Tàn nhang là tình trạng phổ biến của da. Tuy vô hại nhưng tàn nhang ảnh hưởng khá nhiều đến thẩm mỹ. Hãy cùng Pharmacity tìm hiểu về tàn nhang qua bài viết dưới đây.
Tổng quan chung
Tàn nhang là những đốm màu nâu hoặc nâu nhạt trên da, được tạo thành từ các cụm tế bào da có chứa sắc tố melanin. Không giống như nốt ruồi nhô cao, tàn nhang phẳng và không gây đau đớn hoặc có hại. Thực tế đây là sự tích tụ của hắc tố trên lớp ngoài da và có thể di truyền.
Da có chứa các tế bào được gọi là tế bào hắc tố tạo ra sắc tố melanin. Melanin giúp bảo vệ làn da khỏi tác hại tia cực tím của mặt trời. Khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời sẽ làm kích hoạt các tế bào hắc tố sản xuất nhiều melanin hơn. Hầu hết những người có nhiều tàn nhang đều có làn da trắng, mặc dù bất kỳ ai cũng có thể bị. Bởi vì những người có làn da trắng thường sản xuất ít melanin hơn những người có làn da sẫm màu, nhưng khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời các tế bào hắc tố này sẽ sản xuất nhiều melanin hơn.
Triệu chứng
Các dấu hiệu giúp nhận biết tàn nhang, bao gồm:
- Da xuất hiện các đốm nhỏ có màu nâu nhạt hoặc nâu sẫm, một số trường hợp có thể xuất hiện đốm tàn nhang màu vàng sẫm hoặc màu đỏ.
- Kích thước đốm tàn nhang dao động từ một đến vài mm.
- Đốm tàn nhang có thể mọc rải rác hoặc tập trung, số lượng đốm tương đối đa dạng và thường không đồng nhất.
- Tàn nhang thường xuất hiện ở những vùng da hở có tần suất tiếp xúc với ánh nắng cao như mặt (đặc biệt là vùng gò má), vai, cổ, tay và lưng.
- Màu sắc của tàn nhang thường đậm hơn sau khi tiếp xúc với ánh nắng.
Biểu hiện lâm sàng của tàn nhang tương đối dễ nhận biết. Tuy nhiên ở một số trường hợp, tàn nhang có bị nhầm lẫn với nám da, đồi mồi và nốt ruồi.
Nguyên nhân
Nguyên nhân dẫn đến tàn nhang được các nhà khoa học kết luận là sự kết hợp giữa yếu tố môi trường và yếu tố di truyền. Vì thế, tàn nhang dễ xảy ra ở những người có làn da sáng, có liên quan đến gen MC1R cung cấp hướng dẫn hình thành sắc tố da. Tuy nhiên, gen này không ảnh hưởng đến tất cả các cả thể theo cùng một cách, tác động thông qua 2 loại melanin là Pheomelanin và eumelanin.
- Yếu tố môi trường lớn nhất là nguyên nhân dẫn đến hình thành tàn nhang là ánh nắng mặt trời, vừa kích thích xuất hiện tàn nhang vừa khiến các nốt tàn nhang đậm màu hơn theo thời gian. Điều này lí giải tại sao ở nhiều người, tàn nhang mờ dần vào mùa đông hoặc khi tiếp xúc ít với ánh nắng mặt trời, đậm hơn vào mùa hè.
Ngoài ra, sự hình thành của tàn nhang cũng ảnh hưởng bởi 1 số yếu tố khác như:
- Chế độ ăn uống
- Điều trị bằng liệu pháp hormone như dùng thuốc tránh thai
- Mỹ phẩm chăm sóc da.
Đối tượng nguy cơ
Một số nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng, da của nam giới có độ dày gấp 7 lần so với nữ giới. Vì vậy, làn da của nam giới ít bị ảnh hưởng bởi các tác động từ môi trường như UV, ánh sáng mặt trời, không khí,.. từ đó hắc sắc tố melanin ít được sản sinh và hình thành các đốm nám, tàn nhang trên mặt. Ngoài ra, thời gian cũng là nguyên nhân khiến bào mòn và làm lão hóa da, vì vậy nám da thường có nguy cơ cao hơn đối với phụ nữ ở lứa tuổi trung niên.
Thông thường, từ độ tuổi 25 trở đi, làn da của phụ nữ hay gặp phải các vấn đề về lão hóa, nám da cao hơn so với nam giới.
Chẩn đoán
Có thể chẩn đoán tàn nhang một cách chính xác dựa vào yếu tố gợi ý và các đặc điểm trên da mà không cần đến bất kỳ xét nghiệm nào khác.
- Yếu tố gợi ý:
- Do di truyền: Người thân trong gia đình bị tàn nhang.
