Nhồi máu cơ tim không ST chênh lên (Non ST Segment Myocardial Infarction – NSTEMI) xảy ra khi tổn thương mạch vành gây tắc nghẽn một phần, dẫn đến nhu cầu oxy của tim không được đáp ứng, gây tổn thương cơ tim. Tình trạng này được đặt tên như vậy vì không có dạng điện tâm đồ dễ nhận biết như nhồi máu cơ tim ST chênh lên. Vậy triệu chứng, nguyên nhân của bệnh nhồi máu cơ tim không ST chênh lên là gì? Chúng ta cùng tham khảo bài viết dưới đây.
Tổng quan chung
Nhồi máu cơ tim không ST chênh lên còn gọi là nhồi máu cơ tim dưới nội mạc, là một dạng của hội chứng mạch vành cấp. Đây là một tình trạng thiếu máu cơ tim cấp tính do sự tắc nghẽn của một nhánh động mạch vành, dẫn đến hoại tử cơ tim và có khả năng gây ra các biến chứng nguy hiểm, đe dọa đến tính mạng người bệnh.
Nhồi máu cơ tim không ST chênh lên thường được chẩn đoán dựa trên triệu chứng khó chịu ở ngực, các dấu hiệu tương tự đau thắt ngực, có ST chênh xuống hoặc T(-) trên điện tâm đồ và sự tăng men tim thể hiện tình trạng hoại tử cơ tim.
Phân tầng nguy cơ trong hội chứng mạch vành cấp giúp đưa ra quyết định điều trị chính xác và kịp thời. Các yếu tố phân tầng nguy cơ gồm:
- Lâm sàng: Dựa vào tuổi, tiền sử bệnh mạch vành, đái tháo đường, rối loạn chức năng thất trái, triệu chứng đau ngực, có suy tim, tụt huyết áp hay không.
- Điện tâm đồ: Thay đổi sóng ST, sóng T
- Chất chỉ điểm sinh học cơ tim: Troponin I hoặc T.
- Thang điểm GRACE: Gồm các thông số tuổi cao, phân độ Killip, huyết áp tâm thu, thay đổi sóng ST, ngừng tuần hoàn, mức creatinin, tăng men tim, nhịp tim.
Gồm có 4 nhóm nguy cơ:
- Nguy cơ rất cao: Cần can thiệp cấp cứu trong vòng 2 giờ kể từ khi được chẩn đoán xác định.
- Nguy cơ cao: Cần được can thiệp trong vòng 24 giờ.
- Nguy cơ vừa: Cần có kế hoạch can thiệp trong vòng 72 giờ.
- Nguy cơ thấp: Có thể cân nhắc điều trị can thiệp hoặc bảo tồn.
Triệu chứng
Các triệu chứng thường gặp của nhồi máu cơ tim không ST chênh lên:
- Đau ngực (đau thắt ngực).
- Khó thở hoặc cảm thấy khó thở.
- Đau dạ dày, cảm thấy khó tiêu, ợ chua.
- Buồn nôn, khó chịu.
- Cảm thấy chóng mặt, lâng lâng.
- Ngất xỉu.
- Tim đập nhanh, khó chịu với nhịp tim của mình.
- Cảm thấy tim đang bỏ nhịp hoặc tăng thêm nhịp tim.
Mặc dù ở phụ nữ cũng có gặp các triệu chứng được mô tả ở trên, nhưng thường ít có khả năng xuất hiện các triệu chứng khó chịu (như khó tiêu hoặc đau ở giữa ngực). Phụ nữ nhiều khả năng có các triệu chứng khác như:
- Mệt mỏi, khó thở hoặc mất ngủ trước khi bắt đầu một cơn đau tim.
- Đau lan tỏa đến hàm, cổ, vai, cánh tay, lưng hoặc bụng.
- Buồn nôn và ói mửa.
Nguyên nhân
Bệnh có thể xảy ra do những nguyên nhân nhồi máu cơ tim trực tiếp hoặc gián tiếp.
