Thai nhi 28 tuần tuổi được xem là giai đoạn quan trọng khi bắt đầu tam cá nguyệt thứ 3, cơ thể của bé đã có nhiều sự thay đổi. Vậy Thai 28 tuần nặng bao nhiêu? thai 28 tuần phát triển như thế nào? Hãy cùng Pharmacity tìm hiểu rõ hơn ngay sau đây nhé.
Thai 28 tuần nặng bao nhiêu? thai 28 tuần là mấy tháng?
Thai 28 tuần là giai đoạn bước sang tháng thứ 7 của thai kỳ, đầu tam cá nguyệt thứ 3. Đây được xem là giai đoạn quan trọng khi thai nhi bắt đầu có sự phát triển nhất định. Lúc này, cần nặng trung bình của bé sẽ rơi vào khoảng 1,0kg đến 1,13kg, cùng với chiều dài sẽ dao động trong khoảng 35 đến 37cm.
Đặc biệt, hình ảnh thai nhi 28 tuần trong bụng mẹ bắt đầu to dần hơn, nên chiếm nhiều không gian hơn trong tử cung của mẹ. Nên giai đoạn này mẹ sẽ bắt đầu cảm thấy người nặng nề, mệt mỏi, đau nhức hơn.
Bảng cân nặng theo tiêu chuẩn WHO đối với thai nhi
Thai 28 tuần phát triển như thế nào?
Ở tuần thứ 28 của thai kỳ, mẹ bầu đã bắt đầu bước vào tam cá nguyệt thứ ba, giai đoạn cuối của thai kỳ. Đây là giai đoạn quan trọng khi thai nhi tiếp tục phát triển mạnh mẽ và chuẩn bị cho cuộc sống bên ngoài tử cung. Dưới đây là những điểm nổi bật về sự phát triển của thai nhi ở tuần 28:
- Hệ thống cơ quan: Hầu hết các cơ quan chính của bé đã phát triển hoàn thiện, nhưng vẫn còn tiếp tục trưởng thành trong những tuần tiếp theo. Phổi và não là hai cơ quan chính tiếp tục phát triển mạnh.
- Thích nghi với ánh sáng: Mặc dù nằm trong bụng mẹ, thai nhi đã có thể phản ứng với ánh sáng. Nếu ánh sáng mạnh chiếu vào bụng mẹ, bé có thể quay đầu hoặc di chuyển để tránh ánh sáng đó.
- Giấc ngủ: Thai nhi bắt đầu có chu kỳ giấc ngủ rõ ràng hơn. Mẹ bầu có thể nhận thấy các nhịp hoạt động của bé, bao gồm cả thời điểm bé cảm thấy năng động nhất trong ngày thông qua các cử động đạp.
- Cử động: Thai nhi 28 tuần tuổi đạp như thế nào? Lúc này, bé đã có thể cử động mạnh mẽ và thường xuyên hơn, nên mẹ sẽ dễ dàng cảm nhận được.
- Phát triển xương: Xương của thai nhi tiếp tục phát triển mặc dù vẫn còn khá mềm nhưng để giúp linh hoạt hơn hỗ trợ cho quá trình sinh nở dễ dàng.
- Hệ thống tiêu hóa: Dù hệ tiêu hóa vẫn đang phát triển, nhưng bé đã bắt đầu nuốt và tiêu hóa một lượng nhỏ nước ối, giúp hệ tiêu hóa sau này hoạt động tốt hơn.
- Tư thế: Nhiều bé ở tuần thứ 28 đã bắt đầu xoay đầu xuống dưới tử cung để chuẩn bị cho việc chào đời, nhưng nhiều bé vẫn chưa quay đầu, đây là hiện tượng bình thường nên mẹ đừng quá lo lắng.
