Suy thai là một tình trạng nguy hiểm trong thai kỳ, ảnh hưởng rất lớn đến thai nhi. Sản phụ cần nhận biết sớm các dấu hiệu của suy thai trong thai kỳ và trong chuyển dạ để giúp con ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm về sau này. Cùng tìm hiểu về vấn đề suy thai và những thông tin cần biết về suy thai qua bài viết sau.
Tổng quan chung
Suy thai hay thai yếu là bệnh lý do tình trạng thai kỳ thiếu oxy trong máu hoặc thiếu oxy trong tổ chức khi thai nhi đang sống trong tử cung. Hiện nay, suy thai còn được gọi là tình trạng bất ổn của thai nhi, gồm giảm thành phần oxy trong máu, giảm oxy trong tổ chức với các biểu hiện thay đổi ở nhịp tim được phát hiện bằng máy theo dõi tim thai như nhịp nhanh, nhịp chậm, nhịp giảm muộn, nhịp giảm biến đổi lặp lại hoặc tình trạng bất thường.
Suy thai cấp tính:
Tình trạng thai suy xảy ra đột ngột trong quá trình chuyển dạ, có thể khiến thai nhi tử vong ngay lập tức nếu không được can thiệp xử trí kịp thời. Thống kê cho thấy, thai bị suy cấp tính có xác suất xuất hiện dưới 20% các ca sinh.
Suy thai mạn tính:
Tình trạng thai yếu trong suốt thai kỳ ở mức độ nhẹ, không có biểu hiện rõ ràng nên khó nhận diện. Tuy nhiên, suy thai mạn tính rất dễ diễn tiến thành cấp tính trong quá trình chuyển dạ, thai nhi có nguy cơ chết lưu ngay trong bụng mẹ.
Triệu chứng suy thai
Các triệu chứng báo hiệu thai suy trong thời kỳ mang thai:
- Chiều cao tử cung phát triển khá chậm (là biểu hiện thai kém phát triển)
- Cử động của thai nhi trở nên hỗn loạn hoặc quá chậm: Thai nhi có những biểu hiện bất thường trong cử động, có khi bé đạp mạnh và nhiều, rồi các động tác chậm dần và ít dần đi. Sau một thời gian, mẹ có thể cảm thấy con trong bụng gần như không hề có cử động gì, chứng tỏ nguy cơ thai nhi chết lưu rất cao.
- Để nhận biết dấu hiệu này, thai phụ nên để ý đếm nhịp cử động thai nhi (từ 23 giờ trở đi, cử động thai không đến 12 lần trong 2 giờ). Khi đếm số cử động của thai nhi và phát hiện dấu hiệu bất thường, thai phụ cần được đưa đến cơ sở y tế ngay lập tức để thăm khám tình trạng của thai nhi.
- Nhịp tim thai thay đổi: Tình trạng thiếu oxy khi bị suy thai sẽ ảnh hưởng đến tốc độ đập của tim thai, dẫn đến hiện tượng tim thai có lúc đập nhanh (trên 160 lần/phút), có lúc đập chậm (xuống dưới 100 lần/phút). Dấu hiệu này thường được kiểm tra chính xác nhất khi bà bầu đi khám thai định kỳ, do vậy các xét nghiệm trong quá trình khám thai định kỳ là cách tốt để phát hiện các biểu hiện suy thai sớm.
Nguyên nhân
Nguyên nhân từ phía người mẹ
- Tư thế nằm ngửa của mẹ bầu có thể khiến tử cung đè ép lên động mạch chủ, làm giảm dòng chảy của máu mẹ đến tử cung. Tử cung đè lên tĩnh mạch chủ làm giảm lưu lượng máu trở về tim, dẫn đến giảm tưới máu và hạ huyết áp. Đó chính là lý do các chuyên gia Sản khoa khuyến cáo mẹ bầu nên nằm nghiêng về bên trái để không gây hại đến thai nhi.
- Mẹ bầu bị thiếu máu hoặc huyết áp thấp.
- Mẹ bị chảy máu do chấn thương cũng ảnh hưởng đến lưu lượng máu được vận chuyển đến bào thai.
- Mẹ mắc các bệnh tim mạch, suy tim, đái tháo đường, béo phì, nhiễm khuẩn, nhiễm virus… đều có thể khiến thai suy.
Nguyên nhân từ phía thai nhi
- Thai non tháng.
- Thai chậm phát triển.
- Thai già tháng.
- Thai dị dạng.
- Thai thiếu máu hoặc nhiễm trùng.
Nguyên nhân do phần phụ của thai
- Rau tiền đạo, rau bong non.
- Bánh rau vôi hoá trong thai già tháng.
- Sa dây rốn, dây rốn thắt nút.
- Vỡ mạch máu rốn (trong trường hợp dây rốn bám màng…).
- Ối vỡ non, ối vỡ sớm.
