Khi tuổi càng cao con người thường có sự thay đổi về tâm lý. Họ thường trở nên khó tính, dễ cáu gắt, suy nghĩ tiêu cực hay được gọi là khủng hoảng tâm lý ở người cao tuổi. Vậy biểu hiện của khủng hoảng tâm lý là gì? Nguyên nhân vì sao? Phòng ngừa, điều trị như thế nào? Chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu với những thông tin bên dưới.
Vì sao người cao tuổi có nguy cơ khủng hoảng tâm lý?
Khủng hoảng tâm lý được hiểu là tình trạng tâm lý không ổn định, thay đổi đột ngột và khó kiểm soát do nhiều nguyên nhân khác nhau. Phần lớn khủng hoảng tâm lý đều xảy ra do sau khi đối mặt với những sự kiện có tính chất nghiêm trọng như tai nạn, mất người thân, vỡ nợ, bị bắt cóc, lạm dụng tình cảm,… Ngoài ra, tuổi tác cũng là yếu tố gia tăng nguy cơ khủng hoảng tâm lý.
Thực tế cho thấy, khủng hoảng thường xảy ra ở trẻ trong tuổi dậy thì, phụ nữ mang thai, sau sinh và người cao tuổi. Đây đều là những giai đoạn cơ thể có sự thay đổi đột ngột về tâm sinh lý. Yếu tố này khiến cho tâm lý trở nên nhạy cảm và khó tránh khỏi tình trạng bất ổn.
Khủng hoảng tâm lý ở người cao tuổi là tình trạng khá phổ biến. Khi đối mặt với tuổi già, các cơ quan trong cơ thể bắt đầu suy giảm khả năng hoạt động, vì vậy, tinh thần cũng sa sút ít nhiều. Lúc còn trẻ, chúng ta dễ dàng vực dậy và vượt qua những chuyện không vui trong cuộc sống. Tuy nhiên với người cao tuổi, họ dễ bị tổn thương vì những chuyện rất nhỏ và có thể suy sụp nếu cuộc sống không diễn ra theo đúng mong muốn.
Các mức độ và biểu hiện khủng hoảng tâm lý ở người cao tuổi
Khủng hoảng tâm lý là trạng thái hoảng loạn, mất thăng bằng cảm xúc và lý trí khi một người phải đối diện hoặc trải nghiệm với những sự kiện bất ngờ, khủng khiếp, gây cho người ấy cảm giác mất an toàn nghiêm trọng.
Đây không phải là bệnh mà chỉ là một trạng thái tâm lý và là khởi đầu của nhiều vấn đề liên quan đến sức khỏe tâm thần khá đa dạng tùy theo mức độ của bệnh mà có biểu hiện khác nhau, cụ thể theo 3 mức độ sau:
- Mức độ nhẹ: Thường chỉ biểu hiện khó tính hơn lúc trẻ, hay cáu gắt, giận hờn vu vơ, trách móc con cái, sống ít vui vẻ, với nhiều suy nghĩ tiêu cực, chán ăn, mệt mỏi, dẫn đến suy kiệt.
- Mức độ trung bình: Với biểu hiện của lo âu, trầm cảm, hồi hộp, đánh trống ngực, bồn chồn, mất ngủ, nhức đầu, chóng mặt, buồn rầu, chán nản, hay than vãn, suy nghĩ lệch lạc,…
- Mức độ nặng: Ở giai đoạn này có những dấu hiệu của loạn thần, rối loạn cảm xúc lưỡng cực, trầm cảm nặng, hay ngồi một mình, tự sống cô lập với con cái, nói những câu vô nghĩa, thậm chí tự tìm đến cái chết.
Nguyên nhân
Có 4 nhóm nguyên nhân lớn gây nên khủng hoảng tâm lý ở người cao tuổi, cụ thể:
- Sự cô đơn:
- Sự mất mát đi người thân hay những người ít con, sống xa con cái hoặc con cái thiếu quan tâm, chăm sóc dẫn đến tâm lý tủi thân.
- Cảm giác không có ích cho gia đình và xã hội. Cảm giác làm phiền, tốn kém tiền bạc và công sức của con cháu.
- Ngoài xã hội: họ thường có xu hướng sống ít hòa nhập cộng đồng, khép kín, không bạn bè, không người thân, không thích tham gia các câu lạc bộ, hội nhóm.
- Vấn đề tài chính: Những người về già không chủ động về tài chính nên tâm lý bất an, lo sợ bệnh tật, sợ bị bỏ rơi, ngược đãi,… khi không thể chi trả chi phí sinh hoạt, y tế, chăm sóc.
- Sức khỏe: Nguy cơ mắc các bệnh như tăng huyết áp, đái tháo đường, thoái hóa khớp, sa sút trí tuệ,… ảnh hưởng nghiêm trọng đến thể chất và tinh thần.
- Do mâu thuẫn, xung đột: Xung đột gia đình là nguyên nhân thường gặp nhất, như: bất đồng quan điểm giữa vợ chồng, thiếu sự tôn trọng từ con cháu, anh em bất hòa dễ dẫn đến khủng hoảng tâm lý ở người cao tuổi.
Phòng ngừa và điều trị
Để có thể hạn chế khủng hoảng tâm lý ở người cao tuổi, Pharmacity chia sẻ đến bạn đọc một số cách phòng ngừa và điều trị:
- Không nên tập trung vào việc giải quyết triệt để cuộc khủng hoảng mà nên tập trung nhiều hơn vào việc tránh hoặc giảm thiểu tác động tiêu cực của nó.
- Các khuyến nghị cho mục đích này bao gồm chăm sóc sức khỏe thể chất, kinh tế và tình cảm của một người cũng như phát triển và duy trì mạng lưới hỗ trợ xã hội.
- Cần tạo điều kiện cho người cao tuổi sống cùng gia đình, khuyến khích họ kết bạn, tìm bạn đời mới sau khi mất vợ hoặc chồng. Tích cực tham gia các câu lạc bộ người cao tuổi, hưu trí,… Con cái nên gần gũi chăm sóc, chia sẻ, động viên và tham khảo ý kiến của họ cho những quyết định quan trọng. Tạo tâm lý thoải mái để họ tham gia những việc vặt trong nhà như đi chợ, nấu ăn, trồng rau, nuôi cá, chăm cháu,…
- Nên chuẩn bị một nguồn tài chính ổn định trước khi về hưu như mua bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm y tế, tiền tiết kiệm,… Chúng ta cần có kế hoạch cấp dưỡng bố mẹ, ông bà có được cảm giác an tâm và yêu thương từ con cháu.
- Tăng cường hoạt động thể dục thể thao từ khi còn trẻ và duy trì đến tuổi già. Tạo sân chơi lành mạnh, phù hợp lứa tuổi để họ giao lưu và tận hưởng cuộc sống. Nên kiểm tra sức khỏe định kỳ mỗi 6 tháng để phát hiện những bệnh tiềm ẩn và điều trị kịp thời.
- Chúng ta nên xây dựng lối sống lành mạnh, có ích cho cộng đồng và xã hội làm tăng sự tương tác với mọi người xung quanh. Trong gia đình nên tìm mọi cách khắc phục những mâu thuẫn nội bộ, tránh ảnh hưởng xấu đến sức khỏe tâm lý sẽ là nguyên nhân dẫn đến khủng hoảng tâm lý.