Thai 28 tuần gần như các bộ phận đang trong quá trình phát triển mạnh mẽ, bé đã có thể đạp
Đặc điểm cơ thể mẹ bầu khi thai nhi 28 tuần tuổi
Khi thai nhi đạt 28 tuần tuổi, cơ thể của mẹ bầu cũng trải qua nhiều thay đổi đáng kể để thích ứng với giai đoạn phát triển của thai nhi. Dưới đây là một số đặc điểm cơ thể mẹ bầu thường gặp ở giai đoạn này:
- Tăng trọng lượng: Ở tuần thứ 28 này, nhiều mẹ bầu bắt đầu tăng cân rõ rệt hơn thường từ 7 đến 11kg, tùy thuộc vào trọng lượng ban đầu và sức khỏe tổng thể. Việc tăng cân là bình thường và là một phần của quá trình mang thai khỏe mạnh.
- Bụng to hơn: Do cân nặng và kích thước thai nhi đang phát triển nên lúc này bụng mẹ sẽ dần to hơn đáng kể so với những tháng trước. Điều này có thể gây áp lực lên cột sống và các cơ bụng, dẫn đến cảm giác đau lưng và khó chịu ở bụng.
- Có sự thay đổi về làn da: Một số mẹ bầu có thể thấy sự xuất hiện của các vết rạn nứt ở bụng, hoặc thay đổi sắc tố da gây ra tình trạng nám, sạm, nổi mụn nội tiết….
- Sưng phù: Do tăng lượng máu và chất lỏng trong cơ thể, mẹ bầu có thể gặp phải tình trạng sưng phù, đặc biệt là ở chân, mắt cá chân và tay.
- Khó thở: Khi tử cung phát triển, nó có thể đẩy lên phổi và giảm không gian cho phổi mở rộng hoàn toàn, gây ra cảm giác khó thở hoặc thở gấp ở mẹ bầu.
- Hệ tiêu hóa kém: Sự gia tăng hormone progesterone có thể làm chậm quá trình tiêu hóa, dẫn đến các vấn đề như ợ nóng, táo bón và tiêu hóa kém.
- Khó ngủ: Do sự khó chịu về thể chất và tâm lý, mẹ bầu có thể gặp khó khăn trong việc tìm kiếm tư thế ngủ thoải mái, dẫn đến mất ngủ hoặc giấc ngủ gián đoạn.
- Thay đổi tâm lý: Cảm xúc của mẹ bầu có thể thay đổi thất thường, từ hạnh phúc, hồi hộp đến lo lắng và trầm cảm. Điều này có thể do sự thay đổi hormone và áp lực chuẩn bị cho việc làm mẹ.
- Các vấn đề sức khỏe khác: Ở tuần 28 này ngoài những vấn đề trên thì nhiều mẹ bầu có thể trải qua một số tình trạng khác như: Ngực rò rỉ sữa non, đi tiểu thường xuyên, tiết dịch âm đạo nhiều, suy giãn tĩnh mạch…
Thai 28 tuần bụng mẹ đang ngày càng to hơn
Một số xét nghiệm quan trọng ở mốc thai 28 tuần
Khi thai nhi đạt 28 tuần tuổi, là mốc thai quan trọng nên khi đi khám mẹ bầu thường được các bác sĩ cho kiểm tra hoặc xét nghiệm một số thủ thuật như:
- Tiểu đường thai kỳ: Từ 24 – 28 tuần là giai đoạn mà mẹ bầu sẽ được kiểm tra nồng độ glucose trong máu để sàng lọc tiểu đường thai kỳ, để kiểm soát lượng đường huyết trong cơ thể chị em.
- Xét nghiệm máu: Kiểm tra máu để xác định mức hemoglobin và hematocrit có thể giúp phát hiện mẹ bầu có bị thiếu máu không. Cũng có thể kiểm tra các chỉ số khác liên quan đến sức khỏe tổng quát và các dấu hiệu của bất kỳ rối loạn di truyền hoặc lây nhiễm nào.
- Kiểm tra huyết áp: Theo dõi huyết áp để phát hiện các dấu hiệu sớm của tiền sản giật, một tình trạng có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng cho cả mẹ và bé nếu không được điều trị kịp thời.
- Xét nghiệm nước tiểu: Kiểm tra protein trong nước tiểu có thể giúp phát hiện sớm các dấu hiệu của tiền sản giật hoặc các vấn đề về thận khác.