- Thường xuyên tiếp xúc, phơi bày cơ thể dưới ánh nắng mặt trời mà không được che chắn hay bảo vệ gợi ý tia cực tím.
- Biểu hiện: Xuất hiện trên da những đốm tròn có màu nâu nhạt, nâu đậm hay màu đen. Các đốm có kích thước nhỏ vài mm và không kèm theo các triệu chứng nào khác. Các đốm có xu hướng đậm hơn, tăng số lượng hay lan rộng ra khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.
Phòng ngừa bệnh
Tàn nhang xuất hiện trên da mặt làm cho người phụ nữ thiếu tự tin nhưng hiện chưa có thuốc đặc trị bệnh này. Với những người có làn da đặc biệt nhạy cảm, dễ tổn thương với ánh sáng mặt trời, tàn nhang có thể dẫn đến ung thư da. Vì thế, việc phòng ngừa luôn tốt hơn là để tàn nhang xuất hiện mới điều trị.
- Những người bị tàn nhang do yếu tố di truyền, cần che chắn bất cứ khi nào thích hợp và hạn chế tiếp xúc ánh nắng mặt trời. Điều này giúp ngăn ngừa tàn nhang phát sinh đồng thời giảm thiểu nguy cơ gây ung thư da.
- Tránh ra ngoài trời từ 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều. Đây là khoảng thời gian ánh sáng mặt trời khắc nghiệt nhất trong ngày. Khi ra ngoài trời, đội mũ rộng vành, mặc quần áo tay dài có cổ.
- Sử dụng kem chống nắng có thành phần cản tia UVA và UVB. Bôi kem chống nắng mỗi khi ra ngoài trời, ngay cả khi bạn đi taxi, đội mũ, che ô và kể cả khi trời nhiều mây. Cứ 2 tiếng đồng hồ lại bôi kem chống nắng một lần.
- Kiểm tra thành phần của các loại dược phẩm mà bạn đang sử dụng. Có thể một trong các thành phần này có khả năng làm tăng sự nhạy cảm của da bạn đối với ánh nắng mặt trời, ví dụ acid alpha hydroxy và benzoyl peroxide và một số thành phần trong thuốc kháng sinh và thuốc tránh thai.
- Chế độ dinh dưỡng nhiều vitamin A, C, E có trong rau củ, trái cây, cũng góp phần làm tăng khả năng đề kháng của da dưới sức nóng mặt trời.
Điều trị như thế nào?
Tàn nhang do tác hại của ánh nắng mặt trời thường có xu hướng tăng dần theo độ tuổi. Vì vậy, để làm mờ tàn nhang cần phải có những biện pháp khắc phục bao gồm:
Kem chống nắng
Kem chống nắng sẽ không giúp loại bỏ các vết tàn nhang hiện có trên da, nhưng nó giúp ngăn ngừa xuất hiện những vết tàn nhang mới. Vì vậy, bạn nên thoa kem chống nắng quanh năm ngay cả khi trời nhiều mây. Các chuyên gia khuyến cáo cách sử dụng kem chống nắng như sau:
- Nên sử dụng kem chống nắng có chỉ số SPF 30 hoặc cao hơn.
- Bôi kem chống nắng cho da ít nhất khoảng 15 phút trước khi ra tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.
- Bôi lại kem chống nắng sau mỗi hai giờ và ngay sau khi bơi hoặc đổ mồ hôi nhiều.
Điều trị bằng laser
Điều trị bằng laser sử dụng các xung ánh sáng tập trung, cường độ cao để nhắm vào các vùng da bị tổn thương. Có nhiều loại laser khác nhau, theo một nghiên cứu năm 2015 laser 1064 Q-Switched Nd YAG có hiệu quả trong việc điều trị tàn nhang. Kết quả nghiên cứu cho thấy điều trị bằng tia laser này làm sáng hơn 50% tàn nhang ở 62% người tham gia. Điều trị bằng laser nói chung là an toàn và nguy cơ để lại sẹo thấp. Tuy nhiên, các tác dụng không mong muốn khác có thể xảy ra bao gồm:
- Ngứa
- Sưng tấy, mẩn đỏ
- Nhiễm trùng
- Thay đổi màu da
Phẫu thuật lạnh
Phẫu thuật lạnh sử dụng cực lạnh ở dạng nitơ lỏng để đóng bằng và tiêu diệt các tế bào da bất thường. Phẫu thuật lạnh nói chung là an toàn, không cần gây tê và thời gian phục hồi nhanh. Một số tác dụng phụ tiềm ẩn đó là giảm sắc tố da, chảy máu và phồng rộp. Phương pháp phẫu thuật lạnh hiếm khi để lại sẹo.
