Thoát vị khe hoành đa phần không có triệu chứng. Người bệnh thường phát hiện bệnh khi có biểu hiện trào ngược dạ dày thực quản hay tình cờ đi thăm khám một vấn đề khác. Vậy thoát vị khe hoành có nguy hiểm không? Bài viết sau sẽ cung cấp thông tin những điều cần biết về thoát vị khe hoành.
Tổng quan chung thoát vị khe hoành
Thoát vị khe hoành là tình trạng một phần dạ dày chui lên lồng ngực. Bình thường dạ dày nằm dưới cơ hoành, là một cơ mỏng hình vòm ngăn cách giữa các cơ quan trong lồng ngực và ổ bụng. Thực quản là một ống chuyển thức ăn từ miệng xuống dạ dày, và ống này đi qua một lỗ trên cơ hoành xuống bụng. Khi có thoát vị khe hoành thì dạ dày chui qua lỗ đó lên ngực.
Bệnh thường được chia thành 4 dạng, bao gồm:
- Dạng I: thường gọi là thoát vị trượt, xảy ra khi chỗ nối thực quản – dạ dày (tâm vị) trượt lên trên cơ hoành. Đây là dạng phổ biến nhất của thoát vị khe hoành và gây triệu chứng trào ngược dạ dày thực quản.
- Dạng II: phần cao nhất của dạ dày (đáy vị) trượt lên trên cơ hoành.
- Dạng III: là sự kết hợp của dạng I và II
- Dạng IV: lỗ thoát vị lớn, ngoài dạ dày thì các tạng khác như đại tràng, lách, tụy, ruột non cũng có thể chui lên lồng ngực.
Dạng II, III, IV là những biến thể của thoát vị cạnh thực quản, chiếm 5-15% trường hợp thoát vị khe hoành. Tình trạng này tuy ít gặp nhưng có thể nghiêm trọng nếu dạ dày bị gập góc. Thoát vị cạnh thực quản có thể gây chảy máu dạ dày hoặc khó thở.
Triệu chứng thoát vị khe hoành
Những thoát vị nhỏ thường không gây ra triệu chứng. Trường hợp thoát vị to, người bệnh có thể gặp các triệu chứng sau:
- Nóng rát sau xương ức
- Trớ đồ ăn hay dịch lên miệng.
- Đau bụng hoặc đau ngực
- Khó nuốt
- Ăn mau no
- Buồn nôn
- Khó thở
- Nôn ra máu hoặc đi cầu phân đen
- Ho không giải thích được
Nguyên nhân thoát vị khe hoành
Nguyên nhân gây thoát vị khe hoành không phải lúc nào cũng rõ ràng, nhưng có thể kể đến một số yếu tố sau:
- Những thay đổi của cơ hoành do tuổi tác
- Tổn thương ở vùng này do chấn thương hay phẫu thuật
- Bẩm sinh
- Tăng áp lực ổ bụng thường xuyên, kéo dài do ho, nôn, rặn nhiều khi đi tiêu, tập thể dục, nâng vật nặng.
Đối tượng nguy cơ thoát vị khe hoành
Bất kỳ ai ở mọi lứa tuổi đều có nguy cơ mắc thoát vị hoành. Tuy nhiên những người ở độ tuổi trên 50 và phụ nữ thừa cân dễ mắc bệnh hơn.
Chẩn đoán thoát vị khe hoành
Thoát vị khe hoành có thể được phát hiện tình cờ khi bệnh nhân đi khám vì một bệnh lý khác và được chụp X quang, CT hay MRI vùng ngực-bụng. Các trường hợp bệnh nhân có triệu chứng của trào ngược dạ dày thực quản, khi thực hiện nội soi thì bác sĩ có thể phát hiện thoát vị hoành.
Ngoài ra, để chẩn đoán thoát vị khe hoành, bác sĩ cũng có thể đề nghị các phương pháp khác như chụp X quang thực quản dạ dày bằng cách cho bệnh nhân uống thuốc cản quang, chụp CT, MRI vùng ngực-bụng.
Phòng ngừa thoát vị khe hoành
- Ăn nhiều bữa và mỗi bữa ăn ít thức ăn thay vì ăn quá no
- Tránh dùng một số thức ăn gây trào ngược nặng hơn như đồ béo, đồ chiên, rượu, cà phê, sô cô la, hành, tỏi.
- Tránh nằm ngay sau khi ăn hoặc ăn muộn buổi tối trước khi ngủ
- Ngừng hút thuốc
- Nâng cao đầu giường khi ngủ (khoảng 15cm)
Và điều quan trọng nhất là người dân nên khám sức khỏe định kỳ để tầm soát và phát hiện bệnh sớm mới có thể điều trị hiệu quả.
Điều trị thoát vị khe hoành như thế nào?
Điều trị nội khoa
Thoát vị khe hoành nếu không gây ra triệu chứng thì thường không cần can thiệp điều trị. Đối với các trường hợp gây ra triệu chứng, bác sĩ sẽ dùng các loại thuốc hay được dùng cho chứng trào ngược dạ dày thực quản.
Điều trị thoát vị khe hoành bằng phẫu thuật
Đôi khi, thoát vị khe hoành cần phải phẫu thuật. Phẫu thuật thường được sử dụng cho những bệnh nhân sử dụng thuốc không hiệu quả, hoặc có các biến chứng như viêm nghiêm trọng hoặc bị hẹp thực quản.
Phẫu thuật để sửa chữa thoát vị khe hoành có thể gồm kéo dạ dày và các tạng thoát vị xuống bụng, làm cho lỗ mở cơ hoành nhỏ hơn, và có thể tạo van chống trào ngược. Trong một số trường hợp, phẫu thuật thoát vị khe hoành được kết hợp với phẫu thuật giảm cân, chẳng hạn như cắt dạ dày hình ống tay áo.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc Chuyên viên y tế để được tư vấn cho từng trường hợp Bệnh cụ thể, không tự ý làm theo hướng dẫn của bài viết.