Trước những triệu chứng khó thở của bệnh nhân có bệnh lý hô hấp thì việc phân biệt giữa khí phế thũng và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) là điều cực kỳ quan trọng. Mặc dù cả hai bệnh đều ảnh hưởng đến hệ hô hấp, chúng ta vẫn cần nhận biết những điểm khác biệt quan trọng. Hãy tìm hiểu những điểm đặc trưng để hiểu rõ hơn về sự khác biệt giữa hai bệnh lý này, từ đó giúp điều trị chính xác hơn.
Bệnh COPD là gì?
COPD (Chronic Obstructive Pulmonary Disease – Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính) là một bệnh phổi mãn tính phổ biến, thường gặp ở người trưởng thành. Đây là một tình trạng bệnh lý mà đường thở trở nên viêm và hẹp hơn, khiến việc thở trở nên khó khăn và có thể dẫn đến suy hô hấp.
Phổi bình thường và phổi của bệnh nhân mắc COPD
Nguyên nhân chính gây bệnh là do tiếp xúc lâu dài với các chất khí hoặc chất kích thích, thường là hút thuốc lá hoặc tiếp xúc với các chất độc hại trong môi trường làm việc. Khi phổi đã bị tổn thương do COPD thì không thể hồi phục nhưng có thể được kiểm soát thông qua việc dừng hút thuốc lá hoặc tránh tiếp xúc với chất gây hại khác. Điều trị sớm và quản lý bệnh hiệu quả có thể giúp giảm những triệu chứng khó chịu, hạn chế thêm tổn thương cho phổi, cải thiện chất lượng cuộc sống.
Khí phế thũng là gì?
Khí phế thũng (Emphysema) là một dạng của bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính. Đây là bệnh ở đường hô hấp dưới, cụ thể là bệnh của phế nang và các tiểu phế quản. Phế nang gồm nhiều túi nhỏ chứa khí. Bệnh xảy ra khi những vách ngăn giữa các túi khí này suy yếu dần và vỡ ra – tạo nên các khoảng không khí lớn thay vì nhiều khe nhỏ. Điều này làm giảm diện tích bề mặt của phổi và do đó, hạn chế lượng oxy từ phổi đến máu.
Khi bạn thở ra, các phế nang bị tổn thương không hoạt động bình thường nên không khí cũ bị giữ lại, không còn chỗ cho không khí trong lành, giàu oxy đi vào. Hệ quả là bạn cảm thấy khó thở, nhất là khi vận động gắng sức như chạy nhảy hay tập thể dục. Bệnh cũng khiến phổi mất đi tính đàn hồi.
Khí phế thũng bị hư hỏng và mất tính đàn hồi
Nguyên nhân gây bệnh
- Hút thuốc lá: là thủ phạm chính gây ra các bệnh về phổi nói chung và khí phế thũng nói riêng. Nghiên cứu cho thấy những người hút thuốc có nguy cơ mắc bệnh cao hơn 6 lần so với người không hút thuốc.
- Thiếu alpha-1 antitrypsin (AAT): là một protein được gan sản xuất giúp bảo vệ phổi trước các tác nhân như thuốc lá và ô nhiễm môi trường. ATT lưu thông trong máu giúp cơ thể chống lại sự nhiễm trùng và bảo vệ các cấu trúc đàn hồi trong phổi. Khi cơ thể không tạo đủ AAT, các tế bào bạch cầu bình thường sẽ làm hỏng phổi. Điều này còn tệ hơn so với hút thuốc. Ngoài ra người bệnh còn có thể gặp phải các vấn đề về gan.
Một số nguyên nhân khác làm tăng nguy cơ bị bệnh:
- Hút thuốc lá thụ động: hít phải khói thuốc mỗi ngày dù không trực tiếp hút thuốc cũng sẽ làm tổn thương phổi theo thời gian và có nguy cơ mắc bệnh khí phổi thũng.
- Ô nhiễm không khí.
Phân biệt khí phế thũng và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD)
Khí phế thũng và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính có quan hệ rất mật thiết với nhau. Người bị khí phế thũng đều có thể mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Bệnh khí phế thũng là một dạng của phổi tắc nghẽn mạn tính.
Hút thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến khí phế thũng và phổi tắc nghẽn mạn tính. Tổn thương của khí phế thũng và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính đều là những tổn thương không thể phục hồi, chỉ có thể làm chậm quá trình tiến triển của bệnh.
Phân biệt triệu chứng của bệnh khí phế thủng và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính
Các dấu hiệu nhận biết bệnh khí phế thũng bao gồm
- Ho dai dẳng, không dứt.
- Khó thở.
- Thở lõm ngực.
- Người mệt mỏi.
- Lồng ngực hình thùng.
- Da xanh tái, ngón tay và móng tay cũng xanh.
