Có thể thấy, tá tràng là một trong các bộ phận đóng vai trò quan trọng trong hệ tiêu hóa của cơ thể chúng ta. Bệnh lý viêm tá tràng làm cho chúng không đảm bảo chức năng của mình. Vậy người bị viêm tá tràng nên ăn uống như thế nào? Mời bạn tìm hiểu bài viết dưới đây.
Nguyên tắc cơ bản của chế độ ăn uống cho người bị viêm tá tràng
Chế độ ăn cho những người mắc bệnh dạ dày tá tràng nhằm mục đích làm giảm tiết acid, giảm tác dụng của acid dạ dày tiết ra tới niêm mạc dạ dày, hạn chế hoặc loại bỏ những kích thích có hại để dạ dày nghỉ ngơi giúp các tổn thương mau lành.
Những nguyên tắc trong thực hiện chế độ dinh dưỡng giúp tiêu hóa thức ăn tốt hơn, hấp thụ hiệu quả hơn cần thực hiện bao gồm:
- Thức ăn nên thái nhỏ, nấu chín kỹ, mềm, chế biến luộc, hấp hay om giúp cho người đau dạ dày dễ tiêu hóa và dễ hấp thu hơn các món xào, rán.
- Ăn chậm và nhai kỹ, tránh vừa ăn vừa đọc sách, báo, xem phim, … để giúp gia tăng bài tiết của nước bọt, tiêu hoá dễ dàng hơn.
- Nên ăn nhiều bữa nhỏ trong ngày giúp dạ dày thường xuyên có thức ăn để trung hòa được acid.
- Không để bụng quá đói làm dạ dày rỗng, co bóp mạnh hơn gây đau, thậm chí chảy máu; hoặc ăn quá no khiến dạ dày dạ dày căng to, co bóp yếu ảnh hưởng đến quá trình nhào trộn thức ăn, tăng cọ xát làm gia tăng cơn đau.
- Tránh ăn quá đặc làm dịch vị khó thấm vào giữa khối thức ăn, hoặc ăn quá lỏng và nhiều nước quá làm pha loãng dịch vị, giảm khả năng tiêu hóa.
- Tránh ăn thức ăn quá nóng hoặc quá lạnh đều làm dạ dày co bóp mạnh hơn gây đau. Thức ăn ấm khoảng 40-50 độ C tốt cho tiêu hóa – hấp thu.
- Ăn xong không nên lao động nặng hay chạy nhảy ngay.
- Trong trường hợp viêm dạ dày cấp tính cần có thời gian cho dạ dày lành vết thương, vì vậy có thể nhịn ăn trong vòng 24-48 giờ vì thức ăn vào dạ dày sẽ kích thích tiết acid càng làm loét vết thương: Chỉ nên uống nước khoáng với số lượng vừa phải để khỏi khát và mất nước. Sau thời gian nhịn ăn nên ăn súp nấu với rau, thịt nghiền; uống sữa hoặc ăn kem với năng lượng từ 1200-1300 calo. Mỗi lần ăn với số lượng ít và ăn nhiều lần cách nhau 1 giờ. Sau đó dần dần tăng số lượng cho đến khi không còn triệu chứng đau bụng, đầy hơi, ợ hơi, ợ chua thì ăn uống gần như bình thường.
- Trong trường hợp viêm dạ dày mạn tính, người bệnh thường bị thiếu dinh dưỡng do sự tiêu hoá hấp thu kém, không hấp thu được các loại vitamin cần thiết, đặc biệt là vitamin B12 và sắt, chất đạm, dẫn tới thiếu máu. Chế độ ăn cần phải cung cấp đầy đủ năng lượng và chất đạm, đặc biệt cần bổ sung thêm các loại vitamin và muối khoáng như: acid folic, vitamin A, D, K, canxi, Fe, Zn, Mg.
Viêm tá tràng nên ăn gì?
Nên tăng cường các thực phẩm có tác dụng bảo vệ niêm mạc dạ dày, các thực phẩm giúp cho việc chữa lành các vết loét hoặc có khả năng giúp giảm tiết acid và các thực phẩm giàu vitamin, khoáng chất. Sau đây là một số loại thực phẩm nên ăn ở người bị viêm loét dạ dày – tá tràng:
- Sữa, trứng: có tác dụng đệm trung hòa acid trong dạ dày. Những thực phẩm như sữa bò, sữa hộp, bơ, pho mát có tác dụng trung hòa axit, giảm đau hiệu quả.
- Thực phẩm giàu đạm như: Thịt động vật, cá, trứng, bơ, các sản phẩm từ đậu nành, đậu hà lan…Các loại thực phẩm này vì nó có tác dụng làm liền các vết loét trên niêm mạc dạ dày-tá tràng và các tế bào khác bị tổn thương.
