Mụn thường được hiểu là vấn đề da liễu xuất hiện phổ biến ở nhiều độ tuổi. Tuy nhiên, tùy theo dạng mụn cũng như là vị trí mọc mà chúng có thể là biểu hiện của bệnh trong người. Hãy cùng Pharmacity tìm hiểu về mụn qua bài viết dưới đây.
Tổng quan chung
Mụn là tình trạng xuất hiện các nốt có kích thước khác nhau trên mặt, lưng, ngực, cổ, cằm, bả vai, mông, bộ phận sinh dục,… Mụn có thể nổi cộm lên trên da, không gây đau (tình trạng nhẹ), sưng tấy đỏ (tình trạng trung bình) hoặc rất đau và nghiêm trọng, có bọc mủ (tình trạng nặng). Đây là một trong những bệnh lý về da liễu thường gặp, xuất hiện do nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu là do hoạt động của nội tiết tố kết hợp với một số tác nhân khiến lỗ chân lông bị tắc nghẽn.
Triệu chứng
Dựa trên nguyên nhân và các triệu chứng, mụn được chia thành nhiều loại bao gồm:
- Mụn trứng cá: Mụn có đầu trắng nếu lỗ chân lông kín, mụn có đầu màu đen nếu lỗ chân lông hở. Mụn trứng cá gây sưng đỏ, mụn nhọt, mụn mủ, có các khối u lớn rắn gây đau và viêm, chứa đầy mủ bên dưới da.
- Mụn ẩn: Phát triển ở sâu dưới nang lông, mụn nổi cục nhỏ li ti, không gây viêm sưng hay đau.
- Mụn đầu đen: Dễ nhận biết do có màu tối xuất hiện trên da, hơi nhô lên, không gây đau, không viêm.
- Mụn bọc: Có biểu hiện là các nốt mụn sưng đỏ, cứng xung quanh, nhân mụn có dịch màu vàng hoặc trắng, mủ, chạm vào đau, dễ vỡ và để lại vết thâm lâu.
- Mụn trứng cá đỏ: Những mụn màu đỏ, thường ở quanh mũi và miệng, gây đau và ngứa.
Nguyên nhân
Bốn nguyên nhân chính gây ra mụn bao gồm:
- Da tiết nhờn quá nhiều, tắc nghẽn nang lông do dầu và tế bào chết
- Da bị nhiễm khuẩn
- Viêm da
- Chăm sóc da không đúng cách, lạm dụng mỹ phẩm.
Tình trạng mụn có thể nặng hơn do một số lý do:
- Do nhiễm trùng: Vi khuẩn P. acnes (Propionibacterium acnes) là nguyên nhân chính gây mụn trứng cá thông thường, trong khi vi khuẩn Demodex là nguyên nhân chính gây ra mụn trứng cá đỏ.
- Thay đổi nội tiết tố: nội tiết tố thay đổi nhiều trong độ tuổi dậy thì và ở độ tuổi trung niên đặc biệt là phụ nữ trong thời kỳ tiền mãn kinh, khiến cho tuyến bã nhờn mở rộng và tiết ra nhiều. Nhờn tiết ra nhiều, cùng với việc chăm sóc da không đúng có thể dẫn đến nổi mụn.
- Sử dụng thuốc: Thuốc chứa corticosteroid, testosterone, lithium… cũng có thể gây ra mụn.
- Chế độ ăn: Tiêu thụ thực phẩm giàu carbohydrate (đường, tinh bột) như bánh mì ngọt, khoai tây chiên, bánh ngọt… có thể làm tình trạng mụn trở nên trầm trọng hơn.
- Căng thẳng: Không gây ra mụn nhưng nếu đang bị mụn thì căng thẳng có thể làm tình trạng mụn trở nên xấu hơn.
- Chăm sóc da không đúng cách: Da không được vệ sinh sạch tạo điều kiện cho vi khuẩn gây mụn phát triển, da suy yếu dễ nổi mụn.
