Sa tử cung là một căn bệnh khiến nhiều phụ nữ băn khoăn. Nếu không phát hiện kịp thời, có phương pháp điều trị đúng, bệnh có thể sẽ gây ra các biến chứng nguy hiểm; đặc biệt ở phụ nữ mang thai, có thể gây nguy hiểm cho cả mẹ và bé. Bạn hãy tìm hiểu bài viết dưới đây để hiểu hơn về triệu chứng, phòng bệnh sa tử cung khi mang thai nhé.
Sa tử cung khi mang thai là gì?
Sa tử cung khi mang thai hay sa âm đạo thai kỳ thường hiếm gặp, đây là hiện tượng khi mà tử cung tụt xuống âm đạo, đôi khi là tụt hẳn ngoài âm đạo do cơ dây chằng bị kéo căng, suy yếu dẫn đến không thể nâng đỡ tử cung.
Sa tử cung khi mang thai được phân loại như sau:
- Sa tử cung không hoàn toàn: là tình trạng một phần của tử cung tiến vào âm đạo nhưng không đi ra hẳn ngoài âm đạo.
- Sa tử cung hoàn toàn: là tình trạng tử cung di chuyển xa khỏi vị trí ban đầu đến mức một phần của bộ phận này xuất hiện ngoài cửa âm đạo
Triệu chứng sa tử cung khi mang thai
Các bà bầu khi mang thai mắc sa tử cung thường cảm thấy nặng bụng dưới, âm đạo và âm hộ nặng, đau lưng. Tuy nhiên trong giai đoạn đầu các dấu hiệu này vẫn chưa cụ thể làm quá trình chuẩn đoán gặp một số khó khăn do có thể giống với tình trạng đau nhức bình thường trong quá trình mang thai.
Quá trình bài tiết gặp khó khăn như đi đại tiện và tiểu tiện đau rát. Đôi khi có cảm giác buồn đi tiểu nhưng lại không đi được.
Có cảm giác như đang ngồi trên một quả bóng hoặc có cảm giác như có cái gì sắp rơi ra khỏi âm đạo.
Xuất hiện triệu chứng như chảy máu âm đạo, mất cảm giác với thai nhi trong bụng. Lúc này cần đến bác sĩ ngay lập tức để có những biện pháp điều trị kịp thời.
Các giai đoạn của bệnh sa tử cung:
- Giai đoạn 1: Tử cung bị sa xuống nhưng vẫn nằm trong ống âm đạo.
- Giai đoạn 2: Tử cung bị tụt xuống ngoài âm đạo và khó quan sát thấy bằng mắt.
- Giai đoạn 3: Tử cung lúc này tụt hoàn toàn ra ngoài âm đạo có thể nhìn thấy bằng mắt.
Đây là tình trạng vô cùng nguy hiểm với phụ nữ, vì rất có khả năng tử cung đã bị viêm nhiễm và có thể phải cắt bỏ tử cung do không có khả năng tự co lên.
Phòng bệnh sa tử cung khi mang thai
Việc chẩn đoán sớm là rất quan trọng để có một thai kỳ an toàn. Để phòng ngừa nguy cơ sa tử cung trong quá trình mang thai, mẹ bầu nên lưu ý những vấn đề dưới đây:
- Nếu có ý định mang thai, bạn nên khám sức khỏe tổng thể để đảm bảo một thai kỳ khỏe mạnh, thực hiện tiêm vắc xin đầy đủ đặc biệt là những loại vắc xin trước khi mang thai như vắc xin phòng bệnh rubella, vắc xin ngừa ung thư cổ tử cung…. vì khi cơ thể bạn suy yếu do nhiễm bệnh thì cấu trúc sàn chậu nâng đỡ tử cung cũng suy yếu theo.
- Khám thai định kỳ theo đúng lịch hẹn của bác sĩ, theo dõi sức khỏe thường xuyên, nếu có bất thường về sức khỏe, tâm lý cũng như những thay đổi cơ thể khiến bạn lo ngại cần đến ngay bác sĩ để được tư vấn.
- Trong thời gian mang thai và hậu sản, bạn hạn chế làm việc nặng, quá sức
- Mẹ có tiền sử mang thai nhiều lần cần được theo dõi thai kỳ chặt chẽ bởi bác sĩ.
- Chọn những cơ sở thăm khám sản khoa uy tín.
- Không lạm dụng thuốc hoặc tự ý ngưng thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ.
- Duy trì cân nặng lý tưởng.
- Thực hiện một số bài tập nhẹ nhàng, có thể trao đổi với bác sĩ để có hướng dẫn chi tiết.
- Uống nhiều nước, dùng thực phẩm nhiều vitamin, trái cây tươi, rau xanh trong bữa ăn hàng ngày, tránh đồ chế biến sẵn để hạn chế tình trạng táo bón.
- Mẹ bầu cần theo dõi thai kỳ thường xuyên, khi có những triệu chứng bất thường cần liên hệ ngay với bác sĩ sản khoa để được hỗ trợ.
Trên đây là toàn bộ thông tin chia sẻ về trình trạng Sa tử cung khi mang thai. Đây là tình trạng rối loạn sàn chậu hiếm gặp nhưng ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của thai phụ. Khi gặp các triệu chứng bất thường hoặc cảm thấy lo lắng trong thai kỳ, mẹ bầu cần đến ngay các cơ sở y tế, bệnh viện có chuyên khoa Sàn chậu để được thăm khám và điều trị kịp thời.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc Chuyên viên y tế để được tư vấn cho từng trường hợp Bệnh cụ thể, không tự ý làm theo hướng dẫn của bài viết.