Táo bón là tình trạng hay bệnh lý phổ biến nhất trong số các bệnh lý về đường tiêu hóa, hầu hết ai cũng hơn một lần bị táo bón trong đời. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho các bạn một số thông tin về bệnh táo bón.
Tổng quan chung
Táo bón là tình trạng phân khô cứng, khiến người bệnh khó và thậm chí bị đau khi đi đại tiện, phải rặn mạnh phân mới có thể thoát ra, thời gian đi lâu hoặc nhiều ngày mới đi một lần.
Theo các chuyên gia y tế, tình trạng táo bón được định nghĩa là việc 3 ngày không đi đại tiện ở người lớn và một tuần không thể đi đại tiện 3 lần ở trẻ em. Trong chẩn đoán lâm sàng, bác sĩ thường chia táo bón thành 2 nhóm bao gồm: táo bón nguyên phát và táo bón thứ phát.
Tình trạng táo bón thường không nghiêm trọng và có thể tự khỏi sau một thời gian ngắn khi thay đổi chế độ ăn uống cũng như thói quen đi vệ sinh. Tuy nhiên, nếu người bệnh thường xuyên bị táo bón hoặc bị táo bón kéo dài thì đó có thể là dấu hiệu cảnh báo một số bệnh lý như: bệnh đại tràng, suy giáp trạng, tăng canxi máu, nhiễm độc chì, suy nhược cơ thể…và có thể ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của người bệnh.
Do đó, các bác sĩ khuyến cáo, người bệnh bị táo bón không nên chủ quan, cần để ý các dấu hiệu táo bón và đến bệnh viện thăm khám với bác sĩ chuyên khoa để được chẩn đoán và có phương án điều trị phù hợp.
Triệu chứng
Các bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa của cho biết rằng, người bệnh có thể nhận biết bệnh táo bón thông qua các triệu chứng như:
- Quá 3 ngày chưa đại tiện hoặc đại tiện dưới 3 lần trong một tuần.
- Phân rắn có màu đen và hay vón cục
- Rặn mạnh khi đi đại tiện, thậm chí rặn mạnh đến nỗi ra máu
- Ở một số người có biểu hiện là khi đại tiện rồi mà vẫn cứ cảm giác vẫn còn phân trong ruột
Nguyên nhân
Có nhiều nguyên nhân gây táo bón. Một số bệnh nhân không xác định được nguyên nhân rõ ràng, thường được chẩn đoán là hội chứng ruột kích thích hay táo bón mạn tính không rõ nguyên nhân.
- Tổn thương cấu trúc: ung thư đại tràng, hẹp đại tràng, nứt kẽ hậu môn, trí, viêm túi thừa đại tràng, sau phẫu thuật đại tràng.
- Thuốc: thuốc chống trầm cảm ( fluoxetine, amitriptyline,…), thuốc kháng cholinergic (promethazin, benztropin, atropin, ipratropium,..), thuốc phiện, thuốc kháng axit; thuốc lợi tiểu; thuốc chống viêm không steroid (ibuprofen, diclofenac); thuốc chứa codein và morphin; thuốc chống co giật…
- Nguyên nhân thần kinh tổn thương rễ, bệnh Parkinson, bệnh xơ cứng rải rác, đột quỵ não, hội chứng màng não, Hirschsprung, hội chứng Ogilvy.
- Rối loạn vận động sàn chậu: thoát vị trực tràng, số trực tràng, giảm nhạy cảm trực tràng, hội chứng sa sàn chậu
- Rối loạn chuyển hóa: suy giáp, tăng calci máu, giảm kali máu, đái tháo đường.
- Bệnh lý chức năng: hội chứng ruột kích thích, táo bón chức năng.
- Yếu tố tâm lí: đi du lịch, trầm cảm, lạm dụng tình dục.
- Dinh dưỡng: thiếu cung cấp nước kéo dài, chế độ ăn ít chất xơ, dư thừa chất béo có nguồn gốc từ động vật, ăn nhiều đường, cà phê, trà, rượu, uống không đủ nước; lười vận động; thường xuyên trì hoãn việc đại tiện. Ở trẻ em, táo bón còn có thể do việc uống sữa bột (các loại sữa công thức trong thành phần ít chất xơ và quá nhiều đạm, đường).
