Trật khớp vai là một chấn thương xảy ra phổ biến trong cuộc sống thường ngày. Tình trạng gây đau đớn, khiến cho các hoạt động sinh hoạt, lao động của người bệnh gặp khó khăn. Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến trật khớp vai, cách xử trí nếu gặp phải là gì? Những thông tin dưới đây sẽ giúp độc giả làm rõ các thắc mắc trên.
Tổng quan chung
Trong cơ thể người, khớp vai là khớp có khả năng di động nhất, nó bao gồm một trụ cầu và hõm chứa đầu cầu. Tình trạng trật khớp vai là tình trạng xương cánh tay (humerus) bị lệch khỏi vị trí bình thường trong ổ khớp (glenoid), các đầu tận của xương bị tác động khiến chúng di chuyển khỏi vị trí ban đầu, khiến cho người bệnh cảm thấy đau đớn và bất động khớp tạm thời.
Trên thực tế, trật khớp là vấn đề nhiều người gặp phải ở các vị trí như ngón tay, mắt cá chân, khuỷu tay, đầu gối….Ngay khi phát hiện, người bệnh cần đến cơ sở y tế để được các bác sĩ thăm khám và nắn chỉnh khớp trở lại đúng vị trí nếu không sẽ rất dễ xảy ra biến chứng trật khớp vai.
Trật khớp thường xảy ra ở vai và các ngón tay. Các nơi khác có thể xảy ra trật khớp là khuỷu tay, đầu gối và háng. Nếu bạn nghi ngờ mình bị trật khớp, hãy tìm đến cơ sở y tế ngay lập tức để có thể nắn chỉnh khớp trở lại vị trí đúng. Người bị trật khớp vai nếu được điều trị đúng thì sẽ nhanh chóng trở lại trạng thái bình thường. Tuy nhiên, khả năng bị trật khớp vai nhiều lần, tái đi tái lại rất dễ xảy ra nếu hoạt động sai tư thế.
Triệu chứng
Khi bị trật khớp vai, bạn có thể gặp phải những triệu chứng sau:
- Đau dữ dội: Đau xuất hiện ngay lập tức sau chấn thương và có thể trở nên nặng hơn khi bạn cố gắng di chuyển vai.
- Biến dạng: Vai bị trật có thể trông bất thường, với xương cánh tay nhô ra ngoài hoặc thấp hơn so với vai bình thường.
- Giảm khả năng vận động: Bạn có thể không thể di chuyển cánh tay bị thương.
- Sưng và bầm tím: Sưng và bầm tím có thể xuất hiện quanh vùng bị trật.
- Tê hoặc yếu: Bạn có thể cảm thấy tê hoặc yếu ở cánh tay và bàn tay, do dây thần kinh bị ảnh hưởng.
Nguyên nhân
Cần phải có một lực rất mạnh tác động vào vai thì xương mới có thể bị lệch khỏi vị trí. Trong một số trường hợp dưới đây có thể nguyên nhân gây trật khớp vai:
- Các chấn thương trong thể thao: Trật khớp vai là chấn thương phổ biến trong các môn thể thao như bóng đá và khúc côn cầu, trượt tuyết xuống dốc, thể dục dụng cụ và bóng chuyền.
- Tai nạn giao thông, tai nạn lao động: một tác động mạnh vào vai trong một vụ tai nạn xe giao thông, tai nạn lao động có thể gây trật khớp.
- Té ngã:
- Tiếp đất một cách lúng túng sau khi ngã đập vai, chẳng hạn như ngã chống bàn tay hoặc chống khuỷu xuống nền cứng có thể làm trật khớp vai.
- Tùy tư thế chống tay mà có kiểu trật khác nhau: tư thế tay dạng, đưa ra sau và xoay ngoài gây trật khớp ra trước hoặc ngược lại ngã chống bàn tay xuống đất trong tư thế tay khép, đưa ra trước gây thể trật khớp vai thể ra sau.
- Chấn thương lao động: Những công việc đòi hỏi nâng vác nặng hoặc cử động vai nhiều có thể gây ra trật khớp.
Đối tượng nguy cơ
Nhìn chung, bất cứ ai cũng có thể bị trật khớp vai. Tuy nhiên, trật khớp vai xảy ra thường xuyên nhất ở những người trẻ, độ tuổi 20 – 40, đặc biệt là các vận động viên tham gia các môn thể thao tiếp xúc.
- Vận động viên: Đặc biệt là những người tham gia các môn thể thao tiếp xúc hoặc các môn thể thao cần ném.
- Người lao động nặng: Những người thường xuyên phải nâng vác hoặc sử dụng cánh tay trong công việc.
- Người lớn tuổi: Do sự suy yếu của các cơ và dây chằng quanh khớp vai.
- Người có tiền sử trật khớp vai: Nếu bạn đã từng bị trật khớp vai trước đây, nguy cơ tái phát sẽ cao hơn.
Chẩn đoán
Chẩn đoán trật khớp vai thường được thực hiện thông qua một loạt các phương pháp, bao gồm:
- Khám lâm sàng: Bác sĩ sẽ kiểm tra vai, tìm kiếm dấu hiệu sưng, biến dạng, và khả năng vận động của vai.
- Chụp X-quang: Cần chụp X quang để xác định thể trật và tổn thương kèm theo như gãy mấu động lớn, gãy cổ phẫu thuật xương cánh tay.
