Nám da (mảng màu nâu, xám nâu) thường xuất hiện trên má, cằm, sống mũi, trán, môi trên, gặp ở phụ nữ nhiều hơn nam giới. Có nhiều yếu tố gây nám da, trong đó nội tiết tố cũng ảnh hưởng đến quá trình hình thành nám. Hãy cùng Pharmacity tìm hiểu về nám nội tiết qua bài viết dưới đây.
Tổng quan chung
Estrogen hay nội tiết tố nữ là sự tổng hợp của 3 chất: estron, estradiol và estriol và được kí hiệu là E1, E2, E3. Estrogen được biết đến là một loại hormone kỳ diệu, đóng vai trò quan trọng đối với chị em phụ nữ. Hormone này giúp cơ thể người phụ nữ điều hoà hệ sinh dục, mái tóc, làn da, đường cong cơ thể và kiểm soát hormone MSH (Melanocyte stimulating hormone) – hormone kích thích sản sinh melanin dưới da.
Bước vào độ tuổi lão hoá, estrogen trong cơ thể người phụ nữ được tạo ra chậm hơn trước, gây mất cân bằng nội tiết tố, và đây chính là nguyên nhân gây ra sự tăng sinh melanin dẫn đến tình trạng nám nội tiết.
Nám nội tiết hay còn gọi là nám chân sâu là các vùng sắc tố mọc tập trung lại thành từng nốt tròn trên bề mặt da có chân ăn sâu vào bên trong các lớp cấu trúc da mà chủ yếu là lớp màng đáy của lớp thường bị, đôi khi ăn sâu xuống đến lớp trung bì.
Triệu chứng
Nám nội tiết có dạng các đốm nhỏ, màu vàng nhạt hoặc đậm màu hơn vùng lân cận. Các nốt nám có kích thước không đều, xen lẫn với nhau, nếu không điều trị sớm sẽ phát triển lan nhanh sang các vùng da khác. Nám do nội tiết thường xuất hiện ở 2 bên gò má, thái dương, trán, mũi, cánh mũi.
Tùy vào tình trạng rối loạn nội tiết bên trong cơ thể mà mức độ nám biểu hiện trên bề mặt da khác nhau. Ngoài ra, nám nội tiết còn có một số biểu hiện khác như:
- Chu kỳ kinh nguyệt thay đổi, không đều hoặc ít dần theo thời gian.
- Buồng trứng, cổ tử cung, âm đạo nhỏ dần, các tuyến ít tiết ra chất nhầy, có cảm giác đau rát khi quan hệ tình dục.
- Có các dấu hiệu rối loạn thần kinh như: lo lắng, buồn bực, khó chịu, tim đập nhanh, tính thay đổi thất thường…
- Da bắt đầu lão hóa: mất độ đàn hồi, đen sạm, nhăn da…
Nguyên nhân
Phụ nữ sau sinh, tiền mãn kinh, người sử dụng thuốc tránh thai hay kháng sinh liên tục sẽ thường bị nám nội tiết. Nguyên nhân vì:
- Phụ nữ sau sinh: Trong thời gian mang thai, lượng estrogen trong cơ thể người phụ nữ tăng nhanh chóng để bảo vệ thai nhi. Sau khi sinh con xong, estrogen suy giảm đột ngột dẫn đến tình trạng rối loạn nội tiết.
- Phụ nữ sử dụng thuốc tránh thai: Thành phần progestin có trong thuốc tránh thai không chỉ gây giữ nước mà còn góp phần không nhỏ trong việc kích thích hình nám da. Khi các đốm nám này tiếp xúc với ánh nắng mặt trời sẽ trở nên đậm màu và lan rộng hơn.
- Stress, mệt mỏi: Yếu tố tâm lý, cảm xúc có ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe và vẻ đẹp làn da. Hormone estrogen do não bộ chỉ đạo buồng trứng tiết ra, chính vì vậy khi não bộ rơi vào tình trạng căng thẳng, hoạt động của buồng trứng cũng sẽ bị tác động gây đảo lộn nội tiết tố
Đối tượng nguy cơ
Một số đối tượng có nguy cơ bị bệnh như:
- Các loại da sẫm màu dễ nám hơn so với các loại da sáng, phổ biến ở các loại da nâu sáng.
- Nữ có khả năng bị nám gấp 9 lần nam, ít gặp trước tuổi dậy thì nhưng phổ biến trong độ tuổi sinh sản.
- Nám da có thể xuất hiện khoảng 15% – 50% ở người mang thai.
- Người bị rối loạn nội tiết tố.
Chẩn đoán
Khi xuất hiện nám trên da, người bệnh nên đến gặp bác sĩ nội tiết để được hướng dẫn cách cân bằng nội tiết nhờ chế độ ăn uống, sử dụng thuốc hợp lý và kết hợp với bác sĩ da liễu, bác sĩ nội tiết đái tháo đường để khám, quan sát kỹ tình trạng da, tìm nguyên nhân gây nám để chẩn đoán nám da do nội tiết tố hay nám do nắng.
Bác sĩ sẽ sử dụng thêm thiết bị soi da hoặc máy soi da có tích hợp phần mềm phân tích da để xác định được mức độ sâu của nám. Nếu trường hợp khó phân biệt với các bệnh về da khác, bác sĩ sẽ làm thêm một số xét nghiệm chuyên sâu để xác định nguyên nhân gây nám để có phương pháp điều trị phù hợp.