Đối tượng nguy cơ
Táo bón có thể gặp ở mọi đối tượng, không phân biệt giới tính, hay độ tuổi từ trẻ nhỏ, người lớn đến người già. Dưới đây là những đối tượng dễ bị táo bón.
- Dân văn phòng: Ngồi lâu ít hoạt động, cộng với ăn uống không điều độ, ăn nhiều đồ cay, nóng, uống nhiều rượu bia… đều là nguyên nhân có thể gây bệnh táo bón.
- Người già: Người cao tuổi có chức năng đường ruột suy giảm, ít vận động rất dẫn đến tình trạng táo bón.
- Phụ nữ mang thai và sau sinh: Hormone nội tiết thay đổi, chế độ ăn uống, sinh hoạt quá nhiều dinh dưỡng rất dễ gây ra táo bón.
- Trẻ em.
Chẩn đoán
Một người có từ 2 dấu hiệu dưới đây và kéo dài trên 6 tháng sẽ được chẩn đoán là táo bón:
- Đại tiện < 3 lần mỗi tuần.
- Phải rặn nhiều, tỷ lệ thời gian rặn mỗi lần đại tiện trên 25%.
- Phân lổn nhổn, khô cứng.
- Cảm giác phân bị mắc lại trong trực tràng.
- Cảm giác đại tiện không hết.
- Đôi khi phải dùng tay móc phân ra.
Phòng ngừa bệnh
Điều chỉnh chế độ ăn uống: chìa khóa để điều trị hầu hết người bệnh bị táo bón là điều chỉnh chế độ ăn uống, bao gồm:
- Tăng sử dụng lượng chất xơ: Chất xơ có sẵn trong các nguồn tự nhiên rất đa dạng như trái cây, rau và ngũ cốc. Sử dụng chất xơ có nguồn gốc tự nhiên thì có ưu điểm vượt trội về mặt dinh dưỡng so với việc bổ sung chất xơ tinh khiết. Tuy nhiên, việc khuyên người bệnh ăn nhiều trái cây và rau quả đôi khi không thành công, có thể bổ sung chất xơ tinh khiết như psyllium hoặc methylcellulose. Nói chung, việc bổ sung các chất xơ là an toàn và hiệu quả nếu uống đủ nước. Chúng không phải là thuốc nhuận tràng và phải được dùng thường xuyên (cho dù bạn có bị táo bón hay không) để giúp bạn tránh táo bón trong tương lai.
- Tăng lượng nước uống vào: Người bệnh nên được uống ít nhất 8 ly nước mỗi ngày (1,5 đến 2 lít nước).
- Giảm việc sử dụng thực phẩm gây táo bón như thực phẩm giàu chất béo động vật (kể cả các sản phẩm từ sữa, thịt và trứng), đường tinh luyện, cà phê, trà và rượu.
- Tập thể dục: Thử những bài tập thể dục có tác dụng ở những vị trí từ đầu gối đến ngực. Những vị trí này có thể kích hoạt nhu động ruột. Tập khoảng 15 phút mỗi ngày.
- Đi vệ sinh vào cùng một thời điểm mỗi ngày, tốt nhất là sau bữa ăn, và cho phép có đủ thời gian dành cho việc đại tiện.
- Nếu các biện pháp ban đầu này thất bại, các bác sĩ có thể kê một số loại thuốc nhuận tràng trong thời gian ngắn hạn. Người bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng bất kỳ thuốc nào. Có một số thuốc nhuận tràng phổ biến như:
- Bổ sung chất xơ.
- Polyetylen glycol (Miralax) là thuốc nhuận tràng thẩm thấu, không được hấp thụ bởi ruột, nó giữ nước trong ruột, làm phân mềm hơn.
- Linaclotide (Linzess) kích thích các thụ thể nằm trên nhung mao của ruột non, tạo ra dung dịch đẳng trương, làm cho phân mềm hơn và làm khởi động vận động ruột.
- Các loại đường không thể hấp thu như lactulose và sorbitol.
- Thuốc nhuận tràng muối như magiê hydroxit, hoặc natri photphat không được khuyến cáo nếu người bệnh bị suy thận.
- Điều trị các nguyên nhân cấu trúc gây táo bón thứ phát như nứt hậu môn, trĩ, bán tắc ruột…
Điều trị táo bón như thế nào?