Nguyên nhân trực tiếp
Một số tình trạng có thể trực tiếp làm giảm lượng máu cung cấp cho tim, như:
- Mảng xơ vữa: Nguồn gốc từ cholesterol trong máu. Tương tự như một đường ống bị tắc nghẽn gây chậm thoát nước, sự tích tụ mảng xơ vữa có thể làm giảm lưu lượng máu đến cơ tim. Các mảng xơ vữa trong động mạch cũng có thể bị xói mòn hoặc vỡ ra, nhanh chóng (trong vài phút đến hàng giờ) thu hẹp hoặc gây tắc động mạch.
- Co thắt mạch: Có một lớp cơ trơn trong các mạch máu làm nhiệm vụ kiểm soát mức độ hẹp hoặc rộng của các mạch đó. Giống như hiện tượng bị chuột rút hoặc co thắt ở cơ chân/lưng, lớp cơ của động mạch vành cũng có thể bị co thắt (được gọi là co thắt mạch). Điều này có thể hạn chế hoặc chặn dòng chảy của máu và gây ra cơn đau tim.
- Thuyên tắc mạch vành: Đây là cục máu đông trôi từ nơi khác đến và mắc kẹt ở trong một động mạch của tim, từ đó làm ngừng một phần hoặc hoàn toàn lưu lượng máu nuôi cơ tim. Đây là những điều cực kỳ hiếm.
Mặc dù được bảo vệ với khung xương của lồng ngực và các cấu trúc khác, trái tim vẫn có thể bị tổn thương với nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến tăng men tim và cần phải phân biệt với nhồi máu cơ tim không ST chênh lên. Những nguyên nhân đó bao gồm:
- Viêm cơ tim: Có thể do nhiễm trùng (thường là do virus) ảnh hưởng đến cơ tim
- Các loại chất độc: Một số chất độc có thể làm tổn thương cơ tim, gây ra các cơn đau tim. Một trong những ví dụ phổ biến nhất là do ngộ độc khí carbon monoxide.
- Chấn thương đụng dập cơ tim: Một chấn thương cơ học gây đụng dập, tổn thương mạch vành và dẫn đến nhồi máu cơ tim không ST chênh lên. Những trường hợp này rất hiếm và thường chỉ xảy ra với những chấn thương nặng như tai nạn xe hơi.
Nguyên nhân gián tiếp
Các nguyên nhân gián tiếp làm gián đoạn nguồn cung cấp máu, bao gồm:
- Tăng huyết áp nghiêm trọng (hay còn gọi là “tăng huyết áp ác tính” hoặc “tăng huyết áp cấp cứu”) và tụt huyết áp (huyết áp thấp). Cơ thể phản ứng tự nhiên với huyết áp thấp bằng cách làm cho tim co bóp mạnh hơn; còn tăng huyết áp cao xảy ra bởi các mạch máu có trở kháng lớn hơn so với lưu lượng máu. Trong cả hai tình huống, tim luôn cố gắng bơm máu mạnh hơn và cần nhiều máu hơn để duy trì mức độ nỗ lực đó.
- Nhịp tim nhanh: Khi một phần hoặc toàn bộ tim co bóp quá nhanh, quá trình bơm máu của tim sẽ ít hiệu quả hơn. Đồng thời, cơ tim cũng có thể cần nhiều oxy hơn lượng máu có thể cung cấp.
- Hẹp van động mạch chủ: Tình trạng này là sự hẹp của van động mạch chủ – van cuối cùng mà máu chảy qua trước khi ra khỏi tim. Ở những người bị hẹp van động mạch chủ nặng, cơ tim phải làm việc rất nhiều để bù đắp chỗ hẹp và có thể cần nhiều oxy hơn lượng máu có thể cung cấp.
- Thuyên tắc phổi: Đây là khi một cục máu đông mắc kẹt trong phổi, ngăn máu đi qua và lấy oxy trước khi quay trở lại tim.
Đối tượng nguy cơ
Một số yếu tố nguy cơ có thể làm tăng khả năng bị nhồi máu cơ tim không ST chênh lên và những yếu tố này có thể nằm trong tầm kiểm soát hoặc không.