Kem tẩy trắng tại chỗ
Kem làm mờ còn được gọi là kem tẩy trắng, có sẵn không cần kê đơn và theo toa. Nhiều loại kem làm mờ vết thâm có chứa hydroquinone, một thành phần được cho là có tác dụng ngăn chặn quá trình sản xuất melanin và làm sáng các vùng da tối màu. Kem hydroquinone tại chỗ có thể gây ra những tác dụng không mong muốn như:
- Viêm da
- Khô da
- Phồng rộp, nóng rát
- Thay đổi màu da
Năm 1982, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ coi các sản phẩm tẩy trắng có chứa tới 2% hydroquinone nói chung là an toàn và hiệu quả. Vào năm 2006, hydroquinone được cho rằng có thể gây ung thư ở chuột, dẫn đến sạm da và biến dạng. Điều này khiến FDA đề cử hydroquinone để nghiên cứu thêm trong Chương trình Độc chất Quốc gia. Mặc dù vậy, FDA khuyến cáo các sản phẩm hydroquinone vẫn được lưu hành trên thị trường cho đến khi nghiên cứu của NTP hoàn tất.
Kem retinoid tại chỗ
Kem retinoid là một hợp chất vitamin A được sử dụng để cải thiện làn da bị tổn thương do ánh nắng mặt trời và làm sáng tàn nhang. Theo một đánh giá năm 2014, retinoids có thể bảo vệ làn da bằng cách hấp thụ bức xạ tia cực tím UVB. Điều này có thể giúp ngăn ngừa xuất hiện những nốt tàn nhang mới hình thành. Các loại kem retinoid có thể tìm thấy dễ dàng trên thị trường mà không cần kê đơn. Tuy nhiên, vẫn có những tác dụng phụ nhất định như khô da, kích ứng, nhạy cảm,…
Tẩy da chết hóa học
Tẩy da chết hóa học là sản phẩm có sử dụng dung dịch hóa học để tẩy tế bào chết và làm bong tróc các vùng da chết. Để loại bỏ tàn nhang, một sản phẩm có chứa acid glycolic hoặc acid trichloroacetic thâm nhập vào các lớp giữa của da, từ đó các tế bào da chết sẽ được loại bỏ nhường chỗ cho tế bào da mới.
Sản phẩm tẩy da chết hóa học có thể gây ra những phản ứng không mong muốn như:
- Da nổi đỏ mẩn
- Kích ứng
- Đóng vảy
- Sưng tấy
Theo Hiệp hội Phẫu thuật Da liễu Hoa Kỳ, các vết tróc da phải mất đến hai tuần để lành lại. Vì vậy bạn cần phải vệ sinh da hằng ngày và bôi thuốc. Bên cạnh đó bạn cũng có thể phải sử dụng thuốc kháng virus theo toa trong thời gian tối đa hai tuần và hạn chế tiếp xúc ánh nắng mặt trời cho đến khi da lành lại.
- Các biện pháp tự nhiên
Một số biện pháp tự nhiên để loại bỏ tàn nhang được nhiều người sử dụng, vừa đảm bảo an toàn mà có thể thực hiện ngay tại nhà như:
- Nước cốt chanh: Nước chanh có tác dụng làm sáng da. Có thể thực hiện bằng cách sử dụng bông tẩy trang thoa trực tiếp nước cốt chanh lên da sau đó rửa sạch.
- Mật ong: Kết hợp mật ong với đường hoặc muối để tạo thành hỗn hợp tẩy tế bào chết. Mật ong có tác dụng giúp làm mờ vết nám.
- Sữa bơ: Thoa trực tiếp sữa bơ lên da và giữ nguyên trong 10 phút trước khi rửa sạch bằng nước ấm. Bạn cũng có thể tạo mặt nạ bằng cách kết hợp sữa bơ với bột yến mạch. Sữa bơ có axit lactic, có khả năng giúp làm sáng tàn nhang của bạn.
- Kem chua: Giống như sữa bơ, kem chua có chứa axit lactic, có thể thoa trực tiếp kem chua lên da và rửa sạch bằng nước ấm sau vài phút.
- Sữa chua: Thoa trực tiếp sữa chua lên da và giữ nguyên trong vài phút. Sữa chua cũng chứa axit lactic nên có khả năng giúp làm sáng tàn nhang của bạn.
- Hành tây: Chà xát hành tây lên da, sau đó rửa sạch da trong nước ấm. Hành tây có thể hoạt động như một chất tẩy tế bào chết và có tác dụng làm sáng các vết nám.
Trên đây là những chia sẻ về tàn nhang. Hy vọng bài viết sẽ đem lại nhiều thông tin hữu ích cho bạn đọc.