Điều trị táo bón là điều trị triệu chứng. Trường hợp tìm được nguyên nhân phải giải quyết nguyên nhân táo bón (khối u, sa trực tràng, suy giáp, tăng calci máu, …). Hạn chế dùng thuốc nhuận tràng kéo dài mà nên dùng ngắt quãng. Đôi khi cần phải điều trị kéo dài do vậy mục tiêu đầu tiên trong điều trị là thay đổi cách sống lâu dài mới có thể giúp thay đổi cấu trúc phân và số lần đại tiện.
- Chế độ ăn nhiều chất xơ, nhiều hoa quả, uống nhiều nước.
- Thay đổi thói quen sinh hoạt: đi cầu vào đúng giờ.
- Tập thể dục, năng vận động.
- Các nhóm thuốc điều trị táo bón như bên dưới đây:
- Nhuận tràng tăng tạo khối lượng phân: Psyllium, polycarbophil, methylcellulose. Chỉ dùng khi không có thể tăng khẩu phần chất xơ trong bữa ăn. Tác dụng giữ nước lại làm tăng khối lượng phân. Thuốc có thể gây đầy hơi và trướng bụng nhưng khá an toàn khi dùng lâu dài. Chú ý duy nhát là cần cung cấp nước đầy đủ.
- Nhóm bôi trơn: Dầu.
- Nhuận tràng kích thích: Tác dụng bằng cách kích thích trực tiếp vào hệ thống thần kinh đại tràng. Tác dụng thường xảy ra trong vòng 8-12 giờ, viên đặt tác dụng nhanh hơn 20-60 phút. Dùng kéo dài nhóm này không nên vì có nguy cơ ung thư.
- Tác động trên bề mặt: Ducusat, acid mật.
- Dẫn xuất diphenylmethan: phenolphtalein, bisacodyl, picosultat muối.
- Ricinoleic acid
- Anthraquinon: Sena, cascara sagrada, aloe, rhubard.
- Nhuận tràng thẩm tháu: muối magnesi và phosphat 5 – 10g/ngày tác dụng nhanh có nguy cơ tiêu chảy, đường lactulose 20 – 40g/ngày, Sorbitol 10 – 20g/ngày, polyethylen glycol. Tác dụng giữ nước lại theo cơ chế thẩm thấu.
- Glycerin đặt hậu môn: lon magnesi, đồng, calci giúp tăng cường vận động ống tiêu hóa: Panangin 2 viên/ngày.
- Khuyến cáo dùng thuốc nhuận tràng:
- Dùng ngắt quãng không nên dùng kéo dài.
- Nhóm thuốc nhuận tràng kích thích nên hạn chế vì nguy cơ gây bệnh đại tràng đen.
- Nên dùng luân phiên các thuốc nhuận tràng.
- Cần phân biệt táo bón nguyên phát, táo bón tận. Táo bón nguyên phát điều trị táo bón bằng thuốc có thể có tác dụng. Táo bón tận thường gặp ờ người già, nằm lâu, rối loạn vận động sàn chậu điều trị nội khoa ít hiệu quả đôi khi cần chỉ định ngoại khoa.
Khi có dấu hiệu mắc bệnh táo bón, bệnh nhân cần đến khám bác sĩ chuyên khoa, thực hiện một số xét nghiệm cần thiết để được chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây bệnh và có biện pháp điều trị phù hợp, hiệu quả.
Kết luận
Táo bón là một vấn đề tiêu hóa phổ biến nhưng có thể phòng ngừa và điều trị hiệu quả nếu được chú ý đúng cách. Việc duy trì chế độ ăn uống giàu chất xơ, uống đủ nước, và thực hiện thói quen đi vệ sinh đều đặn là những biện pháp cơ bản giúp bạn phòng tránh táo bón. Ngoài ra, tập thể dục thường xuyên cũng là yếu tố quan trọng góp phần cải thiện sức khỏe tiêu hóa. Nếu tình trạng táo bón kéo dài hoặc có biểu hiện nặng, đừng ngần ngại tìm kiếm sự tư vấn từ bác sĩ để có phương pháp điều trị phù hợp. Hãy luôn lắng nghe cơ thể và chăm sóc sức khỏe của bạn mỗi ngày để đảm bảo cuộc sống luôn vui vẻ và thoải mái.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc Chuyên viên y tế để được tư vấn cho từng trường hợp Bệnh cụ thể, không tự ý làm theo hướng dẫn của bài viết.