- Lạm dụng mỹ phẩm: mỹ phẩm giúp bảo vệ da và cung cấp các chất dưỡng ẩm cho da nhưng việc sử dụng mỹ phẩm kém chất lượng hay mỹ phẩm không phù hợp với da trong thời gian dài khiến da dễ kích ứng, lỗ chân lông bít tắc và hình thành mụn.
Đối tượng nguy cơ
Người có nguy cơ bị nổi mụn bao gồm:
- Phụ nữ ở thời kỳ tiền mãn kinh
- Trẻ em đang trong độ tuổi dậy thì
- Người bị rối loạn nội tiết
- Người thường xuyên bị stress căng thẳng
- Người làm việc trong môi trường ô nhiễm
- Người có làn da dầu và ít chăm sóc da
- Người sử dụng mỹ phẩm kém chất lượng
- Người chăm sóc da sai cách
Chẩn đoán
Mụn được chẩn đoán bằng cách xác định các tổn thương. Tổn thương mụn có thể là mụn không viêm mở hoặc đóng (mụn đầu đen và mụn đầu trắng) đến các tổn thương viêm, trong đó có thể là các sẩn (papule), mụn mủ (pustule) hoặc nốt (nodule). Tổn thương có nhiều khả năng xảy ra trên mặt, cổ, ngực và lưng, nơi có mật độ cao hơn của các tuyến bã nhờn. Các vấn đề da khác có thể có biểu hiện giống tổn thương mụn trứng cá và cũng có thể được gọi là mụn nhưng chúng không có nhân. Chẩn đoán mụn dựa trên các loại tổn thương và mức độ nghiêm trọng của chúng, giúp quyết định phương pháp điều trị sẽ tiến hành.
Phòng ngừa bệnh
Để ngăn ngừa và điều trị mụn hiệu quả, bạn cần chú ý:
Duy trì lối sống lành mạnh, khoa học
Xây dựng một chế độ sinh hoạt khoa học và điều độ giúp ngăn ngừa mụn, thu nhỏ lỗ chân lông và làn da của bạn sẽ trở nên mịn màng, tươi sáng hơn. Cụ thể, bạn nên:
- Cố gắng ngủ đủ giấc, hạn chế việc thức khuya
- Không sử dụng chất kích thích, đồ ăn cay nóng, nhiều dầu mỡ,… vì chúng dễ gây kích ứng làn da, làm tắc nghẽn lỗ chân lông dẫn đến mụn trứng cá
- Tăng cường ăn thực phẩm từ tự nhiên, không chất bảo quản và ít chất béo như rau củ quả, trái cây tươi và uống đủ nước để cung cấp đủ vitamin và khoáng chất cho da
- Giữ cho tinh thần thoải mái, tránh căng thẳng để thu nhỏ lỗ chân lông, tránh nổi mụn do stress.
Bên cạnh việc điều chỉnh các rối loạn nội tiết (nếu có), người bị mụn trứng cá có thể sử dụng thuốc bôi có thành phần kháng viêm không steroid, kết hợp dùng kháng sinh dạng gel hoặc dạng uống có công dụng điều trị mụn, ngăn ngừa viêm nhiễm (theo chỉ định của bác sĩ da liễu). Với mụn cám hay mụn đầu đen, bạn có thể xông mặt bằng nước rau mùi, tẩy tế bào chết bằng acid citric, dùng serum trị mụn hoặc dùng máy rửa mặt kết hợp với mặt nạ tinh than tre,…
Tẩy trang, làm sạch da thật kỹ
- Nên rửa mặt 2 lần/ngày bằng loại sữa rửa mặt phù hợp với làn da của mình.
- Không nên rửa mặt quá 3 lần/ngày với sữa rửa mặt để tránh gây mất cân bằng độ ẩm da, dẫn tới nổi mụn.