Các yếu tố có thể kiểm soát:
- Sử dụng thuốc lá và hút thuốc.
- Chế độ ăn uống, bao gồm cả lượng muối (huyết áp), đường (tiểu đường) hoặc chất béo (cholesterol).
- Mức độ hoạt động thể chất.
- Sử dụng ma túy (đặc biệt là các chất kích thích như amphetamine, cocaine hoặc bất kỳ loại thuốc nào khác ảnh hưởng đến tim).
Những yếu tố không thể kiểm soát:
- Tuổi tác: Tuổi càng lớn, rủi ro càng cao, nguy cơ bị đau tim nhiều hơn
- Giới tính: Đàn ông có xu hướng bị đau tim sớm hơn phụ nữ. Nguy cơ đối với nam giới bắt đầu tăng lên ở tuổi 45, trong khi đối với phụ nữ, nguy cơ này bắt đầu tăng lên ở tuổi 50 (hoặc sau khi mãn kinh, tùy điều kiện nào xảy ra trước)
- Tiền sử gia đình: Nguy cơ sẽ tăng lên sớm hơn nếu người bệnh có cha hoặc anh trai được chẩn đoán mắc bệnh tim hoặc đau tim trước 55 tuổi, hoặc mẹ hoặc chị gái được chẩn đoán tương tự trước 65 tuổi.
- Di truyền hoặc các điều kiện hiện tại khi sinh ra: Một số tình trạng rối loạn trong cơ thể có thể ảnh hưởng đến các hệ thống khác trong cơ thể cũng từ đó làm tăng nguy cơ đau tim. Điều này bao gồm các tình trạng di truyền (di truyền) hoặc bẩm sinh.
Chẩn đoán
Xét nghiệm máu:
- Xét nghiệm Troponin là xét nghiệm quan trọng để chẩn đoán nhồi máu cơ tim không ST chênh lên.
- Ngoài ra, cần thực hiện các xét nghiệm khác như công thức máu, đánh giá chức năng gan thận, điện giải đồ, chức năng tuyến giáp, các chỉ số mỡ máu, sàng lọc bệnh đái tháo đường,…
Chẩn đoán hình ảnh:
- Điện tâm đồ: Có thể thấy sóng ST chênh xuống, T âm nhọn trong cơn đau ngực. Điện tâm đồ không phân biệt được nhồi máu cơ tim không ST chênh lên và cơn đau thắt ngực không ổn định, chẩn đoán phân biệt cần dựa vào xét nghiệm men tim.
- Siêu âm tim: Có thể thấy giảm hoặc mất vùng vận động cơ tim, rối loạn chức năng tâm thất, ngoài ra có thể thấy các tổn thương van tim, các nguyên nhân gây đau ngực khác.
- Chụp cắt lớp vi tính động mạch vành: Được khuyến cáo chỉ định ở bệnh nhân có khả năng mắc bệnh động mạch vành thấp, trung bình, điện tim hay xét nghiệm men tim cho kết quả trong giới hạn bình thường.
- Chụp động mạch vành qua da: Được khuyến cáo chỉ định ở bệnh nhân có khả năng mắc bệnh động mạch vành cao, rất cao.
Cần chẩn đoán phân biệt nhồi máu cơ tim không ST chênh lên với nhồi máu cơ tim có ST chênh lên, bóc tách động mạch chủ, thuyên tắc động mạch phổi, viêm – tràn dịch màng ngoài tim, đau ngực do các bệnh lý về phổi – màng phổi, thần kinh liên sườn, các bệnh thực quản – dạ dày,…
Phòng ngừa bệnh
Một số điều tốt nhất có thể làm để tránh nhồi máu cơ tim cấp không ST chênh lên, bao gồm:
- Duy trì cân nặng hợp lý.
- Thực hiện chế độ ăn uống cân bằng (như chế độ ăn Địa Trung Hải đặc biệt tốt cho sức khỏe tim mạch).
- Duy trì hoạt động thể chất (tập thể dục ít nhất 150 phút mỗi tuần, cường độ vừa phải).