- Suy giảm hệ miễn dịch làm tăng nguy cơ viêm phổi.
Những triệu chứng đầu tiên của COPD
Khó thở, phải gắng sức để thở, cảm giác thiếu không khí, hụt hơi, nặng ngực, cơn khó thở tăng lên khi hoạt động gắng sức (leo cầu thang, tập thể dục, mang vác vật nặng…).
Ho kéo dài, ho khô hoặc ho có đờm màu vàng hoặc xanh, thường xuất hiện vào buổi sáng.
- Mệt mỏi do việc cung cấp oxy cho cơ thể không hiệu quả.
- Thở khò khè do sự co rút của đường thở, người bệnh có thể cảm nhận tiếng khò khè trong ngực khi hít thở.
Triệu chứng toàn thân dần dần xuất hiện khi COPD nặng hơn
- Gầy sút, sụt cân, suy kiệt chủ yếu.
- Teo các cơ xương.
- Loãng xương do quá trình viêm toàn thân, do sử dụng corticoid kéo dài.
- Trầm cảm.
- Thiếu máu hồng cầu nhỏ đẳng sắc, đẳng bào.
- Tăng nguy cơ bị các bệnh tim mạch như thiếu máu cơ tim, nhồi máu cơ tim.
Triệu chứng lâm sàng của COPD rất đa dạng và diễn tiến âm thầm, bệnh nhân thường đến khám bác sĩ khi bệnh đã nặng.
Chẩn đoán bệnh khí phế thũng và COPD
Chẩn đoán bệnh khí phế thũng
Khi đi khám chẩn đoán khí phế thũng, bác sĩ sẽ hỏi về các triệu chứng và tiền sử bệnh của bệnh nhân. Ngoài ra, bệnh nhân cần cho bác sĩ biết mình có hút thuốc lá hay làm việc hoặc sống trong môi trường ô nhiễm không. Đây là một trong những yếu tố nguy cơ gây bệnh khí phế thũng.
Các xét nghiệm chẩn đoán khí phế thũng gồm:
- Chụp cắt lớp vi tính CT
- Chụp X- quang phổi
- Xét nghiệm chức năng phổi
- Xét nghiệm khí máu động mạch
- Điện tâm đồ để xác định xem có vấn đề gì về tim không
Chẩn đoán bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính
Chẩn đoán bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính dựa trên triệu chứng của bệnh, bệnh sử và tiền căn gia đình. Bên cạnh đó, các bác sĩ sẽ tiến hành khám lâm sàng và chỉ định bệnh nhân thực hiện các xét nghiệm.
Bác sĩ sẽ dùng ống nghe để kiểm tra phổi xem có tiếng thở khò khè hay các âm thanh bất thường trong phổi không.
Các xét nghiệm chẩn đoán bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính gồm:
- Xét nghiệm chức năng phổi
- Đo hô hấp kế
- Chụp CT scan, chụp X-quang ngực
- Khí máu động mạch
Điều trị khí phế thũng và COPD
Ngưng hút thuốc lá để ngăn ngừa bệnh COPD tiến triển nặng hơn
Điều trị khí phế thũng bao gồm
- Ngưng hút thuốc lá.
- Sử dụng các loại thuốc như thuốc giãn phế quản, steroid, thuốc kháng sinh,… để giảm viêm, khai thông đường thở.
- Với những trường hợp khí phế thũng nặng, khó phân biệt COPD và khí phế thũng thì có thể tiến hành phẫu thuật giảm thể tích phổi.
- Tiêm vacxin ngừa cúm và phế cầu để ngăn ngừa và giảm thiểu các triệu chứng bệnh khí phế thũng.
- Thực hiện các liệu pháp phục hồi phổi, trị liệu dinh dưỡng hoặc bổ sung oxy để cải thiện hô hấp.
Điều trị phổi tắc nghẽn mãn tính thường bao gồm
- Ngưng hút thuốc lá.
- Sử dụng các loại thuốc như thuốc giãn phế quản ngắn hạn hoặc dài hạn, steroid, thuốc kháng sinh,…
- Tiêm vacxin ngừa cúm, phế cầu và ho gà.
- Điều trị phục hồi chức năng hô hấp qua các khóa vật lý trị liệu tập khạc đờm, tập thở mím môi, thở bụng.
Kết luận
Nhớ rằng việc chẩn đoán và điều trị nên được thực hiện bởi một bác sĩ chuyên khoa, dựa trên triệu chứng và kết quả xét nghiệm. Một lối sống lành mạnh và chăm sóc sức khỏe định kỳ là chìa khóa để duy trì sức khỏe phổi tốt. Hãy hỏi ý kiến của bác sĩ về cách duy trì sức khỏe phổi và hạn chế các yếu tố rủi ro gây tổn thương phổi.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.