- Chụp cắt lớp vi tính (CT) (nếu cần)
- Chụp cộng hưởng từ (MRI): Trong một số trường hợp, MRI có thể được sử dụng để đánh giá tổn thương các mô mềm quanh khớp vai, như dây chằng và gân.
Kiểm tra lâm sàng sẽ tập trung vào việc kiểm tra tính linh hoạt và sự ổn định của khớp vai, đánh giá các tổn thương về thần kinh, mạch máu có thể xảy ra. Trong khi chẩn đoán hình ảnh có thể cung cấp hình ảnh chi tiết về cấu trúc và các vấn đề liên quan đến trật khớp vai. Người bệnh nên thăm khám với bác sĩ Cơ xương khớp để có chỉ định cụ thể.
Phòng ngừa bệnh
Theo thống kê có hơn 90% trường hợp tái diễn trật khớp vai sau lần bị trật khớp đầu tiên, hầu hết là ở những người có độ tuổi còn trẻ và hoạt động nhiều. Khi khớp vai bị trật nhiều lần, các cấu trúc sụn viền hay dây chằng bao khớp bị rách rộng hơn, dẫn đến gãy mảnh xương, khuyết xương… từ đó khiến cho khả năng vận động của vai suy giảm. Để phòng ngừa trật khớp vai, bạn có thể tham khảo những điều dưới đây.
Với người đã bị trật khớp vai cần hồi phục:
- Thực hiện các bài tập hồi phục theo sự chỉ dẫn của bác sĩ.
- Tuân thủ thời gian không cử động khớp vai để việc phục hồi nhanh hơn.
- Tập luyện vai để tăng sức mạnh và sự linh hoạt.
- Chườm mát quanh vùng vai để giảm viêm, giảm đau.
Với những người chưa bị trật khớp vai:
- Tập luyện thể dục đúng cách: Thực hiện các bài tập tăng cường cơ bắp quanh khớp vai để giữ cho khớp ổn định.
- Sử dụng thiết bị bảo hộ: Trong các hoạt động thể thao, sử dụng các thiết bị bảo hộ như đệm vai.
- Thực hiện đúng kỹ thuật: Trong các môn thể thao cần ném, cần chú ý đến kỹ thuật để tránh áp lực quá lớn lên khớp vai.
- Cẩn thận trong lao động và sinh hoạt: Tránh các động tác đột ngột hoặc nâng vác quá nặng mà không có sự chuẩn bị.
Điều trị trật khớp vai như thế nào?
Khi bị trật khớp vai, phương pháp điều trị có thể là kéo nắn rồi băng bất động khoảng 2 – 4 tuần đối với trật khớp vai mới và dùng phẫu thuật điều trị đối với trật khớp vai cũ hoặc trật khớp vai tái đi tái lại. Cụ thể:
- Nắn lại vai: Đây là cách chữa trật khớp vai phổ biến khi trật khớp mới và mức độ nhẹ, bác sĩ có thể nắn lại vai bị trật bằng một số thao tác nhẹ để giúp xương vai trở lại vị trí đúng. Tùy thuộc vào mức độ đau và sưng, bạn sẽ được chỉ định dùng thuốc đến khi xương vai trở lại vị trí ban đầu thì các triệu chứng sẽ được cải thiện ngay lập tức.
- Phẫu thuật: Bạn có thể sẽ phải làm phẫu thuật nếu khớp vai hoặc dây chằng yếu, có yếu tố mắc lại dù đã phục hồi và tăng cường chức năng. Trong một số trường hợp, có thể sẽ cần phẫu thuật nếu dây thần kinh hoặc mạch máu bị tổn thương.
- Băng nẹp cố định: phương pháp này sử dụng đai cố định để giữ vai ổn định trong vài tuần. Thời gian đeo đai cố định phụ thuộc vào tình trạng trật khớp vai của bạn.
- Thuốc: Bác sĩ có thể kê đơn thuốc giảm đau, giảm phù nề giúp cho bạn cảm thấy thoải mái trong khi chờ đợi khỏi bệnh.
- Phục hồi chức năng: Khi bạn được nẹp vai hoặc gỡ bỏ băng đeo, bạn sẽ bắt đầu quá trình phục hồi chức năng.
Nếu tình trạng bệnh nhẹ, không ảnh hưởng đến các dây thần kinh lớn hoặc tổn thương bên trong khớp, khớp vai có thể sẽ được cải thiện trong một vài tuần. Nếu hoạt động quá sớm sau khi bị trật khớp vai thì có thể sẽ làm tổn thương khớp vai hoặc trật khớp thêm lần nữa.
Kết luận
Trật khớp vai là một chấn thương nghiêm trọng nhưng có thể phòng ngừa và điều trị hiệu quả nếu được chẩn đoán kịp thời và chăm sóc đúng cách. Việc hiểu rõ triệu chứng, nguyên nhân và các phương pháp phòng ngừa sẽ giúp bạn bảo vệ khớp vai tốt hơn, tránh những hậu quả không mong muốn. Nếu bạn hoặc người thân gặp phải triệu chứng trật khớp vai, hãy tìm kiếm sự tư vấn và điều trị từ các chuyên gia y tế để đảm bảo sức khỏe khớp vai luôn trong trạng thái tốt nhất.