- Vào cuối ngày, nên tẩy trang sạch sẽ để loại bỏ bụi bẩn, vi khuẩn và lớp trang điểm trên da. Sau đó, dùng nước hoa hồng để làm sạch sâu, se khít lỗ chân lông và cân bằng độ ẩm cho da tốt hơn.
- Đặc biệt, sau khi rửa mặt, có thể sử dụng đá lạnh chườm lên mặt để thu nhỏ lỗ chân lông tốt hơn.
Chăm sóc da đúng cách
- Cần chú ý điều trị các loại mụn kịp thời, áp dụng đúng phương pháp và tuyệt đối không được nặn mụn, vì việc này sẽ càng làm da bị tổn thương nhiều hơn, lỗ chân lông to hơn, dễ gây viêm nhiễm hơn.
- Đắp mặt nạ đất sét ít nhất 1 lần/tuần là biện pháp hiệu quả để giúp loại bỏ dầu thừa trên da, làm thông thoáng các lỗ chân lông bị tắc nghẽn.
- Nên tẩy da chết thường xuyên và nhẹ nhàng để tạo điều kiện cho da được tái tạo liên tục. Tẩy da chết và xông mặt khoảng 2 – 3 lần/tuần sẽ giúp làn da thêm sáng mịn, lỗ chân lông được se khít.
- Nếu sở hữu làn da dầu, bạn nên sử dụng giấy thấm dầu mỗi 3 tiếng/lần để lấy đi dầu thừa trên da, ngăn cản hiện tượng tắc nghẽn lỗ chân lông. Vùng da ở mũi, má và trán thường có lỗ chân lông to, cần thấm dầu thường xuyên hơn. Ngoài ra, từ tuổi 25, bạn cũng nên sử dụng các loại kem chống lão hóa để giúp da thêm khỏe mạnh, tươi trẻ và hạn chế tình trạng lỗ chân lông to, nổi mụn.
Sử dụng mỹ phẩm phù hợp với làn da
- Nên ưu tiên mỹ phẩm có thành phần lành tính, chiết xuất từ thiên nhiên, nguồn gốc rõ ràng, có khả năng thẩm thấu nhanh và không gây nhờn bóng.
- Tránh dùng mỹ phẩm kém chất lượng để giảm nguy cơ da bị kích ứng, nổi mụn.
- Trường hợp da bị kích ứng thì bạn nên ngừng lại, để da nghỉ ngơi một thời gian rồi chuyển sang lại khác.
- Những sản phẩm có chứa kẽm và magie được khuyến nghị nên sử dụng vì giúp cân bằng dầu trên da, làm sạch và thu nhỏ lỗ chân lông.
- Một số sản phẩm có thành phần và lá hương thảo và hoa oải hương cũng rất tốt cho da mụn, vì nó giúp làm dịu làn da bị kích ứng, ngăn chặn tình trạng lỗ chân lông bị kéo giãn ra.
- Các sản phẩm có thành phần là axit salicylic, retinol hoặc retinoid cũng giúp lỗ chân lông thông thoáng.
Luôn sử dụng kem chống nắng
- Nên thoa kem chống nắng mỗi ngày bằng các sản phẩm có chỉ số SPF từ 30+ trở lên để ngừa mụn, bảo vệ da.
- Khi đi ra ngoài trời nắng, bạn nên mặc thêm áo khoác chống nắng, đội mũ rộng vành, mang kính mát để bảo vệ da tối đa.
- Tốt nhất, nếu được thì bạn nên tránh ra ngoài trời nắng trong khoảng thời gian từ 10:00 – 16:00 hằng ngày.
Điều trị như thế nào?
Các phương pháp điều trị hiện nay nhằm mục đích kiểm soát tình trạng khối u hình thành và lây lan sang nhiều vị trí khác nhau, hạn chế để lại sẹo thâm, sẹo rỗ hoặc những tổn thương trên da.
