoán
Bác sĩ chuyên khoa Tai mũi họng sẽ tiến hành hỏi chi tiết về các triệu chứng và mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng, tiền căn bệnh lý cá nhân và các yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh. Tiếp theo, bác sĩ sẽ khám tổng quát và khám tại vùng mũi để quan sát cấu trúc bên ngoài. Một số chỉ định cận lâm sàng bác sĩ có thể đề xuất dựa trên tình trạng cụ thể của bạn, bao gồm:
- Nội soi mũi họng: Quan sát cấu trúc và kiểm tra những bất thường của hốc mũi, vòm và hầu họng của người bệnh.
- Xét nghiệm máu: Tìm các chỉ dấu của ung thư.
- Hình ảnh học: Các cận lâm sàng đánh giá cấu trúc hình ảnh có thể bao gồm chụp X-quang, MRI (chụp cộng hưởng từ) hoặc chụp CT scan (chụp cắt lớp vi tính).
- Sinh thiết khối u: Bác sĩ sẽ lấy một mẫu mô nhỏ từ khối u, sau đó sẽ gửi mẫu mô đến phòng giải phẫu bệnh để phân tích bản chất của các tế bào này.
Phòng ngừa bệnh
Một số biện pháp dưới đây không chỉ tốt đối với những người đang xuất hiện các triệu chứng, dấu hiệu của u trong hốc mũi mà còn tốt để phòng ngừa bệnh:
- Duy trì sự sạch sẽ cho môi trường sống, đặc biệt là hạn chế, phòng tránh những tác nhân ô nhiễm hoặc có thể gây kích thích, chẳng hạn: khói bụi, hóa chất, phấn hoa,…
- Việc giữ gìn vệ sinh tay chân, mũi miệng cần được chú trọng bằng cách rửa tay với xà phòng, súc miệng, rửa mũi với nước muối sinh lý.
- Không sử dụng các vật nhọn hoặc có khả năng gây tổn thương chọc vào trong hốc mũi.
- Tăng cường độ ẩm cần thiết cho môi trường sống, tránh tình trạng mũi, xoang bị quá khô gây nghẽn hoặc viêm.
- Không hút thuốc lá, tránh đến những nơi có nhiều khói thuốc.
- Khi ra bên ngoài, đặc biệt những nơi bụi bặm, cần đeo khẩu trang, bảo vệ vùng mũi, miệng, mắt, không để các dị vật lọt vào bên trong hốc mũi.
- Nếu bị bệnh như xoang, hen suyễn, hoặc khi viêm họng, nghẹt, sổ mũi kéo dài nên đi khám để được điều trị dứt điểm.
Điều trị như thế nào?
Hầu hết các khối u mũi và cạnh mũi được điều trị bằng phẫu thuật để loại bỏ khối u. Việc điều trị các khối u mũi và cạnh mũi phụ thuộc vào vị trí của khối u và loại tế bào liên quan.
Phẫu thuật
Mục tiêu của phẫu thuật đối với các khối u mũi và cạnh mũi là loại bỏ toàn bộ khối u. Bác sĩ phẫu thuật cũng có thể loại bỏ một số mô xung quanh khối u để đảm bảo tất cả các tế bào khối u đều được loại bỏ. Bác sĩ phẫu thuật tiếp cận các khối u mũi và cạnh mũi bằng cách:
- Rạch một đường trong mũi hoặc miệng để tiếp cận khối u. Một vết mổ gần mũi hoặc trong miệng của bạn cho phép các bác sĩ phẫu thuật tiếp cận khoang mũi hoặc xoang. Bác sĩ phẫu thuật sẽ loại bỏ khối u và bất kỳ khu vực nào có thể bị ảnh hưởng, chẳng hạn như xương lân cận.
- Đưa các công cụ qua mũi. Đôi khi, bác sĩ phẫu thuật có thể tiếp cận khối u bằng cách sử dụng nội soi mũi. Bác sĩ phẫu thuật sẽ đưa ống nội soi qua mũi. Các công cụ đặc biệt sẽ đi qua ống để cắt bỏ khối u.
Các khối u mũi và cạnh mũi nằm gần các cấu trúc quan trọng trong đầu bạn, bao gồm não, mắt và các dây thần kinh điều khiển thị giác. Các bác sĩ phẫu thuật làm việc để giảm thiểu thiệt hại cho các khu vực này.
Các phương pháp điều trị khác cho ung thư mũi và cạnh mũi
Các khối u mũi và cạnh mũi có tính ung thư có thể cần các phương pháp điều trị khác để kiểm soát tế bào ung thư. Các lựa chọn có thể bao gồm:
- Xạ trị: Sử dụng các tia năng lượng mạnh để tiêu diệt tế bào ung thư. Năng lượng có thể đến từ tia X, proton hoặc các nguồn khác. Trong quá trình xạ trị, một máy hướng các tia năng lượng đến các điểm cụ thể trên cơ thể để tiêu diệt tế bào ung thư ở đó.
Xạ trị có thể được sử dụng sau phẫu thuật để tiêu diệt bất kỳ tế bào ung thư nào còn sót lại. Nếu phẫu thuật không phải là một lựa chọn, điều trị có thể bắt đầu bằng xạ trị và hóa trị cùng một lúc. Phẫu thuật có thể không phải là một lựa chọn nếu ung thư phát triển lớn hoặc lan rộng.
- Hóa trị: Sử dụng các loại thuốc mạnh để tiêu diệt tế bào ung thư. Hóa trị có thể được sử dụng sau phẫu thuật để tiêu diệt bất kỳ tế bào nào còn lại. Đôi khi hóa trị được thực hiện cùng lúc với xạ trị vì nó làm cho xạ trị hiệu quả hơn.
- Miễn dịch trị liệu: Là một phương pháp điều trị bằng thuốc giúp hệ thống miễn dịch của cơ thể bạn tiêu diệt tế bào ung thư. Hệ thống miễn dịch của bạn chống lại bệnh tật bằng cách tấn công các mầm bệnh và các tế bào khác không nên có trong cơ thể bạn. Các tế bào ung thư tồn tại bằng cách ẩn náu khỏi hệ thống miễn dịch. Miễn dịch trị liệu giúp các tế bào của hệ thống miễn dịch tìm và tiêu diệt tế bào ung thư. Miễn dịch trị liệu có thể được sử dụng khi ung thư lan sang các bộ phận khác của cơ thể và các phương pháp điều trị khác không hiệu quả.
Hi vọng với những chia sẻ trên giúp các bạn hiểu hơn về u hốc mũi.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.