- Quản lý tình trạng sức khỏe đã có. Nếu dùng thuốc cho bất kỳ tình trạng nào, hãy đảm bảo tiếp tục dùng đúng theo hướng dẫn.
- Bỏ thuốc lá sẽ đặc biệt hữu ích trong việc ngăn ngừa cơn đau tim.
Điều trị như thế nào?
Việc điều trị tất cả các cơn nhồi máu cơ tim đều nhằm mục đích phục hồi lưu lượng máu càng nhanh càng tốt. Các phương pháp điều trị có thể thực hiện theo trình tự hoặc đồng thời. Một số phương pháp điều trị nhồi máu cơ tim ST không chênh bao gồm:
Can thiệp mạch vành qua da (Percutaneous Coronary Intervention – PCI)
Can thiệp mạch vành qua da (nong mạch vàng) là một thủ thuật trong đó bác sĩ sẽ đưa thiết bị gọi là ống thông vào mạch máu ở cổ tay hoặc gần đùi. Sau đó, bác sĩ sẽ luồn dây dẫn có thiết bị vào tim và động mạch vành, bắt đầu thổi phồng một quả bóng ở đầu thiết bị, giúp thông tắc nghẽn.
Tiếp theo là đặt stent, một thiết bị giúp giữ cho mạch máu mở. Phương pháp này có hiệu quả tốt nhất khi được thực hiện sớm.
Thuốc điều trị
Một số loại thuốc điều trị cho tình trạng nhồi máu cơ tim không ST chênh bao gồm:
- Aspirin hoặc các thuốc chống kết tập tiểu cầu khác: Những loại thuốc này ngăn chặn các tiểu cầu tụ lại với nhau và hình thành cục máu đông.
- Thuốc chống đông máu: Giống như thuốc kháng tiểu cầu, những thuốc này cũng cản trở quá trình đông máu, nhưng nó can thiệp vào chính quá trình đông máu chứ không phải tiểu cầu.
- Thuốc ức chế men chuyển (ACE): Có tác dụng giãn mạch, giảm sức cản ngoại vi, hạ huyết áp và bảo vệ tim mạch khỏi hiện tượng tái cấu trúc.
- Thuốc chẹn beta: Những loại thuốc này làm chậm nhịp tim và khiến tim dùng ít lực bơm máu hơn. Cả hai tác dụng này đều quan trọng vì chúng làm giảm lượng oxy mà tim cần bằng cách giảm bớt hoạt động của nó. Những loại thuốc này không được chỉ định nếu người bệnh mắc các bệnh như huyết áp thấp, suy tim hoặc loạn nhịp tim.
- Nitroglycerin: Thuốc này có tác dụng giãn mạch, giúp cải thiện lưu lượng máu, đặc biệt hiệu quả trong điều trị triệu chứng đau thắt ngực do thiếu máu cục bộ cơ tim.
- Statin: Những loại thuốc này làm giảm lượng cholesterol trong máu và chống viêm, giúp giảm nguy cơ mảng bám trong động mạch vành diễn tiến trầm trọng hơn.
Phẫu thuật bắc cầu động mạch vành (Coronary Artery Bypass Grafting – CABG)
Trong trường hợp có nhiều nhánh động mạch vành bị hẹp hoặc tắc nghẽn, bác sĩ sẽ ưu tiên phẫu thuật hơn là các phương pháp khôi phục lưu lượng máu khác. Phẫu thuật này được gọi là phẫu thuật bắc cầu động mạch vành (thường được viết tắt là CABG).
Trong CABG, bác sĩ sẽ lấy mạch máu từ nơi khác trong cơ thể. Sau đó, họ sử dụng mạch máu đó để tạo ra một đường vòng quanh nhánh động mạch vành bị hẹp hoặc tắc để máu được lưu thông.
Hi vọng những chia sẻ trên sẽ giúp các bạn hiểu hơn về nhồi máu cơ tim không ST chênh lên.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc Chuyên viên y tế để được tư vấn cho từng trường hợp Bệnh cụ thể, không tự ý làm theo hướng dẫn của bài viết.