Nguyên nhân sản khoa: Các trường hợp đẻ khó do nguyên nhân cơ học.
- Bất tương xứng đầu – chậu.
- Ngôi thai bất thường.
- Chuyển dạ kéo dài.
- Rối loạn cơn co (tăng tần số và trương lực).
Nguyên nhân do thuốc
- Thai nhi bị ức chế do dùng thuốc giảm đau hoặc thuốc gây mê.
- Sử dụng thuốc tăng co không kiểm soát tốt làm tăng các cơn co tử cung.
Đối tượng nguy cơ mắc suy thai
- Mẹ mắc các bệnh mãn tính như bệnh tim, thận, cao huyết áp, tiểu đường, suy hô hấp, thiếu máu…
- Thường gặp phải các biểu hiện bất thường như ngôi thai, vỡ ối non, thiếu ối, rau tiền đạo, vôi hóa bánh nhau, nhiễm độc thai nghén, chuyển dạ kéo dài… trong thời gian mang thai và sắp chuyển dạ.
- Dây rốn quấn cổ thai nhi khi siêu âm, có thể dẫn đến suy thai cấp tính, mất tim thai…
Chẩn đoán
Thông thường, để chuẩn đoán được phụ nữ mang thai có đang mắc bệnh suy thai hay không, sản phụ nên thực hiện một số các xét nghiệm như:
- Nước ối: Có màu xanh bất thường (cần soi ối nhiều lần)
- Monitor sản khoa, truyền oxytocin hay vê núm vú: Có xuất hiện nhịp chậm sớm (Dip I), nhịp chậm muộn (Dip II), tim thai không đáp ứng test không đả kích.
- Siêu âm xác định chỉ số nước ối: Có giá trị trong thai già tháng, Doppler mạch máu ĐMR , ĐMNG và ĐMTC 2 bên.
- Đo pH máu đầu thai nhi và máu rốn ngay sau đẻ.
Phòng ngừa bệnh
Để giải quyết tốt nhất tình trạng suy thai, tránh để lại hậu quả cho trẻ sơ sinh thì việc phát hiện sớm suy thai, dự phòng sớm suy thai là quan trọng nhất. Trong quá trình khám thai định kỳ, quản lý thai nghén nếu phát hiện các nguyên nhân, yếu tố nguy cơ gây suy thai trong chuyển dạ thì chủ động mổ lấy thai, không theo dõi chuyển dạ đẻ thường.
Dự phòng trước khi có chuyển dạ
Khi khám thai phải tìm hiểu các yếu tố tiên lượng cuộc đẻ, phát hiện các nguy cơ nếu đẻ thường có thể nguy hiểm cho thai. Ví dụ thai suy dinh dưỡng nặng, thai già tháng, ngôi thai bất thường, thai to, đa thai, khung chậu hẹp…cần phải cân nhắc mổ lấy thai chủ động, nếu để sinh thường phải theo dõi thật tốt, cần thiết mổ cấp cứu lấy thai ngay.
Dự phòng trong quá trình theo dõi chuyển dạ
Theo dõi sát cuộc chuyển dạ, chú ý những biến đổi nhịp tim thai bất thường trên Monitoring, phát hiện sớm suy thai. Khi có biểu hiện của suy thai phải xử trí cho sản phụ nằm nghiêng trái, thở oxy, động viên sản phụ đỡ lo lắng, sử dụng giảm đau trong chuyển dạ bằng các kỹ thuật gây tê, dùng thuốc giảm co tử cung khi có cơn co mau manh…nhằm mục đích giảm, ngăn ngừa tình trạng suy thai cấp trong chuyển dạ.
Điều trị như thế nào?
Các biện pháp điều trị suy thai cấp tính trong chuyển dạ như:
- Xử trí nội khoa: Dùng thuốc làm giảm bớt cơn co tử cung để tăng tuần hoàn tử cung rau, giúp cải thiện oxy cho thai nhi.
- Xử trí sản khoa: Bác sĩ sản khoa cần phải quyết định chỉ định mổ lấy thai cấp cứu để lấy thai ra ngay nếu điều trị nội khoa không kết quả. Tùy theo điều kiện mà có thể phẫu thuật lấy thai cấp cứu hoặc đẻ thủ thuật. Trong kíp mổ phải có kíp hồi sức tích cực sơ sinh để hỗ trợ kịp thời cho trẻ sơ sinh ngay tại phòng mổ.
Bài viết trên đã cung cấp các thông tin cần thiết về bệnh suy thai. Hy vọng bạn đọc có thêm kiến thức hữu ích để ngăn ngừa tình trạng này. Chúc bạn có một thai kỳ khỏe mạnh.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc Chuyên viên y tế để được tư vấn cho từng trường hợp Bệnh cụ thể, không tự ý làm theo hướng dẫn của bài viết.