- Rau củ: Rau củ tươi có thể cung cấp rất nhiều vitamin có lợi cho sức khỏe đặc biệt có thể cải thiện tình trạng viêm loét của niêm mạc dạ dày. Rau củ nên dùng rau non luộc hoặc nấu dạng súp, các loại rau củ phải ăn chín. Không nên ăn sống, có thể sử dụng các loại rau củ nhưng không nên dùng ớt.
- Thực phẩm ít mùi vị như tinh bột gồm: Cơm, bánh mì, các loại khoai củ, cháo…
- Dầu ăn sống (các loại dầu thực vật) có tác dụng làm giảm bài tiết dịch vị (với số lượng ít). Có thể trộn cùng rau quả để giúp người bệnh dễ ăn hơn
- Trái cây: Hầu hết các loại trái cây đều tốt cho người mắc bệnh lý dạ dày tá tràng. Trong đó chuối là một loại quả mà người bị bệnh về dạ dày nên ăn vì trong chuối có rất nhiều dưỡng chất có lợi cho sức khỏe và có thể hạn chế được sự phát triển của vi khuẩn HP cũng như làm tăng lượng chất nhầy sản sinh giúp bảo vệ niêm mạc dạ dày. Tuy nhiên nên ăn chuối sau các bữa ăn, tránh ăn khi đói.
- Nghệ: Nghệ là phương thuốc phổ biến dành cho một loạt vấn đề sức khỏe liên quan đến hệ tiêu hóa, bao gồm cả viêm loét dạ dày. Curcumin là hoạt chất có nhiều ở nghệ giúp giảm đau và đẩy nhanh quá trình phục hồi của những vết loét.
Viêm tá tràng kiêng ăn gì?
Khi bị bệnh chức năng của dạ dày sẽ bị suy giảm vì vậy người bệnh hạn chế một số loại thức ăn không nên ăn để không làm ảnh hưởng đến quá trình phục hồi chức năng của dạ dày. Một số thực phẩm mà người mắc bệnh dạ dày tá tràng không nên ăn bao gồm:
- Các loại thực phẩm có chứa nồng độ cồn cao và cà phê: Khi ăn uống đồ này sẽ làm tăng khả năng tiết axit trong dạ dày gây ra tình trạng đau dạ dày thường xuyên hơn. Ngoài ra, các thức uống này làm chậm sự liền vết thương tại niêm mạc dạ dày và tá tràng. Các loại thức uống không nên uống như: Rượu, bia, cà phê, coca…
- Thức ăn có nhiều dầu mỡ, đồ cay nóng, đồ có nhiều gia vị cay nóng: Các loại thực phẩm ăn vặt như đồ chiên rán, hay các món xào cùng các gia vị cay nóng như ớt, hạt tiêu….sẽ làm tăng khả năng kích ứng dạ dày, tăng tiết dịch vị từ đó khiến cho các vết loét trên niêm mạc lan rộng ra xung quanh khiến cho bệnh trở nên nghiêm trọng hơn.
- Kiêng ăn các loại thực phẩm giàu axit: Khi ăn các loại thực phẩm có hàm lượng axit cho dạ dày bị kích thích làm ảnh hưởng đến các vết thương, vết loét…khiến cho quá trình tự làm liền chậm hơn. Các loại thực phẩm có hàm lượng axit cao bao gồm một số loại quả chua như: Chanh, nước ép một số loại hoa quả, cam, dâu, xoài….
- Các loại thịt nguội chế biến sẵn như: Dăm bông, thịt hun khói, lạp xưởng, xúc xích và các loại nước sốt…
- Những thức ăn cứng, dai gây cọ xát niêm mạc dạ dày như: Thịt nhiều gân, sụn, quả sống…
- Các loại thức ăn như dưa cà, hành muối, quả đu đủ chín cũng không nên ăn.
- Các loại đồ ăn vặt: Những đồ ăn vặt khó tiêu như khoai tây chiên, bỏng ngô, bim bim…Những thực phẩm này không nên ăn.
- Nhưng thức ăn lạnh hoặc quá nóng: Những thức ăn lạnh quá làm co bóp cơ dạ dày mạnh hơn, còn thức ăn nóng quá lại làm cho niêm mạc xung huyết và co bóp mạnh hơn dễ tổn thương dạ dày hơn. Do vậy nhiệt độ thích hợp để thức ăn dễ tiêu hóa và hấp thu là khoảng từ 40 đến 50 độ C.
Tóm lại, để không phải đối diện với các bệnh lý liên quan, việc bảo vệ thật tốt sức khỏe của tá tràng nói riêng và hệ tiêu hóa nói chung là điều rất cần thiết. Hãy thực hiện một chế độ ăn uống khoa học, không chỉ giúp ngăn ngừa các cơn đau dạ dày tái phát mà còn giúp tăng hiệu quả trong quá trình điều trị. Khi bị bệnh, người bệnh nên thực hiện chế độ ăn uống phù hợp nhất để phòng và hạn chế sự tái phát bệnh.