Thuốc
Khi bạn đã sử dụng nhiều phương pháp điều trị khác nhau nhưng không hiệu quả thì các bác sĩ sẽ kê thuốc. Thuốc trị mụn sẽ hạn chế quá trình tiết dịch của tuyến nhờn, tăng cường sự chuyển hóa trên tế bào da, chống viêm nhiễm hay sự xâm nhập của vi khuẩn, ngăn ngừa sự hình thành sẹo,…
Các loại thuốc kháng khuẩn, kháng sinh thường phát huy công dụng trong điều trị hoặc kết hợp với một số chế phẩm nhằm giảm sự sừng hóa tế bào. Đặc biệt, không sử dụng thuốc Corticosteroid trong trường hợp này bởi sẽ làm cho tình trạng bệnh lý trở nên nghiêm trọng hơn.
Một số thuốc có thể được bác sĩ kê trong toa dành cho bệnh nhân hiện nay bao gồm:
- Retinoid là thuốc bôi dạng kem, có nguồn gốc từ Vitamin A, có chứa thành phần như Retin-A, Dipin, Tazarotene,… Thời gian đầu thì tốt nhất bạn nên dùng cách nhật, 3 lần/tuần cho đến khi da quen với thuốc thì bôi thường xuyên hơn. Thuốc có tác dụng nở to, làm thông thoáng lỗ chân lông, ngăn ngừa khả năng hình thành của các khối u chứa bã nhờn trên da.
- Thuốc kháng sinh có thể dùng kết hợp với Retinoid hoặc Benzoyl Peroxide như Clindamycin, Erythromycin để điều trị mụn trong thời gian vài tháng đầu. Ngoài dạng bôi thì có thể sử dụng thuốc kháng sinh qua đường uống như Tetracycline, Doxycycline, Macrolid,…
- Axit Azelaic là một loại axit tự nhiên có đặc tính kháng khuẩn, chống viêm hiệu quả. Một số loại thuốc bôi có chứa từ 20% thành phần axit này có tác dụng hiệu quả đối với điều trị sự hình thành khối u trên bề mặt da.
- Thuốc tránh thai mặc dù được dùng với mục đích đúng theo tên gọi nhưng lại có tác dụng đồng thời trong vấn đề cải thiện tình trạng mụn hình thành bởi cân bằng hàm lượng và ổn định nội tiết tố trong cơ thể các chị em phụ nữ.
Một số liệu pháp khác
Bên cạnh việc sử dụng các loại thuốc kết hợp thì bác sĩ có thể sử dụng thêm một só liệu pháp khác nhằm loại bỏ triệt để nhân của các khối u và chất bã nhờn hình thành trên da như:
- Sử dụng liệu pháp ánh sáng của tia laser và quang đông là kỹ thuật đã được nghiên cứu và đem lại nhiều thành công nhất định.
- Sử dụng các công cụ làm sạch đặc biệt để loại bỏ hoàn toàn các vết tích còn sót sau khi bôi thuốc cũng được xem là một cách điều trị hiệu quả hiện nay.
- Tiêm Steroid trực tiếp tại vị trí hạch, nang hình thành để làm mỏng da cục bộ, cải thiện nhanh chóng các tổn thương và giảm đau nhức do các vấn đề bệnh lý gây ra.
Ngoài ra, để nhanh chóng cải thiện tình trạng viêm nhiễm, tổn thương trên bề mặt da, bạn cần chú ý đến khâu vệ sinh và chăm sóc sức khỏe da cũng như cơ thể mỗi ngày. Bạn cũng phải nhớ rằng không được chà xát mạnh, cạy, nặn ở vị trí mụn mọc, hạn chế sử dụng các loại mỹ phẩm, đặc biệt là dạng kem nhiều dầu vì có thể gây kích ứng và dẫn đến tình trạng lây lan sang vị trí lân cận.
Trên đây là những chia sẻ về mụn. Hy vọng bài viết sẽ đem lại nhiều thông tin hữu ích cho bạn đọc.