- Siêu âm: Siêu âm có thể được thực hiện để đánh giá sự phát triển của thai nhi, bao gồm kích thước, tư thế, và lượng nước ối xung quanh bé. Siêu âm cũng có thể giúp xác định vị trí của nhau thai và dây rốn.
- Đánh giá tình trạng sức khỏe tổng quát: Bác sĩ sẽ dựa vào các bài kiểm tra, xét nghiệm cũng như chia sẻ của mẹ bầu về tình hình sức khỏe vừa qua để có thể đánh giá được tình trạng sức khỏe tổng quát của chị em chính xác nhất.
Mẹ bầu 28 tuần nên làm gì và không nên làm gì?
Ở tuần thứ 28 của thai kỳ, mẹ bầu cần đặc biệt chú ý đến sức khỏe và lối sống của mình. Dưới đây là những gợi ý về những điều nên làm và không nên làm để đảm bảo sự phát triển khỏe mạnh cho cả mẹ và bé:
Những điều nên làm
- Ăn uống đầy đủ dinh dưỡng: Đảm bảo chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, cân bằng giàu protein, chất xơ, vitamin và khoáng chất. Tập trung vào các thực phẩm như trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt, và các nguồn protein ít béo.
- Uống đủ nước: Duy trì lượng nước cần thiết trong cơ thể là rất quan trọng, nhất là khi bà bầu dễ bị sưng phù và nhiễm trùng đường tiểu.
- Tập thể dục nhẹ nhàng: Bơi lội, đi bộ, và yoga cho bà bầu là những hoạt động tốt để giữ cho cơ thể hoạt động, tăng cường sức khỏe tim mạch, và giảm căng thẳng khi mang thai.
- Nghỉ ngơi đầy đủ: Đảm bảo ngủ đủ giấc và nghỉ ngơi khi cần thiết để giúp cơ thể phục hồi và duy trì năng lượng.
- Thăm khám thai định kỳ: Đảm bảo đến gặp bác sĩ sản khoa để theo dõi sức khỏe của cả mẹ và bé, kiểm tra tình trạng phát triển của thai nhi và thực hiện các xét nghiệm cần thiết.
- Chuẩn bị cho sinh nở: Tham gia các lớp học tiền sản, chuẩn bị phòng cho em bé, và bắt đầu suy nghĩ về kế hoạch sinh nở.
Mẹ bầu cần chú ý ăn uống cân đối dinh dưỡng, nghỉ ngơi nhiều hơn
Những điều không nên làm
- Tránh hút thuốc và uống rượu: Những thói quen này có thể gây hại nghiêm trọng đến sự phát triển của thai nhi.
- Tránh tiếp xúc với môi trường ô nhiễm hoặc độc hại: Tiếp xúc với hóa chất như thuốc trừ sâu, thuốc diệt côn trùng, và chất tẩy rửa mạnh có thể ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của thai nhi.
- Không ăn thực phẩm có nguy cơ cao gây nhiễm trùng: Tránh các thực phẩm chưa được nấu chín kỹ như sushi, thịt tái và phô mai mềm để ngăn ngừa nguy cơ nhiễm khuẩn.
- Không vận động mạnh hoặc nguy hiểm: Tránh các hoạt động có nguy cơ té ngã cao hoặc các môn thể thao mạnh như chạy bộ, mang vác…
- Không tự ý dùng thuốc: Mọi loại thuốc, kể cả thuốc không kê đơn và thảo dược, cần được bác sĩ phê duyệt trước khi sử dụng.
Kết luận
Trên đây là những thông tin giúp giải đáp thắc mắc thai 28 tuần nặng bao nhiêu? thai 28 tuần phát triển như thế nào? Hy vọng dựa vào những chia sẻ này sẽ giúp mẹ bầu dễ dàng quan sát, theo dõi được sự phát triển của trẻ, từ đó có sự chuẩn bị tốt hơn để chào đón con yêu ra đời.
Nguồn tham khảo: Tổng hợp
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.