Bệnh sốt xuất huyết xảy ra quanh năm, thường lây lan nhanh vào mùa mưa từ tháng 7 đến tháng 11 hàng năm, bởi đây là thời điểm thuận lợi để muỗi vằn sinh sôi, tạo điều kiện bùng phát dịch sốt xuất huyết Dengue. Vậy để có thể nắm rõ về bệnh sốt xuất huyết, đồng thời giúp bạn và gia đình bạn phòng bệnh một cách tốt nhất, bài viết dưới đây sẽ giới thiệu các thông tin liên quan đến triệu chứng sốt xuất huyết, các biểu hiện bệnh và dấu hiệu nhận biết bệnh sốt xuất huyết.
Bệnh sốt xuất huyết là gì?
Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có thể gây thành dịch do virus Dengue gây ra. Bệnh lây lan do muỗi vằn, truyền từ người bị nhiễm virus qua người lành qua vết đốt.
Triệu chứng và biểu hiện sốt xuất huyết
Sốt xuất huyết có 2 mức độ bệnh là sốt xuất huyết thể nhẹ và sốt xuất huyết thể nặng. Tùy vào từng mức độ sẽ có những biểu hiện khác nhau.
Sốt xuất huyết thể nhẹ
- Sốt kèm đau mắt, nhức đầu, phát ban, đau xương, buồn nôn, đau xương khớp,…
- Triệu chứng kéo dài từ 4 – 7 ngày.
- Người bệnh được chăm sóc đúng cách có thể khỏi bệnh sau khoảng 1 tuần kể từ khi sốt.
Sốt xuất huyết thể nặng
Khi bị sốt xuất huyết thể nặng người bệnh sẽ có các triệu chứng của thể nhẹ cộng thêm các triệu chứng dưới đây:
- Xuất hiện các chấm xuất huyết ngoài da
- Chảy máu mũi hoặc ở chân răng
- Nôi ói ra máu hoặc có máu trong phân (do xuất huyết nội tạng)
- Nôn nhiều, đau bụng, chân tay lạnh ẩm
- Người mệt mỏi li bì, choáng
Khi người bệnh chuyển biến sang sốt xuất huyết thể nặng cần được cấp cứu kịp thời, nếu trễ có thể dẫn đến tử vong hoặc di chứng nặng về sau.
Nguyên nhân gây bệnh
- Tác nhân gây bệnh sốt xuất huyết là do virus Dengue.
- Bệnh lây lan từ người sang người, muỗi cái Aedes có mang virus gây bệnh truyền qua vết đốt, nước bọt của chúng có chứa virus.
- Virus Dengue có 4 chủng huyết thanh là DEN-1, DEN-2, DEN-3, DEN-4. Ở Việt Nam có cả 4 chủng huyết thanh này, ví dụ sau khi bị sốt xuất huyết DEN-1 thì vẫn có thể bị sốt xuất huyết DEN-2.
- Ngoài nguồn lây từ con người, các tổ chức y tế còn phát hiện ra loài khỉ sống ở Malaysia có mang virus Dengue.
Đối tượng nguy cơ
- Mọi người ở mọi lứa tuổi đều có thể mắc bệnh sốt xuất huyết nếu bị muỗi mang mầm bệnh đốt.
- Có thể tái nhiễm bệnh nhiều lần với các tuýp virus khác nhau, với mức độ nặng hơn.
Chẩn đoán
Một số chẩn đoán cận lâm sàng thực hiện tại bệnh viện:
- Kháng nguyên NS1: 5 ngày đầu
- Huyết thanh chẩn đoán: MAC-ELISA từ ngày 5 trở đi tìm kháng thể IgM
- Phản ứng khuếch đại chuỗi gen (PCR)
- Phân lập siêu vi
Phòng ngừa bệnh sốt xuất huyết
- Diệt trừ muỗi và ngăn chặn sự sinh sôi của muỗi.
- Kiểm tra, phát hiện và diệt lăng quăng trong các dụng cụ chứa nước sinh hoạt, thả cá.
- Thường xuyên thay nước ở các lọ hoa, thả muối hoặc hóa chất diệt bọ gậy vào bát nước kê chân chạn, bể cảnh, hòn non bộ, khay nước thải tủ lạnh…
- Loại bỏ các vật liệu phế thải, hốc nước tự nhiên, lật úp các vật dụng có thể chứa nước không sử dụng để không cho muỗi đẻ trứng.
- Sử dụng các phương tiện ngăn muỗi đốt.
- Ngủ màn ngay cả ban ngày
- Mặc quần áo dài tay
- Dùng bình xịt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện.
- Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các chiến dịch diệt bọ gậy/lăng quăng và các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.
Điều trị
- Sốt xuất huyết Dengue hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chỉ điều trị dựa trên triệu chứng.
- Người bệnh nên được thăm khám và điều trị tại cơ sở y tế nếu có nghi ngờ mắc bệnh.
- Với mức độ nhẹ, người bệnh sẽ được chỉ định điều trị tại nhà, thời gian điều trị từ 7 – 10 ngày tính từ ngày phát sốt đầu tiên.
- Người bệnh điều trị tại nhà cần được chăm sóc kỹ lưỡng, nghỉ ngơi tại giường, tránh hoạt động mạnh.
- Có thể sử dụng thuốc Paracetamol để hạ sốt, liều dùng từ 10 – 15mg/kg/lần (không quá 4g/ngày), uống thuốc cách nhau ít nhất 4 giờ.
- Uống đủ nước mỗi ngày, tăng cường các loại nước trái cây, nước bù điện giải, nước cháo loãng.
- Nên chia nhiều bữa ăn nhỏ, thức ăn lỏng hoặc mềm.
- Tắm bằng nước ấm, lau người nhẹ nhàng không nên kỳ mạnh lên da.
Lưu ý: Tuyệt đối không cho người mắc bệnh sốt xuất huyết uống Aspirin, Analgin, Ibuprofen, vì các thuốc này có thể làm tình trạng bệnh trở nên nặng do xuất huyết hoặc toan máu.
Khi đang điều trị sốt xuất huyết tại nhà nếu thấy một trong những biểu hiện bất thường hãy đưa bệnh nhân đến bệnh viện để được cấp cứu kịp thời. Hy vọng với những thông tin chia sẻ trên sẽ giúp quý bạn đọc có thể hiểu rõ hơn bệnh sốt xuất huyết và cách phòng ngừa.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.