Trẻ biết ngồi là cột mốc quan trọng trong sự phát triển thể chất của trẻ, mang lại niềm vui cho các bậc phụ huynh. Vậy trẻ mấy tháng biết ngồi? Trong bài viết này, Pharmacity sẽ chia sẻ với bạn cách hỗ trợ bé trong giai đoạn này và một số lưu ý quan trọng cần biết khi trẻ biết ngồi.
Trẻ mấy tháng biết ngồi?
Trẻ mấy tháng biết ngồi là câu hỏi được nhiều người quan tâm. Thường thì, vào khoảng 3 đến 4 tháng tuổi, trẻ nhỏ sẽ bắt đầu lật lọt và dần dần học cách chống tay, và có thể ngồi dậy tự chủ vào khoảng 6 đến 7 tháng tuổi.
Đa số trẻ biết ngồi sớm thường là từ 6 tháng tuổi. Từ 7 đến 9 tháng tuổi, hầu hết trẻ đã trở nên thành thạo trong việc ngồi mà không cần sự hỗ trợ từ người lớn. Mốc phát triển cụ thể của trẻ sơ sinh có thể được mô tả như sau:
- Khoảng thời gian sơ sinh: Trẻ thường nằm sấp.
- Khi trẻ từ 4 đến 6 tháng: Trẻ đã biết ngồi nhưng cần sự hỗ trợ.
- Khi trẻ từ 4 đến 9 tháng: Trẻ có thể ngồi mà không cần hỗ trợ.
- Khi trẻ từ 6 đến 10 tháng: Trẻ bắt đầu tập bò.
- Khi trẻ từ 9 đến 15 tháng: Trẻ bắt đầu biết đi.
Trẻ mấy tháng biết ngồi? Các cột mốc phát triển vận động của trẻ
Bé bắt đầu tập ngồi như thế nào?
Khi trẻ bắt đầu tập ngồi, trẻ sẽ có những dấu hiệu thay đổi chuyển động trước đó, vì vậy điều quan trọng nhất là phải xem xét tình trạng của phần đầu và cơ cổ của bé có đủ sức mạnh và cứng cáp để bé có thể kiểm soát được tư thế ngồi hay không.
Khi muốn ngồi, bé thường sẽ sử dụng cả hai tay để tự chống lên phần trên cơ thể và giữ cho ngực không chạm đất. Bé cũng sẽ học cách lật mình và lăn tròn.
Thường vào khoảng 5 tháng tuổi, bé có thể ngồi trong thời gian ngắn khi được đặt ở tư thế ngồi. Tuy nhiên, do bé dễ bị ngã về hai bên, việc đặt gối xung quanh bé để hỗ trợ là cần thiết.
Vào tháng thứ 8, bé có thể ngồi vững mà không cần sự hỗ trợ. Thậm chí, vào giai đoạn này bé cũng có thể chuyển từ tư thế nằm sấp sang tư thế ngồi bằng cách tự đẩy mình lên.
Bên cạnh việc ngồi của bé, bạn cũng nên theo dõi đến việc phát triển kỹ năng bò của bé, vì cả hai kỹ năng này sẽ phát triển song song và là bước chuẩn bị cho việc bé học cách đứng dậy và đi.
Khi bắt đầu tập ngồi trẻ sẽ sử dụng hai tay để chống lên và ngồi dậy
Ba mẹ nên làm gì để giúp bé tập ngồi?
Trẻ mấy tháng biết ngồi? Để giúp bé phát triển khả năng tự ngồi, có một số biện pháp mà ba mẹ có thể thực hiện để hỗ trợ bé tập ngồi:
- Thực hành thường xuyên: Tạo cơ hội cho bé tập ngồi thường xuyên. Tuy nhiên, đừng hỗ trợ bé quá nhiều mỗi khi bé muốn ngồi. Hãy để bé có không gian riêng để tự do vận động và phát triển các kỹ năng tự ngồi.
- Tập nằm sấp: Đặt bé nằm sấp và chơi trên sàn ít nhất 2-3 lần mỗi ngày. Điều này giúp kích thích bé tập ngồi, tập bò và lăn tròn.
- Khuyến khích bé: Trong giai đoạn này mẹ cần kiên nhẫn động viên bé thực hiện các động tác tập ngồi bằng cách ngồi sau lưng bé và đặt đồ chơi xung quanh để kích thích bé vươn ra và lấy chúng.