Phòng ngừa bệnh
Sau 30 tuổi, nội tiết tố ở nữ sẽ bắt đầu giảm dần, ít sản sinh hơn. Vì vậy, hãy sống lạc quan, thoải mái, bảo vệ làn da, tăng cường tập thể dục để làm chậm lại tốc độ lão hoá, duy trì sắc đẹp.
Điều trị nám nội tiết là quá trình lâu dài để tác động cả bên trong, bên ngoài nên cần ngừa nám nội tiết để bảo vệ sức khỏe tốt hơn. Các phương pháp để phòng ngừa bị nám da nội tiết tố, bao gồm:
- Hạn chế stress: nếu căng thẳng kéo dài sẽ làm tăng estrogen làm rối loạn nội tiết tố trong cơ thể nên cần giữ tinh thần thoải mái, nghỉ ngơi, thư giãn hợp lý, tập thể dục thường xuyên để tăng cường sức đề kháng tốt hơn.
- Bổ sung đầy đủ dưỡng chất: ăn đa dạng các loại thực phẩm, nhất là các thực phẩm giúp cân bằng hormone estrogen như: đậu nành, các sản phẩm từ đậu nành.
- Dùng kem chống nắng đều đặn hàng ngày kể cả khi không phải đi ngoài trời nắng.
- Hạn chế sử dụng chất kích thích caffeine (trà, cà phê, ca cao…): tuy caffeine giúp tập trung, tỉnh táo nhưng gây rối loạn nhịp tim và quá trình tiêu hóa, ảnh hưởng đến sự cân bằng nội tiết tố.
- Chất lượng giấc ngủ: ngủ đủ giấc, ngủ sâu giúp ổn định sự cân bằng hormone, tái tạo nguồn năng lượng mới, giúp phục hồi cơ thể sau một ngày làm việc.
Điều trị nám nội tiết như thế nào?
Do tình trạng nám từ bên trong cơ thể, nên để điều trị nám nội tiết hiệu quả cần điều trị từ trong ra ngoài. Tức là phải điều trị nguyên nhân từ bên trong, giúp cơ thể cân bằng nội tiết và dùng các biện pháp hỗ trợ điều trị triệu chứng trên da.
Bệnh nhân nám nội tiết có thể được chỉ định một số liệu pháp:
- Bổ sung estrogen: Nên dùng các sản phẩm giàu estrogen từ thực vật (đậu nành và các chế phẩm từ đậu nành…) để có được estrogen tự nhiên. Các loại estrogen tổng hợp không nên sử dụng vì có nguy cơ gây tác dụng phụ, điển hình là ung thư vú.
- Bổ sung omega – 3: Các chất béo lành mạnh đến từ dầu dừa, bơ, chế phẩm bơ từ động vật ăn cỏ, cá biển béo, cá hồi tự nhiên, hạt lanh, hạt chia, hạt óc chó, cà rốt, khoai tây nên bổ sung vào thực đơn hằng ngày giúp cải thiện tình trạng nám nội tiết.
- Không nên sử dụng chất béo đến từ dầu thực vật như dầu hướng dương, ngô, cải dầu, đậu tương và đậu phộng giàu omega – 6.
- Tránh xa chất kích thích: Cà phê, trà, rượu, bia…
- Tránh căng thẳng, ngủ đủ giấc.
- Sử dụng kem chống nắng mỗi ngày, ngay cả khi không đi ra ngoài trời. Nên chọn kem chống nắng có chỉ số SPF 30+ trở lên.
Một số thuốc trị nám da bên ngoài kết hợp:
- Hydroquinone: Tùy tình trạng nám và cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ, bác sĩ sẽ chỉ định nồng độ hydroquinone 2% (được dung nạp tốt ít nguy cơ kích ứng da, nhưng hiệu quả chậm) hoặc nồng độ 3 – 5% (có hiệu quả cao nhưng cũng có nguy cơ cao hơn). Dùng ở nồng độ cao cần có sự giám sát của bác sĩ. Thời gian sử dụng thuốc ở mỗi bệnh nhân là khác nhau. Nhưng thực tế lâm sàng cho thấy, thuốc hiệu quả sau khi sử dụng từ 5-7 tuần. Quá trình sử dụng có thể kéo dài từ 3 tháng 1 năm. Nên ngừng thuốc thông báo với bác sĩ nếu khi dùng thuốc gặp phải một số vấn đề: Viêm da tiếp xúc kích ứng, tăng sắc tố sau viêm…
- Ascorbic Acid (vitamin C): Có tác dụng chống nám và có tác dụng chống dưỡng hoá mạnh.
- Một số thuốc có kết hợp corticoid như corticosteroid + hydroquinine có tác dụng nhanh nhưng cần được bác sĩ giám sát khi dùng. Thuốc không được dùng trong thời gian dài.
Để điều trị nám nội tiết hiệu quả và an toàn, tránh tình trạng nám nặng hơn, hoặc gây nguy cơ sang một số bệnh khác, bệnh nhân cần đến chuyên khoa nội tiết nhận được lời khuyên đúng đắn nhất.
Trên đây là những chia sẻ về nám nội tiết. Hy vọng bài viết sẽ đem lại nhiều thông tin hữu ích cho bạn đọc.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc Chuyên viên y tế để được tư vấn cho từng trường hợp Bệnh cụ thể, không tự ý làm theo hướng dẫn của bài viết.