- Sử dụng mẹo: Bạn có thể kẹp hai chân bé vào đùi khi bé ngồi hoặc đặt bé trong lòng khi bé ngồi khoanh chân trên sàn. Khi ngồi cùng bé, bạn có thể cùng bé đọc sách, nghe nhạc hoặc thử các trò chơi vận động như xếp gỗ.
- Tạo môi trường an toàn: Khi bé tập ngồi, hãy đặt bé ngồi trên sàn một mình và đặt gối hoặc đệm xung quanh để đảm bảo bé không bị thương khi ngã.
Ba mẹ nên kiên trì ngồi sau và khuyến khích bé tập ngồi
Một số lưu ý khi tập ngồi cho trẻ
Ngoài việc hiểu rõ về việc trẻ mấy tháng biết ngồi, để đảm bảo sự phát triển vận động một cách tốt nhất khi bé tập ngồi, ba mẹ cần chú ý đến các điều sau:
- Tránh tập ngồi quá sớm: Việc đặt bé ở tư thế ngồi quá sớm hoặc trong thời gian dài có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ. Tốt nhất là để bé phát triển một cách tự nhiên.
- Giám sát liên tục: Luôn theo dõi bé khi đang tập ngồi, đặc biệt là khi bé mới bắt đầu học kỹ năng này sẽ thường xuyên bị ngã.
- Đảm bảo an toàn: Mẹ cần đảm bảo rằng khu vực xung quanh bé không có vật dụng gây nguy hiểm như ổ cắm điện, dao kéo hoặc đồ chơi quá nhỏ vì trẻ có thể bỏ vào miệng.
- Giảm nguy cơ va chạm: Sử dụng gối, mền hoặc lót thảm mềm để giảm thiểu tổn thương khi bé có nguy cơ té ngã.
Trẻ mấy tháng tuổi biết ngồi được coi là trễ?
Nhiều cha mẹ có thể cảm thấy lo lắng khi bé vẫn chưa biết ngồi trong khi các bé đồng trang lứa đã ngồi vững. Tuy nhiên, mỗi bé có một tốc độ phát triển khác nhau vì vậy ba mẹ không nên quá lo lắng.
Trong trường hợp bé đã 4 tháng tuổi mà vẫn không thể ngóc đầu lên hoặc không thể sử dụng tay để chống đỡ và nếu bé đã 9 tháng tuổi mà vẫn chưa biết ngồi, bạn nên đưa bé đến thăm bác sĩ chuyên khoa nhi. Điều này có thể là dấu hiệu của sự chậm phát triển về kỹ năng vận động thô.
Ngoài ra, cũng có một số dấu hiệu nhận biết trong suốt quá trình phát triển mà mẹ nên chú ý, bao gồm:
- Các chuyển động và động tác của bé có thể yếu.
- Tay chân bé có thể cảm thấy mềm hoặc cứng hơn bình thường.
- Bé không thường xuyên đưa tay ra.
- Khả năng nâng và giữ đầu của bé có thể kém.
- Bé ít khi tương tác với đồ chơi, không cầm, nâng hoặc đưa đồ vật lên miệng.
Kết luận
Việc bé biết ngồi là một cột mốc quan trọng trong sự phát triển thể chất của trẻ nhỏ. Hầu hết các bé bắt đầu học ngồi từ khoảng 4 đến 7 tháng tuổi, và sẽ ngồi vững vàng mà không cần sự hỗ trợ từ người lớn từ 7 đến 9 tháng tuổi. Ba mẹ có thể hỗ trợ bé bằng cách tạo cơ hội cho bé tự ngồi, tập nằm sấp và khuyến khích bé thông qua các trò chơi vận động. Đảm bảo môi trường xung quanh bé an toàn và giám sát bé khi tập ngồi là rất quan trọng để tránh nguy cơ chấn thương. Nếu bé có dấu hiệu chậm phát triển hoặc gặp khó khăn trong việc ngồi, hãy đưa bé đến thăm bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn và kiểm tra kỹ lưỡng. Luôn nhớ rằng mỗi bé có tốc độ phát triển riêng, vì vậy sự kiên nhẫn và tình yêu thương của ba mẹ sẽ là nguồn động viên lớn nhất giúp bé phát triển tốt nhất.
Nguồn tham khảo: Tổng hợp
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.